Trung Quốc : Lý Khắc Cường bị đè dưới bóng Tập Cận Bình
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) nói chuyên với Thủ tướng Lý Khắc Cường sau lễ bế mạc khóa họp Quốc hội Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 15/03/2015.REUTERS/Kim Kyung-Hoon
Các báo Pháp hôm nay dành nhiều sự chú ý đến khu vực Trung Cận Đông bởi các sự kiện như bầu cử Quốc hội Israel hôm nay và sự chuyển hướng đột ngột của Washington trong đối sách với Syria. Liên quan đến châu Á báo Le Monde chú ý đến Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường qua cuộc họp báo hôm Chủ nhật 15/3, khi kết thúc phiên họp Quốc hội Trung Quốc.
Le Monde rút tít bài báo : Một vị Thủ tướng Trung Quốc trong bóng của Tập Cận Bình. Tác giả bài báo, thông tín viên le Monde tại Bắc Kinh Brice Pedroletti quan sát thấy trong cuộc họp báo công khai đó, các hãng truyền thông nước ngoài được chọn trước và phải họ phải đưa câu hỏi trước. Nếu như người tiền nhiệm Ôn Gia Bảo vốn hay dùng diễn đàn như vậy để trình bày các chủ đề gọi là « nóng », thì ông Lý Khắc Cường xuất hiện trong cuộc họp báo vừa rồi có vẻ thận trọng chứ không phải là một ông Thủ tướng quan tâm đến tạo dấu ấn riêng.
Tác giả nhận xét, điều này « phản ánh chức vụ của ông bị cái bóng của Tập Cận Bình che khuất ». Nguyên do, theo tác giả là vì Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc đã củng cố quyền lực một cách ngoạn mục khiến cho các đặc quyền của lãnh đạo chính phủ bị cắt bớt đi nhiều. Ông Tập cận Bình là người chủ trì các « ban chỉ đạo » được lập ra để đặt lên trên các cấp chính quyền hiện có. Bản thân khóa họp đầu xuân này của Quốc hội cũng chỉ đưa ra những tranh luận hạn chế, bởi thành phần của cơ quan được gọi là quyền lực cao nhất này chủ yếu xuất thân từ bộ máy đảng hoặc những thành phần ưu tú có hợp tác chặt chẽ với đảng.
Trở lại với cuộc họp báo tại Bắc Kinh. Tác giả Pedroletti đánh giá nội dung các phát biểu của Thủ tướng Lý Khắc Cường là chung chung, không có gì đặc biệt, vẫn xoay quanh các mục tiêu thực thi hàng loạt cải cách để đem lại hiệu quả kinh tế, trong lúc mà cả trong và ngoài đảng lúc này đều đang có những tiếng nói nghịch nhĩ với đường lối của đảng.
Nói tóm lại đường lối của chính phủ dựa trên nguyên tắc « lãnh đạo bằng luật pháp ». Theo tác giả, khái niệm này khác xa với « Nhà nước Pháp quyền » theo kiểu phương Tây và nó ẩn chứa phạm vi rộng lớn trong việc sử dụng luật pháp phục vụ một đảng duy nhất.
« Nhiệm vụ ưu tiên của ông Tập Cận Bình, hơn bao giờ hết là « cứu » đảng trước các nguy cơ từ bên trong là tham nhũng, chia cắt quyền lực và ở bên ngoài là sự trỗi dậy của xã hội dân sự ngày càng sôi động », tác giả bài báo kết luận.
Siêu bão tại Vanuatu : Sự cấp bách phòng chống thiên tai
Tiếp tục với tờ Le Monde. Trở lại sự kiện siêu bão Pam tàn phá gần như sạch trơn quần đảo Vanuatu cách đây ba hôm, tờ báo nhận định : « Tai họa của Vanuatu, tiếng chuông báo động mới về sự rối loạn khí hậu ».
Le Monde ghi nhận một sự trùng hợp rất ấn tượng là tai họa bão Pam đổ vào tàn phá Vanuatu, đúng vào lúc tại Sendai từ ngày 14 đến 18/3 diễn ra hội nghị Liên hiệp quốc về phòng trừ giảm thiểu thiệt hại thiên tai với sự tham dự đại diện của 186 nước trên toàn cầu. Trận thiên tai đổ xuống Vanuatu là một bằng chứng cụ thể cho thấy vấn đề khí hậu và đề phòng thiên tai đang là cấp bách.
