Tranh chấp chủ quyền: Từ Bắc Cực nhìn về Biển Đông
Từ vấn đề Bắc Cực nhìn về vấn đề Biển Đông, chỉ có thể nói rằng đi đâu Trung Quốc cũng đòi chủ quyền một cách "hết sức vô lý" và đặc biệt là luôn mẫu thuẫn trong chính những lập luận của chính mình!
Cơn khát năng lượng xuất hiện tại nhiều quốc gia trong bối cảnh các nước đều cần phát triển kinh tế một cách mạnh mẽ đã làm cho nhiều vùng lãnh thổ trên biển lẫn đất liền biến thành vùng tranh chấp. Không ngoại lệ, cơn khát tài nguyên này cũng đã khiến cho Trung Quốc trở nên hung hăng và liên tục có những hành động phi lý nhằm đòi chủ quyền lãnh thổ, từ biển Đông cho đến Bắc Cực.
Bắc Cực và vùng nước xung quanh hiện được coi là vùng biển quốc tế và không thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào.
Bắt đầu từ những năm 2000, Trung Quốc đã cho thành lập các cơ quan đặc biệt chuyên về Bắc Cực để thể hiện tham vọng của mình. Cụ thể, vào năm 2004, Trung Quốc đã cho xây dựng trạm nghiên cứu khoa học đầu tiên với diện tích 500m2 với 4 phòng thí nghiệm tại Spitsbergen ở Bắc Cực. Đến năm 2009 Trung Quốc lại thành lập Trung tâm nghiên cứu khoa học vùng cực trên cơ sở cơ quan chuyên trách trước đó với số nhân lực 230 người.
Một góc quang cảnh Bắc Cực. Ảnh: NOAA. |
Hoàn toàn có thể lí giải được những động thái này của Trung Quốc liên quan đến Bắc Cực. Theo số liệu của Viện Địa lý Mỹ đưa ra thì Bắc Cực có trữ lượng dầu thô khoảng 90 tỷ thùng, về khí đốt tự nhiên là 1,669 nghìn tỷ m3 và khí tự nhiên hóa lỏng 44 tỷ thùng. Những con số này quy ra sẽ tương ứng với 13% trữ lượng dầu mỏ trên toàn thế giới chưa được khai thác, 30% khí đốt tự nhiên và 20% khí tự nhiên hóa lỏng. Đặc biệt hơn khi lợi ích khu vực này chưa dừng lại ở dầu khí, mà còn là hải sản và nhiều loại khoáng sản khác (kim cương, mangan, đồng, coban, phốt phát, niken, aluminum, urani, gali, indi). Do đó, từng mét vuông đất ở đây đều là mục tiêu để các nước tranh giành nhằm tạo lập vị thế, hướng tới mục tiêu giành được chủ quyền tại các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) có địa chính trị quan trọng.
Hiện nay Trung Quốc đang là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là một nền kinh tế "nóng". Việc Trung Quốc có duy trì được mức tăng trưởng kinh tế cao như hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào lượng cung tài nguyên. Trong tương lai thì lượng tài nguyên này dĩ nhiên sẽ phụ thuộc vào nguồn tài nguyên Bắc Cực.
Chưa dừng lại ở các lợi ích tài nguyên, còn có thêm một nguồn lợi rất lớn từ Bắc Cực đó chính là tuyến đường biển đi qua Biển Bắc. Đây chính là tuyến đường biển được xem là ngắn nhất nối các cảng ở Tây Âu và Đông Á. Đây cũng chính là nơi mà lợi ích của các quốc gia xung quanh Bắc Cực và các nước phía nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc gặp nhau.
Theo dự báo của các nhà khoa học, vào mùa hè năm 2013 hoặc 2015, con đường biển Bắc sẽ được mở, và đến năm 2030 thì tuyến đường biển xuyên Bắc Băng Dương sẽ khai thông hoàn toàn.
Trung Quốc đã nộp đơn xin làm quan sát viên Hội đồng Bắc Cực từ lâu nhằm tìm kiếm tiếng nói và tính "chính danh" của mình trong việc yêu sách chủ quyền Bắc Cực. Các nhà phân tích đều dự đoán rằng trong tương lai Bắc Kinh sẽ trở nên quyết đoán và cứng rắn hơn trong vấn đề Bắc Cực.
Hiện tranh chấp chủ quyền tại Bắc Cực chủ yếu diễn ra xung quanh ở các nước giáp ranh Bắc Cực giống như Nga, Na Uy, Đan Mạch, Canada, Mỹ, Thụy Điển, Iceland, Phần Lan. Một điều lạ lùng ở đây là một quốc gia dường như chả liên quan gì về mặt địa lý như Trung Quốc lại lên tiếng đòi chủ quyền một cách trắng trợn.
Thậm chí Trung Quốc còn đặt câu hỏi và yêu cầu được làm rõ về các đòi hỏi chủ quyền của các nước thành viên trong Hội đồng Bắc Cực.
Trung Quốc còn muốn Bắc Cực cùng với các tuyến hàng hải, nguồn dầu mỏ, khoáng sản và nguồn cá tại đó phải mang quy chế lãnh thổ quốc tế, phải là di sản chung của nhân loại. Đây được xem là một đòi hỏi hết sức vô lý. Nó đặc biệt mâu thuẫn nếu không muốn nói là trái ngược hoàn toàn khi đem ra so sánh với những lập luận cho yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Khi Trung Quốc liên tục tuyên bố mình có chủ quyền "cố hữu" từ "thời xa xưa" trên Biển Đông, quyết tâm không cho các nước khác "quốc tế hóa" vấn đề này, ra sức giải quyết bằng đàm phán song phương.
Ngay tại quan điểm "quốc tế hóa" này thì Trung Quốc đã thể hiện sự vô lý của mình. Cùng một bản chất tranh chấp mà Trung Quốc lại có hai quan điểm khác nhau ở hai khu vực. Có thể giải thích rằng vì tại Bắc Cực, khi hai ông lớn như Nga, Mỹ có liên quan trực tiếp thì Trung Quốc ra sức "quốc tế hóa" vì Trung Quốc biết rõ mình bị yếu thế tại đây. Có thể thấy rằng những lập luận về chủ quyền của Trung Quốc tại Bắc Cực đã "đi ngược lại" chính những lập luận cũng của nước này tại Biển Đông.
Sự vô lý này của Trung Quốc đều được khẳng định bởi hầu hết các học giả quốc tế. Thượng nghị sĩ Joe Lieberman - Chủ tịch Uỷ ban An ninh nội địa và các vấn đề của Chính phủ Mỹ phát biểu tại Hội thảo An ninh biển Đông ở Washington rằng "Chính sách của Trung Quốc tại khu vực biển Đông thiếu những cơ sở rõ ràng dựa theo luật pháp quốc tế, gây ra sự nghi ngờ và có thể dẫn đến những tính toán sai lầm. Đây cũng chính là điều khiến cho Trung Quốc có thể sẽ ngày càng bị cô lập hơn trong khu vực cũng như trên thế giới".
Chính quyền Trung Quốc luôn khẳng định rằng họ có chủ quyền "không thể chối cãi" trên gần như toàn bộ khu vực Biển Đông. Thế nhưng Trung Quốc luôn luôn bác bỏ các đề nghị của Việt Nam hay Philippines nhằm đưa tranh chấp ra trước tòa án quốc tế hoặc mở đàm phán đa phương về vấn đề này. Thậm chí, Trung Quốc còn né tranh đưa vấn đề Biển Đông ra hội đàm tại các hội nghị mang tầm cỡ quốc tế. Cụ thể, tại hội nghị ARF diễn ra vào 12/7, phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân cũng đã thể hiện quan điểm đó rằng "Cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao tại Diễn đàn Khu vực ASEAN là một cơ sở quan trọng để xây dựng lòng tin lẫn nhau và tăng cường hợp tác, nhưng đó không phải là nơi phù hợp để bàn về vấn đề Biển Đông".
Có thể nhận thấy rằng, nguyên nhân xuất phát cho những động thái cũng như lập trường trên là chính vì bản thân Trung Quốc đã tự nhận thấy rằng lập luận của mình là vô lý, có thể nói là "đuối lý". Trung Quốc không thể nào đứng vững bằng cách chứng minh tính hợp lý cho quan điểm của mình khi đưa vấn đề ra giải quyết bằng luật pháp quốc tế hay đàm phán đa phương. Để bù vào sự yếu thế trên, Trung Quốc tăng cường tàu hải giảm, đưa tàu đổ bộ và hộ vệ tên lửa đến các đảo và bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa và đề nghị trang bị vũ khí cho các ngư dân trên những vùng nước có tranh chấp cho thấy xu thế muốn sử dụng lợi thế quân sự để "lấy thịt đè người". Khác với biển Đông, chiêu này của Trung Quốc sẽ không mấy hiệu quả trước cán cân sức mạnh tại Bắc Cực, với sự hiện diện của Nga lẫn Mỹ.
Từ vấn đề Bắc Cực nhìn về vấn đề Biển Đông, chỉ có thể nói rằng đi đâu Trung Quốc cũng đòi chủ quyền một cách "hết sức vô lý" và đặc biệt là luôn mẫu thuẫn trong chính những lập luận của chính mình!
No comments:
Post a Comment