Wednesday, July 13, 2016

Ý nghĩa 5 thất bại của Trung Quốc tại Tòa án La Haye

Ý nghĩa 5 thất bại của Trung Quốc tại Tòa án La Haye

mediaTrụ sở Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ở La Haye, Hà Lan.Ảnh : Wikipedia
Trong phán quyết ngày 12/07/2016, Tòa án Trọng tài Thường trực đã nêu lên 5 điểm cho thấy Trung Quốc thua Manila tại La Haye. Giới phân tích đánh giá thế nào về 5 điểm cụ thể đó ? Đâu là bước kế tiếp cho Biển Đông ? Phân tích của hai nhà báo David Tweed và Jason Koutsoukis thuộc hãng tin Bloomberg.
Trước hết trở lại với phán quyết rất được mong đợi của Tòa án La Haye về vụ kiện Biển Đông. Liên quan đến 5 điểm được chú ý gồm : thứ nhất, các đòi hỏi của Trung Quốc về các vùng trong bản đồ "đường 9 đoạn" không có cơ sở pháp lý. Thứ hai là không một thực thể nào trong quần đảo Trường Sa có thể tạo ra vùng biển mở rộng.
Thứ ba là một số vùng biển mà Trung Quốc đòi hỏi nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và điểm thứ tư là Bắc Kinh đã vi phạm các quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế. Sau cùng, việc bồi đắp xây 7 thực thể của Trung Quốc đã gây tổn hại nghiêm trọng cho môi trường sinh thái biển.
Về điểm thứ nhất là bản đồ « đường lưỡi bò », Tòa án La Haye cho rằng Trung Quốc không thể viện chứng cớ lịch sử để đòi hỏi quyền làm chủ các nguồn tài nguyên ở bên trong bản đồ đường 9 đoạn.
Liên quan đến điểm thứ nhì, hai tác giả bài báo chỉ chú ý đến Ba Bình (Itu Aba), thực thể quan trọng nhất trong khu vực Trường Sa, và nhấn mạnh là Tòa khẳng định đây chỉ là một «bãi đá » và do vậy không thể thiết lập vùng đặc quyền kinh tế chung quanh Ba Bình. Philippines, Trung Quốc và các bên tranh chấp khác cần đàm phán để tìm một thỏa thuận chung. Tòa muốn nói đến Đài Loan, vì Đài Loan cũng căn cứ trên bản đồ năm 1947 để khẳng định chủ quyền tại Ba Bình.
Nhìn đến quyền đánh bắt hải sản, Tòa án La Haye trong phán quyết ngày 12/07/2016 cho rằng Bắc Kinh vi phạm luật pháp khi để cho các tàu cá xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Bloomberg nhắc lại, vào tháng 6/2016 đã xảy ra nhiều vụ tàu cá Trung Quốc đối đầu với lực lượng tuần duyên Indonesia và Jakarta đã phải thông qua ngân sách bổ sung cho bộ Quốc Phòng để nâng cấp căn cứ quân sự trên quần đảo Natuna, phía nam Biển Đông.
Điểm thứ tư cho thấy Trung Quốc thua Philippines trước Tòa án Trọng tài Thường trực được hai nhà báo của Bloomberg chú ý đó là Tòa đã dùng những lời lẽ rất cứng rắn với Bắc Kinh khi cho rằng : khi xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo, Trung Quốc « vĩnh viễn phá hủy » tính chất tự nhiên của bãi đá hay bãi bãi cạn ; Trung Quốc bị cho là « vi phạm » Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, khiến các « tranh chấp thêm nghiêm trọng ».
Theo như đánh giá của Felix Chang, một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu về Chính sách đối Ngoại tại thành phố Philadelphia, Hoa Kỳ được Bloomberg trích dẫn, Tòa án La Haye gần như cho là Trung Quốc đã « cố ý vi phậm luật pháp ».
Sau cùng, hai đồng tác giả David Tweed và Jason Koutsoukis cùng cho là, quyết định vừa được đưa ra tại La Haye làm sứt mẻ uy tín của Bắc Kinh. Trung Quốc luôn tự nhận mình là một siêu cường có trách nhiệm với an ninh và ổn định trong khu vực, là một quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế.
Đến nay, Trung Quốc một mực khẳng định các công trình xây dựng đảo nhân tạo là nhằm «bảo vệ » hệ sinh thái trong vùng, nhưng theo phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, các công trình đó đã làm tổn hại cho môi trường, cho các rạn san hô, và Bắc Kinh thừa biết là ngư dân Trung Quốc đánh bắt loài rùa biển bị đe dọa tuyệt chủng, làm hư hại các rạn san hô với những phương tiện đánh bắt tai hại.
Vậy thì câu hỏi đặt ra là sắp tới tình hình Biển Đông sẽ ra sao. Về điểm này, có nhiều quan điểm trái ngược nhau : một số nhà phân tích cho rằng, với phán quyết của Tòa án La Haye, các nước tranh chấp chủ quyền biển đảo sẽ thảo luận với nhau để cùng khai thác tài nguyên, có lợi cho cả các bên. The Diplomat, trụ sở tại Tokyo, đánh giá, : Phản ứng của Bắc Kinh còn là một ẩn số. Tạp chí Mỹ Time không loại trừ xung đột nổ ra trong vùng biển này.
 
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment