Friday, January 17, 2014

Trung Quôc: Giấc mộng siêu cường quân sự dựa trên công nghệ châu Âu

Trung Quôc: Giấc mộng siêu cường quân sự dựa trên công nghệ châu Âu

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt đột quân danh dự trước khi tiếp tổng thống Venezuela ngày 22/09/2013.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt đột quân danh dự trước khi tiếp tổng thống Venezuela ngày 22/09/2013.
Reuters

Trọng Thành
Về thời sự quốc tế, Libération có bài đáng chú ý về tham vọng của Trung Quốc nhân sự kiện Bắc Kinh thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh. Bài viết mang tựa đề « Giấc mộng siêu cường Trung Hoa trong tầm ngắm ». Ngày 15/01/2014, thế giới bất ngờ với tuyên bố của Trung Quốc thử nghiệm trên thực địa một tên lửa tầm xa siêu thanh có tốc độ 12.250 km/giờ, tức gấp 10 lần tốc độ âm thanh (Mach 10).

 Cho đến nay, mới chỉ có Hoa Kỳ nắm được công nghệ này. Trong số các vũ khí hiện đại mà Bắc Kinh trang bị cho quân đội có rất nhiều thiết bị do Châu Âu sản xuất, bất chấp lệnh cấm vận vũ khí.
 Vụ thử tên lửa diễn ra ngày 09/01. Sau một tuần giữ bí mật, thứ Tư vừa rồi Bắc Kinh thông báo vụ thử thành công. Với việc thử nghiệm tên lửa siêu thanh, Trung Quốc tiếp tục gia tăng sức mạnh trên phương diện các vũ khí chiến lược, tiếp theo vụ thử tên lửa đẩy vệ tinh lên quỹ đạo cách Trái đất 800 km năm 2007, việc đưa vào hoạt động một tàu sân bay năm ngoái (Trung Quốc còn có kế hoạch đóng thêm tàu sân bay thứ hai), hay việc sử dụng các tầu ngầm rất ít gây tiếng động, một số mô hình máy bay tàng hình, phi cơ không người lái… Vũ khí mới của Trung Quốc, được một số giới chức quốc phòng Mỹ loan đi tuần này, cũng là đối tượng chú ý của Nga, Ấn Độ và Pháp.

 Libération ghi nhận chi phí dành cho quân sự của Trung Quốc tăng liên tục hơn 10%/năm trong vòng hai thập niên trở lại đây. Dự kiến năm 2015, Bắc Kinh sẽ chi ra 183 tỷ đô la cho quân sự, gấp bốn lần Nhật Bản. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định khi nhậm chức : « giấc mơ của chúng ta là một dân tộc hùng cường, điều đó có nghĩa là quân đội chúng ta phải mạnh ». « Giấc mộng Trung Hoa » được Tập Cận Bình đưa lên thành học thuyết chính thống. « Giấc mộng Trung Hoa » cũng là tên một cuốn sách lý luận quân sự được giảng dạy trong tất cả các học viện quân sự Trung Quốc. Liu Mingfu, tác giả cuốn sách, nói rõ « giấc mộng Trung Hoa là xây dựng một quốc gia mạnh nhất hành tinh và một sức mạnh quân sự đứng đầu thế giới ».

Các lãnh đạo Trung Quốc thường xuyên khẳng định sức mạnh quân sự Trung Quốc mang bản chất « hòa bình ». Tuy nhiên, vũ khí tên lửa siêu thanh mới đây rõ ràng mang tính tấn công, xuyên thủng và vô hiệu hóa lá chắn tên lửa của một nước khác, như nhận xét của một chuyên gia hàng không Trung Quốc.

Ít nhất 100 nhóm nghiên cứu khoa học đã được huy động cho chương trình vũ khí siêu thanh. Năm 2012, Trung Quốc đã xây dựng một cơ sở thử nghiệm động cơ phản lực siêu thanh lớn nhất thế giới.

Điều nghịch lý mà Le Monde lưu ý là, trong khi bị Phương Tây cấm vận về công nghệ quân sự, sau vụ đàn áp Thiên An Môn 1989, Trung Quốc vẫn tìm mua được nhiều thứ quan trọng tại Châu Âu và đặc biệt là tại Pháp. Theo một nghiên cứu do Reuters công bố tháng trước, phần lớn chiến hạm và tầu ngầm Trung Quốc điều được trang bị động cơ do Pháp-Đức sản xuất, nhiều khu trục hạm có mang tên lửa, trực thăng, sonar (máy định vị âm thanh) của Pháp, nhiều động cơ oanh tạc cơ và máy bay chống hạm là của Anh… Libération còn cho biết thêm nhiều điều gây bất ngờ trong các dữ liệu của Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm (Sipri), được Reuters sử dụng trong cuộc điều tra kể trên.

 Tổng thống Obama vất vả tìm hướng đi cho phần còn lại của nhiệm kỳ

 Nhìn sang nước Mỹ, những thách thức đối với Tổng thống Mỹ trong năm 2014 là chủ đề thời sự quốc tế chính của Le Figaro. Tờ báo nhận định, mất uy tín với một loạt các thất bại trong năm 2013, Barack Obama rất vất vả để tìm ra một hướng đi cho phần còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống. Theo một nhà chính trị học, giáo sư Larry Sabato, « Không còn gì gây phấn khích, không còn năng lượng, mọi người không còn mong đợi gì từ ông ấy ». Vẫn giáo sư Sabato nhận định, Obama đã dành toàn bộ nhiệm kỳ thứ nhất để huy động cả nước cho luật bảo hiểm y tế, ông ta sẽ mất cả nhiệm kỳ hai để bảo vệ luật này. Tuy nhiên, chuyên gia chính trị học nói trên nhận định, bộ luật bảo hiểm y tế rất quan trọng với Barack Obama có thể sẽ tan vỡ, nếu phe Cộng hòa thắng cử tổng thống và chiếm được Hạ viện.

 Trong khi đó, những người lạc quan nhất vẫn tin rằng, với quyền hạn còn rất lớn hiện nay, Tổng thống Mỹ có thể vượt qua được các trở ngại. Việc một chiến lực gia Dân chủ rất có uy tín, ông John Podesta, vừa chấp nhận trở thành cố vấn cho Tổng thống trong thời hạn một năm, đã phần nào mang lại một niềm tin vào khả năng cải thiện hoạt động của chính quyền.

Về chính sách đối ngoại, khác hẳn với sự lựa chọn thông thường dùng hoạt động ngoại giao để thoát khỏi các cam bẫy của đời sống chính trị trong nước, Tổng thống Obama có thái độ rất thận trọng, ông nhìn các quan hệ quốc tế như là nơi mang lại « nhiều hiểm họa hơn là các tiềm năng có thể khai thác được ». Ngoại trừ hồ sơ hạt nhân với Iran, được coi như là một đột phá. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, khả năng thất bại trong quan hệ với Teheran cao hơn khả năng thành công. Hiện tại Tổng thống Mỹ đang chiến đấu quyết liệt trong hậu trường để tránh việc Quốc hội bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt mới với Iran, làm lỡ dở các thương thuyết đang diễn ra. « Các thượng nghị sĩ Mỹ đe dọa loạt trừng phạt mới với Iran » là tưạ bài viết trên Le Monde về chủ đề này.

 Genève 2 : Đối lập Syria bên bờ tan vỡ

 Cũng liên quan đến khu vực Trung Đông, Le Monde chú ý đến các động thái xung quanh Hội nghị Genève 2 về Syria. « Liên minh đối lập Syria bên bờ tan vỡ vì Genève 2 » là bài phân tích trên trang quốc tế. Sau nhiều lần trì hoãn việc có tham dự Genève 2 hay không, đối lập Syria sẽ phải đưa ra quyết định cuối cùng trong cuộc họp ban điều hành, khởi sự từ hôm nay tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Hội nghị tìm ra giải pháp hòa bình cho Syria, gọi tắt là Genève 2 sẽ khai mạc ngày 22/01 tại Montreux, Thụy Sĩ.

 Chính quyền Damas sẽ cử phái đoàn tham dự Genève 2. Nhóm Những người bạn của Syria, bao gồm 11 quốc gia Phương Tây và Ả Rập ủng hộ đối lập, trong cuộc họp tại Paris chủ nhật trước yêu cầu liên minh đối lập tham dự hội nghị, với mục tiêu thành lập « một chính phủ quá độ, có đầy đủ quyền lực hành pháp », để mang lại một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến. Tuy nhiên, đây cũng là điều mà chính quyền Bachar al-Assad bác bỏ.

 Không chắc chắn về khả năng đạt được kết quả tại hội nghị, Ủy ban điều hợp dân tộc, một thành phần chính của đối lập đã tẩy chay Genève 2. Đại diện của nhóm này khẳng định đến Genève 2 là « tự sát chính trị ».

 Đợt nóng kỷ lục tại Úc là do biến đổi khí hậu

 Nhìn sang khu vực Thái Bình Dương, Le Monde đặc biệt chú ý đến tình trạng nóng kỷ lục tại nước Úc với bài viết « Úc bị trận nóng kỷ lục do khí hậu biến động bất thường ». Đặc phái viên Le Monde tại Sydney cho biết đợt nóng liên tục này để lại những hệ quả y tế và kinh tế quan trọng đối với Úc. Tại miền đông nam Úc, nhiệt độ có nơi đến 47°C. Trong vòng ba ngày nay, tại bang Victoria, khoảng 150 người phải nhập viện vì kiệt sức và mất nước. Hàng trăm điểm bị hỏa hoạn được thông báo trong một tuần nay.

 Nếu như người Úc đã tương đối quen với các đợt nóng, thì trong thời gian gần đây, theo nhiều nhà nghiên cứu, biến đổi khí hậu khiến cho « các đợt nóng trở nên dài hơn, thường xuyên hơn và có nhiệt độ cao hơn ». Mùa hè năm nay tại Úc là một trong những mùa nóng ghê nhất chưa từng thấy. Thực tế này cho thấy Úc có thể là một trong những nước phải chịu hậu quả của biến đổi khí hậu nhiều nhất.

 Cây càng cao tuổi, càng lớn nhanh thì càng hấp thụ nhiều CO2

 Cũng liên quan đến vấn đề môi trường, « Sự vĩ đại của thiên nhiên » là một bài đáng chú ý trên Libération. Một công bố hôm qua trên tạp chí khoa học Nature, được Libération dẫn lại, đã lật ngược lại hoàn toàn quan điểm phổ biến hiện nay trong giới khoa học về sinh học và khí hậu, cho rằng các cây càng cao tuổi, thì càng ít khả năng hấp thụ khí CO2.

 Kết quả làm việc của nhóm 38 khoa học gia thuộc hơn 30 quốc gia kể trên khẳng định các cây càng cao tuổi, thì càng phát triển nhanh và khả năng hấp thụ CO2 cũng tăng lên. Thực nghiệm trong vòng 30 năm qua của nhóm, liên quan đến gần 700.000 cây thuộc 43 loại thực vật. Các cây có đường kính một mét, nặng trung bình thêm hơn 100 kg trong thời gian một năm, tức là nhiều hơn gấp ba lần so với các cây cùng loài có đường kính nhỏ hơn hai lần. Tăng trưởng về khối lượng cũng có nghĩa là diện tích lá cây tăng lên, khiến cây hút được nhiều CO2.

Nghiên cứu khoa học kể trên có một hệ quả đặc biệt đối với việc bảo vệ môi trường, với việc ưu tiên bảo vệ rừng già, cây lớn. Bên cạnh vấn đề thực vật, bài viết kể trên của Libération cũng chú ý đến một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Science, khuyến cáo việc bảo tồn các động vật ăn thịt lớn, được coi giữ vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn các hệ sinh thái.

 Vụ tình ái của Tổng thống Pháp : « Tin đồn là bằng chứng của quyền tự do ngôn luận »

 Trở lại nước Pháp, sau nhiều ngày là chủ đề quan tâm đặc biệt của báo chí Pháp, quan hệ tình cảm không chính thức của Tổng thống Pháp gần như vắng bóng trên các tờ báo chính. Sáng nay, tạp chí Closer lại tung ra các « tiết lộ » mới. Theo Closer, François Hollande đã có quan hệ với nữ diễn viên Julie Gayet từ hai năm nay. Trang mạng của nhật báo phổ thông Le Parisien đăng lại trang bìa của Closer, giới thiệu một địa điểm là nơi gặp gỡ của cặp tình nhân giả định này. Tờ Le Figaro phiên bản điện tử có cuộc phỏng vấn một nhà nghiên cứu chuyên về lĩnh vực tin đồn, với tựa đề « Giờ đây, hệ thống quyền lực không còn gây sức ép để bảo vệ các bí mật ».

Nhà xã hội học Véronique Campion-Vincent là tác giả cuốn « Từ những nguồn đáng tin : Những tin đồn mới » (« De source sûre, les nouvelles rumeurs, Nxb Payot). Tác giả cuốn sách nhận định, « tin đồn là một bằng chứng cho quyền tự do ngôn luận của chúng ta. »

 Pháp : Giới chủ và các công đoàn đàm phán về bảo hiểm thất nghiệp 

 Tình hình về kinh tế trong nước là chủ đề lớn trên trang nhất của nhiều tờ báo Pháp. Chính sách mới của Tổng thống Pháp vừa được công bố hôm thứ Tư gây nhiều phản ứng. « Bước ngoặt thân doanh nghiệp của Tổng thống Hollande khiến cánh hữu phân hóa » là hàng tựa trang nhất của Le Monde. Báo kinh tế Les Echos thì quan tâm đến « Trợ cấp thất nghiệp : các ý tưởng gây sốc của giới chủ ». 

Les Echos dành bài xã luận và nhiều trang chính để thông tin và bình luận về chính sách mới của Tổng thống Hollande, đặc biệt là các thương thuyết giữa hiệp hội chủ doanh nghiệp với Unédic, cơ quan bảo hiểm thất nghiệp. « Làm nhiều hơn và tốt hơn » là tựa đề chính của báo l’Humanité dành cho chủ đề này. L’Humanité lo ngại cuộc đàm phán về trợ cấp thất nghiệp có rất nhiều nguy cơ mang lại thiệt thòi hơn cho người lao động. Về chủ đề bảo hiểm thất nghiệp, Le Figaro có bài « Bảo hiểm thất nghiệp : cuộc cải cách thực sự sẽ không diễn ra ».
TAGS: CHÂU Á - QUÂN SỰ - TRUNG QUỐC

No comments:

Post a Comment