Thursday, October 29, 2015

Phong trào Dân chủ Việt Nam qua các thời kỳ

Phong trào Dân chủ Việt Nam qua các thời kỳ

Nguyễn Vũ Bình, viết từ Hà Nội
2015-10-28
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_Hkg9799979
Người dân biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 11/5/2014
 AFP photo
Phong trào dân chủ Việt Nam đã trải qua một thời gian khá dài với các thời kỳ phát triển khác nhau. Kể từ khi Việt Nam thống nhất đất nước đến nay cũng đã 40 năm, người dân Việt Nam rên xiết dưới ách toàn trị, độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam. Tất cả những hoạt động phản kháng của người dân, từ đơn lẻ, tới kết hợp manh nha, từ hành động bạo lực tới bất bạo động, từ khi có ít người tham gia đến khi số lượng hàng ngàn người, và các tổ chức đã xuất hiện đều nằm trong hoạt động của phong trào dân chủ. Có thể tạm chia phong trào dân chủ Việt Nam thành bốn thời kỳ, có các nội dung, phương thức hoạt động, tính chất và định hướng khác nhau. Nhưng tất cả đều nhằm vào mục tiêu chung cao nhất, đấu tranh để thay đổi chế độ cộng sản Việt nam sang chế độ dân chủ.
Thời kỳ đầu tiên, có thể tính từ năm 1975-1988 là thời kỳ phục quốc của Phong trào dân chủ Việt nam. Gọi là phục quốc bởi vì các hoạt động đều do những người ở miền Nam, những quân-dân-cán-chính của chế độ Việt Nam Cộng Hòa thực hiện nhằm khôi phục lại quốc gia đã mất là chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Khôi phục lại quốc gia đã mất cũng có nghĩa là khôi phục lại quyền tự do cho người dân, và thể chế dân chủ cho đất nước. Đặc trưng của giai đoạn phục quốc là phương thức đấu tranh vũ trang, bạo động. Đó là các nhóm quân còn sót lại, các sĩ quan, binh lính và cả các nhân sĩ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, có thể ở trong nước, có thể ở nước ngoài tấn công vào các cơ sở của chế độ cộng sản Việt Nam ở miền Nam. Có một số tổ chức đại diện của giai đoạn này như Mặt trận Thống nhất các lực lượng giải phóng Việt nam do các ông Trần Quốc Túy, Mai Văn Hạnh, Trần Văn Bá đại diện; Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam đại diện là ông Hoàng Cơ Minh…Những hoạt động đấu tranh này có quy mô nhỏ, tính chất đấu tranh bạo động chống lại một nhà nước có đầy đủ quân đội, khí tài nên ý nghĩa tinh thần, giữ và nuôi dưỡng ngọn lửa đấu tranh là chủ yếu. Tinh thần xả thân vì nước của những đại diện tiêu biểu đã động viên được nhiều lớp người đi sau.
Thời kỳ thứ hai, đó là từ năm 1988-2000. Có thể gọi thời kỳ này là thời kỳ Thức Tỉnh. Lý do lấy năm 1988 làm mốc bởi vì năm đó xuất hiện bài viết “Nắm tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ” của tiến sĩ Hà Sĩ Phu. Bài viết này là cột mốc đánh dấu sự phản tỉnh, thức tỉnh của tầng lớp trí thức Việt Nam. Đây là giai đoạn các trí thức trong lòng chế độ cộng sản Việt nam đã thức tỉnh và có những tiếng nói phản kháng. Đồng thời, đó cũng là thời kỳ đồng bào miền Nam, người Việt hải ngoại chuyển từ đấu tranh vũ trang, bạo động sang đấu tranh bất bạo động. Có thể gọi thời kỳ này này là thời kỳ thức tỉnh của trí thức Việt nam trong lòng chế độ cộng sản. Đó là những tiếng nói thức tỉnh, đơn lẻ của những trí thức, phần lớn là ở miền Bắc Việt Nam như ông Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Hà Sĩ Phu, Lê Hồng Hà, Phạm Quế Dương, nhà văn Dương Thu Hương, Hoàng Tiến, Nguyễn Thanh Giang, vv…Đây là thời kỳ sử dụng phương thức đấu tranh bất bạo động, dùng các bài viết để bày tỏ ý kiến, sự khác biệt và phản kháng của người trí thức. Đây cũng là giai đoạn những người đấu tranh phía Nam, người Việt hải ngoại chính thức từ bỏ con đường đấu tranh vũ trang, bạo động để chuyển sang giai đoạn đấu tranh bất bạo động, giai đoạn đấu tranh chính trị. Thời kỳ hơn chục năm này (từ 1988-2000) là giai đoạn thai nghén cho các hoạt động bùng nổ sau này.
