Friday, August 31, 2012

Ngoại trưởng Mỹ dự Thượng đỉnh Nam Thái Bình Dương : Trung Quốc tức tối


Ngoại trưởng Mỹ dự Thượng đỉnh Nam Thái Bình Dương : Trung Quốc tức tối

Đón tiếp Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton tại sân bay quốc tế Rarotonga - đảo Cook, nam Thái Bình Dương, 30/08/2012
Đón tiếp Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton tại sân bay quốc tế Rarotonga - đảo Cook, nam Thái Bình Dương, 30/08/2012
REUTERS

Trọng Nghĩa
Hôm nay, 31/08/2012, bà Hillary Clinton đã đến quần đảo Cook, Nam Thái Bình Dương, trở thành Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến dự Diễn đàn Đảo quốc Thái Bình Dương PFI (Pacific Island Forum). Mong muốn của Hoa Kỳ qua chuyến ghé thăm lịch sử này là khôi phục hình ảnh của Mỹ tại một vùng đang ngày càng chịu ảnh hưởng nặng nề của Trung Quốc. Động thái của Mỹ đã khiến Bắc Kinh hết sức bực tức. Ngay từ trước lúc bà Clinton đặt chân xuống đảo Cook, báo chí Trung Quốc đã liên tiếp “nã pháo” vào chuyến đi này.

Theo ghi nhận của AFP, Ngoại trưởng Mỹ đã được đón tiếp một cách vừa trọng thể, vừa vui vẻ, tại phi trường theo đúng tập quán của các đảo quốc. Trong chương trình dự kiến, ngoài việc tham gia Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 43 của Diễn đàn Đảo quốc Thái Bình Dương, bà Clinton sẽ có một loạt những cuộc tiếp xúc song phương.
Cùng đến đảo Cook lần này còn có Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear, chứng tỏ thêm mối quan tâm của Hoa Kỳ đến một khu vực từng bị Mỹ bỏ bê trong thời gian qua.
Trả lời báo giới, một quan chức cao cấp bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận tầm quan trọng của vùng Thái Bình Dương trong chiến lược mới của Hoa Kỳ : “Nhiều lúc, khi chúng ta nói về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chữ 'A' được xem là chữ hoa, còn chữ 'P' (Pacific – tức là Thái Bình Dương) thì lại là chữ thường. Nỗ lực chúng ta thực hiện lần này tại đây (tức là vùng Thái Bình Dương) là nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ có lợi ích chiến lược, đạo đức, chính trị, nhân đạo rất lớn và lâu dài, trong toàn khu vực”.
Cũng theo quan chức nói trên, nhân dịp ghé đảo Cook, Ngoại trưởng Clinton sẽ công bố nhiều sáng kiến ​​viện trợ. Theo ước tính của Viện Lowy tại Úc, từ năm 2005 đến nay, Trung Quốc đã tìm được nhiều bạn bè trong vùng này với các cam kết cấp phát hơn 600 triệu đô la tín dụng lãi suất thấp và không có điều kiện kèm theo.
Cuộc tiến công ngoại giao của Hoa Kỳ vào miền Nam Thái Bình Dương dĩ nhiên đã làm Bắc Kinh khó chịu. Ngay từ hôm qua, các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đã tăng cường chỉ trích chuyến viếng thăm quần đảo Cook của Ngoại trưởng Mỹ Clinton, cho rằng Hoa Kỳ đã có động thái hiếu chiến khuấy động một vùng đến nay rất yên tĩnh.
Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc đã đánh giá là việc bà Clinton đến đảo Cook cùng với một phái đoàn 50 người và một chiếc tàu sân bay là một hành động « không thích hợp lắm ».
Tờ báo viết : « Vùng Nam Thái Bình Dương đã được hòa bình kể từ thế chiến thứ hai, và hiếm khi bị rắc rối về vấn đề an ninh ». Theo tác giả Trung Quốc, tàu chiến không phải là những gì khu vực này đang cần, mà là « đầu tư và công nghệ - điều mà Mỹ không thể cung cấp cho họ » vì đang gặp phải khủng hoảng tài chính.
Bài viết trên Nhân đan Nhật báo đã căn cứ vào thông tin từ một số hãng tin khu vực cho biết là một tàu sân bay của Mỹ sẽ bảo đảm vấn đề hậu cần cho bà Clinton nhân chuyến ghé thăm quần đảo Cook. Một phát ngôn viên Hải quân Mỹ vào hôm qua xác nhận rằng Hàng không mẫu hạm George Washington đã rời Nhật Bản hôm 20/08 trong khuôn khổ 5 tháng công tác ở miền Tây Thái Bình Dương, nhưng từ chối xác nhận vai trò của chiếc tàu này trong chuyến thăm của bà Clinton.
Chiến dịch chinh phục các đảo quốc miền Nam Thái Bình Dương, tuy nhiên, không phải là không gặp cản lực. Theo AFP, mặc dù rất hoan nghênh mối quan tâm của Hoa Kỳ, các đảo quốc trong vùng cũng có những yêu cầu cụ thể đối với Mỹ : Trong một bản thông cáo công bố hôm qua, Diễn đàn Đảo quốc Thái Bình Dương PIF nhắc lại rằng từ năm 1946 đến 1958 Hoa Kỳ đã tiến hành 67 vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân ở vùng quần đảo Marshall., do đó phải có một “trách nhiệm đặc biệt” về vấn đề tẩy rửa chất phóng xạ vẫn còn hiện diện, và bồi thường cho các nhóm dân bị nhiễm xạ.
TAGS: CHÂU Á - HOA KỲ (MỸ) - QUỐC TẾ - TRUNG QUỐC

