Phản biện của TS Nguyễn Thành Sơn về TKV
Vào ngày 28 tháng Ba vừa qua trong cuộc tọa đàm “Thiên nhiên và con người” do Pan Nature tổ chức TS Nguyễn Thanh Sơn, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án than đồng bằng Sông Hồng của Than khoáng sản (TKV) cho rằng khai thác bauxite tại Tân Rai do TKV đang thực hiện sẽ lún sâu vào lỗ lã và TKV đã bị sập bẫy của nhà thầu Trung Quốc. Tuy nhiên Bộ Công Thương, đơn vị chủ quản của TKV lại phản bác điều này. Mặc Lâm phỏng vấn TS Nguyễn Thanh Sơn để làm rõ vấn đề.
Mặc Lâm: Thưa TS hôm nay Bộ Công thương vừa cho báo chí biết là vào tháng 4 năm 2014 thì giá bán Alumina trên thế giới đã bước vào chu kỳ tăng. Điều này chống lại những gì mà TS nói trong buổi hội thảo vừa qua là TKV sẽ lỗ ít nhất là 37,4 triệu khi sản xuất 660 ngàn tấn Alumina. Xin TS cho biết ý kiến của ông về phản bác này.
TS Nguyễn Thanh Sơn: Chu kỳ nó có thể tăng nhưng giá bán nhôm thì nó không tăng. Giá bán nhôm từ 2012 tới năm 2014 thì lại giảm. Thông tin giá bán Alumina thì tôi không biết nhưng giá bán nhôm kim loại trên thị trường London từ 2012 đến nay lại giảm chứ không phải là tăng. Giá nếu tăng được như hiện nay thì vẫn cứ lỗ. Số đấy là con số tính theo TKV chứ không phải số của thị trường. Quan trọng nhất là giá thành, chi phí sản xuất. Cái giá này thì nói theo giá bán của TKV, kế hoạch của TKV chứ không phải là số của ai cả
Cái 660 nghìn đấy là bán với điều kiện giá bán được như dự kiến của TKV. Hạch toán đúng, hạch toán đủ thì chắc chắn là sẽ lỗ khoảng 37 triệu. Thế còn sản xuất mà không được 660 ngàn tấn thì còn lỗ nữa.
Công suất của Tân Rai TKV yêu cầu là 650 nghìn tấn/năm nhưng thực tế bây giờ chỉ có 630 nghìn tấn và thậm chí TKV chưa cân đối công suất 630 ngàn tấn ấy vào trong kế hoạch của mình.TS Nguyễn Thanh Sơn
Mặc Lâm: Trong cuộc tọa đàm do Pan Nature tổ chức thì TS có nói là TKV đã mắc bẫy nhà thầu Trung Quốc, xin ông cho biết cụ thể hơn mắc bẫy là như thế nào ạ.
TS Nguyễn Thanh Sơn: Mắc bẫy thì thường là trong đấu thầu người ta đưa ra những con số rất là đẹp để cho người ta dễ thắng thầu, dễ được chọn thầu thế nhưng con số thực tế của người ta thì lại khác xa. Nói ví dụ như công suất, công suất của Tân Rai TKV yêu cầu là 650 nghìn tấn/năm nhưng thực tế bây giờ chỉ có 630 nghìn tấn và thậm chí TKV chưa cân đối công suất 630 ngàn tấn ấy vào trong kế hoạch của mình. Công suất thực tế thấp hơn rất nhiều so với hồ sơ dự thầu của người ta đấy là một cái bẫy rất lớn.
Hai nữa là một chỉ tiêu khác như tiêu hao nhiệt. Tiêu hao nhiệt người ta khai trong ấy rất thấp nhưng thực tế bây giờ lại rất cao, thậm chí cao ở cái mức bình quân của Trung Quốc là 17 Gig một tấn Alumina, như vậy là cao hơn mức bình quân của thế giới 3 tới 4 Meg và tính ra thiệt hại hàng trăm triệu tiêu hao nhiệt.
Lúc người ta đấu thầu, trong hồ sơ dự thầu người ta khai rất đẹp, người ta cam kết con số rất hay thế nhưng trên thực tế thì nó không đạt được như vậy. Như vậy cho thấy lúc chấm thầu, lúc xét thầu đã bỏ qua những sai lệch của người ta. Thường trong xét thầu phải làm rõ những sai lệch ấy. Phải trừ điểm hoặc phải cộng giá vào để so sánh.
Mặc Lâm: Thưa TS ông là một thành viên lãnh đạo của TKV trước đây và từng có rất nhiều bài viết quan tâm đến vấn đề Bauxite. Ông có nghĩ là một cuộc đối chất công khai với Bộ Công thương sẽ hữu ích đối với vấn đề minh bạch tất cả những gì mà TKV đang làm hay không?
