Wednesday, July 18, 2012

Ấn Độ Dương sẽ là của Trung Quốc ?

Ấn Độ Dương sẽ là của Trung Quốc ?

Hải quân Ấn Độ chuẩn bị tập trận tại vùng vịnh Bengal (Reuters)
Hải quân Ấn Độ chuẩn bị tập trận tại vùng vịnh Bengal (Reuters)

Minh Anh
Không chỉ Biển Đông mới dậy sóng, mà ngay cả trên vùng Ấn Độ Dương sóng gió cũng to không kém. Ân Độ và Trung Quốc, hai cường quốc khu vực, đang đối chọi nhau, tranh giành ảnh hưởng tại vùng biển chiến lược. Một vị trí mà New Delhi cho là sân sau của mình. Về chủ đề này, báo Le Monde có bài phân tích « Ấn Độ Dương sẽ là của Trung Quốc ? ».

Theo tác giả bài viết François Bougon, Ấn Độ Dương có một vị trí chiến lược cũng không kém phần quan trọng so với Biển Đông. Đây chính là điểm yết hầu của toàn cầu hóa, một lãnh hải nằm ngay giữa lòng những canh bạc địa chính trị của cả hành tinh. Bên cạnh sự bảo trợ của Hoa Kỳ, còn lộ rõ tham vọng của hai quốc gia khổng lồ trong khu vực, vốn mong muốn trở thành cường quốc trên thế giới.
Đối với New Delhi, Ấn Độ Dương là sân sau của họ. Nhưng đây cũng là điểm liên thông giữa châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Á. Một điểm trung chuyển hàng hóa, để nuôi sống cả thế giới. Mặt khác, mọi nguồn tài nguyên khai thác từ châu Phi và Trung Đông để đến Ấn Độ và Trung Quốc, buộc phải đi ngang qua eo biển Malacca. Tại nơi đây lưu thông một phần tư hàng hóa thế giới và đến 80% dầu hỏa cho Trung Quốc. Đây chính là điểm liên thông giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa biển Andaman và Biển Đông.
Tác giả bài viết nhắc lại rằng, trong quá khứ, ngay sau khi giành được độc lập vào năm 1947, thủ tướng Ấn Độ lúc bấy giờ là ông Jawaharlal Nehru đã đưa ra « học thuyết Monroe ». Theo đó, kể từ giờ Ấn Độ là quốc gia độc lập, nên không mong muốn có sự hiện diện của bất kỳ đội quân thực dân nào trên toàn bộ vùng ảnh hưởng của mình. Thế nhưng, bất chấp việc phi thực dân hóa, các lực lượng nước ngoài phương Tây vẫn luôn hiện hữu.
« Học thuyết Monroe » theo mô hình Ấn Độ đã bao trùm cả lên ngành ngoại giao và chiến lược Ấn Độ. Trên thực tế, Ấn Độ Dương chưa bao giờ lặng sóng. Trước đây, từng được xem là « ao nhà » của người Anh, nơi đây đã diễn ra các vụ đối đầu Nga – Mỹ trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh. Và bây giờ là sự thống trị của Hoa Kỳ tại khu căn cứ hải quân Diego Garcia.
Ấn - Trung chạy đua vũ trang
Kể từ khi Trung Quốc vươn mình thành một cường quốc, trở thành đồng minh của Pakistan vào cuối những năm 1970, và nhất là chương trình cải tiến quân đội – một trong những 4 chương trình hiện đại hóa đất nước do Đặng Tiểu Bình đề ra, đã buộc Ấn Độ phải chuẩn bị để đối phó với mối đe dọa tiềm tàng. New Delhi ngay lập tức công nhận chủ quyền lãnh hải và dồn sức đầu tư cho Indian Navy – kế thừa từ hải quân Hoàng gia Anh.
François Bourgon trích dẫn nhận định của hai ông Barthélémy Courmont và Colin Geraghty, trong bài viết liên quan đến “Địa chính trị tại Ấn Độ Dương”, đăng trên tạp chí Herodote, số mới nhất, cho rằng “New Delhi huy động các lập luận về quyền lực mềm kể từ những năm 2000. Qua đó, quốc gia này mở rộng các hoạt động quan trọng trong ngành hải quân, thông qua các đợt diễn tập chung (song phương cũng như là đa phương) ngay tại vùng vịnh Bengal cũng như là biển Oman, và qua các thỏa thuận, các chuyến viếng thăm và việc triển khai quân từ Madagascar cho đến Việt Nam, đi qua đến Oman và Singapore”.