Le Monde nhận định : « Với hiện tượng thay đổi khí hậu, tỷ lệ các trận bão nhiệt đới có sức tàn phá lớn nhất sẽ còn tăng. Trận bão lớn vừa đổ vào Vanuatu là một minh chứng cho xu hướng này ».
Tờ báo cũng nhắc lại một vài thống kê của các chuyên gia Liên hiệp quốc : « Những thiệt hại kinh tế do thiên tai giờ đây đã lên đến con số từ 250 đến 300 tỷ đô la mỗi năm. Nước càng nghèo thì thiệt hại càng lớn. Từ năm 1980 đến nay đã có hàng triệu người thiệt mạng vì thiên tai, trong đó 80% nạn nhân ở các nước đang phát triển ».
Crimée : Một năm sau khi sáp nhập vào Nga
Chuyển qua khu vực châu Âu, cùng với nhật báo La Croix trở lại Crimée một năm sau khi bán đảo bị tách ra khỏi Ukraina và bị sáp nhập về Nga. Trong bài phóng sự có tựa đề : « Người dân Crimée bị sáp nhập vẫn lựa chọn Matxcơva » đặc phái viên của La Croix đã đến Simféropol gặp gỡ nhiều người dân.
Có người vẫn coi việc sáp nhập Crimée về Nga là một quyết định phi lý. Như trường hợp của Alexandre, thanh niên người Ukraina sống ở Simféropol cho biết : « Các đây một năm, Matxcơva bảo chúng tôi chiến đấu chống lại bọn phát-xít đến từ Kiev. Tôi không hề thấy kẻ phát-xít nào. Nhưng tôi thấy rất rõ những dân quân Nga hoạt động. Cuộc xâm lược này được dàn dựng ».
Tuy vậy trên thực tế, theo La Croix vẫn có 82% dân Crimée tiếp tục ủng hộ quyết định của Matxcơva . Có người nói nhờ có Matxcơva can thiệp mà năm ngoái họ đã thoát được cảnh nội chiến đẫm máu như đang diễn ra ở vùng miền đông hiện nay. Những người như vậy đều cho rằng việc sáp nhập vào Nga là sự « trở về với đất mẹ ».
Đi vào cuộc sống hàng ngày, đặc phái viên của La Croix nhận thấy cũng đa số người dân Crimée không giấu diếm những khó khăn đang phải đối mặt từ khi trở về với nước Nga. Sau khi Crimée bị sáp nhập vào Nga, Kiev đã cắt đứt mọi mối liên hệ kinh tế với bán đảo, cũng như các tuyến giao thông nối với Crimée.
Kết quả là mọi nguồn cung cấp cho cuộc sống bây giờ đều phụ thuộc vào Nga, trong khi các chuyến tầu từ đó không thể quá cảnh qua Ukraina nữa. Cuộc sống hàng ngày của người dân Crimée trở nên khó khăn, khan hiếm đủ thứ, thế nhưng họ vẫn tin vào chủ nhân của Kremly sẽ làm tất cả cho công cuộc thống nhất này.
Putin đã chuẩn bị kỹ cho vụ sáp nhập Crimée
Vẫn liên quan đến sự kiện Crimée một năm sau ngày sáp nhập. Trên nhật báo Le Monde có bài viết « Putin nói đã khuấy động đe dọa hạt nhân tại Crimée ».
Trong một bộ phim tài liệu dài phát nhân kỷ niệm một năm đưa Crimée về Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã không ngại tiết lộ sự chuẩn bị kỹ càng cho kế hoạch sáp nhập Crimée hồi tháng 3 năm 2014, ông đã quyết định cho triển khai các tên lửa hạt nhân trên bán đảo này để đề phòng mọi khả năng can thiệp của phương Tây.
Trong bộ phim tài liệu dài gần 3 giờ vừa phát trên truyền hình Nga hôm 15/3 vừa qua, Tổng thống Putin khẳng định Nga đã chuẩn bị mọi tình huống có thể xảy ra kể cả giải pháp hạt nhân. Ông nói đã cho triển khai hệ thống tên lửa không giấu diếm gì và phương Tây có thể quan sát thấy từ vệ tinh. Ông khẳng địnnh việc làm này « không xâm phạm vào cái gì hết ».
