Wednesday, July 13, 2016

Cựu chủ tịch Ủy Ban Châu Âu : « Kẻ phản bội » ?

Cựu chủ tịch Ủy Ban Châu Âu : « Kẻ phản bội » ?

mediaJosé Manuel Barroso, cựu chủ tịch Ủy Ban Châu Âu. Ảnh chụp ngày 21/10/2014.REUTERS/Christian Hartmann
Sau cú sốc Brexit, Liên Hiệp Châu Âu vừa gánh chịu thêm một đòn nặng nề thứ hai : Cựu chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Barroso được ngân hàng Goldman Sachs tuyển mộ làm lãnh đạo.
Bài xã luận của Le Monde chạy tựa : « José Manuel Barroso, kẻ chống lại châu Âu ». Le Monde so sánh : Nếu quyết định rời châu Âu của nước Anh, dù « rất đau đớn », nhưng là một hành động « đàng hoàng, dân chủ », thì việc cựu chủ tịch Ủy Ban Châu Âu làm thuê cho ngân hàng Goldman Sachs là một hành động « đê hèn ».
Tờ báo giải thích : Goldman Sachs là một trong những trụ cột của nền kinh tế Mỹ, nhưng cũng là một trong các thủ phạm chính của « cuộc khủng hoảng tài chính 2008, khiến hàng triệu người thất nghiệp và nợ công bùng nổ tại Hoa Kỳ và châu Âu ». Đặc biệt tai tiếng, khi giúp Hy Lạp che giấu các khoản nợ xấu, để được ở lại trong khu vực euro, ngân hàng nói trên đã trở thành « biểu tượng cho một thời kỳ thông đồng giữa giới chức quyền và các thế lực kinh tế ».
Theo Le Monde, cho dù việc cựu chủ tịch Barroso làm thuê cho Goldman Sachs là « hợp pháp », nhưng quyết định này rất đáng bị lên án, bởi nó để lại trong công luận « một hình ảnh tồi tệ nhất về châu Âu : đó là nơi ngự trị của mối quan hệ loạn luân giữa quyền lực chính trị và giới tài phiệt ». Bài báo kết luận : « Ủy Ban Châu Âu cần phải lên án việc bổ nhiệm này và thay đổi quy tắc : cấm vĩnh viễn một cựu thành viên, không được làm việc trong một lĩnh vực mà người này đã từng quản lý ».
Vẫn về chủ đề này, báo Libération chạy hàng tựa trang nhất : « Barroso. Sans foi, ni loi » (tạm dịch là « Barroso. Vô liêm sỉ »). Xã luận Libération mở đầu với câu : « Phản bội một lần, phản bội mãi mãi », nhắc lại việc ông Barroso đã từng « phản bội tinh thần của châu Âu », khi liên kết với tổng thống Mỹ Bush trong cuộc chiến Irak, hay buộc Liên Hiệp phải đi theo học thuyết « tự do (kinh tế) », khiến Liên Hiệp Châu Âu trở nên xa lạ với dân chúng. Libération nhấn mạnh, ông Barroso đã « bán rẻ uy tín của một nhà lãnh đạo châu Âu để đổi lấy một mớ tiền của Golden Sachs »« một ngân hàng đã từng hành động một cách đểu giả nhất chống lại châu Âu trong cuộc khủng hoảng Hy Lạp ».
Libération có bài phỏng vấn nhà báo Marc Roch về lý do vì sao « Goldman Sachs đã tìm thấy được một thuộc hạ mới, thuộc hàng cao cấp ». Ông Roch là tác giả một cuốn sách thuật lại cuộc điều tra về ngân hàng Mỹ. Theo nhà báo Pháp, Barroso là một « chỗ dựa lý tưởng » cho ngân hàng này, bởi là chủ tịch Ủy Ban Châu Âu trong 10 năm (2004-2014), ông Barroso nắm được « mọi ngóc ngách của Liên Hiệp Châu Âu và có quan hệ gần gũi với (hầu hết) các lãnh đạo của châu Âu ».
Brexit : Thương thuyết sẽ rất cam go với tân thủ tướng Anh
Vẫn lên quan đến châu Âu, báo kinh tế Les Echos chú ý đến việc nước Anh sắp có thủ tướng mới vào tối mai, thứ Tư 13/07, với hồ sơ « Theresa May, nữ thủ tướng mới, người sẽ thực thi Brexit ». Theo Les Echos, tân thủ tướng Anh sẽ là người đoàn kết các phe phái trong đảng Bảo Thủ cầm quyền, bởi bà May tuy là « người ủng hộ phe chống Brexit », nhưng trên thực tế, đương kim bộ trưởng Nội Vụ lại là « người hoài nghi châu Âu ». Les Echos dự đoán, về việc Anh ra khỏi châu Âu, bà Theresa May sẽ thương thuyết rất quyết liệt với Bruxelles.
Về mặt đối nội, hôm qua, 11/07/2016, tân thủ tướng Anh đã công bố « chương trình hành động » - một kế hoạch được đánh giá là « rất xã hội », với ưu tiên chống bất bình đẳng, kiểm soát lương của các chủ doanh nghiệp lớn, và việc nhà nước can thiệp mạnh hơn vào công nghiệp.
Biển Đông : « Trung Quốc bá quyền » phải ra tòa
Về thời sự châu Á, Les Echos đặc biệt chú ý đến vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông với bài « Chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc bị tòa án quốc tế xét xử ». Phán quyết vụ kiện Biển Đông được theo dõi hết sức chăm chú, bởi « có thể đây là lần đầu tiên, một phần tham vọng bành trướng trên biển của Trung Quốc bị phản bác » (với bản đồ « Đường lưỡi bò » bao trọn khoảng 90% Biển Đông). Biển Đông, khu vực liên quan, lại là một trong những trục giao thông hàng hải chủ yếu của thế giới với một phần ba lưu lượng hàng hóa mỗi năm trên thế giới đi qua ngả này.
Bài viết dự báo trước việc Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với một phán quyết nghiêm khắc, trong có có việc Trung Quốc bị lên án vì « mưu toan biến các bãi đá ngầm thành các đảo thực sự ». Les Echos đánh giá phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye là hết sức quan trọng đối với luật quốc tế, bởi nếu được coi là một hòn đảo, có người sống thường xuyên, thì các thực thể địa lý nói trên có thể được hưởng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng đến 348 km.
Les Echos trích nhận định của ông Amy Searight - nhà phân tích thuộc CSIS, theo đó chắc chắn phán quyết của tòa « trước hết sẽ khiến căng thẳng trong khu vực gia tăng ». Tuy nhiên, các chuyên gia cũng hy vọng, cho dù phản ứng quyết liệt trong thời gian tới đây, trước « thất bại » mang tính biểu tượng này, phán quyết La Haye về lâu dài sẽ « buộc Trung Quốc phải tỏ ra hòa giải hơn ».
Cũng về chủ đề này, Le Figaro có bài « Vụ xét xử về Biển Đông đầy nguy cơ » dẫn lại dự đoán của nhiều chuyên gia, cho rằng tình hình sau này sẽ rất căng thẳng ; « chỉ cần một tia lửa nhỏ là đủ để biến một sự cố thành xung đột vũ trang tại vùng Biển Đông ». Theo tác giả bài viết, bất luận thế nào, việc này sẽ « không giúp cải thiện quan hệ giữa chính quyền Trung Quốc và các quốc gia ven bờ Biển Đông khác », và Bắc Kinh có thể sẽ chọn giải pháp đơn phương, để chứng tỏ vị thế nước lớn, như thành lập vùng nhận dạng hàng không, hơn là xuống thang. « Một đợt căng thẳng mới tại vùng này cũng có thể khiến tranh chấp với Nhật Bản tại biển Hoa Đông gia tăng ».
