Tuesday, August 2, 2016

Biển Đông : Bắc Kinh dùng luật đánh cá để chống phán quyết quốc tế

Biển Đông : Bắc Kinh dùng luật đánh cá để chống phán quyết quốc tế

mediaTham vọng chủ quyền trên gần trọn Biển Đông của Trung Quốc bị Tòa Án Trọng Tài Thường Trực bác bỏ ngày 12/07/2016.Ảnh : Reuters
Tòa Án Tối Cao Trung Quốc vào hôm nay, 02/08/2016, đã quy định các hình phạt đối với những hành động bị coi là đánh cá « bất hợp pháp » trong vùng biển Trung Quốc, kể cả khu vực mà Bắc Kinh đòi chủ quyền tại Biển Đông. Thông báo này bị đánh giá là một động thái thách thức mới của Bắc Kinh, ba tuần sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye hôm 12/07, khẳng định rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý.
Theo Tòa Án Tối Cao Trung Quốc, bất kỳ ai, kể cả ngư dân ngoại quốc, bị bắt khi đánh cá trái phép trong vùng biển nước này, đều có thể bị phạt đến 1 năm tù. Phạm vi áp dụng biện pháp trừng phạt bao gồm các vùng tiếp giáp lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý bao quanh một « lãnh thổ » của Trung Quốc.
Vấn đề là trong phán quyết ban hành hôm 12/07 vừa qua, tòa trọng tài La Haye đã cho rằng không một thực thể nào mà Trung Quốc kiểm soát tại khu vực quần đảo Trường Sa có quy chế hải đảo, cho phép Bắc Kinh được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Cho đến nay, Bắc Kinh thường xuyên cho tàu Hải Cảnh của họ trục xuất tàu đánh cá Philippines hoạt động tại các khu vực mà Trung Quốc tự nhận chủ quyền.
Chính tranh chấp về quyền đánh cá tại Biển Đông là một nhân tố chủ chốt thúc đẩy Manila kiện Bắc Kinh ra Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ở La Haye, dẫn đến phán quyết vào trung tuần tháng 7 vừa qua, một phán quyết bị Trung Quốc bác bỏ, cho là định chế trọng tài quốc tế không có thẩm quyền xem xét vụ việc.
Việc Tòa Án Tối Cao Trung Quốc nhập cuộc được xem là một hành động trong chiến lược của Bắc Kinh, dùng luật pháp quốc gia để chống lại luật lệ quốc tế.

Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment