Tuesday, August 14, 2012

Thành công lớn nhất của loài người trên Hỏa Tinh


Thành công lớn nhất của loài người trên Hỏa Tinh 

Lược đồ đáp xuống Hỏa Tinh của Curiosity. (Hình: Biểu đồ vẽ lại từ hình của NASA)
Hà Tường Cát/Người Việt
10:32 giờ tối Chủ Nhật 5 tháng 8, 2012, người ta chờ đợi tiếng nói ngắn gọn của kỹ sư Al Chen tại trung tâm JPL của NASA ở Pasadena, California: “Ðã đáp xuống” (Touchdown confirmed).Three generations of Mars rovers


Tương tự như sự chờ đợi của cả thế giới 43 năm trước, ngày 21 tháng 7 năm 1969, khi phi hành gia Neil Armstrong từ Mặt Trăng báo tin về: “Ðại bàng đã đáp xuống” (The Eagle has landed), sự kiện xe lăn Curiosity vừa hạ xuống Hỏa Tinh cũng đầy tính cách hồi hộp dù rằng đây chỉ là một “robot” hoạt động bằng sự điều khiển từ xa hàng trăm triệu dặm.
Kỹ sư Al Chen không lên Hỏa Tinh với Curiosity mà chỉ ngồi theo dõi trong đài điều khiển tại JPL. Hơn nữa tới những phút cuối cùng trong giai đoạn Curiosity đáp xuống, người ta cũng không thể điều khiển trực tiếp vì liên lạc vô tuyến phải mất khoảng 14 phút mới đến và do đó phi thuyền hoàn toàn tự hoạt động theo từng chi tiết đã được định sẵn trong chương trình.
Curiosity là một phòng thí nghiệm lớn nhất, nặng nhất và tân tiến nhất mà loại người chưa từng bao giờ đưa tới một hành tinh. Chiếc xe 6 bánh nặng 1 tấn này theo kế hoạch sẽ hoạt động trong hai năm trên mặt Hỏa Tinh với sứ mạng tìm ra nước hay những dấu vết có nước trong quá khứ nghĩa là biểu hiện sự sống đã từng có trên hành tinh mà đêm đêm chúng ta có thể dễ dàng phân biệt với các thiên thể khác nhờ ánh sáng màu đỏ đặc biệt.
Hơn 5,000 người ở 37 tiểu bang Hoa Kỳ đã làm việc cho dự án tốn kém $2.5 tỷ của NASA gần 10 năm và nếu cuối cùng bất cứ một phần bộ nào trong kế hoạch này gặp trục trặc thì toàn thể công của sẽ thành nước lã đổ ra sông. Thực tế đáng lo ngại hơn nữa là nếu kế hoạch thất bại thì với điều kiện ngân sách khó khăn hiện nay, chưa biết đến bao giờ NASA mới có thể làm lại và giấc mộng thám hiểm vũ trụ chắc chắn sẽ chậm lại rất nhiều năm.
Thám sát Hỏa Tinh là một việc rất nhiều rủi ro, từ thập niên 1960 đến nay trong số hơn 30 phi thuyền, của Liên Xô, Hoa Kỳ, Âu Châu, Nhật Bản đưa tới đây, hơn phân nửa kết thúc bằng thất bại hoàn toàn. Thành công quan trọng duy nhất trước đây của NASA là hai phi vụ năm 2004 cho hạ xuống Hỏa Tinh hai xe thám hiểm (MER = Mars Exploration Rover) mỗi chiếc nặng gần 200 kg: Opportunity (MER-B) và Spirit (MER-A). Hai xe này sau đó mắc kẹt trong cát không di chuyển được nữa và MER-A mất liên lạc từ 2009 nhưng MER-B đến nay vẫn còn chuyển được tín hiệu về.
Nhưng MERs tương đối nhỏ và nhẹ, đã hạ êm ái xuống Hỏa Tinh nhờ những đệm hơi. Còn Curiosity nặng hơn gấp 5 lần (900 kg) và lớn bằng một chiếc xe du lịch nhỏ (kích thước 2.9 x 2.7 x 2.2 mét), không thể theo cách ấy, cho nên lần đầu tiên NASA phải dùng một phương pháp hoàn toàn sáng tạo chưa bao giờ có kinh nghiệm để ước lượng khả năng thành công.
Một cách tổng quát, phi thuyền MSL (Mars Science Laboratory) phóng đi từ mũi Canaveral, Florida, ngày 26 tháng 1 năm ngoái. Sau 8 tháng, phi thuyền đã bay qua 350 triệu dặm để đến Hỏa Tinh và đi vào bầu khí quyển với vận tốc 12,000 dặm/giờ. Ở vận tốc này, sự ma sát với khí quyển làm nhiệt độ lên rất cao và phải có một lá chắn nhiệt để phi thuyền không cháy tiêu. Khi xuống đến cao độ 6.2 dặm, vận tốc đã giảm xuống còn 1,300 dặm giờ, chiếc dù hãm bung ra để tới cao độ 1.1 dặm vận tốc chỉ còn 220 dặm/giờ. Lúc đó bộ phận đổ bộ mang Curiosity sẽ tách ra và hoạt động như một cần trục bay nhờ những hỏa tiễn nhỏ thổi ngược rồi dùng giây hạ Curiosity xuống đất. Trong vòng 2 giây khi biết chắc là điểm đáp xuống đủ cứng để Curiosity không bị lún, các khối nổ giống pháo nhỏ cắt giây và cần trục sẽ bay đi xa 150 mét rồi rớt xuống, tránh không đụng tới Curiosity. Toàn bộ quy trình đáp xuống Hỏa Tinh chỉ kéo dài 7 phút, được gọi là “7 phút kinh hoàng” đối với các khoa học gia vì quyết định thành công hay thất bại nếu chỉ một trục trặc nhỏ xảy ra.
Ông John Holdren, cố vấn khoa học kỹ thuật của Tổng Thống Obama, ca ngợi thành công phi thường “trong quy trình chưa từng có này”. Tất cả mọi việc đều diễn ra đúng như dự tính không có sai sót nào và 6 bánh xe đứng vững vàng trên mặt đất có nghĩa là Curiosity sẽ vận hành được như kế hoạch. Hình đầu tiên do Curiosity tự chụp và từ xa 184 triệu dặm gởi về tới trung tâm điều khiển Pasadena ít phút sau đó, đã xác định sự thành công hoàn toàn và được các nhân viên ở đây đón mừng trong sự hân hoan tột độ.
Nơi Curiosity đáp xuống ở trong một hố tròn, Gale Crater đường kính 96 dặm do một thiên thạch đụng vào Hỏa Tinh cách nay 3 triệu năm. Theo dự án, Curiosity sẽ qua một giai đoạn kiểm tra lại các dụng cụ khoa học trước khi bắt đầu công tác nghiên cứu trong thời gian ít nhất là 1 năm Hỏa Tinh nghĩa là 687 ngày của Trái Ðất chúng ta. Hố tròn Gale Crater được chọn vì nhiều lý do. Trước hết nơi Curiosity đáp xuống, một hố trũng 4 x 12 dặm là nơi sâu nhất trên Hỏa Tinh nên nếu như có nước dưới mặt đất thì sẽ là chỗ gần nhất để Curiosity phát hiện và nghiên cứu bằng những dụng cụ khoa học. Thứ hai, qua hàng triệu năm, những vật chất từ miệng hố trôi xuống do gió hay nước - nếu đã có - vẫn còn tích tụ ở đáy nên đây là nơi thuận lợi nhất để tìm hiểu về lịch sử của Hỏa Tinh.
Trong thời gian không lâu nữa, người ta sẽ được xem những hình ảnh do Curiosity chụp cũng như có thể biết rõ rất nhiều điều mới lạ về hành tinh này, dù rằng chắc chắn sẽ không thấy những “người Hỏa Tinh” trong các truyện giả tưởng như đã mơ ước từ lâu.

No comments:

Post a Comment