Chính sách tái cân bằng của Mỹ có thành công?
Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống đang đến rất nhanh, giờ là lúc để đặt câu hỏi một trong những chính sách đối ngoại của chính quyền Obama thành công như thế nào.
Sự kết thúc các chiến dịch của Mỹ ở Iraq và Libya, và sự giảm bớt cam kết quân sự của Mỹ tại Afghanistan và châu Âu, đã tạo cho Mỹ cơ hội chú ý nhiều hơn tới châu Á - Thái Bình Dương. Cái gọi là "trụ cột" hay "tái cân bằng" này đã được thảo luận rất nhiều. Nhưng gạt sang một bên những quảng cáo thổi phồng, nó có ý nghĩa gì thực sự đối với chính sách của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là ngoài địa hạt an ninh? Những tháng qua đã cho thấy một số chỉ dẫn tốt - và một cơ hội để đưa ra một đánh giá sớm về thành công hay thất bại của chính sách này.
Để tạo cho chiến lược Mỹ thực sự vững chắc, các quan chức đã tìm cách truyền năng lượng mới vào 5 liên minh quốc phòng song phương chính thức hiện tại của Mỹ ở châu Á, cụ thể là với Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan. Các nỗ lực này nhìn chung đã đem lại những kết quả tích cực, với các sáng kiến an ninh mới thông báo với tất cả các nước này. Các tiến bộ trong trường hợp với Australia và Philippines và lớn nhất, và có thể không dễ thấy nhất trong trường hợp của Thái Lan. Trong khi đó, các quan hệ giữa Washington và Seoul, có thể được cho là tốt nhất mà họ từng có trong nhiều thập kỷ qua nhờ một thỏa thuận thương mại tự do mới và tình đoàn kết Mỹ - Hàn liên quan đến vấn đề Triều Tiên, dù các cuộc bầu cử quốc hội sắp tới có thể đưa một chính phủ ít thân thiện hơn lên nắm quyền.
Quan hệ với Nhật Bản có phần xấu hơn sau những căng thẳng liên quan đến căn cứ của Mỹ và nỗ lực của Tokyo nhằm theo đuổi một chính sách cân bằng hơn giữa Washington và Bắc Kinh. Hai quốc gia dân chủ lớn này có một quan hệ được xây dựng dựa trên các quan hệ kinh tế và an ninh song phương, cũng như cùng chia sẻ nhiều giá trị về dân chủ. Dù được tung hô nhưng các thỏa thuận tiếp cận mới tới các cơ sở quân sự khiêm tốn của Philippines, Singapore và Australia không thể so sánh với giá trị quân sự của các căn cứ rộng lớn và thường trực của Mỹ tại Nhật Bản.
Trong khi đó, một sự hiện diện "rộng hơn" về quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đồng nghĩa với việc đa dạng hóa cả địa điểm và hình thức huy động quân sự của Mỹ trong khu vực. Các quan chức Mỹ đã tuyên bố mục tiêu của mình là làm cho sức mạnh Mỹ tại châu Á "phân bố tốt hơn về địa chính trị, phục hồi tốt hơn trong hoạt động và bền vững hơn về chính trị". Điều này đã khiến các quan chức Mỹ tìm kiếm các dạng thức tiếp cận mới, như sự quay vòng ngắn hạn và các cuộc tập trận với các nước ASEAN, cũng như với Ấn Độ.
Chính quyền Mỹ muốn mở rộng hợp tác quốc phòng với các đối tác khác ở châu Á, ngoài những nước có liên minh quốc phòng chính thức với Mỹ. Trọng tâm của nỗ lực này là ở Đông Nam Á, bổ sung cho các căn cứ quy mô lớn của Mỹ ở Đông Bắc Á và cũng tạo sự tiếp cận nhiều hơn tới các hải trình sống còn đi qua Đông Nam Á. Các nỗ lực hiện nay tập trung vào Singapore (công tác chuẩn bị đang được xúc tiến để đặt căn cứ cho các tàu chiến duyên hải của Hải quân Mỹ tại Changi Pier), Indonesia (các thương vụ vũ khí mới và huấn luyện chung và các cơ hội giáo dục), và Việt Nam (mở rộng cam kết về các chuyến thăm cảng, tập trận chung và đối thoại quốc phòng). Các lực lượng của Mỹ cũng có thể nhanh chóng hướng về phía Bắc để củng cố việc huy động lực lượng ở Hàn Quốc và Nhật Bản hoặc về phía Tây để hỗ trợ các sự kiện bất ngờ ở Ấn Độ Dương.
Nhưng chính quyền Obama cần nỗ lực nhiều hơn ngoài việc tái vận hành các lựa chọn quân sự của mình - Mỹ cũng coi các thể chế đa phương như các nhân tố chính để kéo dài các liên kết song phương của Mỹ trong khu vực. Chính quyền Obama đã tập trung mở rộng các quan hệ đối tác tới ASEAN, cả ở góc độ một Khối cũng như với từng thành viên quan trọng như Philippines, Singapore, Indonesia, Việt Nam, và mới đây là Myanmar. Họ đã tìm cách hội nhập hai hướng này bằng cách khuyến khích Indonesia đóng một vai trò lớn hơn trong G-20, diễn đàn đang nổi lên như thể chế đa phương mà chính quyền Obama lựa chọn để quản lý kinh tế toàn cầu, thay thế G-8, nơi hiện chỉ tập trung vào các vấn đề an ninh.
Chính quyền Obama bước vào Nhà Trắng với niềm tin rằng kiến trúc kinh tế đa phương đang hùng mạnh - với APEC, ASEAN +3, Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), và Khu vực thương mại tự do ASEAN với các nước khác đang có hiệu lực - vì vậy họ đã tập trung để đạt tiến bộ trong việc phát triển các thể chế chính trị - an ninh đa phương. Chẳng hạn, Nhà Trắng đã coi Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) như một bàn tròn kín về an ninh cấp cao, nơi các lãnh đạo có thể thông qua các thỏa thuận về không phổ biến vũ khí hạt nhân trong khu vực, cứu hộ thiên tai, và các vấn đề an ninh biển.
Tất nhiên, không có cuộc thảo luận nào về chính sách của Mỹ trong khu vực có thể hoàn thiện nếu không nói đến Trung Quốc, và rõ ràng là các nước ASEAN muốn tránh phải rơi vào một tình cảnh buộc họ phải chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi theo đuổi tái cân bằng hướng tới châu Á, các nhà ngoại giao Mỹ phải cố gắng tránh gây cho các nước ASEAN ấn tượng rằng Washington coi họ chỉ là con tốt trong đại chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc. Mỹ cần phát triển các quan hệ văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế tăng cường với các nước ASEAN, đồng thời thắt chặt quan hệ an ninh khi phù hợp.
Cuối cùng, chính quyền Obama thấy trước rằng sự nổi lên liên tục của Trung Quốc chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng họ cố làm chậm lại sự thăng hoa này theo các hướng có lợi cho cả hai bên bằng cách khiến Bắc Kinh chấp nhận các mục tiêu và thủ tục an ninh và kinh tế khu vực mà Mỹ ủng hộ. Các quan chức Mỹ mô tả mục tiêu của mình là "nhằm củng cố hệ thống quy định, trách nhiệm và chuẩn mực giúp bảo vệ hòa bình, ổn định và thịnh vượng". Các đại diện của chính quyền đã vạch ra một loạt các chỉ dẫn về quân sự và ngoại giao khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với cách giải quyết hòa bình đối với các tranh chấp, thương mại mở và tự do, một trật tự quốc tế đúng đắn trong đó nhấn mạnh đến các quyền và trách nhiệm của tất cả, và sự tiếp cận không hạn chế các vùng biển, vùng trời, không gian vũ trụ và không gia mạng chung; và giải quyết tranh chấp không bằng cách sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã khẳng định nhiều nguyên tắc này trong các phát biểu của ông trong chuyến công du châu Á.
Trong khi đó, tầm nhìn kinh tế của chính quyền Mỹ đối với Đông Á khá tương phản (và trên thực tế tương phản hoàn toàn) với của Trung Quốc, đối tác thương mại chính của hầu hết các nước châu Á khác. Bắc Kinh đã thúc đẩy nền tảng "ASEAN +3" của mình (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc). Họ đề nghị một quan hệ đối tác thương mại đa phương được thực thi dễ dàng dựa trên một công thức mẫu số chung nhỏ nhất, trong đó các nước dỡ bỏ một số hàng rào thương mại. Các quan chức Mỹ ý thức rằng nền tảng của Trung Quốc trong khu vực sẽ gạt Mỹ ra ngoài lề, nên cho rằng TPP sẽ đem lại thành công lớn hơn về kinh tế. TPP đòi hỏi một mức độ cam kết lớn hơn giữa các nước thành viên liên quan đến các quy định ràng buộc và các tiêu chuẩn, nhưng tạo ra tiềm năng đạt thành quả lớn hơn thông qua thúc đẩy đầu tư song phương, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các chính sách cạnh tranh, các quy định thương mại điện tử, tăng trưởng xanh, quyền lao động, và chi tiêu công cũng như các hàng rào thương mại.
Chính quyền Mỹ cũng cần quyết định liệu có nên thúc đẩy việc kéo Canana, Nhật Bản, Mexico và Hàn Quốc tham gia TPP hay không. Dù TPP là biểu tượng của vai trò lãnh đạo về kinh tế của Mỹ tại Đông Á, tác động toàn cầu của nó sẽ vẫn nhỏ trừ phi một số cường quốc kinh tế khác ngoài Mỹ tham gia thỏa thuận này.
Vậy điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp các lợi ích của Mỹ xung đột với của Trung Quốc, về kinh tế hoặc trong các lĩnh vực khác? Chắc chắn, chính quyền Obama đã thay đổi cách họ xử lý với các lo ngại của Trung Quốc liên quan đến các quyết định của mình. Trong hai năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, chính quyền Mỹ đã nỗ lực tránh làm mất lòng Bắc Kinh bằng cách không gặp Dalai Lama hay bán cho Đài Loan tất cả các loại vũ khí họ muốn. Nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục phản đối các chính sách của Mỹ, trong một số trường hợp còn tăng đòi hỏi trước các chính sách mềm dẻo hơn của Mỹ, và đối đầu với Mỹ trong vấn đề hiện diện của hải quân tại biển Đông. Giờ đấy, chiến lược của chính quyền Mỹ là làm những gì nằm trong lợi ích tốt nhất của Mỹ và tính đến suy nghĩ của giới lãnh đạo Trung Quốc, và giả định rằng Trung Quốc sẽ vẫn hợp tác bất cứ khi nào có lợi cho họ. Chính quyền Obama cũng quan tâm tới việc nói thêm với Trung Quốc về các kế hoạch và dự định của mình.
Nhưng quân bài lộn xộn trong các quan hệ Mỹ - Trung chính là chính trị trong nước. Dù tránh những ngôn từ như "mối đe dọa Trung Quốc" hay "chiến tranh Lạnh mới", chính quyền Obama cũng bày tỏ sự phản đối Trung Quốc trong các chính sách tiền tệ, dọa nạt láng giềng, quan hệ với Tehran, hay các chính sách gây tranh cãi của họ, nhằm tạo ra làn sóng chỉ trích của những người Cộng hòa mà Obama đã phải mềm trong vấn đề Bắc Kinh. Vấn đề là những ngôn từ chống Trung Quốc này đã khiến Bắc Kinh và các nước châu Á ngày càng phản đối các chính sách của Mỹ đối với khu vực, bị xem là nhằm trực tiếp vào Trung Quốc.
Nền chính trị trong nước cũng ngăn cản các nỗ lực của Mỹ trong việc cải thiện quan hệ với Ấn Độ. Một cách tiếp cận lưỡng đảng của Mỹ đối với Ấn Độ đang nổi lên, với việc hầu hết các chiến lược gia Mỹ ủng hộ quan hệ an ninh mạnh hơn với New Delhi. Cuộc vận động hậu trường Mỹ - Ấn rất có ảnh hưởng tại Quốc hội và giúp củng cố quan hệ Mỹ - Ấn. Nhưng hàng rào chính giờ đây là từ phía Ấn Độ. Dù nhiều người Ấn Độ muốn xây dựng quan hệ với Mỹ để giúp cân bằng với Trung Quốc, nhưng họ vẫn phải giải quyết các vấn đề nội bộ của mình - bao gồm bất công về kinh tế, tham nhũng, đấu đá chính trị và sự chuyển tiếp sang một thế hệ lãnh đạo mới - khiến họ khó đảm bảo một vai trò toàn cầu lớn hơn mà Mỹ đang tìm kiếm. Đã có nhiều cuộc trao đổi song phương cấp cao, nhưng không đạt đột phá. Quan hệ Mỹ - Ấn cũng bị căng thẳng vì việc Mỹ gây sức ép buộc Ấn Độ giảm quan hệ kinh tế với Iran, và tạo các điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư của Mỹ, cả trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân gây tranh cãi của Ấn Độ.
Vẫn còn nhiều điều đối với chính sách của Mỹ trong những tháng gần đây, hơn là hai gã khổng lồ châu Á. Đối với một số người, chính quyền Obama đã đạt tiến bộ đáng kể trong việc khuyến khích phát triển tại Myanmar, dù hiện nước này đang bị đe dọa bởi bạo lực sắc tộc tái diễn.
Còn một yếu tố cuối cùng trong khu vực châu Á mà Mỹ cần xem xét. Đáng chú ý là chính quyền Obama chưa xác định làm thế nào để hội nhập Nga vào chính sách "điều chỉnh" của mình ở châu Á. Nga không phù hợp lắm với bất kỳ xếp hạng nào của Clinton - không phải là một đồng minh của Mỹ, không phải là nước đang nổi, không phải là tác nhân chính trong các thể chế khu vực, cũng không phải là một đối tác kinh tế hay an ninh lớn của Mỹ. Nhưng Nga có thể đóng góp theo nhiều cách vào việc quản lý sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc, cũng như giải quyết các vấn đề năng lượng và không phổ biến vũ khí hạt nhân trong khu vực.
Quan trọng hơn tất cả các tính toán trên, hiện vẫn chưa rõ liệu Quốc hội Mỹ có cung cấp các quỹ thích hợp để ủng hộ các sáng kiến này ở châu Á hay không, và trọng tâm duy trì sức mạnh quân sự của Mỹ trong khu vực đang đe dọa đặt Nhà Trắng và các cơ quan phi quân sự của Chính phủ Mỹ vào thế dễ bị cắt giảm ngân sách./.
No comments:
Post a Comment