Tuesday, January 21, 2014

Hải chiến Hoàng Sa

Hải chiến Hoàng Sa

» Tác giả: Vũ Hữu San - Trần Đỗ Cẩm
» Dịch giả: 
» Thể lọai: Thời chinh chiến
» Số lần xem: 107112
3. TRẬN HẢI CHIẾN TẠI QUẦN ÐẢO HOÀNG SA Ngày 19 tháng 1 năm 1974

ÐÔI LỜI CẢM TẠ

Muốn ghi lại chính xác một sự kiện lịch sử đã xảy ra khá lâu trong quá khứ, cần tham khảo nhiều phúc trình chính thức, sách vở liên quan v.v... được phổ biến rồi kiểm chứng bằng lời tường thuật của những nhân chứng mắt thấy tai nghe. Tài liệu trên giấy trắng mực đen cho chúng ta biết chính xác những chi tiết về không gian và thời gian, nhưng thường khô khan vì thiếu phần nhân sự. Mặt khác, lời mô tả của nhân chứng tuy sống động nhưng lại thiếu trung thực vì yếu tố chủ quan và dựa vào ký ức dễ phôi pha theo thời gian. Tuy nhiên, nếu phân tích cặn kẽ rồi tổng hợp cả hai nguồn tài liệu, chúng ta có thể có một bức tranh vừa trung thực vừa sống động.

Từ năm 1990, chúng tôi đã bắt đầu sưu tầm bài vở, giấy tờ ghi chép về trận hải chiến tại quần đảo Hoàng Sa xảy ra cách đây trên một phần tư thế kỷ. Rất tiếc, những tài liệu này hiện không có nhiều. Các hình ảnh, lệnh hành quân, phúc trình chính thức v.v... của HQ/VNCH liên quan tới trận hải chiến, nếu tồn tại, đều nằm trong tay Việt Cộng. Về phía Hoa Kỳ, chúng tôi không tìm được một tài liệu chính thức nào, ngoại trừ vài ba bản tin nhỏ không mấy quan trọng đăng trong các tờ tuần báo hay nhật báo như Times, Newsweek, New York Times v.v... Khi viết thư hỏi phòng quân sử của Hải Quân Hoa Kỳ, họ đều từ chối với lý do "không tìm ra manh mối". Phần Trung Cộng cũng chỉ có một số sách báo tuyên truyền lố bịch theo kiểu Cộng Sản, đại khái như bài thơ tả cảnh ngư dân Tàu Đỏ trèo lên chiến hạm Việt Nam liệng lựu đạn vào "lỗ châu mai". Vì vậy, bài viết như một tài liệu tham khảo này phần lớn dựa vào những cuộc phỏng vấn và hồi ký rải rác chưa hẳn chính xác của một số nhân chứng trực tiếp hay gián tiếp liên quan tới trận hải chiến.

Trong suốt khoảng thời gian sưu tầm tài liệu, chúng tôi đã nhận được sự trợ giúp quí báu của một số người liên hệ. Tác giả chân thành cảm tạ những nhân chứng sau đây đã sốt sắng trả lời các cuộc phỏng vấn và cung cấp tài liệu để chúng tôi có thể hoàn thành bài viết này:

1. HQ Đại Tá Hà Văn Ngạc, Hải Đội Trưởng Hải Đội HQ/VNCH tham chiến tại Hoàng Sa. Trên cương vị một cấp chỉ huy ngoài chiến trường, ông đã cung cấp những chi tiết chính xác về trận hải chiến cũng như những lý do đưa đến nhiều quyết định chiến thuật quan trọng. Đại Tá Ngạc cũng đã có những bài viết về Hoàng Sa nhân dịp kỷ niệm 25 năm rất giá trị.

2. HQ Trung Tá Vũ Hữu San, cựu Hạm Trưởng Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ-41. Trung Tá San là Sĩ Quan thâm niên hiện diện trên biển tại Hoàng Sa trước khi Đại Tá Ngạc nhận quyền Hải Đội Trưởng. Là người luôn ưu ái hải quân, "mến đồng đội, thương con tàu", những lời tường thuật, hồi ký v. v... của ông là nguồn tài liệu vô giá.

3. HQ Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh, cựu Hạm Trưởng Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ-5. Là Hạm Trưởng của Soái Hạm, nơi đặt Bộ Chỉ Huy của Hải Đội, Trung Tá Quỳnh đã cho biết nhiều diễn biến quan trọng hiếm có liên quan tới trận hải chiến cũng như những hoạt động của HQ-5 tại Hoàng Sa.

4. Hải Quân Trung Úy Nguyễn Đông Mai, Sĩ Quan Hải Pháo của Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo HQ-10. Trung Úy Mai là người sống sót lúc HQ-10 bị chìm trong trận hải chiến. Sau khi được vớt từ bè đào thoát đưa về bệnh viện, Trung Úy Mai đã ghi vào nhật ký nhiều chi tiết chưa từng được tiết lộ liên quan tới HQ-10. Có thể nói đây là những lời tường thuật trung thực và sống động duy nhất về những giây phút cuối cùng của Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo.

5. Hạm-Trưởng Nguyễn Văn Tánh, Hộ Tống Hạm Chí Linh HQ-11. Là thành phần tăng viện cùng với Tuần Dương Hạm Trần Quốc Toản HQ-6, HQ-11 không tới Hoàng Sa kịp thời để tham dự trận hải chiến. Tuy nhiên Hạm Trưởng Tánh đã cung cấp nhiều chi tiết chính xác về trường hợp tham dự của HQ-11 cũng như một số chi tiết sau khi trận hải chiến đã xảy ra.

Ngoài những nhân chứng kể trên, chúng tôi cũng tham khảo một số tài liệu và hồi ký về trận hải chiến tại Hoàng Sa. Tập sách "Hạm Đội HQ/VNCH" của tác giả Bảo Biển ghi chép tổng quát về trận hải chiến và một số chiến hạm, chiến đĩnh thuộc HQVNCH. Bài viết của tác giả Đào Dân là sĩ quan trên Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ-16 kể lại nhiều chi tiết giá trị về hoạt động của chiến hạm này. Đây là những tài liệu nghiên cứu hữu ích. Ngoài ra, cuốn sách biên khảo giá trị "Ðịa Lý Biển Ðông Với Hoàng Sa Và Trường Sa" của tác giả Vũ Hữu San cũng là nguồn tài liệu tham khảo quí báu.

Lời cám ơn đặc biệt được chân thành gửi tới một số bạn trẻ chúng tôi chưa từng gặp mặt nhưng đã sốt sắng trợ giúp để loạt bài về trận hải chiến Hoàng Sa được trang trọng ra mắt độc giả. Những bạn trẻ này, ngoài tài năng và thiện chí, còn có nhiều điều đáng khâm phục hơn. Tuy trưởng thành và hấp thụ nền học vấn tại ngoại quốc, nhưng họ đã biểu lộ một tinh thần quốc gia vững chắc và nặng lòng với các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà (QLVNCH) cũng như đất mẹ Việt Nam.

Trước hết là JW Nguyen, người chủ trương website "Việt Nam Chiến Tranh và Lịch Sử" (http://vietnam.glypto.com/) hiện được độc giả khắp nơi trên thế giới đón nhận và hoan nghênh nồng nhiệt trên Internet. Với tài năng sáng tạo tuyệt vời và trực giác thẩm mỹ bén nhậy, "webmaster" JW Nguyen đã tích cực cố vấn và trợ giúp phần kỹ thuật trình bày các "webpages" khiến những giòng chữ khô khan, hình ảnh rời rạc phối hợp chặt chẽ thành những bức tranh vô cùng linh hoạt.

Ngoài mặt trình bày, chúng tôi còn được sự trợ giúp quí báu về phần hình ảnh của một bạn trẻ có nhiều năng khiếu thiên bẩm khác. Đó là anh Trương Văn Quang hiện cư ngụ tại Australia đã cung cấp một số hình ảnh hiếm có dùng trong bài viết. Anh Quang có đặc tài sưu tầm hình ảnh, tài liệu, và xây dựng những mô hình bằng plastic liên quan tới các Quân Binh Chủng VNCH. Đặc biệt về Hải Quân, anh có một bộ sưu tập gồm đầy đủ các hình ảnh về chiến hạm, chiến đĩnh cũng như huy hiệu của các đơn vị Hải Quân VNCH. Anh đã thực hiện nhiều cuộc triển lãm mô hình và hình ảnh QLVNCH được giới thưởng ngoạn nhiệt liệt hoan nghênh.

Ngạn ngữ có câu: "Một tấm hình bằng ngàn chữ viết". Nếu độc giả nhận thấy những tấm hình do hai người bạn trẻ nói trên sưu tầm, tô điểm và sắp đặt còn giá trị hơn chính bài viết, điều này cũng không lấy gì làm lạ!

Sau cùng, chúng tôi cũng cám ơn nhiều thân hữu, bạn bè khác đã trợ giúp và khuyến khích để bài viết được thành hình. Tác giả cũng cám ơn quí độc giả đã bỏ thì giờ quí báu theo dõi trận hải chiến tại Hoàng Sa. Những ý kiến phê bình và chi tiết đóng góp sẽ được trang trọng đón nhận để bài viết thêm đầy đủ và chính xác.

Trân trọng.

(Viết năm 1998, tu chỉnh tháng 1 năm 2004)

------------------------------------

1 Chiến-hạm HQVNCH thường mang chỉ-danh hai chữ HQ (Hải-Quân) Có thể viết hai cách HQ.4 hay HQ-4.
2004-01-17 12:20:28


  • Currently 3.14/5
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
Rating: 3.1/5 (7 votes cast)

1 2 [3] 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30

No comments:

Post a Comment