Tuy nhiên tổng thống Nga nói Kremly không thể biết phương Tây có can thiệp quân sự hay không nhưng ông đã chỉ thị cho lực lượng quân đội Nga hành động trong mọi tình huống và theo các kịch bản khác nhau. Vladimir Putin còn nói rõ là « Sự hiện diện quân sự Nga tại Crimée bao gồm các lực lượng đặc biệt của quân báo, của hải quân, lính dù, tất cả không quá giới hạn 20 nghìn quân, đúng như ấn định trong thỏa thuận ký với Ukraina về việc sử dụng căn cứ Nga trên Biển Đen » và ông Putin nói thêm, như vậy Nga chẳng xâm phạm điều gì cả.
Cũng trong bộ phim tài liệu trên, ông Putin đã giải thích là hành động để tránh không để thảm kịch bạo lực xảy ra đối với Crimée, nơi có đa số dân nói tiếng Nga và can thiệp kịp thời của Nga đã giúp cứu mạng cho cựu tổng thống Ukraina Victor Ianoukovitch, một mệnh lệnh mà Putin đích thân chỉ thị cho lực lượng đặc biệt và bộ Quốc phòng Nga thực hiện.
Cuối cùng Tổng thống Nga khẳng định : « Về mặt chính thức, đối lập Ukraina khi đó do châu Âu hậu thuẫn, nhưng chúng tôi biết bộ não thực sự là người Mỹ. Chính họ đã huấn luyện những phần tử dân tộc cực đoan, trang bị cho các nhóm ở miền tây Ukraina và ở Ba Lan và một số ít ở Litva ». Theo Kremlin, cuộc nổi dậy Ukraina vẫn chỉ là một cuộc đảo chính do Hoa Kỳ xúi giục.
Bắt tay với al-Assad, sự lựa chọn khó xử cho châu Âu
Chuyển sang khu vực Trung Cận Đông, cũng như dư luận chính trị ở châu Âu, báo chí Pháp đang xáo động kể từ sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định trên đài truyền hình Mỹ CBS rằng « cuối cùng thì cũng phải thương lượng với Bachar al Assad » để chấm dứt cuộc chiến kéo dài suốt 4 năm qua tại Syria và để cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo có hiệu quả.
Phát biểu mang tính bước ngoặt trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Syria này ngay lập tức đã gây nhiều phản ứng gay gắt trong chính giới ở châu Âu và nhiều nơi khác. Đặc biệt tại Pháp, cả Thủ tướng và Ngoại trưởng đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ « gợi ý » của Washington.
Le Figaro nhận định "Syria : Kerry khiến các nước châu Âu lúng túng" và nhấn thêm rằng « liên minh với al-Assad chống lại Daech : Sự lựa chọn lưỡng nan mới của phương Tây ».
Ngược với quan điểm của các nhà chính trị, xã luận của Le Figaro cho rằng đúng là Bachar al Assad là một nhà độc tài, chịu trách nhiệm chính của cuộc nội chiến là hơn 200 nghìn người chết và biến đất nước Syria thành đống đổ nát và nhưng « Tổng thống Syria vẫn còn đó, Hoa Kỳ thấy cần phải thương lượng với al Assad để tìm lối thoát cho cuộc tàn sát ; Bước ngoặt này là thực dụng, không có gì liên quan đến đạo đức. Đối lập gọi là ôn hòa của Syria đã bị tan rã trong hỗn loạn, chỉ còn lại chế độ đáng ghét một bên và bên kia là những kẻ thánh chiến còn ghê tởm hơn. Không lựa chọn ai là lập trường của Pháp và một số nước châu Âu, Như vậy chỉ kéo dài thêm nỗi thống khổ cho người Syria »
Xã luận tờ báo nhấn mạnh : « Trước tiên cần phải thắng trong cuộc chiến chống Daech, dù cho đó là có sự hỗ trợ của con quye al –Assad. Có chiến thắng rồi công lý sẽ tới ».
Cùng quan điểm trên, xã luận La Croix viết : « Có thể, ngồi vào đàm phán với Bachar al Assad sẽ bị cho là không có đạo đức; Ông ta (al-Assad) không thể được coi là một đồng minh hay một người đối thoại bình thường. Nhưng tìm kiếm hòa bình là mục tiêu đạo đức còn cao hơn, nếu điều đó giúp chấm dứt nỗi thống khổ của hàng triệu người tỵ nạn và một thảm họa nhân đạo, lớn nhất từ sau Thế chiến thứ 2 – Theo LHQ - thì lập trường của Pháp không chấp nhận Daech cũng như Assad, sẽ là không thực tế, và cũng kém phần trách nhiệm đạo đức ở đó. »
No comments:
Post a Comment