Wednesday, August 17, 2016

Thủ tướng lần đầu xin lỗi dân?

Thủ tướng lần đầu xin lỗi dân?

  • 3 giờ trước
Image copyrightFACEBOOK THONG TIN CHINH PHU
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói ông cần xin lỗi dân liên quan tới chuyện tuy ông "không biết" nhưng ông vẫn cho là thuộc trách nhiệm của mình.
"Thủ tướng phải có ý kiến, cũng phải xin lỗi người dân, mong người dân thông cảm chứ không phải chuyện đơn giản," ông Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước các lãnh đạo bộ, ngành và các địa phương cấp tỉnh, thành khi nhắc tới sự kiện đoàn xe tháp tùng ông nối đuôi nhau đi trong phố đi bộ ở trung tâm phố cổ Hội An hôm 8/8.
Thủ tướng Phúc nói chuyện đoàn xe đi phía sau khi ông đã đi bộ "vào trước hàng cây số rồi" là điều ông "không biết", nhưng ông vẫn nhận "khuyết điểm, trách nhiệm".
"Tất cả các công việc có liên quan trên địa bàn mình, ngành mình, là chúng ta phải quán xuyến công việc đó, để phục vụ nhân dân," ông nói thêm.
Lời phát biểu được đưa ra khi Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến, thực hiện qua cầu truyền hình, sơ kết công tác cải cách hành chính, sáng 17/8, là sự kiện có sự tham dự của một phó thủ tướng cùng quan chức các bộ, ngành trung ương và các lãnh đạo của 63 tỉnh, thành.
Thứ Năm, 18/08, BBC Tiếng Việt sẽ thảo luận trực tuyến về lời xin lỗi của Thủ tướng cũng như cùng các khách mời bình luận, đánh giá về những tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Nguyễn Xuân Phúc.
Chương trình được phát trực tiếp lúc 19h30 giờ Việt Nam, xem tại: http://bit.ly/2aZfZhB

Đối thoại với dân

Tuy chỉ là nội dung nêu trong cuộc họp với các quan chức, nhưng phát biểu của ông thủ tướng được báo chí trong nước trích dẫn như lời xin lỗi chính thức.
Đây là lần đầu tiên trong hàng chục năm nay một người đứng đầu chính phủ lên tiếng xin lỗi dân, tuy truyền thông đưa tin khá thường xuyên về việc nhiều quan chức cao cấp nhắc nhở cấp dưới cần làm quen với văn hóa xin lỗi.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên ông Phúc đưa người dân vào vị trí đối thoại.
Hồi tháng Năm, trong chuyến làm việc tại Hà Tĩnh về vụ cá chết bất thường ở các tỉnh miền Trung, ông thủ tướng đã yêu cầu phải minh bạch thông tin trước dân.
"Phải giải thích cho nhân dân hiểu rõ, không bao che cho những tổ chức, cá nhân gây ra vụ cá chết," ông nói.
Ông cũng cũng từng gây ấn tượng mạnh khi tuyên bố ‘không hình sự hóa’ trong vụ quán cà phê ‘Xin chào’, hay ‘mong muốn nghe ý kiến’ khi đối thoại với đại diện công nhân của tám địa phương của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tuy nhiên, không hẳn các phát biểu đó của ông đều đã được hiện thực hóa.
Trong vụ gây ra sự cố môi trường làm cá chết hàng loạt ở miền Trung, Formosa Hà Tĩnh về sau được xác định là thủ phạm, nhưng cách xử lý của giới chức đối với công ty này được nhiều người cho là chưa thỏa đáng.

Image copyrightGETTY IMAGES

Lời xin lỗi của lãnh đạo

Văn hóa xin lỗi tuy được nhắc tới nhiều nhưng trên thực tế không được áp dụng phổ biến ở Việt Nam, nhất là ở giới lãnh đạo cao cấp.
Hồi 2014, Chủ tịch Quốc hội khi đó, ông Nguyễn Sinh Hùng đã thẳng tay bác bỏ khi nói về trách nhiệm của Quốc hội cũng như của người đứng đầu cơ quan lập pháp này đối với việc ra quyết định, chủ trương sai.
“Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu,” ông Nguyễn Sinh Hùng nói.
Một trong các 'tứ trụ' của Việt Nam khác từng có lời nhận lỗi nổi tiếng là cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được đưa ra hồi tháng 10/2012.
Tuy nhiên, ông Dũng khi đó "nhận lỗi" chứ không xin lỗi, và phát biểu của ông không được gửi tới riêng người dân.
"Tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành…,” Thủ tướng Dũng nói khi trình bày về tình hình kinh tế, xã hội năm 2012.
Mời quý vị theo dõi Bàn tròn thứ Năm về chủ đề "Thời gian đầu nhiệm kỳ của Thủ tướng Việt Nam và lời xin lỗi dân", vào lúc 19h30 giờ Việt Nam, thứ Năm ngày 18/08, tại đây.

Tin liên quan

No comments:

Post a Comment