Trung Quốc: Ngân hàng thế giới tương lai ?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đại diện các bên tham gia dự án ngân hàng AIIB tại Đại Lễ đường. Ảnh chụp vào tháng 10/2014.REUTERS/Takaki Yajima
Pháp, Đức, Ý nối gót Anh quốc, quyết định tham gia vào dự án thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng AIIB do Trung Quốc chủ xướng. Phụ trang kinh tế của Le Monde chạy tựa : "Trung Quốc lôi kéo các nước Châu Âu vào Ngân hàng của mình".
Với quan điểm thực dụng, cả ba nước Pháp, Đức và Ý, cho rằng "tốt nhất nên tham gia làm thành viên sáng lập ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á AIIB (Asian Infrastructure Investment Bank) như ý muốn của Trung Quốc để có thể gây áp lực trên hiệp ước hình thành định chế mới hơn là cứ phải lo hoài nghi ".
Nhưng thông báo trên của ba nền kinh tế đầu tàu trong Liên Hiệp Châu Âu và của Anh quốc đã làm cho Hoa Kỳ tức giận. Theo nhận định của Le Monde, dự án này cho thấy ý định của Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc là một nước lớn và Bắc Kinh mốn cả thế giới phải công nhận điều đó. Một quan điểm cũng được Le Figaro đồng chia sẻ qua bài phân tích "Trung Quốc tự xem mình như là ngân hàng thế giới tương lai" của tác giả Fabrice Nodé-Langlois.
AIIB : công cụ để Trung Quốc phô trương ảnh hưởng
Câu hỏi đặt ra: "Vậy thì AIIB có điều gì làm cho Hoa Kỳ phải lo lắng?". "Trung Quốc theo đuổi những mục tiêu gì khi lôi kéo thêm các nước phương Tây?". Bài viết nhắc lại ý tưởng này đã được ông Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013 nhân chuyến công du Indonesia. Theo đó, trong thời gian đầu, ngân hàng này sẽ được cấp một nguồn vốn 50 tỷ đô-la, cho việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như xây cầu đường, hệ thống đường sắt, mạng lưới điện và điện thoại tại Châu Á.
Ngay trong buổi khai trương hồi tháng 10/2014, AIIB đã thu hút khoảng 20 nước tham gia. Đó là những quốc gia lân bang với Trung Quốc và cũng là những nước có nhu cầu vay tiền của Bắc Kinh như Cam Bốt, Lào, Việt Nam, Malaysia, Miến Điện hay Philippines. AIIB còn lôi kéo được các nước giàu có như Kazakhstan hay các nước dầu hỏa vùng Vịnh như Oman và Qatar.
Đối với ông Tập Cận Bình, AIIB sẽ là một công cụ phục vụ cho "sự hội nhập kinh tế khu vực". Tác giả bài viết nhận định : Một sự hội nhập sẽ được hình thành và cần phải được thực hiện dưới tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.
AIIB của Trung Quốc sẽ được kết nối với dự án Ngân hàng khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), với "con đường tơ lụa mới" được triển khai sang Trung Á và "con đường tơ lụa hàng hải thế kỷ XXI" trong tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, bài phân tích cho rằng tất cả những điều đó không đánh lừa được Hoa Kỳ. Washington đưa ra các luận điểm đạo đức : Liệu các dự án do AIIB tài trợ có tôn trọng các chuẩn mực xã hội, sự minh bạch, nhân quyền và môi trường hay không? Châu Âu biện giải rằng chỉ có tham gia vào dự án mới có thể bảo đảm là những giá trị nói trên sẽ được tôn trọng.
AIIB, đối thủ cạnh tranh của WB và ADB
Thế nhưng, trên thực tế, Washington xem AIIB như là một đối thủ cạnh tranh tiềm tàng của Ngân hàng Thế giới, (WB) gần như bị xem là dưới sự điều phối của Hoa Kỳ. Tương tự, Tokyo cũng có cùng chung mối bận tâm như Hoa Kỳ cho Ngân hàng Phát triển Á châu mà Nhật Bản điều hành liên tục từ nửa thế kỷ nay.
Theo bài viết, trên bình diện quốc tế, một cuộc tranh giành ảnh hưởng hấp dẫn đang diễn ra, mà vũ khí tối tân là sức mạnh tài chính. Bị xem như là xưởng gia công lớn nhất hành tinh trong nhiều thập niên qua, nay Trung Quốc đang chuẩn bị một cách rất có phương pháp cho vai trò tiếp theo của mình: trở thành ông chủ nợ của thế giới. Với 4000 tỷ ngoại tệ dự trữ trong tay, có thể nói Trung Quốc có thừa sức để thực hiện tham vọng đó.
Úc và Hàn Quốc, các đồng minh khác của Hoa Kỳ cũng đã vội vã lên chiếc thuyền AIIB cùng với hai trung tâm tài chính lớn của Châu Âu như Luxembourg và Thụy Sĩ. Trong con mắt thực dụng, Châu Âu xem dự án này như là một phương tiện bổ sung để tiếp cận các thị trường Châu Á. Chính trong mục tiêu đó mà Châu Âu cũng không muốn bị gạt ra ngoài cuộc chơi.