Thursday, August 30, 2012

Biển Đông : Thái độ tùy tiện của Trung Quốc


Biển Đông : Thái độ tùy tiện của Trung Quốc
Cờ Trung Quốc trên một cụm nhà sàn tại một đảo ở Trường Sa, Biển Đông. Ảnh tư liệu (REUTERS)
Cờ Trung Quốc trên một cụm nhà sàn tại một đảo ở Trường Sa, Biển Đông. Ảnh tư liệu (REUTERS)
Tú Anh
Sự kiện vào ngày 25/07/2012, nhà nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam Mai Ngọc Hồng công bố tấm bản đồ của triều đình nhà Thanh năm 1905 khẳng định biên cương Trung Quốc kết thúc ở đảo Hải Nam làm Bắc Kinh bối rối. Bộ Ngoại giao giữ im lặng trong khi trong giới sử học Hoa Lục đã có tiếng nói phủ nhận đường « lưỡi bò » trong bản đồ mới của Bắc Kinh.
Trung Quốc một mặt e dè luật biển Liên Hiệp Quốc, mặt khác Bắc Kinh lại không có chứng cớ lịch sử. Điều nghịch lý là không chắc Việt Nam khai thác được thế thượng phong này. Vì sao Trung Quốc khi thì trực tiếp động binh,lúc thì ném đá giấu tay để lấn chiếm biển đảo, khiêu khích lân bang kể cả hành động sát hại ngư dân Việt Nam, tấn công lính tuần duyên Hàn Quốc và Nhật Bản ?
Trong việc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư / Senkaku với Nhật Bản, Trung Quốc dựa vào một tài liệu từ thời nhà Minh để đòi chủ quyền tại quần đảo mà Nhật cai quản từ thời nhà Thanh. Trong khi đó, với Việt Nam và Philippines thì Bắc Kinh đưa ra bản đồ 9 đoạn không rõ xuất xứ để khẳng định một vùng rộng lớn của Thái Bình Dương bao gồm con đường hàng hải huyết mạch quốc tế làm ao nhà.
Tính từ trận hải chiến với quân lực Việt Nam Cộng Hòa ngày 19/01/1974 Sài Gòn trước năm 1975 và Hà Nội ngày nay đều khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa bằng tài liệu từ thời nhà Nguyễn của Việt Nam. Đến ngày 25/07/2012 vừa qua thì một nhà nghiên cứu Việt Nam công cố tấm bản đồ của nhà Thanh xuất bản năm 1905. Hoàng Triều Trực Tỉnh Địa Dư Toàn Đồ nêu rõ, biên giới Trung Hoa ở phía nam dừng lại ở đảo Hải Nam.
Nếu thực sự vì « chủ quyền đất nước và yêu chuộng hòa bình » tại sao Bắc Kinh không công bố một chứng cớ lịch sử rõ ràng mà lại dùng quân đội và chiến thuyền cải trang để lấn hiếp lân bang? Phải chăng thái độ lấy thịt đè người của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biển đảo với Việt Nam và Philippines phản ánh nhược điểm của kẻ mạnh nhưng tự biết mình đuối lý ? Nhiều chuyên gia Việt Nam trong và ngoài nước cảnh báo nguy cơ Trung Quốc sẽ ra tay ở Trường Sa để đặt Hà Nội và thế giới trước một chuyện đã rồi.
Tuy nhiên, lập trường tùy tiện của Trung Quốc tự thân nó tạo cho Việt Nam thế mạnh. Theo nhà phân tích Lưu Tường Quang, thì « Việt Nam có thể dựa vào lập luận lịch sử của Trung Quốc trong việc tranh giành đảo Điếu Ngư / Senkaku với Nhật Bản » để bác bỏ yêu sách của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Mặt khác, Việt Nam cần huy động được sức mạnh toàn dân như thời Đinh, Lê, Trần, Lý. Vấn đề là liệu ban lãnh đạo hiện nay có đủ dũng lược để bảo vệ chủ quyền đất nước hay không và làm cách nào để tránh tình trạng rã rời tự trói tay đầu hàng như thời đại Hồ Quý Ly ?
Trả lời phỏng vấn RFI, nhà báo Lưu Tường Quang từ Sydney nhận định : "Trong vấn đề tranh chấp với các láng giềng Trung Quốc không có lập trường nhất quán vì tại Senkaku/Điếu Ngư thì Trung Quốc dựa trên văn kiện thời nhà Minh trong khi tại biển Đông Việt Nam, thì Trung Quốc nói một cách mơ hồ là vùng biển lịch sử đã có từ ngàn năm. Điều này không chứng minh được mà cũng không có giá trị Công pháp quốc tế ….. 
Việt Nam có thể học được cách lập luận của Trung Quốc trong vấn đề Điếu Ngư để áp dụng lại trong vấn đề Hoàng sa và Trường Sa… (mặt khác) « những cái lập luận và bằng chứng mà Nhật Bản đưa ra trong vấn đề Senkaku/Điều Ngư thì lập luậncủa Nhật Bản sẽ củng cố lập luận của Việt Nam trước tòa án quốc tế hay nhìn về quan điểm pháp lý : Nhật Bản đã chấp hữu đảo Senkaku từ năm 1895 và liên tục cho đến khi Nhật đầu hàng sau đệ nhị thế chiến. Hoa Kỳ khi cai trị Nhật Bản thì Senkaku, một đảo của Okinawa, nằm trong sự kiểm soát của Hoa Kỳ cho đến 1972 thì trả Okinawa lại cho Nhật và Nhật đã tiếp thu lại Senkaku. Nếu chúng ta nhìn lại cái tiến trình chấp hữu của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa thì chúng ta thấy rõ lập luận theo chiều hướng pháp lý. Hoàng Sa và Trường Sa đã được chấp hữu ít ra là từ thời nhà Nguyễn, và khi Việt Nam bị Pháp đô hộ thì Pháp có thẩm quyền chấp hữu hai quần đảo này. 
Khi Việt Nam độc lập vào năm 1949 thì Pháp trao trả chủ quyền đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Việt Nam và sau đó khi Việt Nam Cộng Hòa được thành lập thì Việt Nam Cộng Hòa tiếp tục quản trị hai quần đảo này thỏa mãn những đòi hỏi của luật pháp về phương diện chấp hữu hòa bình, chấp hữu lâu dài và chấp hữu với tư cách là sở hữu chủ….cho nên xét theo luật biển 1982 thì Việt Nam thỏa mãn hết các điều kiện….. » mà Trung Quốc thì lại không có ..."
TỪ KHÓA : BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - TẠP CHÍ - TRUNG QUỐC

Bắc Kinh sứt mẻ uy tín do áp lực chủ nghĩa dân tộc trong nước


Bắc Kinh sứt mẻ uy tín do áp lực chủ nghĩa dân tộc trong nước

Cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á, Christopher R. Hill (DR)
Cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á, Christopher R. Hill (DR)

Thụy My
Trong bài viết mang tựa đề « Sự chia rẽ trong nội bộ Trung Quốc » đăng trên trang diễn đàn của nhật báo Le Figaro hôm nay, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Đông Á, ông Christopher R.Hill nhận xét, hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế đã bị tổn thương vì chính sách đối ngoại thiếu nhất quán.

Tác giả viết, trong những năm gần đây, sự suy tàn của Hoa Kỳ đã được bàn đến rất nhiều, mà hệ quả là Trung Quốc có thể giành được ngôi vị cường quốc số một thế giới. Nhưng cho dù Hoa Kỳ phải đối mặt với những vấn đề cần khẩn trương giải quyết, nếu Trung Quốc muốn mở rộng tầm vóc quốc tế, chưa nói đến việc qua mặt Hoa Kỳ, thì trước hết cần chỉnh đốn trong nội bộ.
Gần đây Trung Quốc ngày càng dấn sâu vào những cuộc xung đột âm ỉ như hồi thế kỷ 19, với nhiều nước láng giềng Đông Nam Á, qua những yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Yêu sách « đường lưỡi bò 9 đoạn » này, chủ yếu nhằm chuyển toàn bộ Biển Đông thành vùng biển riêng của Trung Quốc, là thừa hưởng từ thời Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch.
Vì sao lại dựa vào ông thống chế này để làm cơ sở cho yêu sách ? Trung Quốc khẳng định Biển Đông thuộc về Trung Hoa từ nhiều ngàn năm trước, nhưng nguồn gốc các tranh chấp lãnh hải thì chỉ mới đây, liên quan đến việc quân phiệt Nhật chiếm đóng Đài Loan đến năm 1945. Thế là Trung Quốc mà nền văn hóa và những thành tựu được thế giới ngưỡng mộ, nay lại lao vào cuộc đấu võ mồm – có thêm vài chiến hạm hỗ trợ - với hầu như toàn bộ các nước láng giềng xung quanh, về một vấn đề lẽ ra cần phải là một tiến trình thương lượng quốc tế nghiêm chỉnh.
Theo tác giả bài viết, thì thái độ vụng về của Bắc Kinh tại Biển Đông chủ yếu là do bộ phận dân tộc cực đoan trong nước đã lên án các nhà lãnh đạo là « mềm yếu », đòi họ phải cứng rắn hơn. Chẳng hạn có thể thấy rõ sự trỗi dậy của khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa trong số 500 triệu người Trung Quốc sử dụng internet, với những châm biếm về « sự nhu nhược » của chính quyền trong việc bảo việc lợi ích đất nước.
Chính quyền Trung Quốc vô cùng nhạy cảm trước những chỉ trích này. Nếu một blogger đả kích chính phủ về việc đàn áp phong trào Pháp Luân Công, hay ủng hộ đối lập Tây Tạng, thì công an sẽ can thiệp ngay. Nhưng nếu giới blogger đưa ra lời kêu gọi sô-vanh nước lớn cho việc chinh phục các nguồn cung nguyên vật liệu mới, chính phủ hoan nghênh và tìm cách áp dụng.
Áp lực từ bên trong cũng đã đặt Trung Quốc vào tình thế khó khăn, trong những trường hợp khác. Nhiều quan sát viên quốc tế có thể bỏ qua cho thái độ của Trung Quốc tại Biển Đông, vì nhiều nước khác lớn cũng như nhỏ cũng có những tranh chấp trên biển với các láng giềng. Nhưng các nhân tố cực đoan Trung Quốc, từ cư dân mạng cho đến các định chế chính thức, đã góp phần làm cho tổng thể các hoạt động quốc tế của Bắc Kinh bị thiên hạ chê cười, từ các nước lân bang nhỏ bé cho đến các cường quốc trên thế giới.
Một ví dụ điển hình là sự ủng hộ không mệt mỏi của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên – nước muốn sở hữu vũ khí nguyên tử. Không có bất kỳ quốc gia có trách nhiệm nào trên thế giới ngày nay có thể chấp nhận được thái độ của Bình Nhưỡng. Nhưng Bắc Kinh quan tâm quá nhiều đến chính sách đối nội, đến nỗi không thấy được cái giá phải trả cho việc không hề phản ứng trước làn sóng lên án sau mỗi hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên. Sự thản nhiên của Bắc Kinh trước vụ Bắc Triều Tiên tấn công quân sự vào Hàn Quốc năm 2010 chẳng hạn, đã khiến nước láng giềng này trở nên lạnh nhạt trong quan hệ song phương.
Chính sách không nhất quán của Trung Quốc bắt nguồn từ sự bất lực trong việc xác định đường hướng nội trị : nhiều người Trung Quốc vẫn xem Bắc Triều Tiên là nước anh em đồng minh.
Syria là sai lầm quốc tế gần đây nhất của Trung Quốc. Không ai chờ đợi Bắc Kinh có cùng quan điểm với châu Âu hoặc Hoa Kỳ trong hồ sơ này. Nhưng sự chọn lựa mặc nhiên đứng về phía đối địch – ngay cả khi điều này bất lợi cho lợi ích quốc gia – khiến người ta phải đặt câu hỏi, liệu Trung Quốc có đủ nội lực để đóng vai trò hàng đầu trên trường quốc tế ?
Apple kiện Samsung : Táo nuốt không trôi
Cũng liên quan đến châu Á nhưng trên lãnh vực kinh tế, nhật báo cánh tả Libération có bài viết mang tựa đề « Seoul nuốt không nổi quả táo Apple ». Bản án phạt một tỉ đô la cho Samsung vì đã vi phạm bản quyền của tập đoàn Apple, Mỹ, đã đụng chạm đến lòng tự hào dân tộc của Hàn Quốc.
Bị tòa án Mỹ buộc phải bồi thường 1,05 tỉ đô la cho đối thủ cạnh tranh vì đã vi phạm 6 bằng sáng chế đã đăng ký cho iPhone và Ipad, ngoài ra còn bị cấm bán 8 loại điện thoại Samsung trên thị trường Hoa Kỳ, tập đoàn Hàn Quốc không bó tay chịu hàng, và đã động viên đội ngũ của mình trong khi chờ đợi bản án phúc thẩm. Samsung tuyên bố sẽ huy động mọi phương tiện cần thiết để các sản phẩm này vẫn được bán tại Mỹ.
Thông tín viên của tờ báo tại Seoul nhận định, đây là một đòn hết sức nặng nề cho tập đoàn Hàn Quốc. Một nhà phân tích cho biết, ngay cả những người thường hăng hái chỉ trích Samsung nhất như báo chí cánh tả cũng đã bày tỏ sự thất vọng trước bản án, như là lòng kiêu hãnh của chính họ cũng bị tổn thương. Tờ Korea Times nhắc nhở rằng Samsung đã đóng góp nhiều vào nền kinh tế Mỹ, và phiên tòa diễn ra chỉ cách Cupertino, trụ sở mang tính lịch sử của Apple, chỉ có vài cây số.
Về mặt kinh tế, cho dù cổ phiếu của Samsung hôm thứ Hai đã bị sụt mất 7,5% trên thị trường chứng khoán Seoul, thiệt hại về tài chính của tập đoàn hàng đầu thế giới về điện thoại di động thật ra không nhiều lắm. Và tuy nhiều model bị tòa án Mỹ cấm bán trên thị trường nước này, nhưng các sản phẩm đó đã cũ. Còn với các kiểu điện thoại mới, Samsung từ nay sẽ quan tâm đến vấn đề bằng sáng chế hơn.
Đáng lo ngại nhất là tiếng xấu « sao chép », và theo nhiều nhà phân tích, thì đây cũng là dịp để Samsung chỉnh đốn lại, trở thành cột trụ trong lãnh vực thay vì chạy đua theo các nhà sản xuất khác. Vốn là nhãn hiệu duy nhất dám cạnh tranh với iPhone, trong khi Nokia và Motorola đã quy hàng, Samsung có thể thành công nếu nỗ lực tối đa, vì tập đoàn này đang quy tụ các kỹ sư giỏi nhất nước.
Thủ tướng Đức nổi bật trên trường quốc tế
Tại châu Âu, Le Monde chú ý đến bà Angela Merkel qua chuyến công du mới nhất tại Trung Quốc trong hai ngày 29 và 30/8. Theo tờ báo, bà Merkel đang đóng vai trò ngày càng nổi bật trên chính trường quốc tế, đại diện cho tiếng nói đối ngoại của Đức và của châu Âu.
Đây là lần thứ sáu kể từ khi lên nắm quyền, và lần thứ hai trong năm bà Merkel đến thăm Trung Quốc, chứng tỏ quan hệ mật thiết giữa hai nước. Chuyến đi này trong khuôn khổ các cuộc gặp liên chính phủ Đức – Trung mỗi hai năm một lần, nhưng lần này chính Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã đề nghị gặp gỡ sớm hơn, trước khi diễn ra Đại hội Đảng. Và địa điểm gặp không chỉ ở Bắc Kinh mà còn tại Thiên Tân, sinh quán của ông Ôn Gia Bảo.
Tháp tùng bà Merkel có đến 9 bộ trưởng và khoảng hai chục doanh nhân, còn phía Trung Quốc thì đến 13 thành viên chính phủ đón tiếp, trong đó có Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và những nhân vật sẽ kế vị là Lý Khắc Cường, Tập Cận Bình, chứng tỏ sự quan trọng của chuyến công du. Theo phía Đức, Trung Quốc không tổ chức các cuộc gặp liên chính phủ tương tự với bất cứ quốc gia nào khác. Thông tín viên Le Monde tại Berlin nhận xét, kỹ nghệ Đức chuyên về máy công cụ và xe hơi hạng sang, bổ sung được cho một Trung Quốc muốn trưng ra sự giàu có của mình, và sản xuất được hàng cao cấp hơn.
Bên cạnh đó, Đức và Trung Quốc đều xem nhau là đối tác chính trị chủ yếu. Việc đối thoại với Berlin giúp Bắc Kinh tránh đối mặt với Washington, còn Đức lấp đầy sự vắng mặt ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bằng một chính sách đối ngoại năng động, chủ yếu dựa vào sức mạnh kinh tế của mình.
Với trọng lượng của nền kinh tế Đức và sự yếu kém trong đối ngoại của Liên hiệp châu Âu, trong những chuyến công du, bà Angela Merkel thường lên tiếng nhân danh châu Âu. Còn đối với Nga, nếu Matxcơva vẫn là đối tác chiến lược của Berlin, thì quan hệ giữa bà Merkel với ông Putin vẫn căng thẳng. Bà cũng sẽ đến thăm Matxcơva vào tháng 11 tới, nhưng không lưu lại qua đêm, chỉ giữ quan hệ tối thiểu. Ngược lại với một nước nhỏ như Tunisia, mà Thủ tướng Đức cho là tấm gương cho Mùa xuân Ả Rập, thì bà sẽ công du vào tháng 10 với một đoàn doanh nhân khá hùng hậu, khiến một số nước có thể ganh tị, trong đó có Pháp.
Syria : Lý do thái độ không khoan nhượng của Al Assad 
Nhìn sang Syria, Libération phân tích về thái độ không khoan nhượng của Tổng thống Bachar Al Assad, khi trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi mới đây, nhà độc tài hứa hẹn sẽ đập tan phe nổi dậy.
Tờ báo nhận định, một vùng đệm để đón tiếp người tị nạn Syria không thể hình thành nếu không có vùng cấm bay. Mà vùng cấm bay không thể được thành lập nếu không có nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, trong khi Assad có thể trông cậy vào việc Nga và Trung Quốc sử dụng quyền phủ quyết – vốn đã được hai nước này sử dụng ba lần để vô hiệu hóa các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc trừng phạt Syria.
Libération chú ý đến phát biểu của ông Assad trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Ad Dounia : « Nói về vùng đệm, trước hết không phải là một chọn lựa trên bàn đàm phán, thứ đến là một ý tưởng siêu thực đối với các nhà nước thù địch với Syria ». Tờ báo cho rằng tuyên bố không khoan nhượng này của ông Assad nhắm đến người Nga. Đây có thể coi là câu trả lời cho tuyên bố đầy ngạc nhiên hôm 21/8 của ông Qadri Jamil, Phó thủ tướng Syria, rằng chế độ Damas sẵn sàng thảo luận về sự ra đi của ông Assad.
Theo tờ báo cánh tả Pháp, thì ông Jamil, thành viên đảng Cộng sản Syria vốn liên minh với đảng Baas từ lâu, có thể là nhân viên tình báo Nga. Như vậy tuyên bố của ông có lẽ đã được Kremlin mớm lời, cho thấy Nga bắt đầu chán ngán Tổng thống Syria.
Cũng theo Libération, nếu nhà độc tài cảm thấy đang ở thế mạnh, cũng là vì phe đối lập không thể vượt qua được những chia rẽ trong nội bộ cũng như bên ngoài, nên rất khó, nếu không nói là bất khả, hình thành được một chính phủ lâm thời có thể được phương Tây công nhận. Bên cạnh đó là sự can thiệp ngày càng sâu của Iran trong cuộc nội chiến Syria.
TAGS: CHÂU Á - TRUNG QUỐC - ĐIỂM BÁO

Quân đội Trung Quốc tuyên bố đủ khả năng bảo vệ lãnh thổ


Quân đội Trung Quốc tuyên bố đủ khả năng bảo vệ lãnh thổ

Đoàn sĩ quan chỉ huy quân đội Trung Quốc (Reuters)
Đoàn sĩ quan chỉ huy quân đội Trung Quốc (Reuters)

Đức Tâm
Hôm nay, 30/089/2012, Tân Hoa Xã đưa tin là quân đội Trung Quốc đủ khả năng để bảo vệ lãnh thổ quốc gia, trong bối cảnh đang có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Bắc Kinh và Tokyo liên quan đến quần đảo Senkaku mà người Trung Quốc thường gọi là Điếu Ngư, trên biển Hoa Đông.

Phát ngôn viên bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sanh đã lên tiếng nhắc lại những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh đối với khu vực quần đảo Điếu Ngư mà Nhật Bản gọi là Senkaku, theo đó, « điều không thể tranh cãi là quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc ». Đồng thời, đại diện chính quyền Bắc Kinh khẳng định : « Các lực lượng vũ trang Trung Quốc đủ khả năng bảo vệ lãnh thổ quốc gia cũng như các quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc ».
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang, đặc biệt là từ đầu tháng Tám, sau khi một nhóm người thân Trung Quốc đã đổ bộ lên một hòn đảo trong vùng quần Điếu Ngư/Senkaku, hiện do Nhật Bản quản lý.
Lực lượng tuần duyên Nhật Bản đã bắt giữ những người này và sau đó trục xuất về Hồng Kông. Vài ngày sau đó, đến lượt một nhóm người Nhật Bản, trong đó có các nghị sĩ, đến khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và cắm cờ Nhật Bản ở đây.
Sau sự cố này, các cuộc biểu tình chống Nhật đã xẩy ra ở khoảng hai chục thành phố Trung Quốc, Ở một vài nơi trên lãnh thổ Trung Quốc, cửa hàng, quán ăn,xe hơi Nhật Bản bị đập phá, đốt cháy. Hôm thứ Hai, 27/08, xe của đại sứ Nhật Bản ở Bắc Kinh còn bị một số nguời tấn công, giật cờ Nhật trên xe.
Vào tuần tới, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton công du Trung Quốc và chắc chắn sẽ thảo luận với giới lãnh đạo ở Bắc Kinh về hồ sơ tranh chấp chủ quyền biển đảo trong khu vực.
TAGS: CHÂU Á - NHẬT BẢN - TRUNG QUỐC

Đằng sau vụ bán tàu Kilo, Nga giúp Việt Nam thành lập binh chủng "tàu ngầm"


Đằng sau vụ bán tàu Kilo, Nga giúp Việt Nam thành lập binh chủng "tàu ngầm"

Tàu ngầm hạng kilo mà Nga đang xây cho Việt Nam (AFP)
Tàu ngầm hạng kilo mà Nga đang xây cho Việt Nam (AFP)

Hoàng Dung / Trọng Nghĩa
Nhà máy đóng tàu Admiralteiskie Verfi của Nga vừa cho hạ thủy hôm 28/08/2012, chiếc tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên trong lô hàng 6 chiếc được Việt Nam đặt mua. Đây là số tàu nằm trong hợp đồng trị giá gần 2 tỷ đô la được ký kết vào tháng 12/2009 nhân chuyến thăm Liên bang Nga của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.


Thông tín viên Hoàng Dung
 
30/08/2012
 
 
Sau khi chạy thử, chiếc tàu ngầm này sẽ được giao cho Việt Nam vào cuối năm nay hay đầu năm tới. Theo thông tín viên Hoàng Dung tại Mátxcơva, phía sau hợp đồng mua bán vũ khí đơn thuần, là cả một kế hoạch nhằm xây dựng cho Hải quân Việt Nam một “binh chủng” tàu ngầm hoàn chỉnh, và một lực lượng hiện đại.
TAGS: NGA - PHỎNG VẤN - QUỐC TẾ - VIỆT NAM

Đài Loan lại tổ chức thăm đảo Ba Bình - Trường Sa


Đài Loan lại tổ chức thăm đảo Ba Bình - Trường Sa

Đảo Ba Bình có chu vi 2,8 km với diện tích 43 hecta, được bao bọc bởi một vòng đá san hô (Google Map)
Đảo Ba Bình có chu vi 2,8 km với diện tích 43 hecta, được bao bọc bởi một vòng đá san hô (Google Map)

Đức Tâm
Hôm qua, 29/08/2012, bộ Quốc phòng Đài Loan ra thông cáo cho biết đã đưa một phái đoàn 14 người thuộc trường Đại học Quốc gia Đài Loan tới thăm đảo Thái Bình mà Việt Nam gọi là đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa, ở Biển Đông. Phái đoàn này được hải quân Đài Loan đưa đón và đã trở về nước hôm qua.

Theo bản thông cáo của Đài Bắc, phái đoàn của trường Đại học Quốc gia Đài Loan đã tham dự lễ chào cờ cùng với các lực lượng biên phòng đóng trên đảo Ba Bình, nhằm tái khẳng định chủ quyền ở đây.
Đây là lần thứ hai trong vòng 5 tuần qua, chính quyền Đài Bắc đưa người tới vùng quần đảo Trường Sa mà Việt Nam luôn luôn tuyên bố thuộc chủ quyền của mình. Ngoài đảo Ba Bình, Đài Loan còn khẳng định là có chủ quyền đối với hai nhóm đảo khác, cũng trong khu vực Trường Sa.
Trong tháng Bẩy, bộ Quốc phòng Đài Loan còn đưa thêm pháo tầm xa và các phương tiện quân sự khác tới đảo Ba Bình và cho biết sẽ tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật vào đầu tháng Chín trong khu vực.
Chính quyền Việt Nam đã lên tiếng phản đối các hành động nói trên của Đài Loan. Quần đảo Trường Sa là nơi tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Tất cả các bên tranh chấp, ngoại trừ Brunei, đều có quân đóng trên các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Căng thẳng leo thang tại Biển Đông trong thời gian qua, sau khi Bắc Kinh lập « thành phố TamSa », bao gồm cả các vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời tiến hành đưa quân đội đến đồn trú trên đảo Phú Lâm, ở quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã đánh chiếm vào tháng Giêng năm 1974 khi đó do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý. Hoa Kỳ đã phải lên tiếng bày tỏ lo ngại trước các hành động quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông.
TAGS: BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - VIỆT NAM - ĐÀI LOAN

Wednesday, August 29, 2012

Hillary Clinton tiếp tục công du châu Á để gây sức ép lên Trung Quốc


Hillary Clinton tiếp tục công du châu Á để gây sức ép lên Trung Quốc

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu tại cuộc đối thoại Hoa Kỳ - Nam Phi ở Pretoria, ngày 07/08/2012.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu tại cuộc đối thoại Hoa Kỳ - Nam Phi ở Pretoria, ngày 07/08/2012.
Reuters

Trọng Nghĩa
Nhân chuyến công du 10 ngày tại vùng châu Á – Thái Bình Dương khởi sự từ ngày 30/08/2012, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ một lần nữa lên tiếng cảnh báo về nguy cơ sử dụng võ lực giữa Trung Quốc và các láng giềng. Đây là điều được cho là có thể xẩy ra vào lúc tình hình đang ngày càng căng thẳng do vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông.

Theo chương trình dự kiến được cả Washington lẫn Bắc Kinh loan báo, Ngoại trưởng Mỹ sẽ có mặt ở Bắc Kinh trong hai ngày 04-05/09. Chặng dừng này được cho là sẽ rất quan trọng trong bối cảnh trong một vài tuần lễ nay, hai bên đã tranh cãi gay gắt với nhau trên vấn đề Biển Đông. Hoa Kỳ đã chính thức bày tỏ quan ngại về việc Bắc Kinh quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa, trong lúc Trung Quốc thì tố cáo Washington xen vào điều mà Bắc Kinh gọi là công việc nội bộ của mình, khẳng định là các vùng tranh chấp đều thuộc chủ quyền của họ.
Báo chí Trung Quốc cũng đả kích Mỹ là đã bênh vực Nhật Bản trong cuộc tranh chấp chủ quyền trên vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đã làm cho quan hệ Bắc Kinh – Tokyo căng thẳng sau khi các thành phần cực đoan, dân tộc chủ nghĩa ở cả hai phía đổ bộ lên một hòn đảo trong vùng tranh chấp này.
Thông điệp của Mỹ : Trung Quốc không nên áp đặt chủ quyền bằng võ lực
Giới quan sát nhận định : các hồ sơ nói trên chắc chắn sẽ được Ngoại trưởng đề cập với phía Trung Quốc trong các cuộc tiếp xúc, với thông điệp là Bắc Kinh không nên dùng sức mạnh để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền của minh. Ngay từ hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã gợi lên điều đó.
Phát biểu với báo chí, bà Victoria Nuland xác định : “Chúng tôi không muốn thấy tranh chấp ở Biển Đông, hay ở bất kỳ nơi nào khác, bị giải quyết bằng sự hù dọa, bằng sức mạnh. Chúng tôi muốn thấy tranh chấp được giải quyết ở bàn đàm phán”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ còn kêu gọi Trung Quốc minh bạch hơn trong lãnh vực quân sự và xác nhận là nhân vòng công du lần này, bà Clinton sẽ tìm kiếm những bước tiến trong việc thiết lập một bộ quy tắc ứng xử để quản lý các tranh chấp ở Biẻn Đông, một khu vực là nơi qua lại của một nửa tàu chở hàng trên thế giới.
Về bộ quy tắc ứng xử này, bà Nuland cho biết là Hoa Kỳ xem đấy là cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp, và bà Clinton sẽ nêu bật vấn đề đó trong nhiều chặng ngừng nhân vòng công du sắp tới.
Thúc đẩy bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông
Theo giới phân tích, vấn đề Biển Đông và bộ quy tắc ứng xử chắc chắn sẽ được Ngoại trưởng Mỹ gợi lên với Trung Quốc, Indonesia, Brunei, và rất có thể là với Đông Timor, quốc gia còn non trẻ ở vùng Đông Nam Á.
Ngoài ra, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng có thể tranh thủ các cuộc gặp song phương, bên lề hai Hội nghị Thượng đỉnh của Diễn đàn các Đảo quốc Thái Bình Dương PIF tại quần đảo Cook và Diễn đàn APEC tại Vladivostok (Nga), để tìm kiếm hậu thuẫn của các nước khác như Úc, New Zealand hay các thành viên ASEAN còn lại sẽ đến dự hội nghi APEC.
Ngoài hồ sơ Biển Đông, Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ, bà Nuland còn cho biết là ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ tìm kiếm giải pháp hoà bình cho tranh chấp trên các quần đảo giữa Nhật Bản với Trung Quốc, và Nhật Bản với Hàn Quốc mà quan hệ trong các tuần lễ qua đã xấu hẳn đi.
Trong vòng công du châu Á lần thứ ba kể từ tháng 5 đến nay, bà Hillary Clinton sẽ là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các đảo quốc Thái Bình Dương, một khu vực mà ảnh hưởng của Trung Quốc càng ngày càng lớn mạnh. Bà cũng sẽ là quan chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ ghé thăm Đông Timor, một nước đang xin làm thành viên khối Đông Nam Á ASEAN.
TAGS: ASEAN - BIỂN ĐÔNG - CẠNH TRANH - HOA KỲ - PHÂN TÍCH - TRUNG QUỐC

Ngoại trưởng Mỹ công du châu Á Thái Bình Dương vào lúc tranh chấp biển đảo căng thẳng


Ngoại trưởng Mỹ công du châu Á Thái Bình Dương vào lúc tranh chấp biển đảo căng thẳng

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton
Reuters

Trọng Nghĩa
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ vào hôm qua, 28/08/2012, bà Hillary Clinton sẽ lại bắt đầu một vòng công du 10 ngày qua vùng châu Á – Thái Bình Dương kể từ ngày mai 30/08. Bên cạnh ba chặng dừng quan trọng là Trung Quốc, Indonesia và Nga, Ngoại trưởng Mỹ còn ghé quần đảo Cook, Brunei và Đông Timor.

Theo giới phân tích, trong bối cảnh tranh chấp biển đảo gia tăng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, và giữa các láng giềng của Trung Quốc với nhau, bà Clinton sẽ nhân dịp này thúc giục các nước tự kiềm chế và tìm cách giải quyết tranh chấp thông qua thương thuyết.
Mặt khác, vào lúc Hoa Kỳ chuyển đổi chính sách để tăng cường uy thế ngoại giao và quân sự của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, được coi là một động cơ của tăng trưởng toàn cầu, vòng công du của bà Clinton còn được xem là một cố gắng mới của Mỹ nhằm đối phó với ảnh hưởng không ngừng lớn mạnh của Bắc Kinh trong khu vực, đặc biệt liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Theo chương trình dự kiến, Ngoại trưởng Mỹ sẽ ghé Quần đảo Cook vào ngày 31/08 để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh của Diễn đàn các Đảo quốc vùng Thái Bình Dương PIF, bao gồm 16 quốc gia và lãnh thổ, trong đó có Úc và New Zealand, các đồng minh của Hoa Kỳ.
Bà Hillary Clinton sau đó sẽ đến thăm Indonesia vào ngày 03/09, với mục tiêu được loan báo là nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ “đối tác toàn diện” song phương và thảo luận về những cam kết của hai nước liên quan đến các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Sau Jakarta, Ngoại trưởng Hoa Kỳ sẽ có mặt ở Bắc Kinh trong hai ngày 04 và 05/09 để thảo luận về “một loạt vấn đề quan trọng trong quan hệ Trung-Mỹ”. Ba hồ sơ đang kéo căng quan hệ Washington-Bắc Kinh là Nhân quyền, Syria, và thái độ quyết đoán của Trung Quốc trong các tranh chấp với các nước láng giềng ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland vào hôm qua đã nhắc lại rằng quan điểm được bà Clinton nêu bật vào tháng Bảy vừa qua là tranh chấp trên Biển Đông cần được giải quyết một cách "không ép buộc" và "không đe dọa". Bà chắc chắn cũng sẽ phải đề cập đến tranh chấp Trung-Nhật trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cũng như căng thẳng giữa Seoul và Tokyo về chủ quyền quần đảo Dokdo/Takeshima.
Qua ngày 06/09, bà Hillary Clinton sẽ trở thành ngoại trưởng Mỹ dầu tiên ghé thăm Đông Timor từ khi nước này giành được độc lập vào năm 1999, sau 24 năm bị Indonesia chiếm đóng và áp bức.
Ngoại trưởng Mỹ cũng ghé Brunei, một vương quốc Hồi giáo nhỏ bé ở phía bắc đảo Borneo, láng giêng của Malaysia và Indonesia. Brunei là nước sẽ trở thành chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2013
Sau cùng bà Clinton sẽ thay mặt Tổng thống Barack Obama để dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC trong hai ngày 08-09/08 tại Vladivostok vùng Viễn Đông Nga. Ngoài các chủ đề chung là “tự do hóa thương mại, an ninh lương thực và tăng trưởng xanh”, Ngoại trưởng Mỹ sẽ thảo luận tay đôi với đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov về nhiều hồ sơ, trong đó có vấn đề Syria.
TAGS: CHÂU Á - HOA KỲ (MỸ) - QUỐC TẾ

Mời thầu dầu khí : Trung Quốc lại gặm nhắm vùng biển của nước khác ?


Mời thầu dầu khí : Trung Quốc lại gặm nhắm vùng biển của nước khác ?

Trước trụ sở tập đoàn CNOOC ở Bắc Kinh. Ảnh tư liệu.
Trước trụ sở tập đoàn CNOOC ở Bắc Kinh. Ảnh tư liệu.
Reuters

Trọng Nghĩa
Sau thông tin loan tải hôm qua, 28/08/2012, là Tổng công ty Dầu khí Hải dương của Trung Quốc quyết định mời các tập đoàn ngoại quốc đến thăm dò 26 lô dầu khí ngoài biển, trong đó có 22 lô ở vùng Biển Đông, thoạt đầu đã có chuyên gia ghi nhận rằng “có vẻ” như các lô này không nằm trong các vùng biển có tranh chấp. Tuy nhiên, ngay sau đó, một số phân tích khác lại thấy rằng có hai lô có thể ăn vào vùng biển của Việt Nam và Nhật Bản.

Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, một trong các lô được chào mời mang ký hiệu 65/12, chỉ cách quần đảo Hoàng Sa - mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền - khoảng 50 km (31 hải lý). Lô này gần lô 65/24 trong số 19 lô mà CNOOC đã gọi thầu khai thác vào năm 2011, nhưng đã bị Việt Nam phản đối vào tháng Ba vừa qua là đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Theo phía Việt Nam lô 65/24 đó chỉ cách một hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa vỏn vẹn một hải lý.
Giới quan sát đang tự hỏi là liệu chính quyền Việt Nam có sẽ phản đối Trung Quốc về quyết định gọi thầu kể trên hay không.
Cũng theo Bloomberg, một lô gọi thầu khác mang ký hiệu 41/08, thì tọa lạc gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát, nhưng lại bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Theo hãng tin Mỹ, lô này nằm bên trong vùng 200 hải lý bao quanh quần đảo.
Trả lời Bloomberg, một chuyên gia phân tích tại Hồng Kông nhận định rằng sở đĩ Trung Quốc phải thúc đẩy thêm việc khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trên các vùng biển này, đó là vì những khảo sát địa chất ban đầu cho thấy là khu vực có thể có một tiềm năng dầu khi to lớn.
TAGS: BIỂN ĐÔNG - CHÂU Á - DẦU KHÍ - TRUNG QUỐC

Biển Đông : Không nên rơi vào bẫy tạm gác tranh chấp chủ quyền


Biển Đông : Không nên rơi vào bẫy tạm gác tranh chấp chủ quyền
Khẩu hiệu cổ vũ cho chủ quyền biển đảo của Việt Nam treo tại cổng chợ Đakao, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Khẩu hiệu cổ vũ cho chủ quyền biển đảo của Việt Nam treo tại cổng chợ Đakao, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trọng Nghĩa/RFI
Trọng Nghĩa
Trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại vùng Hoàng Sa và Trường Sa, có ý kiến cho rằng nên tạm gác tranh chấp. Chuyên gia Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine (Hoa Kỳ) nêu bật tính chất nguy hiểm của điều này. Trả lời RFI, giáo sư Long nêu ba lý do : (1) Sẽ gây nguy hại lâu dài cho Việt Nam; (2) Sẽ làm « hỏng cẳng » các nước đang cố giữ gìn an ninh cho khu vực; (3) Có thể tạo ra tiền đề để Mỹ sau này thỏa hiệp với Trung Quốc.
Trong tình hình căng thẳng hiện nay ngoài Biển Đông sau hàng loạt hành động lấn lướt của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam, vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa càng lúc càng được báo chí trong nước và ngoài nước chú ý. Mới đây, trên báo chí Việt Nam xuất hiện hai ý kiến có phần trái ngược nhau về giải pháp « giảm nhiệt » tại Biển Đông liên quan đến hướng đi mà Việt Nam cần phải theo đuổi.
Một bài viết đăng trên báo mạng Vnexpress ngày 14/8/2012, tựa đề « 5 sáng kiến ngăn ngừa 'Biển Đông nổi sóng' », đã nêu lên một số đề nghị Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, chủ biên quyển « Dấn ấn Việt Nam trên Biển Đông » vừa được xuất bản. Trong bài viết có một ý kiến đã gây ra tranh luận. Đó là đề nghị tạm gác vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ để duy trì nguyên trạng như hiện nay :
« Trước hết, phương châm có thể áp dụng trong bối cảnh hiện nay là Dễ giải quyết trước, khó giải quyết sau. Vì vậy, trước mắt chúng ta hãy tạm gác vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; tạm thời giữ nguyên hiện trạng của các bên tranh chấp trên hai quần đảo này; mỗi đảo có người cho phép có phạm vi biển rộng 12 hải lý bao quanh, các bãi cạnh nửa nổi, nửa chìm nên có công trình nhân tạo trên đó thì chỉ có vùng an toàn 500 mét bao quanh để thực hiện quản lý, bảo vệ theo quy chế của nội thủy, lãnh hải của bên đang chiếm đóng ».
Trong phần phản hồi của độc giả, có rất nhiều ý kiến đã cho rằng « cần phải cảnh giác cao độ », « không để mắc bẫy »…
Những lập luận nói trên rất giống như lời cảnh báo trong bài « Trung Quốc không xứng một cường quốc có trách nhiệm ! », đăng trên chuyên mục Tuần Việt Nam của tờ báo mạng Vietnamnet ngày 02/08/2012.
Bài báo đã đặc biệt đả kích điều được tờ báo gọi là « chiêu bài "gác tranh chấp" kiểu Trung Quốc » được Bắc Kinh hô hào từ trước đến nay :
« Tạp chí "Liêu vọng" do Tân Hoa xã chủ quản, trong số ra mới đây đã hăng hái quảng bá cho mô hình "gác tranh chấp". Theo bài thuyết giáo trên "Liêu Vọng", nội dung "chủ quyền về ta, gác lại tranh chấp, cùng khai thác'' do Trung Quốc đề xuất trong thế kỷ trước không những đã phản ánh đầy đủ "trí tuệ Đông phương", mà còn phù hợp với quy định trong "Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển". Theo đó, "trước khi đạt được thỏa thuận, các nước tranh chấp cần căn cứ theo tinh thần thông cảm và hợp tác, đem hết mọi khả năng đưa ra giải pháp tạm thời mang tính thực tế" (!)
Đưa tàu quân sự trá hình hộ tống đội tàu cá đến vùng biển Trường Sa của Việt Nam, song trên lời nói, Trung Quốc đã đánh tráo các khái niệm. Tờ "Liêu Vọng" nói trên tiếp tục biện bạch: "Chủ trương về khu đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nhiều nước ven bờ lại chồng lấn lên nhau, nên giải pháp tạm thời Trung Quốc đề xuất như vậy là có tính khả thi"(?). Và phớt lờ những căng thẳng Trung Quốc đang gây ra hiện nay trên Biển Đông, tờ báo lấp liếm: "Khi thúc đẩy giải pháp tạm thời giữa các nước tranh chấp, phải xây dựng lòng tin, đồng thời thực hiện cam kết chính trị, không làm phức tạp hóa và mở rộng tranh chấp" (?)' ».
Để hiểu rõ thêm về những gì mà Việt Nam có thể làm trong việc quảng bá và thúc đẩy chủ quyền của mình tại Biển Đông, tại vùng quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc thâu tóm, bằng võ lực, hay ở vùng Trường Sa đã bị Trung Quốc gặm nhắm, Ban Việt ngữ RFI đã đặt câu hỏi cho Giáo sư Ngô Vĩnh Long, thuộc Đại Học Maine (Hoa Kỳ).
Chủ quyền biển đảo của Việt Nam phải gắn với vấn đề an ninh khu vực
Đối với giáo sư Long, khi trình bày các vấn đề chủ quyền của mình, Việt Nam cần phải gắn liền hồ sơ này với vấn đề an ninh khu vực và thế giới. Riêng về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vấn đề là cần phải rõ ràng trong đòi hỏi, không nên làm như Trung Quốc là đòi hỏi toàn bộ cả biển lẫn đảo, mà phải phân biệt rõ những gì mình đòi chủ quyền, những gì mình không.
Về vấn đề tạm gác tranh chấp chủ quyền để đồng khai thác, giáo sư Ngô Vĩnh Long xem đấy là một việc rất có hại cho Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc không hề từ bỏ ý đồ dùng võ lực chiếm đoạt Biển Đông, điều họ đã từng làm đối với toàn bộ Hoàng Sa và một số đảo, đá của Việt Nam ở Trường Sa.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long - Đại học Maine (Hoa Kỳ)
 
27/08/2012
 
 
Ngô Vĩnh Long : "Tôi thấy có một vấn đề rất lớn mà chính quyền Việt Nam cần phải làm là không nên nói là Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam. Đây là cách nói như Trung Quốc, nên cần phải nói khác đi. Ngoài ra, vấn đề không phải chỉ là chủ quyền về đảo Trường Sa và Hoàng sa mà vấn đề này có dính đến an ninh toàn khu vực, hay là dính đến vấn đề Trung Quốc ngang ngược đưa ra đường lưỡi bò…, chiếm lãnh hải của Việt Nam và của nhiều nước khác, gây mất an ninh.
Không những Trung Quốc chỉ đưa ra đường lưỡi bò, mà bây giờ họ lại còn đưa các hãng dầu của họ vào thềm lục điạ của Việt Nam, rồi kêu gọi thế giới đến để khai thác. Như vậy, là Trung Quốc ngang ngược, không những đưa ra yêu sách không đúng, mà lại còn cố tình gây khó khăn thêm.
Thành ra, khi đề cập đến vấn đề biển đảo, Việt Nam, hay những người nghiên cứu về Việt Nam, theo tôi, không những là phải tách rời vấn đề chủ quyền của Trường Sa và Hoàng Sa ra khỏi vấn đề lãnh hải của Việt Nam, mà cũng phải gắn liền vấn đề tranh chấp này với vấn đề an ninh cho toàn khu vực và cho thế giới. Có như thế thì mới được sự ủng hộ, không chỉ của các nước khác trong khu vực, mà của cả thế giới.
RFI : Về vấn đề chủ quyền tại Trường Sa và Hoàng Sa, « nói khác đi » là như thế nào ?
Ngô Vĩnh Long : Ví dụ như hiện có nhiều nước khác cũng có những đòi hỏi (chủ quyền) riêng của họ về vấn đề Trường Sa, chứ không phải chỉ một Việt Nam, thành ra phải nói là vấn đề chủ quyền của toàn bộ Trường Sa là vấn đề nên bàn cãi giữa các nước liên hệ, và đem vấn đề này ra trước thế giới, trước những cơ quan có thể giúp đi đến thương lượng. Tôi nghĩ đây là vấn đề quan trọng.
Không nên nói tất cả đều là của mình
Còn nếu chỗ nào có thể giải quyết song phương thì mình cứ tiếp tục làm. Thí dụ như về Vịnh Bắc bộ thì Việt Nam đã giải quyết song phương với Trung Quốc một phần lớn, hay là về phía Nam thì có một số vấn đề đã đồng ý với Malaysia.Nhưng mà nhiều vấn đề khác vẫn còn tranh chấp thì không nên nói hết tất cả là của mình.
Kể cả trong vấn đề Hoàng Sa, mình phải nói cho thế giới biết là Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm hết toàn bộ Hoàng Sa, nhưng mình cũng không nên nói rằng tất cả Hoàng Sa là hoàn toàn của Việt Nam. Mình có thể nhượng bộ trên một vài cái đảo, vài vùng nào đó, nhưng mình không chấp nhận chuyện dùng vũ lực chiếm, xong rồi cho đó là việc đã rồi.
Trung Quốc không những cho đó là việc đã rồi, mà lại còn làm như đó là những hòn đảo nhỏ hay những hòn đá có thể giúp cho Trung Quốc, hoặc cho ai chiếm chỗ đó, có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế. Tôi nghĩ là ngay từ đầu, Việt Nam nên nói là tại những vùng đảo đó, Việt Nam không chấp nhận là có vùng đặc quyền kinh tế, để người ta biết là dẫu có tranh giành được hầu hết hai vùng đảo đó, thì Việt Nam cũng không ngang tàng như Trung Quốc, như là bây giờ Trung Quốc hiện đang làm.
RFI : Gần đây, có ý kiến cho rằng Việt Nam cần phải tạm gác tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc để duy trì nguyên trạng. Giáo sư nhận định sao về đề nghị đó ?
Ngô Vĩnh Long : Trước hết đề nghị này - nếu như anh mới vừa nói - rất mập mờ và rất lộn xộn, có thể gây rất nhiều hiểu lầm.Hoàng Sa và Trường Sa là hai vấn đề khác nhau, và tranh chấp chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa cũng khác nhau. Ngoài ra, vấn đề tranh chấp chủ quyền dính đến vấn đề an ninh Biển Đông và toàn khu vực.
Cho nên, nếu ai mà có nhận định như vậy, tôi nghĩ là nhận định này rất nguy hiểm, vì 3 lý do sau đây : Trước hết nó sẽ gây nguy hại lâu dài cho Việt Nam, thứ hai nó sẽ làm « hỏng cẳng » các nước đang giúp đỡ và đang cố gắng để làm sao giữ gìn an ninh cho khu vực và cho thế giới. Và thứ ba là nó có thể tạo ra một cái tiền đề để Mỹ sau này có thể thỏa hiệp với Trung Quốc, chia ảnh hưởng trong khu vực Biển Đông và Thái Bình Dương. đặc biệt là nếu đảng Cộng Hoà lên nắm quyền tại Mỹ.
Tạm gác tranh chấp sẽ gây nguy hại lâu dài cho Việt Nam vì dã tâm của Trung Quốc
Tôi xin nói trước về nguy hại lâu dài cho Việt Nam như thế nào. Lập luận này không khác lập luận của Đặng Tiểu Bình ngày xưa khi (đề nghị) tạm gác chuyện tranh chấp chủ quyền trên đảo Hoàng Sa hay các đảo khác, để có thể cùng nhau « khai thác » những vùng khác.
Nhưng cái này có nghĩa là : « Tao đã lấy Hoàng Sa của mày rồi thì đừng có nói gì nữa. Bây giờ im đi. Rồi như vậy sẽ cùng nhau khai thác các lãnh vực mới chỗ khác ». Thì chuyện đó xẩy ra như thế nào : Trung Quốc đã dựa vào việc lấn chiếm bằng vũ lực Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa, để thúc đẩy cái gọi là đường 9 đoạn hay là cái lưỡi bò, và Trung Quốc làm việc này có bài bản.
Ví dụ như năm 1992, Trung Quốc đã cấp giấy phép thăm dò dầu khí cho công ty Crestone của Mỹ tại khu vực Tư Chính ((Vanguard Bank) thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, để xem thử phản ứng của Việt Nam và của thế giới như thế nào.Việt Nam thì đã nói rất mập mờ, thế giới lúc đó thì thấy là Trung Quốc nói như vậy như đâu có chuyện gì.
Trung Quốc lại tiếp tục đẩy lần lần, đẩy mãi… cho đến năm 2007 chẳng hạn, họ đã cho lưu hành tấm bản đồ phân lô dầu trên toàn bộ đường lưỡi bò. Cùng năm thì tỉnh Hải Nam thành lập (đơn vị hành chánh) Tam Sa để mà có thể kiểm tra hết tất cả vùng Biển Đông, kể cả Hoàng Sa và Trường Sa.
Lúc đó Việt Nam cũng ẫm ờ, nhưng bây giờ điều đó đã trở thành hiện thực : Tam Sa đã trở thành một thành phố do chính phủ và quân đội Trung Quốc thành lập. Và họ đã đưa hai sư đoàn thủy quân lục chiến vào đó. Và ngay sau đó họ đã kêu các hãng dầu trên thế giới đến vùng thềm lục điạ của Việt Nam, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để tìm dầu, trong 9 lô dầu, cách Hải Nam từ 350 đến 700 hải lý, nhưng ngay trên thềm lục điạ của Việt Nam. Thì như vậy rõ ràng là Trung Quốc muốn chứng minh cho thế giới rằng là từ Hoàng Sa, từ Trường Sa, họ sẽ dùng cái đó để chiếm lĩnh vùng lãnh hải và lãnh thổ của các nước khác.
Bây giờ họ làm như vậy, thế giới đã thấy rõ bộ mặt của Trung Quốc, và đang muốn làm sao để cho có thể đẩy Trung Quốc vào một cái thế bị động, và phải giải quyết vấn đề, thì Việt Nam lại nói « Thôi tạm quên (tranh chấp chủ quyền) đi để cùng khai thác với nhau ! ». Khi cùng khai thác, Trung Quốc sẽ không cho khai thác gần Hoàng Sa, kể cả đối với những người đánh cá Việt Nam.
Ngư dân Việt Nam đi gần đó đã bị Trung Quốc bắt từ bao nhiêu năm nay rồi. Gần đây, họ đã đưa ra mấy chục ngàn chiếc thuyền, gọi là của ngư dân Trung Quốc, rồi tàu ngư chính…, nghĩa là một thứ "lấy thịt đè người", rồi xua đuổi (ngư dân Việt) ra khỏi Biển Đông.
Bây giờ (nếu) Việt Nam nói « A, ta tạm quên chuyện ta tranh chấp lãnh thổ Hoàng Sa, Trường Sa đi để cùng nhau bắt cá với Trung Quốc », thì tôi nghĩ rằng làm như thế rất nguy hiểm, bởi vì (như vậy không khác gì) là nói với thế giới : « Tôi là nước bị nguy cập nhất, tôi là nước bị ăn hiếp nhất, nhưng mà tôi đã nhường rồi, thì các anh nhường đi ! ».
Phải tranh thủ thời cơ Trung Quốc đang bị vạch mặt chỉ tên là kẻ gây rối
Làm như vậy là làm « hỏng cẳng » tất cả các nước khác, đang cố gắng để cho Trung Quốc khỏi tiếp tục xâm phạm chủ quyền của nước khác. Đó là điểm thứ hai của tôi.
RFI : Giáo sư cũng nói đến điều nguy hại thứ ba liên quan đến việc tạo tiền đề cho Mỹ thỏa hiệp với Trung Quốc để phân chia ảnh hưởng. Cụ thể là như thế nào ?
Ngô Vĩnh Long : Điểm thứ ba là Trung Quốc cố tình làm căng ở Biển Đông cũng như ở nhiều nơi khác để nắn gân Mỹ, để Mỹ có thể nhượng bộ Trung Quốc trên một số vấn đề, trong đó có vấn đề kinh tế, mà ngay ở nước Mỹ hiện nay, có rất nhiều người muốn thỏa hiệp với Trung Quốc, trong bộ máy chính quyền và đặc biệt là những nhà tài phiệt, những nhà kinh tế lớn của Mỹ.
Bây giờ nếu Việt Nam không nhân tình hình mới - khi mọi người thấy rõ bộ mặt của Trung Quốc - để thúc đẩy chính quyền Mỹ, thúc đẩy các chính trị gia Mỹ là phải làm sao để cho Trung Quốc đừng có tham vọng lớn quá, mà lại nói « Ô thôi không sao ! », thì nếu Việt Nam nói « thôi không sao », điều đó sẽ tạo ra một cái tiền đề để cho Mỹ sau này thỏa hiệp với Trung Quốc, đặc biệt là nếu đảng Cộng hoà lên nắm quyền lực tại Mỹ. Tôi nghĩ vấn đề này rất có thể xẩy ra.
Thành ra, cách phân tích mà anh mới vừa nói, nếu mà đúng, thì tôi thấy rất nguy hiểm !
RFI : Nhưng mà trong vấn đề tạm gác tranh chấp, dường như đã có một tiền lệ là hợp tác Việt Nam - Malaysia tại Trường Sa ? Khác biệt như thế nào ?
Ngô Vĩnh Long : Khác biệt là hai bên có cái ý hợp tác với nhau ngay từ đầu, và không có cái ý tranh chấp chiếm đất của người khác.
Khi hai bên có ý hợp tác ngay từ đầu và nói "À ! Thôi thì cái chuyện tranh chấp mình tạm gác để hợp tác với nhau, khi hợp tác, tin tưởng lẫn nhau, dàn xếp cũng dễ hơn, mà mấy cái đảo nhỏ như thế này thì đâu có ăn thua gì miễn là mình tôn trọng luật pháp". Tất nhiên là những cái đảo mà đã chiếm rồi đó, mặc dầu bây giờ chưa giải quyết được, thì phải tuyên bố ngay là theo luật ở biển nếu là một cái đảo lớn rồi cũng không được quyền có vùng 12 hải lý, còn phần lớn cái khác, hòn đá nọ kia... thì quên chuyện đó đi.
Nếu hai nước đàng hoàng với nhau ngay từ đầu thì vấn đề sẽ khác. Còn khi một nước cố tình chiếm - mà đã chiếm bằng võ lực, và từ đó cứ nới rộng mãi - mà bây giờ ta lại nói "A,  tôi sẽ ăn nói nhường nhịn để sau này chúng ta có thể làm việc với nhau", thì trường hợp đó hoàn toàn khác.
Đó là lý do tại sao tôi nói câu nói đó (tạm gác tranh chấp) rất mập mờ và gây rối, vì phải nói rõ từng tình huống một : Tình huống những nước thân thiện với nhau, không cố tình hay có tham vọng chiếm đất của nhau, và tình huống là nói chuyện với một thằng... trong không biết bao nhiêu năm qua càng ngày càng lấy thịt đè người, và càng ngày càng rõ bộ mặt... Không thể có cùng cách đối xử với một tên tướng cướp và một người hàng xóm thân thiện. Và khi làm như vậy mình lại gây khó cho những người khác muốn bênh vực mình...
Thành ra tôi nghĩ là ngay trong lúc này Việt Nam có một cơ hội kéo cả thế giới vào, nói rằng là cái chuyện biển đảo này, trước hết là vấn đề như chủ quyền Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa, Trung Quốc đã dùng võ lực chiếm thì phải đem ra toà án Công lý Quốc tế để xử, còn những vấn đề mà Trung Quốc đang đe dọa Việt Nam trên thềm lục điạ, trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì đem ra trước Liên Hiệp Quốc xử, mà phải làm ngay.
Và phải tiếp tục làm, phải kiên trì, chứ không nói "Thôi, thôi, tạm quên đi !". Tạm quên như vậy tất nhiên là chiụ thua...Người thường ở Mỹ có câu "Silent is consent" : Anh đã im lặng tất nhiên anh đã đồng ý rồi ! Nếu Việt Nam nói "tạm quên đi" tất nhiên là Việt Nam nói "thôi, tôi chiụ thua rồi, không nói chuyện này nữa". Tất nhiên Việt Nam sẽ mất hết.
Cho nên theo tôi, ai có cái lập luận như vậy thì nên suy nghĩ lại bởi vì rất nguy hiểm..., cho Việt Nam và cho cả thế giới nữa.
Mỹ hoàn toàn có lý khi đả kích Trung Quốc về vụ Tam Sa
RFI : Liên quan cụ thể tới vùng Hoàng Sa, vừa rồi, Bộ Ngoại giao Mỹ ra một bản tuyên bố về Biển Đông, đả kích chuyện Trung Quốc cử một đơn vị quân đội đồn trú ngay trên khu vực Hoàng Sa. Có dư luận cho là Mỹ nói quá. Giáo sư nhận định như thế nào ?
Ngô Vĩnh Long : Tôi nghĩ Mỹ nói vấn đề này không quá. Bởi vì đây là vấn đề Trung Quốc thách thức cả thế giới. Trước hết đây là đảo vẫn còn tranh chấp, mà Trung Quốc đã cướp của người ta bằng võ lực, rồi bây giờ lại nói đây là chuyện đã rồi, bây giờ lại quân sự hóa các đảo đó.
Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ có ý định đưa hơn 2000 thủy quân lục chiến đến Úc. Chỗ mà Mỹ sẽ đưa thủy quân lục chiến đến cách xa Biển Đông cả mấy nghìn cây số, trong lúc Trung Quốc lại đưa quân đội đến Hoàng Sa mà chỉ cách Biển Đông vài chục, vài trăm cây số, và ngay trên đường thông thương của thế giới đi ngang đó. Tôi cho đây là một sự thách thức ghê gớm. Thành ra Mỹ lên tiếng là đúng.
Vấn đề, theo như nhận định của tôi từ lâu rồi, từ 4, 5 năm nay - không muốn nói là từ cuối thập kỷ 80 - là Trung Quốc càng ngày càng muốn lấn Mỹ ở Biển Đông, mà lấn Mỹ được, thì họ có thể uy hiếp các nước khác được.
Trung Quốc chờ thời cơ cho đến cuối năm 2008, mới đòi Mỹ chia đôi Thái Bình Dương. Sau khi Mỹ không chịu, thì càng ngày Trung Quốc càng có những thái độ dẫn đến vấn đề quân sự hóa Hoàng Sa hay là uy hiếp các nước trong khu vực bằng đường lối quân sự trong mấy năm qua.
Tôi thấy đối với Trung Quốc, vấn đề chủ yếu là tranh giành ảnh hưởng đối với Mỹ. Thành ra, nếu giữa Mỹ và Trung Quốc có sự cộng sinh về kinh tế và những vấn đề khác, thì tôi nghĩ là Mỹ có bổn phận lên tiếng, bởi vì nếu Mỹ không lên tiếng, thì các nước khác xung quanh đó nghĩ rằng là giữa Mỹ và Trung Quốc có sự thỏa hiệp. Mà nếu người ta nghĩ rằng giữa Mỹ và Trung Quốc có sự thỏa hiệp thì tôi cho rằng sẽ có một sự nháo nhác, rồi nước này ủng hộ Trung Quốc, nước kia ủng hộ Mỹ, hay là không dám làm cái gì đó, và tôi nghĩ là sẽ gây ra tình trạng mất an ninh cho toàn khu vực.
RFI : Xin cảm ơn giáo sư Ngô Vính Long.

