Monday, August 27, 2012

Khám phá kho tên lửa chống hạm Trung Quốc (kỳ 1)


Khám phá kho tên lửa chống hạm Trung Quốc (kỳ 1)
Cập nhật lúc :2:43 PM, 22/08/2012
Ít nhất có đến 20 loại tên lửa chống hạm được sản xuất tại Trung Quốc đưa quốc gia này đứng sau Nga sở hữu nhiều loại tên lửa chống hạm nhất.
(ĐVO) SY series - “con tằm không biết nhả tơ”
SY series là dòng tên lửa chống hạm được sản xuất tại Trung Quốc theo giấy phép của Liên Xô, bắt đầu với tên lửa chống hạm P-15 Termit. 

Tuy nhiên, sự gián đoạn quan hệ hai nước trong giai đoạn 1960-1990 khiến hàng loạt dự án hợp tác quân sự giữa hai nước đình trệ, trong đó có lĩnh vực tên lửa chống hạm.

Trung Quốc đã gặp khó khăn trong việc tương thích loại tên lửa chống hạm này với các tàu chiến có hệ thống điện tử phức tạp. Không nhận được sự trợ giúp từ Liên Xô, tên lửa SY-1 đành chấp nhận chỉ sử dụng được trên các tàu chiến có hệ thống điện tử đơn giản.
Tên lửa chống hạm SY-1 được sao chép từ tên lửa P-15 Termit.
Dù độ chính xác của SY-1 không cao nhưng bù lại, tầm bắn của tên lửa tăng đáng kể, tăng lên trên 100km so với 80km của P-15. 

Trong những năm 1970-1980, SY-1 là tên lửa chống hạm chủ lực của Trung Quốc. 

Ngoài nhược điểm độ chính xác kém, tên lửa SY-1 có thân hình khá đồ sộ cùng với tốc độ bay chậm nên tên lửa dễ dàng bị các hệ thống phòng không hiện đại đánh chặn. 

Ngoài ra, tên lửa tỏ ra kém hiệu quả trong môi trường tác chiến điện tử mạnh, động cơ nhiên liệu lỏng tiềm ẩn mối nguy hiểm và không đáng tin cậy nếu không được bảo trì đúng cách. 

Nhận thấy sự bất lợi của động cơ nhiên liệu lỏng, các kỹ sư Trung Quốc đã phát triển động cơ nhiên liệu rắn cho tên lửa chống hạm của họ là SY-2. Nhờ động cơ mới, kích thước, trọng lượng của tên lửa giảm đáng kể còn tầm bắn và tốc độ được tăng lên.
Biến thể tên lửa chống hạm SY-2 được xuất khẩu cho Trung Đông các tên lửa không đóng góp được gì cho cuộc chiến ở đây.
Tầm bắn của SY-2 tăng lên 130km, tên lửa sử dụng cơ chế dẫn đường quán tình và radar chủ động giai đoạn cuối, xác suất tiêu diệt mục tiêu được quảng cáo là 70%. Tương tự như SY-1, SY-2 vẫn không phải là một tên lửa chống hạm hiệu quả, nó tiếp tục lặp lại các nhược điểm của SY-1, trình độ công nghệ Trung Quốc thời đó chưa cho phép nước này tạo ra các bước tiến bộ.

HY Series tham vọng không thành
Thực ra HY series là một biến thể nâng cấp của SY series, HY-1 được NATO định danh với hai tên gọi CSS-N-2 cho biến thể sử dụng trên tàu chiến và CSSC-2 cho bệ phóng trên đất liền. 

Trong đó biến thể HY-1J được dự định sử dụng trên tàu khu trục Type-051. Tuy nhiên, Cách mạng văn hóa kéo dài trong những năm 1970 đã ngăn cản điều này. Kết quả tàu khu trục Type-051 chỉ được triển khai cho nhiệm vụ hỗ trợ thử nghiệm tên lửa đạn đạo chứ không được trang bị tên lửa chống hạm.

HY-1 không khác nhiều so với SY-1 về thông số, trừ tầm bắn của HY-1 khoảng 85km, ít hơn so với SY series. Bên cạnh đó, radar tìm kiếm mục tiêu của tên lửa được cải thiện khả năng chống nhiễu tốt hơn.

HY-2 giống HY-1, ngoại trừ chiều dài thân tên lửa được kéo dài hơn 7,48m (HY-1 dài 6,6m). Mũi của tên lửa HY-2 được trang bị một radar tìm kiếm mục tiêu mới. Tên lửa HY-2 được phóng từ bệ phóng trên đất liền với tầm bắn khoảng 200km, xác suất tiêu diệt mục tiêu của tên lửa được giới thiệu là 90%.

Do kích thước đồ sộ, HY-2 chỉ có thể phóng từ bệ phóng trên đất liền không được trang bị trên tàu chiến. Tên lửa này đã được xuất khẩu rộng rãi cho các nước Trung Đông.

HY-3 một biến thể tên lửa chống hạm phóng từ đất liền sử dụng động cơ ramjet còn gọi là C-301, NATO định danh là CSS-C-6. 

Tên lửa có tốc độ Mach-2.5, tầm bắn từ 130-180km. Tên lửa được phát triển bởi Học viện công nghệ cơ điện Haiying.
Biến thể phòng thủ bờ biển HY-3 tuy là tên lửa chống hạm nhưng có kích thước như tên lửa đạn đạo.
Tên lửa có kích thước khá đồ sộ, dài 9,85m, trọng lượng 3,4 tấn, phần mũi nhỏ và dài, phần thân sau lớn hơn với 4 tên lửa nhiên liệu rắn và 2 động cơ ramjet. 

Tên lửa được phát triển trong những năm 1980, hoàn thành vào năm 1990. Tuy nhiên, HY-3 không phải là một tên lửa có chất lượng và độ tin cậy để đưa vào sử dụng rộng rãi.

Một nhược điểm khác là kích thước tên lửa quá lớn nó dễ dàng bị phát hiện và đánh chặn từ bởi những hệ thống phòng thủ trên chiến hạm như AK-630, Kashtan, Phalanx CIWS. 

Bên cạnh đó, công nghệ radar trang bị trên tên lửa khá hạn chế và nó nhanh chóng bị lạc hậu.

HY-4 một biến thể tên lửa hành trình tầm trung tấn công mặt đất được phóng từ tàu chiến tên lửa được phát triển trong những năm 1970. Đích ngắm của tên lửa này là Trung Đông nơi đang xảy ra nhiều cuộc xung đột giữa Israel và khối Arab.

Tên lửa được trang bị động cơ phản lực và động cơ tăng cường nhiên liệu rắn, tầm bắn ước tính của tên lửa từ 300-500km, tốc độ Mach-0,8, độ cao hành trình của tên lửa từ 70-200 mét, ở giai đoạn cuối tên lửa hạ độ cao xuống còn 8m trước khi tấn công mục tiêu.

Khi chiến tranh Trung Đông kết thúc, tên lửa HY-4 không có thêm khách hàng. Ngoài ra, chất lượng của tên lửa không thực sự ấn tượng để có thể thuyết phục các quan chức PLA. Do đó, tên lửa này chỉ phục vụ với số lượng hạn chế và nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Trong giai đoạn 1970-1990, Trung Quốc đã cố gắng để phát triển khá nhiều mẫu tên lửa chống hạm, tên lửa hành trình khác nhau để thử nghiệm  cũng như tạo bước đột phá về công nghệ sau lệnh cấm xuất khẩu vũ khí mà Mỹ áp đặt đối với Bắc Kinh từ năm 1989.

Danh sách dài những mẫu phát triển thử nghiệm có thể kể đến như FL-1/2, YJ-4, WX-41, YJ-63, KD-63, C-611... Song những hạn chế về nền tảng công nghệ Trung Quốc, sự phong tỏa của phương Tây, mối quan hệ với Liên Xô chưa được cải thiện các tên lửa này đều không đạt được thành công để có thể tạo ra sự đột phá.

Thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng trước đó là Trung Đông đột ngột bị cắt đứt, một phần do áp lực từ phía Mỹ và căn bản là các quốc gia này bắt đầu nhận thấy chất lượng vũ khí Trung Quốc trong đó có tên lửa chống hạm quá kém so với phương Tây.

Sau hàng loạt thất bại này, Trung Quốc đã triển khai một lối đi mới trong phát triển các hệ thống vũ khí nói chung và tên lửa chống hạm nói riêng, nhận thấy “tự lực cánh sinh” không thể giúp Trung Quốc nhanh chóng đạt được thành công, nếu có thì quá chậm và không thể bắt kịp phương Tây.

Một chương trình tình báo công nghiệp trên quy mô lớn đã được Trung Quốc khởi xướng trong những năm 1990, Nga chính là điểm đến lý tưởng, tranh thủ mối quan hệ nồng ấm với Pháp để tiếp cận công nghệ, với chương trình này thành công bước đầu bắt đầu đến với Trung Quốc vào đầu những năm 2000.

(còn tiếp)
Quốc Việt

No comments:

Post a Comment