Tấn công khủng bố tại Tunisia
Hôm qua (18/03/2015), một nhóm thánh chiến đã tấn công khủng bố vào Bảo tàng Bardo, tại thủ đô Tunis, làm 19 người thiệt mạng, trong đó 17 du khách từ nhiều quốc gia và 48 người khác bị thương. Vụ việc được các báo Pháp đồng loạt đưa lên trang nhất.
"Đến lượt Tunisia bị tấn công", tít lớn trên Le Figaro và La Croix. Báo Le Parisien cho rằng: "Nền dân chủ bị tấn công". L'Humanité giận dữ chạy tít: "Quân thánh chiến giết người chống lại cách mạng Hoa Lài". Libération nhận định: "Tunisia trở thành con tin".
Bài xã luận của Libération cho rằng "Tunisia là trường hợp duy nhất cho thấy có sự sống trên hành tinh đấng tối cao Allah. Rằng nền dân chủ vẫn có thể có và trên bình diện văn hóa vẫn có thể tương thích với tính chất Ả Rập. Tunis là trái tim thật sự của thế giới Ả rập. Chính ngay lòng trái tim đó mà quân thánh chiến đã đánh thẳng vào ngày hôm qua.
Một vụ khủng bố ngay một địa điểm văn hóa -bảo tàng Bardo-cướp đi sinh mạng của nhiều du khách (nguồn thu kinh tế chính của đất nước), nằm cạnh Nghị viện (địa điểm của nền dân chủ mong manh) nơi lẽ ra phải thông qua những đạo luật chống khủng bố. Đó là một vụ tấn công của những tay bắn tỉa. Bởi vì, chúng nhắm thẳng vào nền kinh tế, vào nền dân chủ và cả một quốc gia".
Le Figaro : Hãy bảo vệ mô hình dân chủ non trẻ Tunisia
Le Figaro có cùng quan điểm. Trong bài xã luận "Một mô hình cần được bảo vệ", nhật báo cánh hữu bình luận: « Vụ tàn sát này (...) nhắm thẳng cùng lúc vào người dân Tunisia và người nước ngoài, vào một cơ sở văn hóa và dân chủ, vào kinh tế và hòa bình. Một cú đánh khủng khiếp nhắm thẳng vào quốc gia Ả Rập duy nhất mà phong trào dân chủ năm 2011 đã thành công. Tunisia đã thông qua Hiến pháp mới và thiết lập chính quyền liên minh thế tục, sau thất bại của phe Hồi giáo cực đoan tự cho là "cấp tiến" d'Ennahda.
Tunisia thật sự đã đứng vào hàng ngũ phe dung hòa và hòa bình (...) Chúng ta cần phải giúp họ bảo vệ mô hình đó. Đó là một mô hình đang bị những kẻ bảo thủ cực đoan và lỗi thời đe dọa. Nhìn dưới góc độ đó, du lịch, rường cột của nền kinh tế, góp phần đáng kể cho nền dân chủ. Ủng hộ Tunisia trên phương diện an ninh không cũng chưa đủ nếu như Tunisia lún sâu vào nỗi sợ hãi ».
Nhật báo Cộng sản L’Humanité bồi thêm : "Không có gì là nghiêm trọng hơn bằng việc bỏ rơi dân tộc Tunisia, để mặc họ phải đối mặt với những tên tội phạm, những kẻ ai cũng biết là đã tàn phá bảo tàng Mossoul tại Irak. Đương nhiên là Tunisia không cần một cuộc phiêu lưu quân sự, mà là một sự hợp tác về kinh tế. Nền dân chủ xứng đáng được điều đó".
Israel: Netanyahu tái đắc cử, một vố đau cho Obama?
Một chủ đề quốc tế khác chiếm nhiều trang báo Pháp là sự kiện Thủ tướng mãn nhiệm Israel, ông Benjamin Netanyahu tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4, trong cuộc bầu cử quốc hội hôm 17/03/2015. Nhật báo kinh tế Les Echos thông báo: "Israel theo phe hữu với thắng lợi lớn của Netanyahu". Lãnh tụ đảng cánh hữu Likud đã thu được 30 ghế trong quốc hội so với 24 ghế của đối thủ công đảng.
Tờ báo trích bình luận của chính trị gia Claude Klein, cho rằng: "Netanyahu đã tận dụng sắc thái sợ hãi của người dân để giành thắng lợi. Để làm cho họ run sợ ông không ngần ngại đề cập đến mối đe dọa lá phiếu của đông đảo cử tri Ả Rập tại Israel. Một cuộc chạy đua chủ nghĩa dân tộc đã cho phép đảng Likud thu phục được các cử tri của đảng theo chủ nghĩa Do Thái tôn giáo, 'Mái ấm Do Thái'. Điều này cho thấy xã hội Israel có vẻ theo phe hữu hơn như ta tưởng".
