Khi Trung Quốc công khai xâm chiếm lãnh hải Việt Nam
Thanh Quang, phóng viên RFA
2012-08-13
Kể từ khi TQ phản ứng lại Luật Biển của VN, chính thức thành lập TP Tam Sa nhằm quản lý cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa của VN và rồi đưa hàng chục ngàn tàu đánh cá có tàu hải giám hộ tống vào vùng biển của VN thì đây có thể coi là một hình thức Nam tiến công khai của phương Bắc mà không cần che giấu bằng “4 tốt”, “16 chữ vàng”.
Chiếc thòng lọng vô hình
Cuộc “Nam tiến” ấy của Bắc Kinh, theo blogger Hà Sĩ Phu, “không đáng ngạc nhiên”, “không hề liều lĩnh” mà đã được “thiết kế chiến lược một cách vững chắc và tính toán cụ thể chắc ăn một trăm phần trăm”.
Qua bài “Giải ‘cộng’ nhi thoát” (tức “bỏ CS thì thoát”), TS Hà Sĩ Phu nhận thấy chủ nghĩa bành trướng Đại Hán lâu nay nôn nóng ra sức “chiếm lĩnh” xứ láng giềng “núi liền núi sông liền sông” này vốn là “cửa ngõ” án ngữ bước đường Nam tiến của Trung Nam Hải, nhưng mộng xâm lăng ấy của phương Bắc từng tan vỡ trước sự kiên cường, mưu lược, bảo vệ từng tấc đất của tổ tiên chúng ta. Thế còn hiện nay thì sao?
TS Hà Sĩ Phu không khỏi thốt lên rằng: “Bất hạnh thay, sự xuất hiện trào lưu Quốc tế Cộng sản hoang tưởng đã cung cấp cho Trung Quốc một cơ hội bằng vàng. Họ tận dụng những đặc trưng của Cộng sản để đưa con mồi vào lưới. Con mồi tự tìm đến cái bẫy, nhưng bị tấm màn “Quốc tế đại đồng” che mắt, nhìn cái bẫy thành chốn ruột thịt nương thân”.
Và TS Hà Sĩ Phu hình dung ra 2 cái thòng lọng mà Bắc Kinh thắt, mở đường cho kế hoạch nam tiến hiện nay:
“Những năm 1949-1950 khai thông biên giới Việt Trung, một VN đã kiệt lực buộc phải dựa hẳn vào Trung Quốc để có sức đánh nhau với Pháp, những món hàng viện trợ từ vũ khí, quân trang quân dụng đến nhu cầu dân sinh là khởi đầu những trói buộc có tính chiến lược, là sợi dây thòng lọng đầu tiên, tận dụng những quan hệ thân thuộc của những người lãnh đạo đã có với Trung Quốc làm sợi dây liên kết.
Cái thòng lọng thứ hai là do chuyến ngoại giao cầu hòa của Việt Nam diễn ra tại Thành Đô ngày 3-4/9/1990. Xét trong quan hệ có tính lịch sử giữa 2 kẻ thù truyền kiếp thì cuộc cầu hoà này chính là cuộc tuyên bố đầu hàng... Sau hội nghị Thành Đô, kế hoạch xâm lược đã thiết kế xong những nước cờ căn bản.Từ đấy trở đi, chỉ cần 4 năm một lần Trung Quốc khống chế người cầm đầu Việt Nam, tức Tổng Bí thư đảng, là đủ cho kế hoạch xâm lược tiến hành trôi chảy. Muốn vậy phải giữ cho VN yên vị theo chế độ Cộng Sản, không được dân chủ hoá, không được liên kết chiến lược với Hoa Kỳ.”
Như vậy là VN liên kết chiến lược chặt chẽ với phương Bắc trong khi “liên kết lửng lơ” với Hoa Kỳ, mà theo TS Hà Sĩ Phu, đã tạo ra “những điều kiện cần và đủ” để TQ “thôn tính VN một cách hoà bình”. TS Hà Sĩ Phu phân tích rằng “Điều kiện ‘cần’ là một bộ máy lãnh đạo Việt Nam phải là bộ máy thân thiện Trung Quốc, không coi Trung quốc là xâm lược, đồng thời nhân dân Việt Nam thì tinh thần bạc nhược, không quan tâm đến sự đe doạ của Trung quốc, chấp nhận để ‘Đảng và Nhà nước lo’. Điều kiện ‘đủ’ là làm sao khống chế được sự phản kháng của lực lượng tinh hoa là những người Việt còn giữ được sự cảnh giác và lòng quyết tâm bảo vệ đất nước, không cho họ đánh thức được dân chúng, đồng thời Hoa Kỳ và quốc tế không can thiệp”. Và TS Hà Sĩ Phu báo động:
“Giữa lúc quân xâm lược kéo binh mã rầm rập vào trong biên cương Tổ quốc mà các thủ lĩnh tối cao thì im phăng phắc, nhưng ra lệnh cho khắp nơi hát vang lời hữu nghị và tri ân, cho tướng lĩnh đứng ra tay bắt mặt mừng, và ra sức bắt giữ những người phản đối xâm lược! Cảnh tượng diễn ra như một trận công thành được chuẩn bị chu đáo, có nội công, vô hiệu hóa lính gác, vô hiệu được quân lính trong thành, lại tổ chức sẵn một đội kèn trống chào mừng, nghênh đón sứ quân của thiên triều. Tất cả như có sự phân công, phối hợp trong ngoài vậy. Chẳng trách người dân phải đặt thẳng sự nghi ngờ vào lòng dạ của người cầm vận mệnh đất nước:“Nguy cơ mất nước là hoàn toàn có thật. Đến lúc này nhân dân buộc phải hỏi: Đảng và Nhà nước có thực sự muốn chống xâm lược không?”
Chọn bạn mà chơi
Qua bài “Sự sợ hãi sẽ làm họ mất tất cả”, tác giả Trần Minh Khôi báo động về nguy cơ Bắc Kinh thực hiện “một cuộc chiến tranh chớp nhoáng ở Biển Đông nhằm cưỡng chiếm Trường Sa và đặt mọi chuyện trước sự đã rồi”. Theo phân tích của tác giả Trần Minh Khôi, thì nếu trong lúc này, TQ quyết định cưỡng chiếm toàn bộ Trường Sa, hay chiếm thêm một số đảo trong quần đảo ấy, họ sẽ không gặp trở ngại nào lớn ngoại trừ phản đối suông của ASEAN và phương Tây, nhất là khi Bắc Kinh chưa thực sự gây trở ngại lưu thông hàng hải ở biển Đông, giữa lúc Nhà nước VN bị “khủng hoảng về tính chính đáng lãnh đạo” và “không có đủ ý chí chính trị để tổ chức cuộc chiến tranh du kích cắt đứt đường hàng hải trên biển Đông đối với tàu hàng TQ – mối đe doạ lớn nhất đối với Bắc Kinh”.Theo blogger Trần Minh Khôi thì những người lãnh đạo đảng CSVN phải hiểu rằng “mất Trường Sa là mất đảng”, và họ cũng “phải thức tỉnh” để ý thức rằng “Bắc Kinh có tổ chức chiến tranh hay không là để nhằm phục vụ các mục tiêu chính trị của nó chứ không phụ thuộc vào bất cứ điều gì nhà nước Việt Nam làm hoặc không làm. Nhà nước Việt Nam không có khả năng tác động Bắc Kinh để giúp ngăn chặn chiến tranh và bảo vệ chủ quyền quốc gia”. Tác giả khẳng định:
“Chỉ có một quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ mới có thể giữ được Biển Đông. Lúc này những người lãnh đạo nhà nước phải nhanh chóng xúc tiến thiết lập một lộ trình nhằm xây dựng quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ. Lộ trình này bao gồm các đòi hỏi không thể thỏa hiệp của Mỹ là thực thi nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam. Nếu những người lãnh đạo Đảng có bản lĩnh thì lộ trình vẫn có thể bảo đảm quyền lực chính trị của họ.
Sự sợ hãi mất quyền lực ở những người lãnh đạo Đảng Cộng sản đã nhiều lần làm lỡ mất cơ hội phát triển và bảo vệ quốc gia. Lần nầy họ đứng trước một lựa chọn khó khăn hơn: sự sợ hãi sẽ làm họ mất tất cả. Nhưng tệ hại hơn nó sẽ làm cho quốc gia vĩnh viễn mất đi một phần lãnh thổ. Và lịch sử sẽ không bao giờ tha thứ cho họ.”
LS Vũ Đức Khanh, chuyên gia về bang giao quốc tế và vấn đề Biển Đông, cũng lưu ý rằng “Dù TQ là một đối tác chiến lược của VN, khó có thể nói rằng đấy là một người bạn thân thiết”, mà bằng chứng cụ thể nhất là hành động của Bắc Kinh tại Biển Đông hiện nay khiến ngày càng đe dọa đến sự toàn vẹn lãnh hải của VN, chưa kể những hành động của phương Bắc tiếp tục “giày xéo” lãnh thổ chúng ta.
Dân mất lòng tin
Qua bài “Một nước VN tương lai: Hãy thay đổi ở trong nước trước khi thay đổi nước ngoài”, LS Vũ Đức Khanh nêu lên câu hỏi rằng Việt Nam có thể khẳng định mình có nhiều đối tác trên giấy tờ văn bản, nhưng lúc khủng hoảng, mấy ai sẽ đứng bên cạnh Việt Nam? Và tác giả nhận xét rằng mong muốn của VN là làm bạn với tất cả không phải là sai, nhưng là “ngây thơ”. Đúng là Việt Nam có nhiều "bạn bè", nhưng có bao nhiêu nước bạn có thể “thực sự xem là một nước bạn?”. Theo LS Vũ Đức Khanh:“Tích lũy nhiều các quan hệ đối tác là không đủ. Việt Nam cần bạn bè, các nước có thể trông cậy được vào những lúc cần thiết. Mối quan hệ như thế là đặc biệt khó hình thành bởi vì nó đòi hỏi phải có niềm tin, mặt hàng vốn thiếu nơi chính phủ Việt Nam hiện nay.Việt Nam nên thiết lập các mối quan hệ đặc biệt với ai ? Lý tưởng nhất, Việt Nam nên tìm kiếm các mối quan hệ gần gũi hơn với các nước cùng chia sẻ chung các giá trị của mình. Từ đó, câu hỏi đặt ra là Việt Nam đại diện cho những giá trị nào ? Đấy là những giá trị của chính phủ hay của dân chúng ? Trong một nền dân chủ, chính phủ đại diện công bằng cho ý nguyện của người dân và vì thế cả hai có thể thảo luận được với nhau. Tuy nhiên, đấy không phải là trường hợp của Việt Nam, nơi chính phủ và người dân thường rõ ràng khác nhau về vấn đề này.”
Giữa lúc “kẻ thù của dân tộc hùng hổ ngay phía trước” – nói theo lời tác giả Bùi Văn Bồng qua bài “Đừng kéo dài sự lạc điệu”, thì lãnh đạo VN “cứ tìm cách đi tìm ‘thế lực thù địch’ trừu tượng, vô hình tận đâu đâu. Theo nhà văn Bùi Văn Bồng thì “Không ai đi ‘lợi dụng lòng yêu nước’, mà chỉ có những kẻ đang lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vì quyền lợi cá nhân ích kỷ, vì phương pháp cách mạng sai lầm, kém cỏi, vi phạm quyền các quyền dân chủ đã nêu trong Hiến pháp 1946. Làm như vậy là thể hiện động cơ, mục đích muốn làm thui chột lòng yêu nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ...”
Qua bài “Lòng yêu nước đã bị lợi dụng như thế nào?”, tác giả Hoàng Ninh nêu lên câu hỏi rằng vì lẽ nào những người biểu tình yêu nước lại “bỗng nhiên” trở thành “phản động” ? Và tác giả khẳng định rằng thực tế cho thấy “lòng yêu nước của họ đang bị lợi dụng. Người ta đã lợi dụng chính sự biểu thị lòng yêu nước để gán ghép cho họ đủ mọi sự xấu xa có thể, để cô lập họ với nhân dân nhằm khẳng định tất cả mọi hoạt động của xã hội đều nằm trong tầm kiểm soát và theo ý chí của chính quyền, để khẳng định những kẻ nào không thuận theo ý chí của chính quyền đều là kẻ phản quốc…”. Và tác giả kết luận:
“Lòng yêu nước được thể hiện qua những cuộc biểu tình phản đối kẻ thù xâm lược đã bị lợi dụng như thế đó; những con người luôn sục sôi căm giận giặc ngoại xâm, luôn cháy bỏng một lòng yêu nước, phần đông họ là sinh viên và trí thức – những con người được xem là ưu tú và tiến bộ, khi qua “cái lưỡi không xương” của truyền thông đã bị nhào nặn thành một loại ma quỷ cá nhân bẩn thỉu, thành thứ hủi lậu của xã hội. Xã hội đang bị che mờ bởi một loại tội ác, là tội ác đối với lòng yêu nước.
Rất nhiều giá trị đang bị đảo lộn, nhân dân sống trong khói sương mịt mù của giả dối, thật khó nhận ra đâu là hiện thực, đâu là chân lý. Những con người yêu nước cháy bỏng, bằng sự can trường và lòng dũng cảm của mình cần vững bước, vững bước hơn nữa để đưa xã hội về đúng giá trị thực tại của nó, để sáng soi chân lý cho nhân dân, để khẳng định với cả thế giới rằng dân tộc Việt Nam sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng bất cứ kẻ thù nào dám xâm phạm biên cương của tổ quốc.”
Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh nêu lên một loạt câu hỏi rằng trước hoạ xâm lăng, khi công dân VN thể hiện lòng yêu nước bằng hình thức biểu tình chống phương Bắc xâm lược, “những kẻ chống lại người yêu nước là ai? Họ đang đứng về phía nào trong cuộc chiến xâm lược và chống xâm lược? Mục đích của việc kết án người yêu nước là gì, họ đang làm việc cho tổ chức nào? Có phải vì Tổ Quốc Việt Nam đang lâm nguy?”
Theo dòng thời sự:
- Bao nhiêu người dân Việt còn tin Trung Quốc?
- TQ bổ nhiệm chỉ huy trưởng và chính ủy cho thành phố Tam Sa
- Thuốc súng biển Đông đang cháy?
- Trung Quốc gia tăng đe dọa Việt Nam tại biển Đông
- Hà Nội tiếp tục biểu tình chống TQ ngày 22/7
- Tại sao họ đi biểu tình?
- Hệ lụy của lần xuống đường chống Trung Quốc hôm 1/7/2012
- VN vẫn chủ trương đàn áp biểu tình chống TQ
- Huế, Sài Gòn, Hà Nội đồng loạt biểu tình chống Trung Quốc
- Ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Hillary Clinton
- “Cuộc chiến mới” của Việt Nam và Trung Quốc
- Âm mưu của Bắc Kinh
No comments:
Post a Comment