Việt Nam và Úc trên đà tiến tới quan hệ đối tác chiến lược
Giáo sư Carlyle Thayer (T) thuộc Học viện Quốc phòng Úc và Giáo sư Geoffrey Till thuộc Ban Nghiên cứu Quốc phòng trường King's College (Anh Quốc).REUTERS/Kham
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ công du Úc trong hai ngày 17-18/03/2015. Trong một bài phân tích về Quan hệ Úc-Việt Nam, công bố ngày 16/03/2015, Giáo sư Thayer đã ghi nhận là chuyến công du lần này của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt quan trọng vì Kế hoạch Hành động Việt Úc (2010-2013) nhằm cụ thể hóa thỏa thuận đối tác toàn diện ký năm 2009 đã hết hạn cách đây một năm, nhưng chưa được tái tục do lịch trình đối nội và đối ngoại dày đặc của Canberra : Vào tháng 9/2013, Úc thay đổi chính phủ, một năm sau Úc lại tiếp đón Hội nghị Thượng đỉnh G20.
Đối với Giáo sư Thayer « Chuyến thăm của ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ cung cấp thêm năng lượng cho quan hệ song phương. Hai bên sẽ củng cố thêm quan hệ Đối tác Toàn diện và tiến đến việc nâng quan hệ hiện nay lên thành Đối tác Chiến lược trong tương lai. Việc củng cố quan hệ đối tác toàn diện sẽ làm cơ sở cho Kế hoạch Hành động thứ nhì, sẽ phát triển những lãnh vực hợp tác mới, đặt lại trọng tâm ưu tiên cho những năm tới đây ».
Những nét chính trong bang giao Úc-Việt Nam
« Từ năm 2000, quan hệ Úc-Việt Nam đã phát triển đáng kể về bề rộng cũng như về chiều sâu. Hợp tác giữa hai quốc gia thể hiện trong 5 lãnh vực chính : Song phương ; khu vực và quốc tế ; tăng trưởng kinh tế, phát triển công nghiệp và thương mại ; trợ giúp phát triển ; và quan hệ quốc phòng, thực thi luật pháp và an ninh.
Một thí dụ : Trao đổi thương mại hai chiều Úc-Việt Nam tăng từ 32 triệu đô la năm 1990 lên 6 tỷ đô la vào năm 2014. Đầu tư trực tiếp của Úc vào Việt Nam lên 1,65 tỷ vào năm ngoái. Nhìn chung Việt nam là đối tác thương mại của Úc vươn lên nhanh nhất trong tất cả các nước ASEAN.
Sắp tới đây, Úc sẽ cử Bộ trưởng Thương Mại và Đầu Tư sang Việt Nam để thúc đẩy mạnh thêm hợp tác trong các lãnh vực này ».
Tương đồng lợi ích chiến lược
« Úc và Việt Nam đang chia sẻ nhiều lợi ích tương đồng do các thay đổi về môi trường an ninh trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, do thay đổi về trọng lượng trong các cường quốc chủ chốt và sự nổi cộm của các vấn đề an ninh phi truyền thống. Úc và Việt Nam có chung lợi ích liên quan đến tình hình ổn định, an ninh khu vực và tăng trưởng kinh tế lâu dài.
Trong tương lai Úc và Việt Nam sẽ cùng làm việc chặt chẽ hơn nữa trong các định chế đa phương để đối phó với các mối quan ngại trên bình diện khu vực cũng như quốc tế. Điều này bao gồm hợp tác với các cơ chế như Liên Hiệp Quốc, Thượng đỉnh Đông Á, Diễn đàn Họp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương APEC, Hiệp hội ASEAN và nhưng cơ chế của ASEAN như Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, Diễn đàn Hàng hải ASEAN mở rộng.
Quan trọng là Úc và Việt Nam sẽ hợp tác để biến Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á EAS thành một diễn đàn hàng đầu, làm việc với nhau để củng cố nhiệm vụ của cơ chế này để giải quyết các vấn đề chiến lược và an ninh trong khu vực Đông Á.
Úc và Việt Nam sẽ làm việc chung với nhau để thực thi Hiệp định Tự do Mậu dịch ASEAN-Úc-New Zealand, và đúc kết Thỏa thuận Đối Tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương và Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực.
Cả hai nước Úc và Việt Nam cùng chung quyền lợi khi cổ vũ cho việc mở rộng hơn nũa thương mại và đầu tư thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới, APEC, Hội nghị Á Âu, và Nhóm Cairns quy tụ các nước chuyên buôn bán nông sản. Cả hai đã thỏa thuận tăng cường vai trò của lãnh vực tư nhân.
Hai trụ cột chính trong hợp tác song phương là trao đổi các chuyến viếng thăm cấp cao của các quan chức đảng, chính phủ, nghị viện, và các cuộc giao lưu trên quy mô lớn của người dân hai nước. Hiện có 300.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Úc. Trong năm 2015, ước lượng có khoảng 30.000 sinh viên từ Việt Nam qua Úc để được đào tạo tại các học viện, trường học, cao đẳng và đại học.
Trong chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên sẽ ký một thỏa thuận về chế độ kết hợp viếng thăm và lao động « work holiday scheme ».
Một sức bật mới cho quan hệ song phương Úc-Việt Nam
Trong bài phân tích của mình, Giáo sư Thayer khẳng định rằng Úc và Việt Nam đồng quan điểm về những vấn đề tranh chấp tại Biển Đông. Cả hai bên cho rằng những tranh chấp này cần phải được giải quyết một cách hòa bình, các bên liên quan không được quyền sử dụng vũ lực, phải tiến hành đối thoại và tự kiểm chế, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Nhận xét chung về bang giao Úc-Việt Nam, Giáo sư Thayer kết luận :
« Trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác Toàn diện Úc-Việt Nam, quan hệ song phương đã phát triển và mở rộng mạnh mẽ. Úc và Việt Nam ngày càng có nhiều quan điểm giống nhau về các vấn đề chính trị, ngoại giao, kinh tế, phát triểnn, an ninh và quốc phòng.
Chuyến viếng thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tạo một đà mới thúc đẩy hai nước phát triển quan hệ song phương hướng tới Quan hệ Đối tác Toàn diện Tăng cường và thông qua Kế hoạch Hành động thứ nhì để thực hiện thỏa thuận này trong năm nay.
Quan hệ Đối tác Toàn diện Tăng cường Úc-Việt cho thấy sự khôn khéo của Việt Nam trong việc thực hiện từ lâu nay chính sách « đa phương hóa và đa dạng hóa » quan hệ đối ngoại và tích cực chủ động hội nhập quốc tế.
Quan hệ Đối tác Toàn diện Tăng cường cũng nhấn mạnh vai trò của Úc như một cường quốc bậc trung có thể đóng góp một cách xây dựng không chỉ vào sự phát triển kinh tế và an ninh của Việt Nam, mà cả vào vấn đề an ninh và tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Nam Á ».
No comments:
Post a Comment