Tuesday, August 28, 2012

Mỹ thử nghiệm đại pháo mới: Tạo ra sấm sét hủy diệt địch


Mỹ thử nghiệm đại pháo mới: Tạo ra sấm sét hủy diệt địch

image


NEW JERSEY -- Quân Đội Hoa Kỳ đang thử nghiệm một loại vũ khí mới, độc đáo: súng này bắn ra những tia sấm sét do laser định vị nhắm vào mục tiêu.

image

Các nhà nghiên cứu đã thử vũ khí mới này trong căn cứ Armement Research, Development and Engineering Center (ARDEC) tại New Jersey.

image

Súng này có tên là LIPC, bắt chước theo cách các tia sấm sét từ trên mây đánh xuống mặt đất.

image

George Fischer, khoa học gia chỉ huy nhóm nghiên cứu này, nói, “Chúng tôi không bao giờ mệt mỏi khi thử nghiệm làm các tia sấm sét đánh vào mục tiêu.”

image

Nguyên tắc thì đơn giản, nhưng tạo ra tia chớp và đánh trúng để hủy diệt mục tiêu mới khó: một tia laser phóng lên, tạo ra điện lượng trên không gian và tạo ra tia sấm sét hủy diệt đánh trúng mục tiêu.

image

Các kỹ sư đang chế tạo ra kiểu xe mang súng này để có thể di động tới nhiều địa hình khác nhau của chiến trường, và thử nghiệm để tạo ra sấm sét trong mọi hoàn cảnh thời tiết.

image
image

image

image

image