Song song với việc mở rộng các hoạt động hải quân, New Delhi gia tăng đổi mới trang thiết bị quân sự : mua sắm tàu sân bay của Nga, máy bay giám sát lãnh hải hiệu Boeing loại P-81 hay như tăng cường thêm cho đội tàu ngầm chiếc tàu ngầm tấn công hạt nhân (SNA). Theo lời nhận định của một cựu đô đốc với Le Monde, Ấn Độ cần đến những chiếc SNA mới có thể đối đầu với Trung Quốc. Và quốc gia này có lẽ sẽ cần gấp đôi từ 6 đến 12 chiếc SNA.
Vào cuối năm nay, Ấn Độ sẽ đưa vào sử dụng một chiếc tàu ngầm có mang đầu đạn hạt nhân. Chiếc tàu này có lẽ sẽ được trang bị một tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn là 750 km. Theo Le Monde, tổng cộng Ấn Độ sẽ trang bị đến 5 chiếc tàu ngầm loại này.
Chạy đua vũ trang cũng bao hàm cả việc chạy đua về ngân sách. Vào tháng 11 năm 2011, New Delhi công bố kế hoạch tăng thêm 60 tỷ đô-la, bao gồm cả việc tăng 20% nhân sự để phát huy sức mạnh hải quân. Một tháng trước đây, một tàu hải giám của Trung Quốc đã bị phát hiện ngay trên vùng vịnh Bengal.
Nhận định về sự đối đầu giữa hai cường quốc trong khu vực, một số cố vấn của Lầu Năm Góc đã đề ra một lý thuyết khá nổi tiếng mang tên: “xâu chuỗi hạt trai”. Đại khái ta có thể tóm lược như sau : từ Trung Đông cho đến Biển Đông, Bắc Kinh đã rải quân và thiết lập các cơ sở hậu cần, nhằm đảm bảo an ninh con đường cung ứng của mình, chủ yếu tại các quốc gia như Miến Điện, Bangladesh, Pakistan, Thái Lan và Sri Lanka.
Đối với những người ủng hộ lý thuyết này, cứ mỗi một chuyến đi nước ngoài của một vị quan chức cao cấp Trung Quốc đều trùng với quan điểm quan họ. Ví dụ như chuyến đi thăm Bangladesh vào năm 2010, của ông Tập Cận Bình, nhân vật số 1 trong tương lai và việc tăng cường quan hệ giữa hải quân của hai quốc gia.
Họ cũng thấy rõ trong việc Trung Quốc tham gia chống cướp biển Somalia kể từ năm 2008, quốc gia này đã có thể chiếm được ¼ phía Tây Bắc Ấn Độ Dương, dấu hiệu của một sự phát triển mới về lực lượng hải quân của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia nhận định rằng hiện tại Trung quốc vẫn chưa có đủ khả năng để tranh chấp với Hoa Kỳ và Ấn Độ. Trước mắt, Bắc Kinh vẫn tìm cách phô trương thanh thế, nhưng chưa đến mức phải sử dụng quân sự. Ưu tiên hàng đầu của họ vẫn là tại khu vực Biển Đông.
Tin đồn cải cách tại Bắc Triều Tiên
Nhìn sang Bắc Á, Le Monde và Libération cùng quan tâm đến tình hình chính trị tại Bắc Triều Tiên. Sự hiện diện của một người phụ nữ trẻ tuổi bên cạnh ông Kim Jong-un và sự biến mất kỳ lạ khỏi chính trường của Phó nguyên soái Ri Yong-ho đã gây sự hiếu kỳ cho cả hai tờ báo.
Nếu như Libération chạy tựa “Kim Jong-un, nguyên soái thất sủng và người đẹp” thì báo Le Monde lại đưa sự kiện này lên trang đầu tiên của mục “Quốc tế” với hàng tựa “tin đồn thổi về một sự cải cách tại Bắc Triều Tiên”.
Theo Philippe Pons, thông tín viên báo Le Monde tại Tokyo, những ngày gần đây, sự hiện diện của một người phụ nữ trẻ bên cạnh Kim Jong-un đang là đề tài “đàm tiếu” trên chính trường quốc tế. Ai cũng thắc mắc “Người phụ nữ này là ai? Em út của ông ư? Một người bạn đồng hành? Hay là một bà vợ?
Lần thứ nhất là nhân lễ tưởng niệm ngày mất của người sáng lập nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên (CHDCND Triều Tiên), cố chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung). Và lần thứ hai, là trong một buổi diễn văn nghệ tại Bình Nhưỡng.
Điều đáng chú ý là trong chương trình văn nghệ này,các nghệ sĩ đã hóa trang thành các nhân vật nổi tiếng của Disney. Đây cũng là lần đầu tiên, hai nhân vật chuột Mickey và Winnie được trình diễn trên sân khấu Bắc Triều Tiên với sự có mặt của nhà lãnh đạo và các quan chức cao cấp nhà nước, bao gồm cả một hàng ngũ tướng lĩnh.
Trên thực tế, các nhân vật của Disney được trẻ con Bắc Triều Tiên biết đến nhờ vào các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và nhờ vào các công viên giải trí mới tại Bình Nhưỡng. Nên nhớ là cách đây không lâu, các nhân vật dễ thương của Disney từng bị chế độ xem là sản phẩm “đồi trụy” của giới chủ nghĩa tư bản.
Le Monde cho rằng tại một đất nước mà tất cả mọi thứ đều được chỉ huy, sự xuất hiện của người phụ nữ trẻ bên cạnh nhà lãnh đạo và việc nhìn nhận “chính thức” nhân vật Mickey Mouse - mà không có sự chấp thuận của tập đoàn Mỹ - có lẽ để cho thấy hai ý đồ của chế độ.
Thứ nhất, về mặt đối ngoại, chính quyền Bình Nhưỡng muốn phát đi một hình ảnh khiêm tốn (về việc đã tung ra thành công chiến dịch về quan hệ với công chúng nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Kim Nhật Thành). Thứ hai, về đối nội, cho thấy hình ảnh của một nhà lãnh đạo nhiệt tình và gần với dân chúng hơn là cha mình.
Theo ông Koh Yu-hwan, thuộc đại học Dongguk tại Seoul, dường như CHDCND Triều Tiên đang định về hướng “cải cách” theo kiểu Gorbatchev (minh bạch chính trị). Tuy nhiên, sự tiến triển có vẻ vẫn còn mù mờ, bởi vì trong những bài diễn văn đầu tiên, Kim Jong-un không hề nói đến một sự thay đổi nào trong định hướng của chế độ.
Bình Nhưỡng vẫn duy trì đường lối cứng rắn và phô trương thái độ thù nghịch với người anh em láng giềng Hàn Quốc. Sự minh bạch cũng không nêu rõ chương trình hành động. Mà bằng chứng là việc ông Ri Yong-ho, phó nguyên soái, Tổng tư lệnh quân đội đã biến mất đột ngột và bí ẩn khỏi chính trường. (mời quý độc giả xem bài tiếp theo).
Xã hội Bắc Triều Tiên đang thay đổi
Liên quan đến người phụ nữ thanh lịch, xuất hiện nhiều lần bên cạnh Kim Jong-un, thân phận của cô vẫn là những ẩn số : có khả năng đây là em gái út, cô Kim Yeo-jong, hay chí ít đó là ca sĩ nhạc pop nổi tiếng trong nước, cô Hyong Song-wol.
Một chuyên gia về Bắc Triều Tiên tại Học viện Sejong tại Seoul phán đoán rằng “đấy rất có thể là vợ ông Kim. Và sự hiện diện của người phụ nữ trẻ này có thể là dấu hiệu cho thấy quyền lực của Kim Jong-un đang ổn định”. Nếu đúng như dự đoán của vị chuyên gia trên, thì rõ ràng nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiênđang tỏ cho thấy có sự khác biệt với cha mình, ông Kim Jong-il, hiếm khi nào được nhìn thấy đi cùng với các bà vợ của ông.
Một điểm đáng để cho các chuyên gia chú ý đến đó chính là cách trang phục của người phụ nữ trẻ đó. Với mái tóc ngắn và trang phục bộ đầm veste sang trọng, tác giả cho biết với kiểu hình ảnh phụ nữ như thế, ta có thể bắt gặp ở mọi nẻo đường của Bình Nhưỡng.
Nếu như trước đây, phụ nữ bị cấm vận quần tây, thì ngày nay, bạn có thể thấy các cô, các bà mang giày cao gót, trang phục sặc sỡ hơn, váy ngắn hơn (nhưng vừa phải), tóc được chải theo kiểu Hàn Quốc hay Trung Quốc… Xã hội Bắc Triều Tiên đang âm thầm thay đổi. Các cô gái  đang thay đổi diện mạo của mình. Họ cũng là động lực chính của nền kinh tế thị trường: do họ nắm giữ ngành bán lẻ và mầm mống lãnh vực tư nhân.
Đảng Lao động Bắc Triều Tiên đang lấy lại quyền điều hành quân đội
Cũng tại Bắc Triều Tiên, nhưng liên quan đến sự biến mất bí ẩn của Phó Nguyên soái Ri Yong-ho, Philippe Pons thông tín viên tờ Le Monde nhận định rằng “có vẻ sự ra đi của lãnh đạo quân đội cho thấy đảng Cộng sản Bắc Triều Tiên đang lấy lại quyền lực”.
Chủ nhật 15/07 vừa qua, Ban Chính trị đọc thông báo của Ủy ban trung ương Đảng Lao động BTT, quyết định cách chức mọi chức vụ của ông Ri Yong-ho, người đàn ông đầy quyền lực, và là một trong những người trung thành nhất của cựu lãnh đạo Kim Jong-il qua đời hồi cuối năm rồi.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảm thấy không mấy thuyết phục với lý do đưa ra “vì sức khỏe kém”. Họ tiên đoán có sự thanh trừng nội bộ và đấu đá quyền lực đàng sau hậu trường. Theo họ, phó nguyên soái Ri Yong-ho, 69 tuổi, từng được xem là nhân vật chủ chốt trong việc kế thừa Kim Jong-il. Ông cũng là người tin cậy của nhà lãnh đạo quá cố, và là Tổng tư lệnh quân đội từ năm 2009. Trên sơ đồ tổ chức, ông chính là nhân vật số 2, chỉ đứng sau Kim Jong-un là chỉ huy trưởng các lực lượng quân đội.
Tác giả nhắc lại, trong suốt quá trình tổ chức tang lễ cho ông Kim Jong-il, Ri Yong-ho là một trong số 7 người được đi cạnh xe tang. Đây là những người được tờ Lao động Tân văn (cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Lao động Bắc Triều Tiên) xem như là những “gương mặt sẽ điều hành đảng và quân đội kỷ nguyên Kim Jong-un”.
Kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền, người ta thường thấy ông Ri Yong-ho tháp tùng với vị lãnh đạo mới trong hầu hết các buổi duyệt các đơn vị quân đội. Vào tháng tư rồi, nhân lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Kim Nhật Thành, ông Ri Yong-ho trong bộ quân phục đã chủ trì buổi lễ. Theo bài báo, rõ ràng ông Ri không có vấn đề về sức khỏe. Như vậy, có khả năng là sự rút lui của ông cho thấy là đảng Lao động đang dần lấy lại quyền điều hành quân đội.
Xin nói rõ là dưới thời Kim Jong-il, khẩu hiệu « tính ưu việt của quân đội » đã khiến cho bộ phận này có một tiếng nói trọng lượng trong việc ra các quyết định.
Bên cạnh sự biến mất khỏi chính trường một số nhân vật lão thành như trường hợp ông Ri Yong-ho mới đây hay vụ ông U Dong-chuk, giám đốc cơ quan an ninh từ hồi trung tuần tháng ba năm nay, tác giả ghi nhận sự trẻ hóa trong hàng ngũ quân đội. Le Monde cho biết, việc biến mất khỏi chính trường các nhân vật quan trọng tại CHDCND là chuyện thường thấy. Một số thì biến mất hoàn toàn, số khác thì chỉ tạm thời.
Trong bất kỳ trường hợp nào đi chăng nữa, dường như đang có xu hướng tái điều chỉnh lại quyền hạn của người đứng đầu quân đội. Tuy nhiên, liệu Kim Jong-un có đủ quyền lực để tiến hành ý đồ này hay không? Ông Cheong Seong-chang tại học viện Sejong đưa ra giả thuyết rằng “rất có khả năng Ri Yong-ho đã bị gạt do ông phản đối đảng nắm lại quyền điều khiển quân đội”.
Nếu đúng như vậy, thì Kim Jong-un và những người thân cận của ông sẽ phải xem lại nguyên tắc “tính ưu việt của quân đội” của chính họ đưa ra. Những kẻ dường như đang củng cố địa vị của mình mà không khó khăn cho đường lối chính trị kế thừa từ Kim Jong-il.
TAGS: ẤN ĐỘ - CHÂU Á - TRUNG QUỐC - ĐIỂM BÁO

No comments:

Post a Comment