Sau 20 năm bình thường hóa quan hệ, từ cựu thù thành đối tác toàn diện
Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay Chủ tịch nước Việt NamTrương Tấn Sang tại Phòng Bầu dục Tòa Bạch Ốc, ngày 25/7/2013. Cuối năm nay, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ có chuyến công du tới châu Á và muốn nhân dịp đó để kết thúc việc thương lượng TPP.
26.03.2015
Năm 1995, Tổng thống Mỹ lúc đó là Bill Clinton đã công bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Sau hai thập kỷ hợp tác và phát triển, 2 quốc gia cựu thù đã trở thành đối tác toàn diện. Thương mại 2 chiều giữa 2 nước đã đạt mức 36 tỷ đô la và cả 2 đang đứng trước cơ hội hoàn tất việc gia nhập Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ đã tăng từ 800 vào giữa thập niên 1990 lên 16.500 hiện nay. Hai đại sứ mới được bổ nhiệm tới Washington DC và Hà Nội - là ông Phạm Quang Vinh và Ted Osius, đã tham gia một diễn đàn tổ chức hôm 24/3 tại viện nghiên cứu chiến lược CSIS để bàn luận những gì mà Việt Nam và Mỹ đã đạt được trong 20 năm qua và những gì cần làm để đưa quan hệ giữa 2 nước lên tầm cao mới.
Đại sứ Mỹ mới được bổ nhiệm sang Việt Nam Ted Osius nói trong diễn đàn về Việt Nam sau 20 năm bình thường hóa quan hệ với Mỹ rằng ông ủng hộ ý tưởng “đã đến lúc Việt Nam và Mỹ phải tiến xa hơn quan hệ song phương để hợp tác ở mức khu vực và toàn cầu”.
Ông Osius, người đã nhậm chức đại sứ tại Hà Nội vào tháng 12 vừa qua nói có rất nhiều lĩnh vực mà 2 nước có thể hợp tác và phát triển hơn nữa trong đó có thương mại, quốc phòng, an ninh hàng hải, năng lượng, môi trường, khoa học công nghệ, y tế và giáo dục.
Ông Phạm Quang Vinh, người đã nhậm chức đại sứ Việt Nam tại Washington vào giữa năm ngoái, cũng đồng quan điểm và cho rằng Việt Nam và Mỹ cần hợp tác hơn nữa trong những lĩnh vực này và có thể tăng gấp đôi giá trị thương mại 2 chiều.
"Chúng ta có thể hợp tác hơn nữa trên mức độ khu vực không? Tôi nghĩ rằng có. Chúng ta có thể cùng hợp tác với khối ASEAN vì sự ổn định hòa bình và thịnh vượng trong khu vực. Chúng ta có thể cùng ASEAN đạt được một cấu trúc ASEAN dựa trên luật quốc tế. Chúng ta có thể cùng hợp tác để đạt được an ninh hàng hải và giải quyết những thách thức mà chúng ta cùng đối mặt như biến đổi khí hậu và cứu trợ thiên tai, khủng bố và những vấn đề khác nữa."
Ông Vinh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa 2 nước trong hiệp định TPP. Chính phủ Việt Nam quyết tâm cùng hợp tác với Mỹ và các đối tác khác để sớm kết thúc thương thảo cho hiệp định này, theo đại sứ Vinh cho biết.
Đại sứ Osius cũng ủng hộ việc Mỹ và Việt Nam đi đến ký kết thỏa thuận thương mại quan trọng này – trong đó gói gọn 40% lượng GDP toàn cầu và 1/3 thương mại toàn thế giới. Đại sứ Osius nói Việt Nam sẽ là nước ít phát triển nhất trong khối 12 quốc gia tham gia hiệp định nhưng sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất và ông cũng chắc chắn về khả năng hoàn tất TPP trong năm nay.
"Với ý tưởng đưa quan hệ 2 nước vượt qua mức song phương lên mức khu vực và toàn cầu thì trước tiên là hợp tác thương mại. TPP là một cơ hội rất lớn cho Việt Nam để tiến lên 1 bước trong sự hòa nhập vào nền kinh tế toàn cầu… và sẽ giúp cho mục tiêu tăng gấp đôi giá trị thương mại 2 chiều của chúng ta thành hiện thực."
Ông Osius cho rằng bước đầu tiên để thực hiện mục tiêu này là mở đường bay thẳng giữa 2 nước để mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy hơn nữa trao đổi kinh doanh và cả du lịch. Ông cũng hy vọng với sự hợp tác này Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Hiện nay Mỹ đang là nhà đầu tư lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á. Để hấp dẫn nhiều doanh nhân Mỹ tới Việt Nam hơn, đại sứ Osius cũng kêu gọi Việt Nam đổi mới luật visa.
Cuối năm nay, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ có chuyến công du tới châu Á và muốn nhân dịp đó để kết thúc việc thương lượng TPP. Tuy nhiên hiệp định này đang gặp phải những cản trở từ các thành viên quốc hội khi một số nghị sỹ không đồng nhất về vấn đề quyền lao động và nhân quyền ở Việt Nam.
Nhưng ông Osius, người đã từng làm tham tán phụ trách lao động khi lần đầu tiên đến làm việc tại Việt Nam cách nay 20 năm, cho rằng những lo lắng đó là không thực tế.
"Rất nhiều người ở Washington cho rằng TPP sẽ làm giảm chuẩn mực lao động hay thế này thế kia. Nhưng không phải vậy. Ở một nơi như Việt Nam, những thay đổi đã trở thành hiện thực vì Việt Nam là một thành viên của Hiệp Định Tiêu Chuẩn Thương Mại Cao. Kể từ khi tới đây, tôi đã ấn tượng với sự cam kết hoàn toàn của giới lãnh đạo Việt Nam vào việc thương lượng và thực hiện những yêu cầu để có được TPP."
Tuy nhiên đại sứ Vinh cho rằng việc Quốc hội Mỹ thắc mắc như vậy là có thể hiểu được.
"Đó không chỉ là câu hỏi thắc mắc của quốc hội Mỹ ở đây, mà đó cũng là thắc mắc của quốc hội và người dân Việt Nam. Họ đề nghị chính phủ giải trình rõ xem đây sẽ là một hiệp định TPP tốt hay không."
Ông Osius nói rằng TPP là một cơ hội tốt để Mỹ đem đến những thay đổi trong hệ thống kinh tế và sự sắp xếp lao động mà Việt Nam muốn có. Theo ông việc hoàn tất TPP cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho Việt Nam trong việc đáp ứng những yêu cầu để được công nhận là nền kinh tế thị trường. Việt Nam phải thực hiện 6 yêu cầu nghiêm ngặt theo luật và hiện còn nhiều bước phải tiến hành. Ông Osisus không nói rõ đó là những bước gì.
Hiện Việt Nam đã được trên 30 nước công nhận là nền kinh tế thị trường nhưng chưa được Mỹ công nhận. Ông Vinh nói trong diễn đàn tại CSIS rằng việc hoàn tất gia nhập TPP sẽ gần như giúp Việt Nam đạt được điều này.
Vấn đề nhân quyền vẫn là cản trở lớn nhất trong việc đưa mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ tiến xa hơn. Ông Osius nói đây là vấn đề khó khăn nhất.
"Tôi nghĩ đó là phần khó khăn nhất vì chúng ta không đồng nhất trong mọi vấn đề về nhân quyền. Tôi không cho rằng quan hệ của chúng ta chỉ phát huy đầy đủ tiềm năng khi nào có tiến bộ lớn về nhân quyền. Và tại thời điểm này cả 2 bên đều tập trung vào việc Việt Nam sẽ làm gì để sửa đổi luật dân sự và luật hình sự cho phù hợp với hiến pháp."
Ông Osius cũng cho rằng có nhiều điều trong những bộ luật này không phù hợp với hiến pháp. Nhiều tổ chức nhân quyền và dân sự trong và ngoài nước đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam xóa bỏ điều 79, 88 và 258 của bộ luật hình sự được cho là mơ hồ và được chính phủ dùng để trấn áp tự do ngôn luận và bắt giữ những người bất đồng chính kiến. Chính phủ Mỹ đang làm việc với bộ Tư Pháp Việt Nam về việc sửa đổi những điều luật không phù hợp.
Tuy nhiên ông Osius nói rằng Việt Nam đã thả một số tù nhân trong 18 tháng qua và có nhiều tự do tôn giáo hơn trước đây.
Trong khi đó đại sứ Vinh kêu gọi Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương vì ông cho rằng 2 nước sẽ hợp tác được nhiều hơn nữa trong cả xây dựng năng lực lẫn chuyển giao công nghệ và xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Ông Vinh cho rằng năm nay sẽ là dấu mốc lịch sử trong quan hệ Việt Mỹ và đó là lý do mà “tất cả mọi thứ cần phải được bình thường hóa, kể cả gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương”.
Vào tháng 7 năm nay, Việt Nam và Mỹ sẽ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ. Cũng trong năm nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm tới Mỹ.
No comments:
Post a Comment