Nhật có thể xét lại Hiến Pháp chủ hòa ?
Về Nhật Bản, sau chiến thắng của liên minh cầm quyền tại Thượng viện, báo La Croix đặt câu hỏi : « Phải chăng Nhật Bản đang xem xét lại Hiến Pháp chủ hòa ? ». Về vai trò của Nhật Bản tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, La Croix ghi nhận, Tokyo có thể sẽ tỏ ra có trách nhiệm hơn trong việc « gánh vác nghĩa vụ an ninh tập thể trong khu vực » đối diện với một Trung Quốc đang giương oai, giễu võ.
Nhưng tờ báo Công giáo lo ngại chính phủ của thủ tướng Nhật, với thắng lợi trong cuộc bầu cử Thượng Viện, cùng với thế thượng phong tại Hạ Viện, có đủ khả năng đề xuất cải cách Hiến Pháp, mà nhiều người gọi là bản Hiến Pháp « chủ hòa », theo hướng mở rộng hoạt động quân sự của Nhật ra ngoài biên giới. Dù sao, theo luật pháp Nhật, việc sửa đổi Hiến Pháp phải được một cuộc trưng cầu dân ý toàn dân thông qua. Mà, theo La Croix, cuộc bỏ phiếu ngày chủ nhật vừa qua không phải là một tín hiệu hoàn toàn có lợi cho thủ tướng Abe, bởi « chỉ có dưới 54% cử tri tham gia, và nội dung tranh cử chủ yếu tập trung vào chủ đề chấn hưng kinh tế ».
Cam Bốt : Vụ ám sát lột trần bộ mặt Hun Sen ?
Vẫn về thời sự châu Á, báo Libération chú ý đến vụ nhà bình luận chính trị nổi tiếng Cam Bốt, Kem Ley, bị sát hại. Tờ báo đặt câu hỏi : Liệu cần đến bao nhiêu vụ hành quyết tương tự nữa để người ta hiểu rõ nước Cam Bốt của thủ tướng Hun Sen ? Vụ sát hại nói trên càng chứng minh cho nhận định của giám đốc Trung tâm nhân quyền Cam Bốt, Sopheap Chak, nền dân chủ Cam Bốt « ngàn cân treo sợi tóc ».
Bài viết khẳng định, có thể vụ ám sát này là nằm trong một loạt các trấn áp « nhắm vào xã hội dân sự độc lập và đối lập chính trị Cam Bốt trong những năm gần đây », từ các vụ đánh đập, bắt bớ các nghị sĩ, đến các vụ truy tố nhắm vào lãnh đạo đối lập. Nhà bình luận chính trị bị ám sát chỉ ít ngày sau khi ông bình luận về một báo cáo của tổ chức phi chính phủ Global Witness, cáo buộc 21 thành viên trong gia tộc thủ tướng Hun Sen, có cổ phần trong hơn 100 doanh nghiệp hàng đầu Cam Bốt.
Libération chất vấn thái độ « ít đòi hỏi » của nước Pháp, cũng như cộng đồng quốc tế, đối với chính quyền Cam Bốt, về phương diện nhân quyền, tuy một số người cho rằng, « sự im lặng thận trọng » này có mục tiêu để Phnom Penh không ngả thêm về phía Trung Quốc.
Sự phân hóa của cánh tả Pháp
Trở lại với thời sự nước Pháp, sự chia rẽ của cánh tả cầm quyền là chủ đề trang nhất của nhiều tờ báo. Le Figaro chạy tựa « (Bộ trưởng Kinh Tế) Emmanuel Macron thách thức (tổng thống) François Hollande », sau sự kiện ông bộ trưởng Kinh Tế quyết định tổ chức cuộc mít tinh lớn đầu tiên, chỉ hai ngày trước bài diễn văn mang tính biểu tượng của tổng thống Pháp, nhân ngày Quốc Khánh 14/07. Le Figaro cũng có bài « Macron tổ chức ngày Quốc Khánh của mình, trước tổng thống Hollande ».
Theo tờ báo đối lập, chính trị gia trẻ Macron hiện không còn che giấu tham vọng ra tranh cử tổng thống, với việc công bố một cương lĩnh hành động trước những người ủng hộ, vượt xa khỏi khuôn khổ lĩnh vực mà ông đang phụ trách hiện nay. Vẫn theo Le Figaro, bộ trưởng Kinh tế vẫn tiếp tục giữ một lập trường nước đôi, ông sẽ không tuyên bố ra ứng cử, hay rời khỏi chức vụ bộ trưởng, trong cuộc mít tinh hôm nay.
Đối với La Croix, việc đương kim bộ trưởng Kinh Tế quyết định tổ chức cuộc mít tinh với phong trào « En Marche » (tạm dịch là "Lên đường") 9 tháng trước cuộc bầu cử tổng thống, cho thấy cánh tả « đã tan nát lại càng thêm nát tan ». Cuộc mít tinh này xảy ra đúng vào lúc đảng Xã Hội, đang ở trong tình trạng suy yếu, bị một bộ phận cử tri Pháp ghét bỏ, vừa phải từ bỏ kế hoạch tổ chức hội nghị mùa hè thường niên.
Cũng về chủ đề này, báo Libération có phóng sự điều tra « Macro : Thành hay bại ? ».
Pháp thành công giải Euro 2016
Giải vô địch bóng đá châu Âu vừa kết thúc, với chức vô địch thuộc về đội tuyển Bồ Đào Nha. Đội tuyển Pháp, rất thành công trước trận chung kết, đặc biệt với thắng lợi trước tuyển Đức vô địch thế giới, đã không lên đến được đỉnh cao tại giải Euro năm nay. Tuy nhiên, Les Echos có cái nhìn lạc quan, với bài « Bất chấp thất bại của đội Áo Xanh Lam, nước Pháp đã thành công giải Euro của mình ».
Theo Les Echos, giải vô địch bóng đá châu Âu về cơ bản là tích cực đối với Pháp, bất chấp một vài sự cố, và thành công này có thể coi như là một « lợi thế bổ sung » cho đơn ứng cử tổ chức Thế vận hội 2024. Một vài sự cố nói trên là để ngầm chỉ các đụng độ giữa một số cổ động viên quá khích tại Marseille. Les Echos nhắc lại, giải vô địch euro đã mở ra trong không khí hết sức căng thẳng, với nguy cơ khủng bố, « ưu tiên số một của Pháp là bảo đảm an ninh » cho sự kiện thể thao quan trọng này.
Wikipedia : Trang mạng bách khoa vì tự do ngôn luận
Trong lĩnh vực truyền thống, Libération chú ý đến thành công của trang mạng thông tin bách khoa nổi tiếng Wikipedia. Libération có bài phỏng vấn ông Jimmy Wales, nhân dịp 15 năm trang mạng ra đời. Theo người đồng sáng lập Wikipedia, trang mạng « dựa trên sự đóng góp phi lợi nhuận, để đông đảo công chúng sử dụng miễn phí » này cần phải tiếp tục phát triển, nhưng không thể để « các lợi ích riêng chi phối quyền tự do ngôn luận ». Mở ra cho nhiều thứ tiếng mới và chống kiểm soát là những định hướng chính của Wikipedia.
Wikipedia là một trang mạng, thu nhận sự đóng góp từ khắp bốn phương trời, từ các cây viết thuộc đủ trình độ. Để trang mạng này có thể mang lại các kiến thức có chất lượng cao, theo người sáng lập Wikipedia, trang mạng này đã có thay đổi trong chính sách trong thời gian gần đây, với việc cộng tác với nhiều thư viện, kho lưu trữ, bảo tàng có uy tín.
Người sáng lập Wikipedia nhấn mạnh, việc đào tạo người có khả năng đóng góp được nội dung cho trang mạng bách khoa này là hoạt động đòi hỏi rất nhiều công phu.
 
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment