Monday, April 28, 2014

"Hoa Kỳ là cái ô chống lại Trung Quốc"

"Hoa Kỳ là cái ô chống lại Trung Quốc"

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe niềm nở tiếp đón Tổng thống Mỹ Barack Obama - REUTERS /Toru Yamanaka
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe niềm nở tiếp đón Tổng thống Mỹ Barack Obama - REUTERS /Toru Yamanaka

Đức Tâm
Ngày 23/04/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu chuyến công du Châu Á bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines. Vậy chuyến đi này diễn ra trong bối cảnh nào và với mục tiêu gì ? RFI phỏng vấn ông Jean Vincent Brisset, chuyên gia Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp – IRIS.

RFI : Chuyến đi của Tổng thống Mỹ có nhiều mục tiêu. Bước khởi đầu của chuyến công du là Nhật Bản, nơi có nhiều thách thức kinh tế trong bối cảnh đang có vòng đàm phán về Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Duơng – TPP. Vậy, cuộc thương lượng này tới đâu rồi ? Phía Mỹ và Nhật Bản mong đợi gì ở TPP ?
Jean-Vincent Brisset : Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP hướng tới việc mở rộng thị trường ngày càng rộng lớn, loại bỏ các hàng rào thuế quan và các rào cản tâm lý ở cả hai bên. Đây là một hiệp định tự do mậu dịch đang được thực hiện ở hai bên bờ Thái Bình Dương, ít ra là giữa các nước chấp nhận hiệp định này, giữa một bên là Hoa Kỳ và bên kia là một số đối tác Châu Á.
RFI : Nhật Bản có một số e ngại, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp. Tình hình hiện nay ra sao ?
Jean-Vincent Brisset : Vấn đề đối với Nhật Bản là nông dân. Nông nghiệp rất được bảo hộ tại Nhật Bản, nhất là lĩnh vực lúa gạo và việc chuyển sang mô hình tự do hơn làm cho Tokyo khó xử, nhất là vì đằng sau đó có vấn đề bầu cử, tranh thủ cử tri. Dù sao, ngành nông nghiệp cũng có tầm quan trọng. Do vậy, cần phải khéo léo xử lý những khả năng khác nhau và không nên mở cửa thị trường Nhật Bản một cách phũ phàng cho các nhập khẩu, nhất là đến từ Mỹ.
RFI : Tổng thống Mỹ tới Nhật trong bối cảnh có các căng thẳng ngày càng nghiêm trọng giữa Tokyo và Bắc Kinh liên quan đến tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Những hòn đảo này do Nhật Bản quản lý hành chính, nhưng Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền. Tổng thống Mỹ sẽ phải làm như thế nào để không làm ai phật ý ?
Jean-Vincent Brisset : Tôi không biết đối với Barack Obama, thì vấn đề này gây phật ý hay không. Hoa Kỳ đã quản lý các hòn đảo này trước khi Washington chuyển giao Nhật Bản. Có những vấn đề gần như là hành chính trong việc soạn thảo một số hiệp định làm cho Nhật Bản nhận định rằng việc họ tuyên bố có chủ quyền toàn bộ đối với các hòn đảo này là hoàn toàn chính đáng. Hoa Kỳ không thể nói rằng những hòn đảo đó là của Trung Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc cũng chỉ mới đưa ra các đòi hỏi rất gần đây. Tình hình hiện nay không chỉ liên quan đến Nhật Bản, mà cả những nước bên trong vùng biển Hoa Đông và Biển Đông. Các quốc gia này cảm thấy bị đe dọa bởi hành động đế quốc và bành trướng của Trung Quốc và họ đề nghị Hoa Kỳ đưa ra các bảo đảm cho họ. Về mặt kỹ thuật, các bảo đảm này vẫn hiện hữu trong quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khuôn khổ các hiệp định liên minh. Đây thực sự là hiệp định liên minh, nhưng Hoa Kỳ không có các hiệp định liên minh tương tự với Philippines và Malaysia.
RFI : Barack Obama đã có lập trường rõ ràng ủng hộ Nhật Bản trong vụ này. Vả lại, nguyên thủ Mỹ sẽ không tới Trung Quốc trong chuyến công du Châu Á lần này. Ông diễn giải điều này ra sao ?
