Philippines đã sẵn sàng trước những đe dọa từ Trung Quốc?
Tiếp theo sau việc chính quyền đảo Hải Nam của Trung Quốc đưa ra quy định về khai thác hải sản trên biển Đông, khiến nhiều nước trong khu vực lên tiếng phản đối, vào ngày 13 tháng giêng vừa qua, tờ báo China Daily Mail lại có một bài viết về khả năng Trung Quốc chiếm đảo Pagasa mà Việt Nam gọi là Thị Tứ, hiện do Philippines kiểm soát, trên quần đảo Trường Sa. Học giả Philippines nghĩ gì về những đe dọa mới của Trung Quốc nhắm vào nước này? Việt Hà phỏng vấn Giáo sư Renato Cruz de Castro, giảng dạy môn quan hệ quốc tế, thuộc trường đại học De La Salle, Philippines, về vấn đề này. Trước hết nhận xét về bài báo, Giáo sư de Castro nói:
GS. Renato Cruz de Castro: không có gì mới, quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc đã được huấn luyện để chuẩn bị cho việc họ gọi là giải phóng đảo Pagasa từ năm 2010. Họ đã gửi ra những tín hiệu. Vào tháng 8 năm 2010 họ đã có một cuộc tập trận lớn với giả định là họ lấy một hòn đảo đang được kiểm soát bởi nước khác. Họ đã gửi ra tín hiệu cho chính phủ của Tổng thống Aquino một tháng trước khi ông chính thức nhậm chức. Họ đã có sẵn kế hoạch và họ cứ liên tục gửi thông điệp là họ có khả năng và chiến thuật hợp lý để lấy đảo đó. Cho nên nó không mới. Có thể là người nào đó trong Bộ Quốc phòng hay Bộ Ngoại giao đã quyết định truyền ra bài báo đó để gửi ra thông điệp này lần nữa. Nó giống như một cuộc chiến tâm lý.
Không có gì mới, quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc đã được huấn luyện để chuẩn bị cho việc họ gọi là giải phóng đảo Pagasa từ năm 2010GS. Renato Cruz de Castro
Việt Hà: Nếu điều này xảy ra, liệu Philippines có khả năng ứng phó?
GS. Renato Cruz de Castro: chúng tôi có thể làm gì nếu Trung Quốc quyết định chiếm đảo? Chúng tôi không có khả năng quân sự để thách thức Trung Quốc. Nếu điều đó diễn ra thì chúng tôi phải lãnh đạn.
Việt Hà: Ông có tin là Trung Quốc có thể thực hiện điều mà họ nói trong bài báo này?
GS. Renato Cruz de Castro: nó có thể xảy ra. Bởi vì trong lịch sử Trung Quốc thường gửi thông điệp, giống như trong chiến tranh Triều Tiên họ gửi thông điệp tới Ấn Độ rằng họ sẽ sử dụng vũ lực và vào năm 1962 họ gửi thông điệp nữa. Vấn đề là bạn thấy những thông điệp đó và nghĩ rằng đó chỉ là lời hù dọa không có thực. Nó giống như một con dao hai lưỡi, nó làm bạn lo sợ nhưng đó cũng là lời cảnh báo có thực. Họ có đủ khả năng để làm điều họ nói nhưng họ đang chờ thời cơ mà thôi.
Nó sẽ đặt Mỹ vào điểm nóng vì hiệp ước phòng vệ quốc phòng chung giữa hai nước nói rõ rằng bất cứ những tấn công nào nhắm vào các tàu của nhà nước Philippines trên biển Thái Bình Dương sẽ bị coi là tấn công vào nước MỹGS. Renato Cruz de Castro
Việt Hà: Theo ông thì lúc nào là thời cơ cho họ và nhân tố nào sẽ ảnh hưởng đến thời cơ này?
GS. Renato Cruz de Castro: Lý tưởng nhất là trước khi Philippines thực hiện hiện đại hóa quân đội, chuyển trọng tâm chiến lược. Từ năm 2015, ngân quỹ sẽ từ từ chuyển từ an ninh nội địa sang bảo vệ lãnh thổ. Có thể là từ giờ tới 2015. Tất nhiên họ có một số nhân tố cần phải xem xét. Một trong những nhân tố là Mỹ sẽ phản ứng thế nào. Đó là nhân tố X. Nó sẽ đặt Mỹ vào điểm nóng vì hiệp ước phòng vệ quốc phòng chung giữa hai nước nói rõ rằng bất cứ những tấn công nào nhắm vào các tàu của nhà nước Philippines trên biển Thái Bình Dương sẽ bị coi là tấn công vào nước Mỹ.
Việt Hà: Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát tại Scarborough Shoal vào năm 2012, năm 2013 là bãi Cỏ Mây cũng do Philippines kiểm soát, và bây giờ bài báo này lại nói đến khả năng lấy một đảo lớn do Philippines kiểm soát tại Trường Sa, nơi Trung Quốc đang có tranh chấp với nhiều nước. Tại sao họ chỉ nhắm vào Philippines liên tục như vậy?
GS. Renato Cruz de Castro: chúng tôi nhận được sự đối xử ‘đặc biệt’ từ Trung Quốc sau khi chúng tôi gửi hồ sơ kiện lên tòa án quốc tế về luật biển của Liên hiệp quốc. Và họ sẽ tiếp tục làm nữa. Bài báo này chỉ là một trong nhiều hành động, tiếp theo sau việc Hải nam ra quy định về đánh bắt cá, cho phép Trung Quốc kiểm soát đến 80% diện tích biển Đông, bắt tàu cá nước ngoài phải đăng ký với Trung Quốc nếu không muốn bị bắt giữ. Họ đang gây thêm sức ép.
Việt Hà: nếu điều mà họ dọa thực sự xẩy ra thì nó ảnh hưởng đến Philippines thế nào?
Bây giờ đây là một cảnh báo dành cho Washington điều gì sẽ xảy đến, và cho thấy Mỹ sẽ thế nào nếu điều gì xảy đến với một đồng minh chiến lược. Vào lúc này thì chúng tôi hy vọng là Mỹ và có thể Nhật bản sẽ làm gì đóGS. Renato Cruz de Castro
GS. Renato Cruz de Castro: Nếu điều này xảy ra thì đó sẽ là một cú sốc lớn đối với lực lượng quân đội của Philippines và chính phủ Philippines. Họ sẽ phải thực sự xem xét chuyển từ an ninh nội địa sang phòng vệ bên ngoài. Lịch sử cho thấy cú sốc về chiến lược khiến một quốc gia có khả năng đáp ứng với thực tế đang diễn ra. Những gì đang diễn ra ở Philippine hiện nay là có một sự chậm trễ trong việc chuyển dịch từ an ninh nội địa sang bảo vệ lãnh thổ trong lực lượng vũ trang của Philippines, bên cạnh đó là những bế tắc giữa Phillippines và Mỹ trong việc đàm phán để gia tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đây.
Cho nên một khi cú sốc đó xẩy ra thì nó sẽ khiến chính phủ phải tích cực thực hiện những gì mà họ đáng nhẽ phải làm. Có thể họ sẽ phải thay đổi hiến pháp để cho phép Mỹ đóng quân tại đây. Chính phủ sẽ phải tăng mạnh ngân sách quốc phòng. Hiến pháp hiện tại không cho phép như vậy vì luôn đặt ưu tiên vào giáo dục. Có thể Philippines cần một cú sốc từ bên ngoài.
Việt Hà: Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến an ninh khu vực nói chung?
GS. Renato Cruz de Castro: nếu điều đó xảy ra thì đó sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng vũ lực với một nước thành viên gốc của ASEAN và cũng là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng vũ lực với một đồng minh an ninh của Mỹ. Điều này sẽ đặt Mỹ vào vị trí nóng. Nhật bản sẽ nghĩ Mỹ để Trung Quốc sử dụng vũ lực với Philippines thì Mỹ cũng có thể để Trung Quốc dùng vũ lực với Nhật Bản.
Bây giờ đây là một cảnh báo dành cho Washington điều gì sẽ xảy đến, và cho thấy Mỹ sẽ thế nào nếu điều gì xảy đến với một đồng minh chiến lược. Vào lúc này thì chúng tôi hy vọng là Mỹ và có thể Nhật bản sẽ làm gì đó. Có thể Philippines sẽ chào đón sự có mặt của Nhật bản cho an ninh trong khu vực. điều này đã được Ngoại trưởng Philippines tuyên bố vào năm 2012. Philippines chào đón Nhật bản tiếp nhận vai trò tích cực hơn trong việc duy trì an ninh trong khu vực. Tôi nghĩ là họ có khả năng làm điều này nhưng họ đang gặp khó khăn vì những ràng buộc trong hiến pháp của họ. Nhưng theo tôi thì mọi sự đang dần thay đổi.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.
No comments:
Post a Comment