Thời kỳ từ năm 2000-2007. Đây là thời kỳ đấu tranh chính trị của phong trào dân chủ. Lấy mốc năm 2000 bởi vì có lá đơn xin lập đảng Tự do-Dân chủ của nhà báo Nguyễn Vũ Bình vào ngày 02/9/2000. Lá đơn này đánh dấu giai đoạn hoạt động mạnh mẽ, đặt vấn đề tổ chức, và đặc biệt, có sự tham gia của giới trẻ vào phong trào dân chủ. Với phương thức đấu tranh bất bạo động, nhưng chú trọng các hoạt động chính trị, thời kỳ này đã chính thức đặt nền móng cho phong trào dân chủ sau này. Đặc trưng của giai đoạn này là những người tham gia đều có ý thức chính trị, khuynh hướng đấu tranh là kết hợp với nhau trong các tổ chức chính trị, hoặc các tổ chức có khuynh hướng chính trị để làm đối trọng, đối lập với đảng cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam. Có rất nhiều điều thú vị trong giai đoạn này: có sự tham gia của lớp trẻ vào phong trào dân chủ, bắt đầu từ năm 2000 (nhà báo Nguyễn Vũ Bình, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, luật sư Lê Chí Quang, anh Nguyễn Khắc Toàn), giai đoạn sau có Luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân và nhiều người trẻ khác... có sự bùng nổ về số lượng người tham gia vào phong trào dân chủ (năm 2005-2006); hoạt động bùng nổ và sôi nổi trong cao trào 2006; giai đoạn này chưa có sự kết nối với người dân thường; đây cũng là giai đoạn phong trào dân chủ Việt Nam bị đàn áp khốc liệt nhất, rất nhiều án tù cho rất nhiều người; có sự kết nối và hậu thuẫn mạnh mẽ của người Việt và các tổ chức của người Việt hải ngoại, sự kết hợp trong ngoài rất mạnh mẽ, nhịp nhàng.
Thời kỳ từ năm 2007 đến nay. Đây là thời kỳ đấu tranh toàn diện, tổng hợp của phong trào đấu tranh dân chủ. Thời kỳ này này bắt đầu từ các cuộc cầu nguyện tập thể của người Công giáo Việt Nam, để giữ lại đất đai, cơ sở tôn giáo cũ, đồng thời có các cuộc xuống đường, biểu tình chống Trung Quốc lần đầu tiên (ngày 09/12/2007) ở Hà Nội và sài Gòn.
Đây cũng là thời kỳ sử dụng phương thức đấu tranh bất bạo động. Thời kỳ này của phong trào dân chủ Việt nam có sự xuất hiện và kết hợp của phong trào yêu nước (biểu tình chống trung quốc), cũng là giai đoạn có sự kết hợp với các hoạt động của xã hội dân sự. Đây là giai đoạn có các hoạt động tổng hợp của tất cả các hình thức, phương thức, khuynh hướng đấu tranh phong phú, đa dạng của người Việt Nam trong và ngoài nước.
Đó là các hoạt động có khuynh hướng chính trị, các hoạt động thể hiện tinh thần yêu nước, các hoạt động của phong trào đòi tự do tôn giáo, các hoạt động của xã hội dân sự. Giai đoạn này có hai đặc trưng quan trọng: thứ nhất, bùng nổ về số lượng người tham gia, có thể nói, có sự bùng nổ người tham gia theo cấp số nhân. Nhờ có sự mở rộng thông tin vô tận của hệ thống Internet toàn cầu, của mạng xã hội Facebook mà số lượng người được khai trí, tham gia đã bùng nổ. Tất cả các tầng lớp, các giai cấp, các tôn giáo, giới tính, các độ tuổi tham gia vào phong trào dân chủ.
Đây thực sự là giai đoạn sôi động rất đáng tự hào. Thứ hai, phong trào dân chủ đã cắm rễ vào quần chúng, đã đi vào cuộc sống của người dân bởi các hoạt động xã hội dân sự rất sôi động và hiệu quả. Các hoạt động của xã hội dân sự, các hoạt động cứu trợ dân oan, cứu giúp dân oan, lên tiếng cho dân oan và rất nhiều hoạt động lên tiếng của phong trào dân chủ cho nhân sinh, nhân quyền đã ngày càng thức tỉnh người dân. Đây là xu thế không thể đảo ngược của phong trào dân chủ và ngày càng phát triển. Thành tựu này là vô cùng quan trọng đối với phong trào dân chủ trong suốt những năm qua. Chỉ có đi vào quần chúng, đồng hành cùng nhân dân thì phong trào dân chủ mới có cơ hội và hy vọng cho một sự thay đổi lớn lao trong tương lai.
Hà Nội, ngày 25/10/2015
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

No comments:

Post a Comment