Jean-Vincent Brisset : Tôi hơi ngạc nhiên là người ta cứ muốn rằng mỗi khi đi thăm Nhật Bản, thì Barack Obama lại buộc phải tới Trung Quốc. Khi đã thực hiện chuyến công du bốn nước, ông Obama không nhất thiết phải tới Trung Quốc. Trung Quốc tìm cách tự khẳng định mình có vai trò thiết yếu. Đây là sự phục hồi kiểu quan hệ truyền thống giữa chư hầu và hoàng đế. Ai muốn tới thăm một nước chư hầu, thì trước tiên, phải đến trình diện hoàng đế.
RFI : Phải chăng chuyện này cũng là để dàn xếp cho ổn thỏa giữa kẻ mạnh và kẻ yếu ?
Jean-Vincent Brisset : Không, đó là ý muốn của Trung Quốc. Đó là tư duy của Trung Quốc và không phải chỉ là của chế độ Trung Quốc hiện nay. Đó là một kiểu tư duy của hoàng đế Trung Hoa. Mỹ không chấp nhận tư duy này bởi vì trong quan hệ quốc tế, không hề có lý do gì phải đến khấu đầu một nước khi muốn đến thăm một quốc gia khác.
RFI : Sau Nhật Bản, ông Obama đến thăm Hàn Quốc. Vậy Seoul mong đợi gì ở Washington ?
Jean-Vincent Brisset : Hàn Quốc cần có những bảo đảm trước mối đe dọa đến từ Bắc Triều Tiên cũng như cần đến sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Hàn Quốc có những đòi hỏi về lãnh thổ, có vấn đề trong quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là vùng nhận dạng phòng không mà Bắc Kinh đơn phương áp đặt hoặc đối với một số hòn đảo mà Nhật Bản và Hàn Quốc đều tuyên bố có chủ quyền.
Về mặt chiến lược, Hàn Quốc sẽ yêu cầu Hoa Kỳ không nên giúp đỡ Nhật Bản nhiều quá, bất chấp Hàn Quốc. Nói tóm lại, Seoul đề nghị một sự cân bằng, đổi lại, sự hiện diện của lính Mỹ tại Hàn Quốc sẽ được duy trì.
RFI : Thế còn Philippines và Malaysia thì mong đợi gì ở chuyến công du này ?
Jean-Vincent Brisset : Đây là điều khá thú vị. Bởi vì Philippines và Malaysia, hai nước trong vùng Biển Đông, bị Trung Quốc đe dọa trực tiếp nhiều nhất, đặc biệt là Philippines. Cách nay vài năm, lính Mỹ hiện diện tại Philippines, trong hai căn cứ quân sự rất lớn là Subic Bay và Clark ; nơi đây đã từng có tới hàng ngàn binh sĩ Mỹ. Chỉ vì những chuyện bủn xỉn về giá thuê căn cứ, trả tiền thuê và những vấn đề khác, Philippines đã không gia hạn hợp đồng cho thuê và buộc lính Mỹ phải ra đi. Hiện nay, bị Trung Quốc đe dọa và do quân đội Philippines lạc hậu, chính quyền Manila đang đề nghị Hoa Kỳ giúp đỡ, để chống lại Trung Quốc, đồng thời trở thành một cường quốc hùng mạnh hơn một chút.
RFI : Điều đó có nghĩa là khu vực Châu Á này phải cần đến Hoa Kỳ, nhất là về quân sự ?
Jean-Vincent Brisset : Không nhất thiết như vậy. Nhưng Hoa Kỳ đóng vai trò như chiếc ô thuận tiện và có thiện chí. Các nước này biết rõ rằng Trung Quốc tìm cách chia rẽ ASEAN. Cách nay không lâu, Trung Quốc đã thành công trong việc mua chuộc Cam Bốt. Chính quyền Bắc Kinh làm mọi cách để ngăn cản sự liên kết giữa các nước trong vùng Biển Đông để chống lại Trung Quốc. Đối với các nước này, Hoa Kỳ được coi như một phương tiện để tự bảo vệ mà không nhất thiết phải tiến tới liên minh, vì Bắc Kinh có thể coi việc lập liên minh là nhằm chống lại Trung Quốc.
RFI : Liệu có thể nói là ngày nay, Châu Á đã trở thành một ưu tiên của Tổng thống Mỹ ?
Jean-Vincent Brisset : Hoa Kỳ điều chỉnh lại các ưu tiên của họ. Washington hơi thất vọng về sự yếu kém hiệu quả của Châu Âu. Tình trạng này có lợi cho Hoa Kỳ về kinh tế nhưng lại làm cho Washington lúng túng trong lĩnh vực an ninh. Một mặt, Hoa Kỳ biết rất rõ rằng vào lúc này, tăng trưởng là ở Châu Á chứ không phải ở Châu Âu. Do vậy, Hoa Kỳ thực hiện cái gọi là « xoay trục ». Một số người nói rằng Mỹ đã tước lột phương Tây để trang bị cho phương Đông. Điều này hoàn toàn không đúng. Hoa Kỳ đã tước lột phương Tây để tiết kiệm và thay đổi các cân bằng ở phương Đông, đặc biệt là việc giảm số lính Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản, để có thể tiến sâu hơn xuống phía nam, tới các nước như Philipines, Thái Lan, Malaysia và Úc.
TAGS: CHÂU Á - CHÍNH TRỊ - HOA KỲ - NGOẠI GIAO - NHẬT BẢN - PHỎNG VẤN - TRUNG QUỐC

No comments:

Post a Comment