TS Nguyễn Thanh Sơn: Về phần tôi thì tôi sẵn sàng và tôi tin ngoài tôi ra thì có nhiều người nữa cùng tham gia, cùng nêu ý kiến phản biện với Bộ Công thương, Chỉ sợ rằng Bộ Công thương không dám minh bạch không dám công khai tất cả mọi chuyện.
Một việc nhỏ mà Bộ Công thương vẫn không dám công khai tức là chi phí sản xuất hạch toán của dự án Tân Rai. Cho đến nay hạch toán như thế nào cũng không dám công khai. Đấy là ẩn số rất quan trọng: cái chi phí sản xuất. Lỗ là bằng chi phí trừ đi giá bán.
Không những tôi mà rất nhiều anh em cán bộ khoa học kỹ thuật sẽ có ý kiến phản biện nếu Bộ Công thương dám lật bài ngửa.
Mặc Lâm: Thưa TS theo chúng tôi biết thì dự án Bauxite đã được Bộ chính trị nhất trí và chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo thực hiện dự án này. Có bao giờ TS trực tiếp trình bày những lổ hổng của dự án Tân Rai cũng như Nhân Cơ cho Thủ tướng chính phủ hay chưa ạ, kể cả bằng thư hay kiến nghị?
TS Nguyễn Thanh Sơn: Thường trong các hội thảo thì tôi đều công khai hết và đều được đăng tải trên báo chí và những ai hỏi thì tôi sẽ trả lời thôi.
-Vâng nhưng thưa TS, Thủ tướng không thể theo dõi tất cả mọi cuộc hội thảo cũng như các bài báo mà TS phản biện vì công việc rất bộn bề, đó là chưa kể người ta cố tình dấu đi những thông tin ấy. Ông có nghĩ đã đến lúc ông cần trực tiếp cho Thủ tướng biết những gì đang xảy ra tại TKV và cụ thể là dự án Tân Rai hay không?
Sau khi đưa dự án Tân Rai vào hoạt động hơn môt năm nay rồi mà quyết toán vẫn chưa quyết toán, khấu hao vẫn chưa khấu hao tức là vẫn treo những chi phí rất vô lý ở đấy cho nên mới tạo ra cái lãi giả mà thực chất là lỗ thậtTS Nguyễn Thanh Sơn
TS Nguyễn Thanh Sơn: Tôi nghĩ cũng có lẽ đến lúc phải báo cáo trực tiếp để Thủ tướng nghe cho nó khách quan. Bây giờ TKV đang dấu rất nhiều vấn đề. Nói ví dụ như sau khi đưa dự án Tân Rai vào hoạt động hơn môt năm nay rồi mà quyết toán vẫn chưa quyết toán, khấu hao vẫn chưa khấu hao tức là vẫn treo những chi phí rất vô lý ở đấy cho nên mới tạo ra cái lãi giả mà thực chất là lỗ thật, mà Thủ tướng thì nên biết sự thật.
Chứ còn họ nói “sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó” bằng cách bán với cái giá bèo như thế thì làm gì chẳng “sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó”? Vấn đề là có lãi hay không, hạch toán có đủ hay không? Việc ấy thì chắc Thủ tướng không biết, không để ý. Theo tôi thì nên có những cuộc hội thảo để các nhà khoa học nói cho nó hết mọi lẽ để Thủ tướng có được đầy đủ thông tin đa chiều.
Mặc Lâm: Xin TS một câu hỏi cuối, theo kinh nghiệm mà ông đã từng góp phần điều hành TKV nếu theo đà này thì hậu quả mà ông thấy gần nhất sẽ mang tới cho đơn vị này là gì?
TS Nguyễn Thanh Sơn: Theo dự kiến của tôi thì bản thân Tân Rai này sẽ gây ảnh hưởng tới TKV mà TKV thì sẽ gây ảnh hưởng đến ngành than, mà ngành than là công nghiệp lâu năm của Quảng Ninh bây giờ đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu TKV cứ lún sâu vào hai dự án Tân Rai này thì sẽ khó gỡ, ngành than sẽ sớm đóng cửa hơn thôi.
Ngành than đang đi xuống bây giờ cộng thêm hai cái Alumina của Tân Rai và Nhân Cơ nữa thì chắc là rất khó phát triển nếu không muốn nói là đóng cửa sớm. Đấy là điều mà từ trước tới nay chúng tôi lo lắng. Lo cho ngành than là chính chứ còn Bauxite thì đến một chừng mực nào đấy thì có thể đóng cửa nhưng mà nếu kéo dài tình trạng này thì ngành than không thể gánh nỗi. Cách hạch toán của TKV hiện nay là đang lấy than bù lỗ cho Bauxite
Mặc Lâm: Xin cảm ơn ông.
No comments:
Post a Comment