Tuesday, August 21, 2012

Biểu tình chống Nhật : Trung Quốc vừa muốn vừa lo


Biểu tình chống Nhật : Trung Quốc vừa muốn vừa lo

Biểu tình chống Nhật tại Sơn Đông ngày 19/08/2012.
Biểu tình chống Nhật tại Sơn Đông ngày 19/08/2012.
REUTERS/Stringer

Tú Anh
Xung khắc Nhật -Trung tại đảo Senkaku/Điếu Ngư đã thúc đẩy dân Hoa lục xuống đường bài Nhật. Công an Trung Quốc để yên cho người biểu tình tự do mang biểu ngữ xuống đường, tấn công hàng quán và đốt xe Nhật. Hôm nay, tình hình đã ngưng hẳn. Giới phân tích cho rằng nếu biểu tình lan rộng, chính quyền sẽ trấn áp vì sợ.

Đảo đá Senkaku/Điếu Ngư đã biến thành điểm nóng trong quan hệ Trung-Nhật trong tuần lễ qua. Tiếp theo vụ đổ bộ của một nhóm 14 người Hoa và bị cảnh sát biển Nhật Bản bắt hết, đến lượt hàng chục người Nhật « lên đảo » treo cờ Thái Dương khẳng định chủ quyền.
Để phản ứng lại, tại Hoa Lục hàng chục ngàn dân tuần hành tại nhiều thành phố lớn từ Thành Đô, Hàng Châu cho đến Quảng Đông và Hồng Kông.
Khác với những cuộc biểu tình chống tham nhũng hay đòi tự do tuy ôn hòa nhưng luôn bị đàn áp, lần này dân xuống đường tấn công xe hơi, hàng quán, Nhật Bản và đốt cờ Nhật mà vẫn được công an Trung Quốc để yên.
Theo nhận định của báo mạng Asia Times, thì trong chuyện tranh chấp chủ quyền biển đảo này, chính quyền Trung Quốc chiếm thượng phong. Sự kiện nhiều người Hoa dù là ở Hoa lục, Hồng Kông, Đài Loan hay Macao tham gia phong trào chứng tỏ « yêu sách » của Bắc Kinh về chủ quyền trên biển Hoa Đông là có « chính nghĩa ».
Thực ra thì vẫn chưa ai rõ giá trị của quần đảo không người ở này mà chủ nhân là hai cụ già người Nhật. Senkaku hay Điếu Ngư đài nằm trên con đường hàng hải quan trọng nhưng không có giá trị chiến lược. Nhiều người nghĩ rằng dưới đáy biển có trữ lượng khí đốt. Vào năm 2008, trong một cử chỉ làm giảm căng thẳng, chính phủ hai nước đã ký một thỏa hiệp hợp tác thăm dò và khai thác tài nguyên. Tuy nhiên cho đến nay, thỏa thuận này vẫn chỉ trên giấy.
Sự kiện rõ nét nhất là tinh thần dân tộc của nhân dân hai nước nếu được « định hướng » sẽ giúp cho lãnh đạo Trung-Nhật khỏi phải trả lời trước một số khó khăn của nội tình quốc gia. Chính phủ đảng Dân Chủ Nhật Bản chuẩn bị cải tổ nội các. Trong khi đó, đảng Cộng Sản Trung Quốc đang ở trong giai đoạn thay đổi thế hệ lãnh đạo, trong bối cảnh phải chật vật che giấu nạn tham ô, đang được phơi bày qua những vụ án và thanh trừng thuộc loại « thâm cung bí sử » : Bạc Hy Lai, Cốc Khai Lai, Vương Lập Quân, Chu Vĩnh Khang…
Nội tình ở Bắc Kinh có vẻ nghiêm trọng hơn những khó khăn của Tokyo, vì sinh hoạt chính trị tại Nhật công khai và dân chủ.
Theo phân tích của hãng tin công giáo Asia News, thì vì lý do này mà mặc dù biểu tình chống Nhật mang tính bạo động một cách đáng ngại, công an Trung Quốc không can thiệp. Tuy nhiên, Bắc Kinh không có ý định cho phép dân chúng tiếp tục xuống đường sau vụ biểu dương hôm Chủ nhật. Theo ông Chu Vĩnh Sinh, chuyên gia về Nhật Bản trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thì khi được bày tỏ sự phẫn nộ, họ sẽ quên đi những vấn đề khó khăn trong nước.
Câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền Trung Quốc có sẽ « nới tay » cho dân biểu tình hay không ? Nhà phân tích chính trị Trần Tự Dân dứt khoát trả lời « không ». Theo ông, do đại hội đảng Cộng Sản đã gần kề, và nếu có diễn biến xấu thì chắc chắn chế độ sẽ ra tay. Để dân bày tỏ bất bình chống Nhật nhưng chính quyền Trung Quốc sợ tình thế biến chuyển vượt khỏi tầm tay.
Những đòi hỏi chống tham ô, những nguyện vọng đòi dân chủ của người Hán hay cuộc tranh đấu chống áp bức của người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ đều bị chính quyền đáp trả bằng bàn tay sắt.
Chiến dịch « đổ bộ » lên Senkaku/Điếu Ngư do 14 người Hoa thực hiện, ngay từ đầu đã bị bộ máy kiểm duyệt của Bắc Kinh chiếu cố. Lá cờ Đài Loan bị bôi bỏ trong hình ảnh công bố tại Hoa Lục.
Theo Asia Times online, nhiều thành viên trong toán đổ bộ « bảo vệ Điếu Ngư » như tổ chức Khải Phong 2, và cũng là tên con tàu sử dụng, hoặc Liên minh Dân chủ Xã hội là những hiệp hội rất năng động trong những cuộc biểu tình tại Hồng Kông chống áp bức tại Trung Quốc.
Tự xưng là « Đảng cầm quyền », nhưng thái độ nghi kỵ của Bắc Kinh đối với dân chúng cho thấy lãnh đạo đảng Cộng Sản xem trọng đặc quyền của họ hơn là chủ quyền lãnh thổ.
TAGS: BIỂU TÌNH - CHÂU Á - NHẬT BẢN - PHÂN TÍCH - TRUNG QUỐC

No comments:

Post a Comment