Sunday, July 29, 2012

Bắc Kinh với chính sách 'sự đã rồi' tại Biển Đông

Bắc Kinh với chính sách 'sự đã rồi' tại Biển Đông

Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 22/07/2012.
Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 22/07/2012.
REUTERS/Nguyen Lan Thang

Mai Vân
Các động thái gây căng thẳng trên Biển Đông của Bắc Kinh trong thời gian gần đây nhằm áp đặt chủ quyền của Trung Quốc đã thu hút mối quan tâm của báo Le Figaro. Trong bài viết mở đầu trang quốc tế, dưới dòng tựa lớn « Bắc Kinh đặt cơ sở trên Biển Đông », phóng viên Le Figaro tại Trung Quốc đã nhân sự kiện Bắc Kinh cho thành lập một đơn vị quân đội đồn trú tại Biển Đông để nêu bật dụng tâm của Trung Quốc muốn biến vùng biển mà họ đòi chủ quyền thành « lãnh địa » của mình.

Tác giả bài báo, Arnaud de la Grange, trước tiên ghi nhận : Trong cuộc tranh chấp vùng biển với các nước láng giềng, Trung Quốc không hề buông súng, mà trái lại nữa là khác. Cuối tuần qua, họ loan báo việc chính thức cho đồn trú một đơn vị quân đội tại thành phố Tam Sa bao trùm Biển Đông. Theo Le Figaro, đây là một bước mới nhằm « biến vùng này thành một thánh địa (sanctuariser) », bất chấp vô số tranh chấp với các láng giềng Đông Nam Á.
Nhắc lại việc quyết định trên lại do Quân ủy Trung ương đầy quyền uy công bố, Arnaud de la Grange cho rằng điều đó chỉ nhằm nhấn mạnh đến tính biểu tượng, vi trong thực tế Trung Quốc đã có một lực lượng khá hùng mạnh trong khu vực.
Theo tác giả bài báo, từ tháng trước, Bắc Kinh đã tiến thêm một bước rồi khi cấp cho vùng biển rộng lớn đó quy chế của một thành phố, lấy tên là Tam Sa, trực thuộc đảo Hải Nam. Trụ sở thành phố nằm ngay trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa mà họ đã dùng võ lực đánh chiếm từ tay Việt Nam vào năm 1974.
Ký giả tờ Le Figaro nhận xét : Việt Nam đã lên tiếng phản đối ngay lập tức ‘cái gọi là’ thành phố Tam Sa, được thành lập bất hợp pháp trên vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình. Và lần thứ ba trong vòng một tháng, một cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã diễn ra cuối tuần rồi tại Hà Nội.
Song song với việc áp đặt chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc còn phái một đoàn tàu đánh cá đến Trường Sa, một quần đảo tranh chấp khác trong khu vực. Nhận xét của Le Figaro rất rõ ràng :
Khi dựa trên một đoàn tàu gọi là « dân sự »ngày càng hùng mạnh của Cục Quản lý Đại dương hay của cơ quan Ngư chính, mà tàu thuyền hiện được trang bị vũ khí nặng, Bắc Kinh đang bền bỉ dùng chính sách « sự đã rồi » để áp đặt chủ quyền của họ. Le Figaro nhắc lại là vào năm 2010, Biển Đông đã được Trung Quốc nâng lên hàng lợi ích cốt lõi, ngang hàng với Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương. Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh không chấp nhận bất kỳ thỏa hiệp nào.
Trong cuộc tranh chấp hiện nay, tác giả bài báo nhìn thấy rằng cuộc đối đầu gay gắt nhất là với Việt Nam, thế nhưng tham vọng của Bắc Kinh đã va vào hầu hết các láng giềng.
Đối với Arnaud de la Grange, ngoài vấn đề tự hào dân tộc, nguồn dầu hỏa được cho là rất dồi dào của vùng này đã làm cho tình hình căng thẳng. Và cũng phải kể đến quyết định của Mỹ trở lại khu vực, làm cho tranh chấp trở thành quốc tế, điều mà Bắc Kinh không hề muốn.
Một gia đình Nhật Bản giầu có muốn bán các hòn đảo của mình
Trong khu vực quả là Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ với mọi người. Không chỉ ở Biển Đông, Arnaud de La Grange nhìn lên phía Bắc, cũng thấy bóng dáng Trung Quốc tranh chấp với Nhật Bản về chủ quyền vùng quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư.
Đối với tác giả bài báo, đây là một cuộc tranh chấp rất lý thú, nhất là khi mà hai nền kinh tế lớn thế giới đối đầu với nhau, và câu chuyện lại có biến chuyển mới : một gia đình giàu có Nhật Bản, chủ nhân của đảo có ý định bán nó cho thành phố Tokyo, vào tháng 3 tới đây, khi hết hợp đồng cho chính phủ Nhật thuê.
Đô trưởng Tokyo vào mùa xuân vừa qua đã cho biết ông sẳn sàng mua lại 4 hòn đảo của gia đình nói trên. Ba tháng sau thông báo của thống đốc Shintaro Ishihara, thì Bắc Kinh lại vô cùng bực tức khi đến lượt thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda ngầm cho hiểu chính phủ Nhật cũng sẵn sàng mua lại các đảo này.
Châu Âu : bão tố tài chánh đến từ Tây Ban Nha
Tại Châu Âu, mặt trận kinh tế cũng rất đáng ngại, với cuộc khủng hoảng tài chính Tây Ban Nha. Báo kinh tế Les Echos cũng trên trang nhất, nhìn thấy "Tây Ban Nha đang làm dấy lên một ngọn gió hốt hoảng" và đã có bản tin báo bão trên các thị trường tài chính Châu Âu.
Le Figaro ghi nhận trong hàng tít ngắn gọn : « Tây Ban Nha suy sụp trở lại, Châu Âu run sợ ». Tờ báo tóm lược tình hình : lãi suất Tây Ban Nha tăng vọt (7,36%), thị trường chứng khoán Châu Âu thụt lùi, tin xấu rơi xuống như mưa phải đưa ra biện pháp khẩn cấp, khủng hoảng vùng đồng euro nghiêm trọng hơn.
Libération ở trang trong chạy một tựa hóm hỉnh : Tây Ban Nha gây hốt hoảng đấu trường Châu Âu. L’Humanité chú trọng đến nguyên nhân. Nhìn lãi suất cao, tờ báo quy trách nhiệm cho « thị trường đã đè bẹp các vùng Tây Ban Nha ».

Điều đáng ngại theo các báo là hệ quả dây chuyền. Vì như Le Figaro nhận thấy : tình hình ngày càng trầm trọng hơn, không đầy một tháng sau cuộc họp thượng đỉnh Châu Âu, tựa như những biện pháp đưa ra, 120 tỷ euro cho tăng trưởng..., việc cứu vớt các ngân hàng Tây Ban Nha được thông qua thứ Sáu vừa qua, không hề có hệ quả gì.
Tờ báo trở lại với lời kêu cứu của vùng Valencia, hôm thứ Sáu, vùng mắc nợ nghiêm trọng nhất Tây Ban Nha, cho đây là yếu tố đã làm tình hình bùng cháy, vì nó tạo ra lo ngại phải cứu cấp toàn diện Tây Ban Nha với hệ quả dây chuyền cho các bệnh nhân khác trong vùng đồng euro, mà nước Ý là bệnh nhân lớn kế cận Tây Ban Nha. Lãi suất vay mượn trên 10 năm của Ý hiện là 6, 29%.
Đối với le Figaro, Tây Ban Nha đang bốc cháy là một tiếng chuông cảnh báo rất nghiêm trọng mà những nước lớn khác như Pháp phải lắng nghe.
Trong bối cảnh này, Le Figaro nhắc lại một yếu tố khác không mấy phấn khởi, đó là cơ quan thẩm định Moodys đang đe dọa điểm AAA của Đức, nền kinh tế mạnh nhất của Châu Âu. Hôm qua Moody’s đã hạ từ ‘ổn định’ xuống ‘tiêu cực’ triển vọng nợ công của Đức, Hà Lan và Luxembourg vì không thấy lối thoát cho khủng hoảng nợ công của Châu Âu.
Sida : Tín hiệu lạc quan từ nước Mỹ
Hội nghị quốc tế về bệnh Sida, mở ra tại Hoa Kỳ hôm chủ nhật, cũng rất được báo chí Pháp theo dõi. Báo Le Monde chạy một hàng tựa lạc quan : Ngăn chặn đại dịch Sida không còn là một điều không tưởng. Tờ báo ghi nhận bên dưới : Hội nghị thế giới lần thứ 19 về HIV mở ra tại Washington sẽ huy động những nguồn tài trợ mới.
Mở đầu bài viết, đặc phái viên Le Monde nêu câu hỏi : phải chăng đây là khúc quanh mà mọi người đang mong đợi ? Hội nghị tập trung hơn 22.000 người từ nhà nghiên cứu, y sĩ, các hiệp hội và cả giới lãnh đạo chính trị, với khẩu hiệu là « cùng nhau đảo ngược xu thế ». Đảo ngược xu thế với suy nghĩ là thế giới hiện giờ có đủ ‘dụng cụ’ để có thể hy vọng ngăn chặn một đại dịch đã làm hơn 30 triệu người chết từ khi những ca đầu tiên được khám phá năm 1981.
Le Monde nhắc lại những tiến bộ, tuy còn giới hạn, mà báo cáo của Onusida trung tuần tháng 7 đã nêu lên, tiến bộ trên mặt khoa học cũng như những thay đổi tại những nước nghèo bị bệnh dịch hoành hành nhất. Kết quá đáng khích lệ : những ca mới bị nhiễm virút nơi thanh niên cũng như người lớn đã giảm thiểu, tuy là không nhanh chóng như mong muốn vì mỗi một phút vẫn có một phụ nữ bị nhiễm trên thế giới.
Cho nên Onusida đã cổ vũ phải cố gắng hơn nữa để giảm thiểu việc truyền nhiễm qua quan hệ tình dục hay qua đường chích ma túy. Làm đươc việc này thì trước tiên phải bỏ đi việc bài xích những người bị nhiễm virút hay các luật lệ khắt khe làm cho những người bị bệnh không dám đến nơi khám, chữa trị.
Yếu tố khiến Le Monde lạc quan, trước tiên trên vấn đề tài chính : hiện nay ở những nước thu nhập thấp, còn hơn một nữa bệnh nhân không được chữa trị tức khoảng 8 triệu người. Cộng đồng quốc tế đã cam kết nâng số người được chữa trị lên 15 triệu từ đây đến năm 2015. Một mục tiêu mà Liên Hiệp Quốc đánh giá có thể đạt được, với điều kiện hội đủ 24 tỷ đô la cho các quốc gia này từ đây đến 2015, và hiên nay còn thiếu 7,2 tỷ.
Điều đáng khích lệ khác, theo Le Monde, là chính các quốc gia thu nhập thấp này đã nỗ lực đầu tư vào việc chữa trị : 40 quốc gia đã lấy tiền của mình, đáp ứng đến 70 % nhu cầu cần thiết của họ.
Trên mặt khoa học thì cũng có rất nhiều tiến bộ. Le Monde nêu trường hợp đặc biệt ‘ người bệnh Berlin’ : năm 2007, Timothy Brown, được trị bằng cách ghép tế bào gốc, mà người cho thuộc nhóm người hiếm hoi có đề kháng tự nhiên, không bị nhiễm HIV. Cho đến nay, tức 7 năm sau, ông Brown không hề có triệu chứng gì nữa, xem như ông đã khỏi bệnh. Đây là một hy vọng rất lớn về việc chữa trị Sida.
Trong phần kết luận, tác giả bài báo chờ xem các chính phủ và định chế sẵn sàng đáp ứng, dấn thân như thế nào nhân hội nghị này vào công cuộc phòng chống sida, vào lúc mà chưa bao giờ giới khoa học mang lại nhiều giải pháp như thế.
Tấm gương chống Sida từ Trung Quốc
Ngoài tình hình chung, Le Monde còn chú ý đến Trung Quốc, đang nỗ lực trong việc thúc đẩy phòng ngừa đối với những người nghiện ma túy.
Theo Le Monde đây là một tiến bộ lớn của Trung Quốc đã nhìn thẳng vào thực tế. Trung Quốc đang vận động cho việc sử dụng bao cao su và đổi các ống chích miễn phí, với hy vọng giảm 25% ca nhiễm mới từ đây đến năm 2015.
Theo đại diện Onusida tại Bắc Kinh, Guy Tailors, từ chỗ không có gì, Trung Quốc hiện có 900 trung tâm trao đổi ống chích, năm 2011, có hơn 66% những người tiêm chích ma túy có thể sử dụng dụng cụ được khử trùng, vào năm 2007 tỷ lệ này là 40,5%. Tuy nhiên hiện nay các trung tâm trao đổi ống chích nói trên còn ít người lui tới. Người nghiện ma túy e ngại đấy cũng là một cái bẫy, buộc họ đi xét nghiệm.
Bài báo trích dẫn một chuyên gia cho là mối e ngại của họ không phải không có cơ sở, vì nếu cơ quan y tế có quota của họ về bệnh nhân nghiện ma túy thì công an cũng có quota của họ về số người phải bắt.
Trước tình hình e ngại này, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu cho phép một số hiệp hội bán chính thức đứng ra phân phát ống chích sạch.
Theo bài báo, những người tiêm chích ở các thành phố bắt đầu ý thức về khả năng bị nhiễm virút, nhưng ngại đến các trung tâm của chính phủ, họ đã tìm được một cách khác : đến các nhà thuốc tây mua ống chích một cách dễ dàng vì chỉ cần nêu lý do là bị tiểu đường và cần ống chích có thế thôi.
Vẫn còn 46 nước cấm người mang virus Sida nhập cảnh
Tờ La Croix hôm nay cũng theo dõi hội nghị về Sida, nhưng chú ý đến khiá cạnh mà tờ báo nêu bật trong hàng tít : những người có phản ứng dương tính với virút vẫn không được đến 46 quốc gia.
Đặc phái viên La Croix ghi nhận một tin vui đáng mừng của Hội nghị khi Hàn Quốc thông báo ý định bỏ các biện pháp cho đến nay ngăn cản những người có phản ứng dương tính vào lãnh thổ nước này. Một cử chỉ được giám đốc điều hành Onusida, Michel Sidibé nhiệt liệt hoan nghênh.
Trước đó, theo La Croix, thì khoảng 20 tập đoàn đa quốc gia đã lên tiếng yêu cầu bãi bỏ những biện pháp tương tự hiện hành tại 46 nước. Một lời kêu gọi với mục tiêu thực tế : Chip Bergh, chủ nhân nhãn hiệu jeans Levi Strauss giải thích là các biện pháp này không chỉ ảnh hưởng đến du lịch mà còn tác động đến lãnh vực kinh doanh. Trong thế giới cạnh tranh hiện nay, Levi Strauss cần gởi người đến bất cứ nơi nào họ cần gởi đến.
La Croix nhắc lại những nước có biện pháp nói trên đối với những người mang virút Sida, đầu tiên là nước từ lâu bị chỉ mặt nêu tên nhưng nay đã có phần thay đổi : đó là Hoa Kỳ. Và nếu hội nghị về Sida diễn ra ở Washington hiện nay, 22 năm sau hội nghị ở san Francisco đó là nhờ vào sự kiện tháng Giêng năm 2010, tổng thống Obama đã bỏ việc cấm người nhiễm virút vào đất Mỹ.
Những biện pháp cấm đoán đó đã được ban hành vào năm 1987, trong lúc người ta không hiểu biết gì nhiều về bệnh Sida.
Syria : trận đánh Alep
Syria tiếp tục là chủ đề thời sự quốc tế nóng bỏng thu hút báo giới Pháp hôm nay. Le Monde ngay trang nhất đưa đọc giả vào « trung tâm trận chiến thành phố Alep », với bức ảnh lính phe nổi dậy trên đường phố thành phố lớn phiá Bắc thủ phủ kinh tế của Syria. Tờ La Croix thì đi theo người dân Syria chạy lánh nạn và đi lưu vong ở các nước láng giềng.
TAGS: BIÊN GIỚI - BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - CHỦ QUYỀN - NHẬT BẢN - TRUNG QUỐC - VIỆT NAM - ĐIỂM BÁO

No comments:

Post a Comment