Friday, July 13, 2012

Nội bộ ASEAN đấu tranh gay gắt về vấn đề Biển Đông

Nội bộ ASEAN đấu tranh gay gắt về vấn đề Biển Đông

Các ngoại trưởng ASEAN - Hoa Kỳ chụp ảnh chung sau cuộc họp khối Thượng đỉnh Đông Á, Phnom Penh, Cam Bốt, 12/07/2012
Các ngoại trưởng ASEAN - Hoa Kỳ chụp ảnh chung sau cuộc họp khối Thượng đỉnh Đông Á, Phnom Penh, Cam Bốt, 12/07/2012
REUTERS

Trọng Nghĩa
Chưa bao giờ mà khối các nước Đông Nam Á - ASEAN - lại gặp khó khăn trong việc thống nhất ngôn từ cho bản thông cáo chung đúc kết hội nghị như lần này tại Phnom Penh, Cam Bốt.

Cho đến đến hôm nay, 12/10/2012, ngoại trưởng các nước ASEAN vẫn còn bất đồng ý kiến sâu đậm về từ ngữ liên quan đến Biển Đông, trong bản dự thảo thông cáo chung. Điều này phản ánh sự chia rẽ trong nội bộ ASEAN về thái độ đối với Trung Quốc. Theo nhiều quan chức ngoại giao, thậm chí nhiều lúc đại diện các nước đã phải nổi nóng với nhau.
Phát biểu với hãng tin Pháp AFP, một viên chức Mỹ xác nhận : “Hầu hết các thành viên ASEAN đều thừa nhận rằng tổ chức của họ đang bị sức ép rất căng thẳng để làm sao duy trì được sự thống nhất vào lúc đang phải đối mặt với những thách thức rất nghiêm trọng, chủ yếu liên quan đến Biển Đông”.
Từ lúc kết thúc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN từ hôm thứ Hai đến nay, các quốc gia Đông Nam Á đã bắt tay vào việc soan thảo bản tuyên bố chung, nhưng đã liên tiếp gặp trở ngại, phải tổ chức nhiều cuộc họp không chính thức để gải quyết mà vẫn chưa xong. Theo các nhà ngoại giao có mặt tại Phnom Penh, ASEAN vẫn bất đồng về vấn đề gai góc là có nên đề cập đến các tranh chấp bùng lên gần đây với Trung Quốc tại Biển Đông vào trong văn kiện hay không.
Cam Bốt không cho Philippines nêu lên vụ Scarborough
Philippines đã nhấn mạnh đến việc cần phải nhắc đến vụ đối đầu hàng tháng trời với Trung Quốc tại vùng bãi đá ngầm Scarborough ngoài Biển Đông. Tuy nhiên, chủ tịch luân phiên ASEAN là Cam Bốt, một đồng minh của Trung Quốc, đã bác bỏ đề nghị này.
Báo chí Philippines đã nêu cụ thể là ngay từ đầu, Ngoại trưởng nước này là ông Albert del Rosario đã đề nghị ghi vào văn kiện đoạn sau đây: " Trong bối cảnh này, chúng tôi đã thảo luận sâu về những diễn biến gần đây ở Biển Đông, KẺ CẢ TÌNH HÌNH TẠI BÃI NGẦM SCARBOROUGH, và bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về những diễn biến như vậy trong khu vực, ĐẶC BIỆT LÀ CÁC DIỄN BIẾN TRÁI VỚI QUY ĐỊNH CỦA CÔNG ƯỚC LIÊN HIỆP QUỐC UNCLOS 1982 LIÊN QUAN ĐẾN VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ VÀ THỀM LỤC ĐỊA CỦA CÁC NƯỚC VEN BIỂN. Trong tinh thần đó, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tôn trọng VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ VÀ THỀM LỤC ĐỊA CỦA CÁC NƯỚC VEN BIỂN cũng như quyền tự do hàng hải và quá cảnh không phận trên Biển Đông, theo các nguyên tắc được luật pháp quốc tế công nhận, trong đó có UNCLOS 1982 ".
Vấn đề là chủ nhà Cam Bốt đã xóa bỏ các đoạn "TÌNH HÌNH TẠI BÃI NGẦM SCARBOROUGH", và "CÁC DIỄN BIẾN TRÁI VỚI QUY ĐỊNH CỦA CÔNG ƯỚC LIÊN HIỆP QUỐC UNCLOS 1982 LIÊN QUAN ĐẾN VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ VÀ THỀM LỤC ĐỊA CỦA CÁC NƯỚC VEN BIỂN". (Phần viết chữ hoa và in đậm do chính RFI thực hiện).
