Campuchia tiếp tục chỉ trích Việt-Phi
Cập nhật: 15:15 GMT - thứ sáu, 20 tháng 7, 2012
Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong nói tuy Asean đạt nguyên tắc về Biển Đông, ông vẫn đặt câu hỏi về động cơ của 'hai nước thành viên' mà ông không nói tên nhưng ai cũng hiểu là Việt Nam và Philippines.
Ông ngoại trưởng vừa có cuộc họp báo chiều thứ Sáu 20/7 tại Phnom Penh để nói về bản nguyên tắc sáu điểm về Biển Đông mà các nước Đông Nam Á đã thống nhất với nhau sau nỗ lực ngoại giao con thoi của Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa.
Chủ đề liên quan
Các nước Asean đã không đưa ra được thông cáo chung tại cuộc họp bộ trưởng ngoại giao tuần trước do có bất đồng giữa nước chủ nhà Campuchia với Việt Nam và Philippines về câu chữ khi nhắc tới Biển Đông.
Nay Ngoại trưởng Hor Namhong cho hay tuy sẽ không có thông cáo chung, các nước đã đạt được nguyên tắc chung về Biển Đông. Đồng thời ông cũng chỉ trích rằng việc Việt Nam và Philippines tranh cãi quanh bản thảo thông cáo chung tuần trước cho thấy không có tiến bộ trong việc hàn gắn chia rẽ nội bộ Asean.
Ông nói: "Thứ Sáu tuần trước, đúng một tuần trước đây, tôi thông báo là cuộc họp ngoại trưởng Asean đã không đưa ra được thông cáo chung vì không có đồng thuận giữa 10 nước thành viên Asean"
"Thế nhưng một tuần sau, hôm nay chúng ta đã có văn bản cho thấy lập trường của Asean về vấn đề Biển Đông."
'Không đổ dầu vào lửa'
Ông Hor Namhong khẳng định quan điểm của Campuchia, mà nhiều nước chỉ trích là ngả theo áp lực từ Trung Quốc: "Với tư cách chủ tịch Asean, cũng như chủ tịch tổ chức khu vực quan trọng này, khi giữa các bên liên quan có bất đồng thì chủ tịch Asean không thể đổ thêm dầu vào lửa".
"Chủ tịch Asean phải làm tất cả những gì có thể để bảo đảm là bất đồng sẽ được giải quyết và đây là quan điểm có tính nguyên tắc của Campuchia."
Tiếp sau đó, ông ngoại trưởng hướng mũi dùi vào Việt nam và Philippines, hai quốc gia đã kiên quyết yêu cầu lập trường của mình về Biển Đông phải được ghi nhận trong thông cáo chung hồi tuần trước.
"Bản nguyên tắc sáu điểm mà từ nay trở đi chúng ta sẽ thực hiện, cũng như quan điểm của Campuchia đều không có khác gì với trước, thế cho nên vấn đề là tại sao mà Asean lại không thông qua được tuyên bố chung tại hội nghị [tuần trước]."
Ông Hor Namhong diễn giải: "Tuy trong bản thảo thông cáo chung tôi không đánh số 1, 2, 3, 4, 5, 6, nhưng ý nghĩa của các nguyên tắc thì vẫn y như thế - tại sao lúc đó hai quốc gia kia phản bác thông cáo chung để bây giờ lại đồng ý?"
Ông khẳng định: "Văn bản thông cáo chung trước kia còn không đưa ra các nguyên tắc, nhưng bản nguyên tắc sáu điểm lần này nặng hơn vì có các điều kiện mà Asean buộc phải tuân thủ".
Câu hỏi của ông ngoại trưởng Campuchia đối với Việt Nam và Philippines là: "Tại sao họ [Việt Nam và Philippines] không chấp nhận thông cáo chung bình thường lúc trước mà lại chấp nhận bản nguyên tắc lần này?"
"Tại sao họ [Việt Nam và Philippines] không chấp nhận thông cáo chung bình thường lúc trước mà lại chấp nhận bản nguyên tắc lần này? Đây là câu hỏi chúng ta cần đặt ra. Phải chăng họ lập kế hoạch làm cho tuyên bố chung thất bại?"
Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong
"Đây là câu hỏi chúng ta cần đặt ra. Phải chăng họ lập kế hoạch làm cho tuyên bố chung thất bại?"
Cả Manila và Hà Nội đều chưa có phản ứng gì trước cáo buộc giận dữ của ông Hor Namhong.
'Nguyên tắc sáu điểm' về Biển Đông của Asean vừa thống nhất bao gồm: các Ngoại trưởng Asean “nhắc lại và khẳng định cam kết của các nước thành viên Asean” nhằm “Thực hiện đầy đủ Tuyên bố của các bên về cách ứng xử (DOC) ở Biển Đông (2002); thực hiện Hướng dẫn thực hiện DOC; Sớm kết thúc Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông; Hoàn toàn tôn trọng các nguyên tắc đã được thừa nhận của Luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982 của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS); Tiếp tục tự kiềm chế và không sử dụng bạo lực giữa tất cả các bên; và các biện pháp hòa bình đối với các tranh chấp, theo nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982 của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS).
Thông báo của ông Hor Namhong cũng cho hay các bộ trưởng ngoại giao Asean sẽ tăng cường tham vấn trong Asean nhằm thúc đẩy những nguyên tắc nói trên, theo đúng tinh thần Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á năm 1976 cũng như Hiến chương Asean năm 2008.”
Giới chuyên gia bình luận rằng bản nguyên tắc sáu điểm không có gì mới và khó có thể coi là có điểm gì đột phá.
No comments:
Post a Comment