Tàu chiến Mỹ tiến vào khu vực 12 hải lý: Vai trò của Việt Nam?
Sáng nay 27/10/2015, khu trục hạm USS Lassen của Hải quân Hoa Kỳ bắt đầu cuộc tuần tra trong khu vực 12 hải lý mà Trung Quốc đã bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo 1 cách bất hợp pháp trong vùng biển đang tranh chấp, trong đó có nơi từng bị Trung Quốc xâm chiếm của Việt Nam hồi năm 1988.
Mặc Lâm phỏng vấn tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ để biết thêm ý kiến của 1 viên chức nhà nước từng trách nhiệm về vấn đề biên giới.
Yếu tố pháp lý
Mặc Lâm: Thưa Tiến sĩ Trần Công Trực. Như ông đã biết ngày hôm nay Hoa Kỳ đã đưa tài chiến vào khu vực 12 hải lý mà Trung Quốc đang xây dựng bồi đắp trong vùng biển Trường Sa của Việt Nam, ông có cảm nghĩ gì về việc này?
TS Trần Công Trực: Theo ý kiến cá nhân của tôi thì như đã từng phân tích về khía cạnh pháp lý thì những tuyên bố về phía Mỹ trước đây thì cũng rất phù hợp với những qui định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước luật biển 1982.
Tôi cũng mong rằng Mỹ nói thì phải hành động. Quả nhiên hôm nay đã thấy hành động trong thực tế. Có lẽ thông tin này cũng là một thông tin đáng hoan nghênh và cần được chia sẻ.
Bởi vì hành động của Mỹ trong thực tế đó góp phần làm vô hiệu hoá cái yêu sách vô lý của Trung Quốc trong việc mà như chúng ta đã biết là các thực thể mà Trung Quốc đánh chiếm của Việt Nam năm 1988.
Sau đó họ bồi lấp và xây dựng biến những bãi cạn này thành đảo nhân tạo và họ muốn áp đặt yêu sách rằng các bãi cạn, đảo nhân tạo mà có công trình trong đó trở thành các đảo để họ tính vùng đặc quyền kinh tế. Cái yêu sách vô lý, đòi hỏi đó, tham vọng đó hoàn toàn đi ngược lại công ước.
Bằng những hành động của mình, Mỹ đã vô hiệu hoá những yêu sách vô lý đó. Cái đó về mặt luật pháp thì tôi cho rằng là một hành động rất tích cực. Và với tư cách là người làm luật, nghiên cứu luật biển, tôi cho rằng chúng ta nên ủng hộ và hoan nghênh những động thái đó của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên tôi nghĩ rằng cũng cần phải có những hoạt động mà phù hợp hoàn toàn với luật pháp, như nếu triển khai những hoạt động vượt ra khỏi luật pháp thì sẽ dẫn đến đụng độ và những xung đột mà có thể gây ra những bất ổn.
Điều đó chúng ta không muốn. Vì vậy những hoạt động thế này thì tôi nghĩ là họ đã tính toán tất cả tính tương quan lẫn yếu tố pháp lý. Họ làm đúng và làm mạnh thì tôi nghĩ là hoan nghênh thôi.
Mặc Lâm: Trước đây khi Hoa Kỳ lên tiếng cho biết là sẽ mang tàu chiến tuần tra trong khu vực này thì một vị đại biểu quốc hội đã tuyên bố Hoa Kỳ phải xin phép Việt Nam mới có thể vào vùng biển này được. Là người rành rẽ về luật biển ông có ý kiến gì về tuyên bố này?
TS Trần Công Trực: Tôi thì tôi cho rằng nếu như tàu quân sự của Mỹ đi vào các vùng biển 12 hải lý có các đảo tự nhiên, giống như định nghĩa điều 151 của công ước luật biển 1982 mà Việt Nam đang có các lực lượng làm việc trên đó thì cũng phải tuân thủ đúng công ước và luật biển của Việt Nam nữa.
Đối với vùng mà Trung Quốc xây dựng các công trình trên bãi cạn, kể cả đảo nhân tạo thì theo công ước luật biển cho phép an toàn 500m thôi.
Tôi chưa nói đến việc họ làm bất hợp pháp trên đất của Việt Nam, tôi muốn nói yếu tố pháp lý đơn thuần với chuyện công ước thôi. Ngoài vùng đó nó là vùng biển quốc tế, không liên quan gì đến lãnh thổ hay vùng vùng biển đảo mà liên quan đến vùng đảo Trường Sa.
Tôi chưa nói đơn thuần tới chuyện công ước thôi thì nó có vùng an toàn chung quanh đó, các tài sản đó các công trình nhân tạo đó. Ngoài vùng đó là vùng biển quốc tế không có liên quan gì đến vấn đề lãnh thổ trong quần đảo Trường Sa thì họ có quyền đi lại trong tự do hàng hải trong vùng biền quốc tế, vùng biển không thuộc về cái quyền, cái lợi ích của bất kỳ quốc gia nào thì họ không cần thông báo cho bất cứ ai.
Vai trò của Việt Nam?
Mặc Lâm: Thưa ông việc Hoa Kỳ đem tàu chiến tuần tra trên biển Đông sẽ làm cho Việt Nam đứng trước bài toán vừa dễ vừa khó. Theo ông thì Việt Nam làm cách nào để phù hợp với tình trạng hiện nay giữa hai thế lực Trung Quốc và Hoa Kỳ trong cùng 1 vấn đề có liên quan trực tiếp đến Việt Nam?
TS Trần Công Trực: Tất nhiên nói về việc Mỹ đưa tàu chiến vào tuần tra lần này thì có mặc tích cực và mặt tiêu cực. Đối với Việt Nam thì theo tôi nghĩ rằng mặt tiêu cực có thể nói là có thể vì hành động đó mà nếu các bên không kiểm soát được, không khống chế được thậm chí không làm đúng với những thủ tục pháp lý thì có thể dẫn đến đụng độ.
Mà dẫn đến đụng độ thì đụng đến quyền và lợi ích của các nước có liên quan, trong đó có Việt Nam. Điều đó mọi người không muốn. Việt Nam cũng thế, không muốn có đụng độ xảy ra. Các bên cần phải bình tĩnh và kềm chế để kiểm soát đụng độ. Đấy là cái có khả năng tốt.
Thật ra Mỹ vào đây không phải với mưu đồ xâm chiếm lãnh thổ của chúng tôi, mà Trung Quốc là người xâm chiếm lãnh thổ. Mỹ vào đây với tư cách là tàu thuyền họ có quyền đi lại trong vùng biển không thuộc bất kỳ ai, ngoài vùng an toàn 500m.
Mặc Lâm: Xin cám ơn Tiến sĩ Trần Công Trục đã giúp chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này.
No comments:
Post a Comment