Philippines không đồng ý, và hai bên tiếp tục đôi co. Một số người có mặt trong cuộc họp cho biết là Singapore và Indonesia đã cố gắng viết lại đoạn này, nhưng đến lượt cả Philippines lẫn Cam Bốt không đồng ý. Theo báo chí Philippines, Cam Bốt cho đến nay, nổi tiếng là thân Trung Quốc.
Việt Nam vận động cho nhóm từ "vùng đặc quyền kinh tế"
Về Việt Nam, theo nhật báo Thái Lan Bangkok Post, một nguồn tin ngoại giao cho biết là Việt Nam cũng tranh thủ mọi cuộc họp để tìm kiếm hậu thuẫn cho việc đưa vào văn kiện nhóm từ “vùng đặc quyền kinh tế”. Trên bình diện công khai, tại Hội nghị Phnom Penh lần này, Việt Nam đã không ngần ngại chính thức lên tiếng tố cáo các hành vi quyết đoán mới đây của Trung Quốc.
Một trong những ví dụ cụ thể là phát biểu của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN AMM. Theo bộ Ngoại giao Việt Nam,  ông Phạm Bình Minh đã “bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình diễn biến phức tạp xảy ra gần đây trên Biển Đông; nhấn mạnh lập trường của Chính phủ Việt Nam phản đối việc Trung Quốc phê chuẩn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và mời thầu quốc tế 09 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) 1982”.
Nội dung vừa kể sau đó đã được lập lại ở những hội nghị khác có Việt Nam tham gia, kể cả tại cuộc gặp song phương giữa hai ngoại trưởng Việt Nam và Trung Quốc bên lề Hội nghị ASEAN vào hôm qua.
Chua biết là yêu cầu của Việt Nam và Philippines được các nước ASEAN đáp ứng như thế nào, nhưng theo Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, tất yếu phải có thỏa hiệp với kết quả là không bên nào thỏa mãn 100%.
Phnom Penh bị cáo buộc là cố sức bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh
Phát biểu với báo chí hôm nay, ông Natalegawa đã không che giấu thất vọng trước việc ASEAN cho đến giờ chót vẫn không nhất trí được về Biển Đông. Nỗi thất vọng của ông càng cao khi ông thừa nhận rằng chỉ riêng đoạn về Biển Đông đã có 17 hay 18 phiên bản khác nhau, nhưng tất cả đều phải bỏ đi vì không được toàn thể 10 thành viên phê duyệt.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng công nhận tình hình căng thẳng, nhưng cho rằng đó là"dấu hiệu của sự trưởng thành của ASEAN, khi họ vật lộn với nhau trên một hồ sơ gai góc. Họ đã không tìm cách ém nhẹm, mà trực diện giải quyết".
Dẫu sao thì dù không tham gia đàm phán, nhưng Trung Quốc được cho là đã gây sức ép thông qua các đồng minh của mình trong ASEAN, mà rõ ràng nhất là Cam Bốt, từng bị cáo buộc là đã tìm cách loại Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự Hội nghị Thượng đỉnh tháng 4 vừa qua để chiều ý Bắc Kinh.
Một nhà ngoại giao hôm nay, xin giấu tên, đã xác nhận với AFP rằng : “Áp lực từ nước lớn rất mãnh liệt”, ám chỉ đến Trung Quốc. Theo nhân vật này : "Có dấu hiệu là Cam Bốt đã nhận được chỉ thị nghiêm ngặt từ nước lớn đó”.
TAGS: ASEAN - BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - PHÂN TÍCH - TRUNG QUỐC

No comments:

Post a Comment