Phân tích về thất bại của liên minh trung tả, Libération cho rằng bản thân cái tên của liên minh trung tả có thể đã gây ra vấn đề cho các cử tri tiềm tàng. Nhật báo cũng cho biết thêm là đảng "Hợp nhất, những đảng người Ả Rập tạo thành một đảng chính trị thứ ba" trên chính trường Israel.
Netanyahu tái đắc cử : thất bại chính trị và chiến lược của Tổng thống Mỹ
Về phần mình, Le Figaro ngoài nhận định "Netanyahu còn mạnh hơn bao giờ hết" thấy rằng thắng lợi của thủ tướng mãn nhiệm là "Một cái tát chính trị và một bài toán hóc búa cho Barack Obama".
Tờ báo nhắc lại cách đây hai tuần trước Quốc hội Hoa Kỳ, ông Netanyahu đã không ngần ngại chỉ trích gay gắt Tổng thống Mỹ là một người "ngây thơ" và "cơ hội", sẵn sàng đàm phán với Iran để đạt được một "thỏa thuận tồi và nguy hiểm" cho an ninh của Israel.
Lời chỉ trích đã làm ông Obama tức giận và hy vọng thông qua bầu cử có thể gạt bỏ được Netanyahu. Như vậy, thắng lợi rõ ràng của Thủ tướng mãn nhiệm Israel quả là một vố đau về chính trị và chiến lược, nếu không nói là "quá đắng" đối với Tổng thống Mỹ theo như bình luận của tờ Wall Street Journal được Le Figaro trích dẫn lại.
Theo nhận định của Martin Indyk, một trong những cựu cố vấn cho Tổng thống về khu vực, việc ông Netanyahu tái đắc cử sẽ làm phức tạp thêm chính sách đối với Iran của ông Obama, và nhất là cho việc tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình cho Palestine.
Theo nhận định của Martin Indyk, một trong những cựu cố vấn cho Tổng thống về khu vực, việc ông Netanyahu tái đắc cử sẽ làm phức tạp thêm chính sách đối với Iran của ông Obama, và nhất là cho việc tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình cho Palestine.
Thủ tướng Israel đã trở mặt vào phút chót khi tuyên bố rằng ông sẽ không chấp nhận có Nhà nước Palestine, trong khi từ trước đến giờ ông vẫn luôn khẳng định ủng hộ dự án do Washington đề xướng. Như vậy là "Chiến thắng của Netanyahu dập tắt niềm hy vọng một nhà nước Palestine", theo như nhận định của hai nhật báo Le Monde và La Croix.
Nhà Trắng cũng bày tỏ những quan ngại của mình ngày hôm qua do việc có những bài diễn văn đang tìm cách "gây chia rẽ và gạt những công dân Ả Rập Israel ra bên lề xã hội". Những tháng ngày nỗ lực qua lại giữa Israel, Palestine và các quốc gia Ả Rập của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, nhằm đi đến một nền hòa bình dựa trên nguyên tắc hai nhà nước, coi như tan thành mây khói.
Nhà Trắng cũng như Bruxelles đã lên tiếng cho biết vẫn ủng hộ giải pháp một lãnh thổ hai nhà nước tại vùng Cận Đông này.
Các chủ đề khác
« Nam hay Nữ : giới tính cần chọn », là bài phân tích trên Libération. Thông tín viên nhật báo tại New York cho biết là thành phố rất có thể cho phép công dân tự do chọn giới tính đăng ký trong giấy khai sinh, mà không bắt buộc phải thay đổi hình thức.
Về hồ sơ nợ Hy Lạp, La Croix lưu ý « Berlin từ chối trả bồi thường chiến tranh cho Athens ». Chính phủ Đức từ chối mở tranh luận về các trách nhiệm quá khứ lịch sử. Đồng thời, Berlin khẳng định vấn đề này đã được giải quyết từ lâu thông qua rất nhiều thỏa thuận được ký kết vào các năm 1953, 1960 và 1990.
« Indonesia : Úc tìm cách tránh các vụ hành quyết », Le Monde quan tâm tới số phận của hai công dân Úc bị kết án tử hình lộ rõ căng thẳng giữa Canberra và Jakarta. Tờ báo dẫn lời Ngoại trưởng Julie Bishop cho biết người dân Úc rất có thể tẩy chay Bali trong các kỳ nghỉ của họ.
Le Monde trên mục « Con mắt thế giới » có bài viết báo động « Hiểm họa chết người bên dòng Lưỡng Hà cổ đại ». Nhiều kho báu khảo cổ tại Irak và Syria đã bị đánh cắp, bị tàn phá. Nhưng tổ chức Nhà nước Hồi giáo không phải là thủ phạm duy nhất của tội ác văn hóa đang đe dọa đến một trong những cái nôi văn minh của nhân loại.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment