Kinh tế Trung Quốc mất đà, Việt Nam hưởng lợi
Công nhân xây dựng trên một công trường tại Hà Nội. Ảnh minh họa.REUTERS
Vào tháng 07/2016, khi công bố số liệu về xuất-nhập khẩu giảm, cụ thể là nhập khẩu giảm 12,5% và xuất khẩu giảm 4,4%, Trung Quốc cho thấy nền kinh tế đang mất dần ánh hào quang của những ngày tươi đẹp.
Theo nhận định của phóng viên Richard Dupaul, báo mạng La Presse, Canada (15/08/2016), ngày càng có nhiều nhà đầu tư quốc tế không còn kỳ vọng vào sức mạnh của con rồng Trung Quốc và bắt đầu đánh cược nhiều tỉ đô la vào những "tiểu rồng" Đông Nam Á, nơi có tiềm năng tốt hơn.
Bản báo cáo mới nhất của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD, còn gọi là Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hiệp Quốc) khẳng định các nhà đầu tư ngày càng quan tâm nhiều đến khu vực "châu Á đang phát triển".
Bằng chứng là, trên tổng số 765 tỉ đô la đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2015 vào các nước đang phát triển, số vốn đầu tư vào các nước "châu Á đang phát triển" là 541 tỉ đô la, tăng gấp 10 lần chỉ trong vòng một năm, và tập trung chủ yếu vào ba thị trường tiềm năng Việt Nam, Miến Điện và Ấn Độ.
Việt Nam: Đầu tư sẽ tăng vọt
Những chỉ số mới được công bố khẳng định Việt Nam là mục tiêu được đặc biệt nhắm đến trong thời gian gần đây. Theo thống kê mới nhất của chính phủ, chỉ riêng quý I năm 2016, Việt Nam đã thu hút được 11,3 tỉ đô la vốn FDI, có nghĩa là tăng gấp 105% trong vòng một năm.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho biết phần lớn các nhà đầu tư hướng vào các dự án cụ thể, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến và bất động sản. Với tốc độ này, Việt Nam chắc chắn sẽ phá kỷ lục 14,5 tỉ đô la đạt được vào năm 2015.
Còn theo Văn phòng thống kê FDI Intelligence, một nhánh của tờ Financial Times (Mỹ), lần thứ hai liên tiếp, Việt Nam đứng đầu danh sách 14 đất nước thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (6,45 điểm), tiếp theo là Hungari (4,32) và Rumani (3,48). Các đối thủ của Việt Nam tại Đông Nam Á là Malaysia (2,86) và Thái Lan (2,43).
Lĩnh vực y tế đặc biệt thu hút
Y tế cũng là một chỉ số khác cho thấy sức hút của Việt Nam, kể từ khi chính phủ nới lỏng quy định về đầu tư nước ngoài.
Hãng tin Bloomberg lấy ví dụ Domesco Medical Import-Export JSC, chỉ số chứng khoán của công ty này đã tăng thêm 151% từ đầu năm 2016. Lĩnh vực dược phẩm cũng tăng thêm 46% trên thị trường chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh từ đầu năm 2016. Theo thẩm định của văn phòng BMI Researche tại Luân Đôn, ngành công nghiệp dược phẩm sẽ còn tăng 75% (đạt 7,2 tỉ đô la) từ nay đến năm 2020.
Vẫn theo báo cáo tháng 07/2016 của văn phòng Luân Đôn, « Thị trường lao động Việt Nam cũng tạo nhiều thuận lợi về sức cạnh tranh... Rất nhiều người có bằng cấp được đào tạo phù hợp với các công ty đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau ».
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ nổi lên
Công ty bảo hiểm vốn-xuất khẩu Euler Hermes khẳng định : Trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại, thì khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ duy trì mức tăng trưởng ổn định từ giờ đến hai năm nữa.
Ông Kevin Martin, giám đốc quản lý tài sản khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng HSBC phác họa một chân dung đầy hứa hẹn dựa trên sự giầu lên của 620 triệu người tiêu dùng trong vùng này.
Ông cũng nhấn mạnh là GDP tính trên đầu người tại châu Á-Thái Bình Dương chỉ vào khoảng 2.300 đô la vào năm 2007, nhưng từ đó đã tăng 78% và đạt 4.100 đô là (dự tính vào năm 2016). Dĩ nhiên là thu nhập này vẫn còn rất thấp so với các nước Mỹ (55.000 đô la) hay Đức (48.000 đô la), nhưng vùng này lại nhỉnh hơn so với Ấn Độ (1.580 đô la) và gần bằng Trung Quốc (7.590 đô la).
Công ty tư vấn Accenture cũng tỏ ra rất lạc quan. Theo họ, mức tiêu thụ tại châu Á-Thái Bình Dương sẽ đạt 2.300 tỉ đô la từ nay đến năm 2030, tăng 80% trong vòng 8 năm.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment