Sunday, August 19, 2012

Nguyễn Chí Vịnh : "Viên tướng khoác áo ngoại giao" của Việt Nam


Nguyễn Chí Vịnh : "Viên tướng khoác áo ngoại giao" của Việt Nam

Thứ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh (trái) bắt tay đại sứ Hoa Kỳ David Shear tại lễ khởi công dự án làm sạch chất độc Da cam tại Đà Nẵng, 09/08/2012.
Thứ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh (trái) bắt tay đại sứ Hoa Kỳ David Shear tại lễ khởi công dự án làm sạch chất độc Da cam tại Đà Nẵng, 09/08/2012.
REUTERS/Richard Nyberg

Minh Anh
Chiến lược gia khôn khéo nhất của Việt Nam, hay là một con cáo già mưu mô nhất là những gì nhiều người đánh giá về ông Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam. Theo tờ South China Morning Post, tên tuổi của ông được giới ngoại giao quốc tế bắt đầu biết đến kể từ khi ông chỉ huy việc đối phó với lực lượng quân sự trong khu vực, vốn phải thường xuyên đi theo sự lớn mạnh của Trung Quốc. Đề tài này đã được tờ Courrier International, số ra tuần này trích dịch lại qua bài viết đề tựa « Nguyễn Chí Vịnh : một nhà ngoại giao khôn khéo ».

Xuất thân từ bộ phận tình báo của quân đội, giờ đây ông Vịnh đã bước ra khỏi bóng tối để phát triển một chính sách ngoại giao quân sự. Các vụ tranh chấp xung quanh vùng đảo Trường Sa, Hoàng Sa đã làm cho tình hình tại Biển Đông thêm căng thẳng. Việt Nam, một mặt vẫn phải duy trì các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ trong khu vực. Mặt khác, Hà Nội vẫn phải cải thiện các mối bang giao không những với Trung Quốc và Hoa Kỳ, mà còn với cường quốc khác trong khu vực.
Trong bối cảnh đó, ông Vịnh làm việc không mệt mỏi, liên tục tiến hành các cuộc gặp gỡ các nhà quân sự và nhà ngoại giao trong khu vực. Chủ trương đa phương hóa của Việt Nam được cho là quá phức tạp, nhưng thứ trưởng Quốc phòng vẫn biết đối phó một cách rất mềm mỏng.
Chuyến công du Việt Nam của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, hồi đầu tháng 6 năm nay, được bắt đầu bằng chuyến trở lại vịnh Cam Ranh lịch sử, một địa điểm chiến lược rất quan trọng. Vịnh Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa, trong thời kỳ chiến tranh với Việt Nam, Mỹ đã từng đặt một khu căn cứ quân sự tại đây.
Bên cạnh việc thực hiện chính sách cải thiện một cách cẩn thận và từ các mối bang giao giữa hai quốc gia cựu thù (ký kết thỏa thuận hợp tác quân sự vào năm 2011), ông Vịnh cũng chủ trương thắt chặt lại quan hệ quân sự với Trung Quốc, bất chấp các mối căng thẳng giữa hai nước trong những năm gần đây. Theo ông, tăng cường các mối quan hệ trên phương diện quốc phòng sẽ giúp tránh được các vụ đối đầu và xung đột.
Tuy nhiên, sau đó, ông cũng khẳng khái xác nhận bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Thậm chí, khi có dịp ông cũng lộ rõ nét thái độ thù nghịch. Tại một hội nghị ở Singapore hồi năm rồi, ông đã lên tiếng cảnh báo rằng, trong trường hợp một trong những bên có hành động leo thang, Việt Nam « sẽ không khoanh tay đứng nhìn ».
Theo tờ South China Morning Post, dĩ nhiên, mọi nhất cử nhất động của ông đều bị giới quan sát theo dõi chặt chẽ. Cho đến giờ, họ vẫn chưa thể nào xác định được ông Vịnh thuộc phe nào. Gương mặt điềm tĩnh, ánh mắt đăm đăm và vẻ mặt buồn buồn đã không lộ ra một chút thông tin gì. Ông khôn khéo trả lời bất kỳ câu hỏi gai góc nào. Người ta chỉ đoán được rằng việc ông hút thuốc liên tục nhằm che đậy các cảm xúc căng thẳng đằng sau vẻ điềm tĩnh đó.
Người ta cũng biết rằng, để thư giãn, ông Vịnh cũng rất thích đàm đạo với một ly whisky. Ông sẵn sàng đặt lại các vấn đề theo lối tư duy của chủ nghĩa giáo điều. Mưu mẹo, nhưng ông cũng tỏ ra rất thông minh, khéo léo và điềm đạm.
Theo như một ghi nhận của một nhà ngoại giao, « con người ông toát lên một vẻ độc đoán, rất chuyên nghiệp và ông cũng luôn tìm cách phát triển và bảo vệ quyền lợi của Việt Nam ».
Giờ đây, dù rằng ông Vịnh không còn lãnh đạo bộ phận tình báo quân sự tại Tổng cục 2 nữa, nhưng nhiều người không khỏi thắc mắc về tiếng nói của ông hiện nay. Việc ông chính thức trở thành ủy viên của Ban chấp hành Trung ương Đảng năm rồi đã mở rộng cánh cửa cho ông vào những vị trí quan trọng hơn. Như vậy, giống như lời nhận xét của một nhà ngoại giao, « ông Vịnh đã ra khỏi bóng tối là để tham gia vào chính trường ».

Tại Vatican, liệu vẫn có Đức Giáo Hoàng ?

Nếu như Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, can đảm đối mặt với những vấn đề nan giải như hàng loạt các vụ lạm dụng tình dục trẻ em, trong sạch hóa bộ máy quản lý tài chính, thì Ngài đã thất bại trong việc điều hành Tòa Thánh, dẫn đến tình trạng người Ý quay lại lũng đoạn triều chính Tòa Thánh. Liên quan đến chủ đề này, tuần san Le Nouvel Observateur có bài phân tích đề tựa « Liệu có còn một Đức giáo hoàng tại Tòa thánh hay không ? »
« Tôi là người cô độc » là những gì Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI nhận ra được, sau vụ tai tiếng rò rỉ thông tin tại Vatican. Người quản gia bị quản thúc tại gia do bị nghi ngờ đã tuồn các thông tin mật của Tòa Thánh ra ngoài. Cộng tác viên người Đức ưu ái nhất, cô Ingrid Stampa, cũng là cựu quản gia của Ngài, thì cũng bị nghi ngờ tham gia vào âm mưu do các kẻ thù của ông mưu định.
Giờ đây Ngài chỉ biết chìm đắm trong công tác nghiên cứu, cố gắng hoàn tất tập cuối cùng của bộ ba tác phẩm liên quan đến Chúa Jesus. Một phương cách giúp Ngài quên đi những chuỗi sự kiện kinh hoàng trong năm 2012 này. Đối với nhiều người, Đức Giáo hoàng Benedicto XVI là hiện thân của một nhà trí trức và thần học lớn. Nhưng Ngài cũng là một con người yếu đuối, bị bao vây bởi một bầy « sói » trong triều chính Tòa Thánh, theo như một thuật ngữ ấn tượng của tờ « Osservatore Romano », tờ nhật báo của Tòa Thánh.
Le Nouvel Observateur cho rằng, trên thực tế, Đức Giáo Hoàng cũng đã gặt hái nhiều thành tựu đáng kể trên một số lãnh vực. Đầu tiên hết, Ngài đã không lùi bước trong phiên xử chống lại Đức Cha Marcial Maciel, người đã thành lập ra « Đạo binh chúa Kitô », vì tội có lối sống đồi trụy, lạm dụng tình dục và xâm hại tình dục trẻ em.
Tiếp đến là vụ tai tiếng xâm phạm tình dục trẻ em của các giáo sĩ công giáo Ireland, Ngài đã viết một lá thư nổi tiếng gửi đến các nhà thờ của xứ sở này, nhìn nhận « tính nghiêm trọng của các sai phạm », kêu gọi sự tha thứ của Chúa Trời và của các nạn nhân, cho đến việc kêu gọi hợp tác giữa công lý và Giáo hội.
Trong nội bộ, để giữ bầu không khí ôn hòa, Đức Giáo Hoàng Benedicton XVI đã tiến hành dỡ bỏ vạ tuyệt thông các giám mục toàn thống do Đức Tổng giám mục Lefèbvre tấn phong vào năm 1988.
Trên lãnh vực tài chính, Ngài thực hiện chiến dịch « minh bạch » ngay giữa lòng IOR, ngân hàng của Vatican, bị tai tiếng là có dính líu đến các băng đảng, thường xuyên lui tới các thiên đường trốn thuế và có dính dáng đến vụ phá sản của Ngân hàng Banco Ambrosiano. Ngài đã bổ nhiệm viên chức ngân hàng liêm khiết và có năng lực lên điều hành IOR, nhằm mục đích hợp tác với ngành tư pháp Ý và châu Âu trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Thế nhưng, cuộc chiến của Joseph Ratzinger, tên thật của Ngài đã bị dừng lại ở đây. Ông Gotti Tedeschi, một con người được cho là quá đức hạnh, và cũng là người thân tín của Đức Chí Tôn đã bị cách chức một cách thô bạo.
Người đưa ra quyết định trên không ai khác chính là Quốc Vụ khanh của Tòa Thánh, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone. Cũng chính từ đây đã làm dấy lên nhiều lời chỉ trích, cho rằng Đức Giáo Hoàng « đã không biết làm công tác quản lý », giáo triều liên tục có những lời phát biểu « không nên có », phạm các sai lầm và đôi khi mắc lỗi.
Chính vì vậy, Quốc Vụ Khanh giáo triều, Tarcisio Bertone, vốn chỉ là một nhà ngoại giao, đã làm mất uy tín của Ngài trên chính trường quốc tế. Tòa Thánh hầu như vắng mặt trên nhiều hồ sơ nóng hổi như : về vùng Cận Đông, Iran, mùa xuân Ả Rập, Syria (ít nhất là mối nguy hiểm có thể có cho cộng đồng Thiên chúa giáo). Vatican không còn được xem như là một đối trọng có tầm ảnh hưởng thật sự trên thế giới nữa. Đến mức mà, ngay cả người học trò cưng của ông cũng phải thốt lên rằng : « Nếu như chúng ta cứ tiếp theo cái đà này, kiểu quản lý mà Giáo triều đang thực thi có nguy cơ quét sạch đời sống Giáo Hội ra khỏi thế giới ».
Và một điều chỉ trích khác, không kém phần quan trọng : « Giáo triều đang bị Ý hóa ». Trong suốt thời gian ngự trị tại Vatican, Joseph Ratzinger đã không biết tạo một « phe thân tín người Đức », tiếp nối theo « phe Ba Lan », như người tiền nhiệm Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã từng làm. Bởi vì, xung quanh Đức Hồng Y Bertone chỉ mang một màu sắc Ý. Đến nỗi, theo nhận định của một vị Hồng y, « chưa bao giờ Giáo Hội lại bị khu vực hóa đến như vậy ».
Sao Hỏa : Giấc mơ và Ác mộng
Từ thời cổ chí kim, sao Hỏa không ngừng tạo sự hiếu kỳ cho con người. Biết bao huyền thoại đã được thêu dệt làm cho con người lo sợ đến mức đôi khi bị mất ăn mất ngủ. Giờ đây, với sự phát triển của khoa học – công nghệ, việc người máy Curiosity đổ bộ lên được Hành tinh đỏ sẽ làm cho các huyền thoại đó chết mòn dần, giải tỏa phần nào tính hiếu kỳ của con người.
« Sao Hỏa : Giấc mơ và Ác mộng » là tựa đề bài viết trên tờ l’Express, số ra tuần này. Hành tinh đỏ đã làm cho các bậc tiền nhân của chúng ta khiếp sợ. Cứ mỗi hai năm, nó lại tiến đến gần Trái Đất, tạo thành một hình chiếc khiên trên bầu trời.
Từ thời cổ đại, sao Hỏa vốn gắn liền với hình tượng « Thần chiến tranh ». Càng làm cho con người sợ hãi bao nhiêu, nó lại càng mê hoặc lòng người bấy nhiêu. Sao Hỏa luôn là đối tượng cho những chuỗi huyền thoại ly kỳ, được sinh ra và chết dần đi theo sự thăng trầm của nền khoa học.
Có thể nói, thế kỷ 19 là giai đoạn nảy nở phong phú cho trí tưởng tượng của nhân loài. Vào năm 1877, tấm bản đồ chi tiết Sao Hỏa cho thấy các đường thẳng, được mô tả như là một mạng lưới con kênh khổng lồ. Từ đó đã nảy sinh ra ý tưởng có một nền văn minh trên sao Hỏa. Bao nhiêu giả thuyết về người sao Hỏa đã được tung ra . Bởi vì, theo quan sát của con người vào lúc bấy giờ, « những con kênh đó, giống như là kênh đào Suez từng là biểu tượng của một nền văn minh vĩ đại ». Rằng « họ đã trải qua một biến cố lớn, buộc người sao Hỏa phải đào các con kênh để tìm nước tại các chỏm cực ».
Đến đầu thế kỷ 20, một nhà thiên văn học Hy Lạp đã gạt bỏ giả thuyết này cho rằng « đó chẳng qua là do một sự nhìn nhầm do chất lượng của dụng cụ quan sát xấu ».
Thế nhưng, điều đó cũng không ngăn cản được con người tiếp tục tưởng tượng. Năm 1921, ông Guglielmo Marconi, người phát minh ra điện tín không dây, khẳng định đã bắt được các tín hiệu đến từ sao Hỏa. Để rồi 17 năm sau đó, vào năm 1938, phát hành bộ phim « Chiến tranh giữa các vì sao » trên các kênh truyền hình Mỹ, thuật lại vụ tấn công của người sao Hỏa lên Trái Đất. Bộ phim gây ấn tượng mạnh đến mức, tổng đài của cảnh sát và truyền thông đã bị bão hòa do các cuộc gọi tới tấp của khán giả, hỏi cách làm sao tự bảo vệ mình trước người Hỏa tinh.
Cơn ác mộng của con người không chỉ dừng ở đấy. Đến năm 1947, người ta còn cho là đã nhìn thấy một vụ nổ vật thể bay lạ, được cho là đến từ Hành tinh đỏ. Trước đó, vào năm 1926, một tờ tạp chí khoa học viễn tưởng còn mô tả người Sao hỏa có nước da xanh lá cây và mang dáng dấp của loài bò sát.
Các huyền thoại đó cũng dần nhường chỗ cho những khám phá mới nhờ vào sự tiến bộ của khoa học – công nghệ. Năm 1971, những bức ảnh đầu tiên do tà vũ trụ Mariner-9 gởi về cho thấy có dấu tích của lòng sông cũ. Từ đó, đã làm trỗi dậy vấn đề về sự sống trên sao Hỏa và nảy sinh ra nhiều sự phỏng đoán nhưng đẹp hơn và chi tiết hơn.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là : cách đây 3 tỷ năm, nước từng chảy trên Hành tinh đỏ, nhiều bằng với số lượng đất sét được hình thành. Theo các nhà khoa học tại Cơ quan Hàng không và Không gian Hoa Kỳ, nếu muốn tìm thấy dáng dấp của sự sống nguyên thủy, có lẽ Curiosity sẽ phải đào sâu xuống lòng đất đến ít nhất từ hàng chục cho đến hàng trăm mét.
Tóm lại, giả như những người hỏa tinh xanh có tồn tại, thì có lẽ họ sẽ mang dáng vẻ của chuột chũi nhiều hơn là loài bò sát…
TAGS: CHÂU Á - CHÍNH TRỊ - VIỆT NAM - ĐIỂM BÁO

No comments:

Post a Comment