Friday, January 24, 2014

Nhịp cầu kết nối yêu thương

Nhịp cầu kết nối yêu thương

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2014-01-24

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
nhip-cau-hoang-sa-305.jpg
Hình biểu tượng Nhịp cầu Hoàng Sa.
Citizen Photo
Trong khi cuộc hải chiến Hoàng Sa năm 1974  được báo chí loan tài rộng rãi, một nhóm nhà báo và chuyên viên về biển đảo đã thực hiện chương trình mang tên Nhịp Cầu Hoàng Sa nhằm kết nối và trợ giúp gia đình những người đã hy sinh trong các trận đánh chống Trung Quốc bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Sự chia sẻ cộng đồng

Hơi ấm mang tới cho các gia đình tử sĩ trong trận hải chiến Hoàng Sa sau những ngày cao trào sẽ không bị rơi vào quên lãng mà cần phải giữ nó như giữ niềm tin vào sự chia sẻ cộng đồng đối với những gì mà người chiến sĩ đã hy sinh.
Đây là mục đích mà một nhóm các nhà báo như Kim Hạnh, nguyên Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, Thế Thanh nguyên Tổng biên tập báo Phụ Nữ TP Hồ Chí Minh, nhà báo Huy Đức tác giả Bên thắng cuộc, kỹ sư Đỗ Thái Bình, Chi hội trưởng Hoàng Sa-Trường Sa, hội Khoa học Kinh tế Biển và một số thành viên của hội này cùng nhau ngồi lại để cho ra đời chương trình mang tên Nhịp Cầu Hoàng Sa, nhịp cầu kết nối yêu thương, nhịp cầu của hòa giải giữa người Việt với nhau.
Chương trình này hiện vẫn còn khiêm tốn tuy nhiên ý nghĩa và mục đích của nó vẫn hàng ngày được chú ý và nhân rộng ra trên mạng internet cũng như trang facebook.
Nhà báo Huy Đức cho biết Nhịp Cầu Hoàng Sa được sự hưởng ứng của rất nhiều người trong đó có sáng kiến tặng tranh, bán đấu giá nhằm lấy thêm tiền cho chương trình. Bắt đầu là bức tranh “Tĩnh vật hoa” của nhà thơ Đỗ Trung Quân đã mang lại cho Nhịp Cầu Hoàng Sa hơn 65 triệu đồng. Chỉ sau một đêm đưa lên facebook bức tranh  đã được một người Việt đang làm việc ở bệnh viện Boston mua với giá 2.000 USD.
Mục tiêu ban đầu của chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa trước hết là lo chỗ ở cho hai bà quả phụ rồi sau đó tiến tới việc lo cho những người sau chứ không phải chỉ làm một đợt.
-Bà Thế Thanh
Tiếp theo là bức "Những bông hoa cũ" của họa sĩ Nguyễn Quốc Dũng được bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn  tại Atlanta, Mỹ mua với giá 1.200 USD... Bức ảnh chụp phố Hàng Vải năm 2004 của nhà báo Trần Việt Đức cũng đã được mua với giá 10 triệu đồng.  Bức thư họa của nhà nghiên cứu Biển Đông Phạm Hoàng Quân cũng đang được đấu giá.
Bà Thế Thanh nguyên Tổng biên tập báo Phụ Nữ TP Hồ Chí Minh, một trong những thành viên của chương trình cho biết mục đích của Nhịp Cầu Hoàng Sa như sau:
“Mục đích chính của chúng tôi là giúp cải thiện chỗ ở cho hai bà quả phụ Ngụy Văn Thà và Nguyễn Thành Trí nhưng đồng thời trong dịp tết Giáp Ngọ theo phong tục cổ truyền của Việt Nam thì chúng tôi cũng quyết định tặng quà cho những gia đình liệt sĩ đã hy sinh trong trận Gạc Ma vào năm 1988. Những đóng góp vào chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa bước đầu nó sẽ như vậy.”
Đối với 74 gia đình tử sĩ của Hoàng Sa thật không dễ gì trong một thời gian ngắn lại có thể thu thập đầy đủ thông tin của họ, tuy nhiên nhóm cũng đang nỗ lực đề hoàn thành danh sách trong thời gian sớm nhất, bà Thế Thanh cho biết:
“Hiện nay chúng tôi đang thu thập những địa chỉ cụ thể và cũng đang kêu gọi cho người ta phát hiện ra thêm để lập danh sách. Mục tiêu ban đầu của chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa trước hết là lo chỗ ở cho hai bà quả phụ rồi sau đó tiến tới việc lo cho những người sau chứ không phải chỉ làm một đợt. Sẽ có kế hoạch trợ giúp cho những người đã hy sinh bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa sau khi có danh sách để làm việc đó.
Rất nhiều anh chị em trong nước và kiều bào đã gọi điện hỏi thăm sau khi nhận được e-mail thông báo chương trình từ những nơi như Pháp, Úc. Mỹ, Thụy Sĩ… và trong nước thì có Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh các tỉnh lân cận đã gửi tiền về trực tiếp hoặc chuyển khoản vào tài khoản của Nhịp Cầu Hoàng Sa. Nếu tôi nhớ không lầm thì cách đây 3 ngày số tiền đã được góp là 500 triệu.”

Giúp người Việt hiểu thêm người Việt

hai-chien-1-305
Chiến hạm VNCH và Trung Quốc giao tranh ở Hoàng Sa năm 1974.
Bà quả phụ Ngụy Văn Thà khi nghe chúng tôi cho biết tin sẽ được Nhịp Cầu Hoàng Sa trợ giúp sửa sang lại nhà cửa rất ngạc nhiên và vui mừng, trong tình trạng hết sức phấn khởi bà cho biết:
Tôi rất là vui mừng khi nghe được tin này thì còn gì vui hơn nữa. Mình được mọi người giúp đã như vậy thành ra rất là cám ơn các anh chị đã có sự giúp đỡ cho gia đình mình. Năm nay thấy vui hơn vì mình thấy chồng mình được mọi người hỏi thăm tới và đó là một vinh hạnh nên rất sung sướng và hãnh diện nên năm nay vui lắm.
Kỹ sư Đỗ Thái Bình, Chi hội trưởng Hoàng Sa-Trường Sa, hội Khoa học Kinh tế Biển nói thêm về ý tưởng xuất phát chương trình này:
“Thực ra mà nói thì ý tưởng này xuất phát từ mấy anh em bọn tôi trong quá trình bàn luận với nhau giữa Huy Đức, Thế Thanh, Kim Hạnh và chúng tôi bàn luận với nhau thấy cần có một cái gì đó để làm một nhịp cầu về lâu dài để hòa hợp anh em với nhau mà trước mắt là Nhịp Cầu Hoàng Sa trong đó cũng có cả Trường Sa nghĩa là có những anh em ở Gạc Ma. Nhìn chung mà nói là để kết nối yêu thương. Đây là ý kiến chung của mấy anh em cùng gặp nhau trong ý đó.
Bản thân tôi là một nhà nghiên cứu về biển cho nên những vấn đề về Hoàng Sa và Trường Sa thì tôi đã quan tâm từ lâu và tôi có đưa vào trong một cuốn sách của tôi có tên Bách khoa hàng hải và đóng tàu. Cuốn sách này đang chuẩn bị xuất bản trong năm nay.”
Nói về thôi thúc khiến ông không thể ngưng những ý nghĩ về sự hy sinh cũng như lòng quả cảm của chiến sỹ cả hai phía Kỹ sư Đỗ Thái Bình chia sẻ:
Đến nay trên mặt báo chí chính thức thì chúng tôi chưa thấy có báo nào viết bài, đưa tin nhưng sự quan tâm của báo giới thì rất lớn.
-Bà Thế Thanh
“Trước hết tôi thấy sự hiểu biết của mình về một nửa đất nước phía Nam còn rất ít, tức là không biết về các anh hải quân của phía miền Nam. Không biết các trận đánh và không biết các anh ấy học ở đâu, trường nào? Trường Hàng hải thương thuyền ở Bách khoa Phú thọ ra sao, trường Hải quân Nha Trang ra sao... từ đó bật ra vấn đề chúng tôi phải nghiên cứu và đồng thời tiếp xúc với các anh đó cũng như gia đình của họ. Chúng tôi đã gặp các gia đình của anh Ngụy Văn Thà. Anh Nguyễn Thành Trí cũng như anh Lữ Công Bảy, anh Phạm Ngọc Loan... tất cả các anh ấy thì chúng tôi đã gặp gia đình họ khoảng 10 năm nay rồi.
Chúng tôi đang sinh hoạt ở trong Hội Khoa học kinh tế biển Việt Nam do bác Lê Kế Lâm làm chủ tịch vá chúng tôi lập thêm cái chi hội có tên Chi hội Hoàng Trường Sa ở đó. Trong đó có cả anh em ở Gạc Ma và anh em hải quân cả hai phía. Chúng tôi muốn nghiên cứu vấn đề này dưới góc độ tìm hiểu lịch sử cũng như các vấn đề đã xảy ra trong quá khứ.
Những thông tin đến với người ủng hộ Nhịp Cầu Hoàng Sa không đến từ các tờ báo chính thống mà chỉ qua facebook hay các trang blog có kết nối với chương trình. Tuy hạn hẹp thông tin nhưng tính tới ngày 22 tháng 1 năm 2014 thì số tiền đã lên tới 630 triệu từ 237 cá nhân, tổ chức đóng góp. Bà Thế Thanh trong cương vị một nhà báo cho biết:
Đến nay trên mặt báo chí chính thức thì chúng tôi chưa thấy có báo nào viết bài, đưa tin nhưng sự quan tâm của báo giới thì rất lớn. Anh chị em phóng viên nếu biết đến chương trình này thì đều có sự chia sẻ cũng như đóng góp theo khả năng của họ.
Sự chia sẻ mà bà Thế Thanh nhắc tới có lẽ đến từ nhà báo Trần Nhật Vy khi đã đóng góp toàn bộ nhuận bút bài báo "40 năm Hải chiến Hoàng Sa " đã đăng trên báo Tuổi Trẻ.
Về cách tiếp cận thông tin chính thức của Nhịp Cầu Hoàng Sa Ông Đỗ Thái Bình cho biết như sau:
“Vâng có một website có tên là: http://nhipcauhoangsa.blogspot.com/2014/01/danh-sach-ong-gop-quy-nhip-cau-hoang-sa.html
Ở trang này có tất cả thông tin về cách gửi tiền, nội dung và danh sách của những người đã gửi được cập nhật hàng ngày. Trang đó được lập lại trên một số trang khác như trang Hiệu Minh trang Quê Choa và một số trang có kết nối với Nhịp cầu Hoàng Sa .”
Nhà báo Huy Đức có một status rất hay trên facebook của anh “Chúng tôi rất trân trọng những đóng góp lớn; chúng tôi cũng nâng niu từng 5 chục, 100, được gửi tới tài khoản Nhịp Cầu Hoàng Sa. Những đồng bạc đó không chỉ nhắm tới mục tiêu giúp các gia đình liệt sỹ dựng lại mái nhà. Những đồng bạc đó là cát, là đá, mà các bạn góp cùng chúng tôi xây đắp một nhịp cầu. Nhịp cầu nối những tấm lòng, để người Việt hiểu thêm người Việt.”

No comments:

Post a Comment