Những sự vô lý cứ hiển nhiên tồn tại khiến người ta không thể không đặt câu hỏi: Vậy ý đồ thực sự của Trung Quốc trong những dự án này là gì? Phải chăng đây chỉ là món quà “đáp lễ” trá hình mà Campuchia trả cho Trung Quốc? 
Rovieng đã từng là một bãi chiến trường. Hiện nay, dưới lòng đất của vùng này vẫn còn khá nhiều bom và mìn từ thời chiến tranh chống Khơme đỏ còn sót lại nhưng cùng với đó là một thứ mà các nhà đầu tư Trung Quốc rất thích: Quặng sắt. Khoảng 12 tỷ USD đã được đổ vào đây.
Những chiếc xe tải chở quặng đang được phủ bạt chờ dự án ở Rovieng
Kế hoạch của Trung Quốc là xây dựng một nhà máy thép và một cảng biển được nối liền với tuyến đường sắt dài 400 km mà các công nhân nước này đang xây dựng trên đất Campuchia. Tuy nhiên, những dự án này đang bị các nhà môi trường phản đối kịch liệt và nhiều người đã gọi Rovieng là ví dụ điển hình cho “chủ nghĩa bành trướng” của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á.
Không chỉ tại Campuchia, một dự án đường sắt trị giá 7 tỷ USD cũng chuẩn bị được khai trương tại Lào nối liền với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc với vùng Đông Bắc Thái Lan. Tại Myanmar, Trung Quốc cũng chuẩn bị kết thúc dự án xây dựng đường ống đôi dẫn dầu và khí đốt tự nhiên từ vùng Vịnh Bengal về Vân Nam.
Cũng cần lưu ý, tổng số vốn của dự án nhà máy thép, cảng biển và đường sắt mà Trung Quốc đang chuẩn bị triển khai đã gần tương đương với mức GDP 12,9 tỷ USD mỗi năm của Campuchia.
Theo chính vị giám đốc dự án người Trung Quốc đang ở Campuchia, hàm lượng sắt trong quặng ở Rovieng đạt tới 65% - một mức rất cao so với trung bình chỉ 30-40%. Theo luật Campuchia, quặng không được phép xuất khẩu nên Trung Quốc phải xây dựng một nhà máy thép ở đó nhưng công suất của nhà máy này là bao nhiêu và sau khi được xuất xưởng chúng sẽ “chảy” về đâu vẫn là một điều bí ẩn.
Chưa hết, dự án này vẫn còn khá nhiều những câu hỏi chưa có ai trả lời. Trong lễ ký kết, người ta chỉ thấy có ông Tram Iv Tek, Bộ trưởng Giao thông vận tải Campuchia tham dự và như chính ông thừa nhận, ông gần như không biết gì về dự án này. “Có rất nhiều thứ đang diễn ra ở đây bằng tiền của Trung Quốc nhưng tôi không nghĩ đường sắt là một trong những dự án đó”, Daniel Mitchell, một người Mỹ đang quản lý hãng đầu tư SRP International ở thủ đô PhnomPenh nói.
Các chuyên gia về khai khoáng nghi ngờ rằng liệu nguồn khoáng sản ở phía Bắc Campuchia có đủ để trang trải các chi phí khổng lồ của dự án này hay không còn các chuyên gia về giao thông vận tải lại thắc mắc: Vì sao tuyến đường sắt mà Trung Quốc xây dựng lại không nối với hệ thống đường sắt của Campuchia – tuyến đường vừa được nâng cấp hết 141,6 triệu USD và càng khó hiểu hơn là vì sao tuyến đường sắt Trung Quốc này không hề kết nối với bất kỳ cảng nào của đất nước Chùa Tháp? Những sự vô lý cứ hiển nhiên tồn tại và khiến người ta không thể không đặt câu hỏi: Vậy ý đồ thực sự của Trung Quốc trong dự án này là gì? Phải chăng đây chỉ là món quà “đáp lễ” trá hình mà Campuchia trả cho Trung Quốc sau những khoản đầu tư khổng lồ suốt nhiều năm qua?
Kể từ năm 1994 đến nay, Trung Quốc đã rót khoảng 9,1 tỷ USD vốn đầu tư vào Campuchia trong đó riêng năm 2011 con số đã đạt mức 1,2 tỷ USD – cao gấp 8 lần so với tổng vốn đầu tư của Mỹ đồng thời Trung Quốc cũng là nhà tài trợ lớn nhất cho quốc gia này.
Bước đầu, những đồng nhân dân tệ đã phát huy tác dụng. Năm ngoái, cả 2 Hội nghị thượng đỉnh của khu vực đã đổ vỡ và đẩy ASEAN vào cảnh chia rẽ sâu sắc khi Campuchia kiên quyết không đưa vấn đề rất nóng là Biển Đông vào bàn nghị sự - hành động được cho là để làm hài lòng Trung Quốc, nước vẫn phản đối việc quốc tế hóa vấn đề này.
Đây cũng chính là một “quả đắng” đối với Mỹ. “Với các nhà chiến lược Mỹ, cho dù Trung Quốc có ‘thâu tóm’ được bất cứ quốc gia Đông Nam Á nào thì lợi ích của Mỹ cũng bị thiệt hại nặng nề. Đó là cái giá mà họ phải trả cho việc lơ là, mất cảnh giác với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Khi Trung Quốc thiết lập được sự ảnh hưởng chính trị ở Đông Nam Á, Mỹ sẽ phải căng mình ra đối phó với họ ở rất nhiều hướng tấn công khác nhau”, học giả Carlyle Thayer, một chuyên gia về an ninh Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Học viện quốc phòng Australia khẳng định.
Trở lại với nhà máy sắt thép ở Rovieng. Mặc dù cái tên của nó là Nhà máy Sắt – Thép Campuchia nhưng toàn bộ ban lãnh đạo và nhân công của nó đều là người Trung Quốc. Nhân viên mang quốc tịch Campuchia duy nhất ở đó là một người làm vệ sinh.
Còn chuyện lạ nữa. Ngày 15/7 năm ngoái, các quan chức của Bộ Điện lực và Viễn thông Campuchia đã bị triệu tập đến Bộ Giao thông và các công trình công cộng để… chỉ cho đại diện của nhà máy sắt thép Campuchia nơi chôn các tuyến cáp quang và cáp điện với lý do là để việc xây dựng đường sắt không làm đứt các tuyến cáp này.
Tại Myanmar, kể từ tháng 3/2011, một chính phủ bán dân sự đã được thành lập để thay cho chính quyền quân sự trước kia thì những làn sóng phản đối các dự án của Trung Quốc đã nổi lên dữ dội đến mức Li Junhua – đại sứ Trung Quốc tại Myanmar đã phải đứng ra hứa sẽ yêu cầu sự minh bạch cao hơn từ phía các doanh nghiệp Trung Quốc đang làm ăn tại nước này.
Trong khi đó ở Campuchia, gần như không một ai dám lên tiếng “thắc mắc” về những dự án của Trung Quốc. Dù là dự án đầu tư kinh tế thông thường nhưng không hiểu sao chúng đều được quân đội hoặc cảnh sát quân sự canh gác vô cùng cẩn thận, thậm chí công nhân người Trung Quốc làm việc ở đó còn được mặc quân phục.
Lê Trí