Friday, April 25, 2014

Nghênh đón Obama, Nhật ghi được một bàn thắng trong đối sách chống Trung Quốc

Nghênh đón Obama, Nhật ghi được một bàn thắng trong đối sách chống Trung Quốc

Nghi lễ tiếp đón Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hoàng cung Nhật Bản - REUTERS /Shizuo Kambayashi
Nghi lễ tiếp đón Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hoàng cung Nhật Bản - REUTERS /Shizuo Kambayashi

Trọng Nghĩa
Chặng đầu tiên tại Nhật Bản trong vòng công du châu Á lần này của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kết thúc hôm nay 25/04/2014 với một kết quả được đánh giá là tích cực đối với Tokyo, nhưng nửa vời đối với Washington : Nhật được cho là đã thành công trong việc thúc giục Hoa Kỳ khẳng định rõ rệt việc hậu thuẫn Nhật Bản trong vụ tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc, mà không phải nhượng bộ gì nhiều trên hồ sơ hiệp định thương mại TPP.

Tại Tokyo, Tổng thống Obama đã có những lời lẽ mà nước chủ nhà rất muốn nghe. Hiện đang bị Trung Quốc thúc ép dữ dội trong vấn đề chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Nhật Bản mong muốn là chính Tổng thống Mỹ nói lên quan điểm ủng hộ Nhật, từng được các quan chức cao cấp Mỹ bày tỏ trước đây. Và ông Obama đã không phụ lòng mong đợi của Nhật Bản.
Trong cuộc họp báo chung cùng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào hôm qua, Tổng thống Mỹ đã công khai xác nhận rằng quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi áp dụng của hiệp ước phòng thủ Mỹ-Nhật. Trong tuyên bố được cho là nhắm vào Trung Quốc, dù không được gọi đích danh, ông Obama nhắc lại rằng Hoa Kỳ và Nhật Bản là đồng minh kết ước, và minh ước đã ký giữa hai bên bao hàm « tất cả các vùng lãnh thổ do Nhật Bản quản lý ».
Nội dung ủng hộ Nhật Bản trên đây cũng đã được ghi lại bằng giấy trắng mực đen trong bản Thông cáo chung Mỹ-Nhật về chuyến công du, được công bố vào sáng nay : « Hoa Kỳ đã triển khai các công nghệ quân sự tiên tiến nhất của mình tại Nhật Bản và cung ứng mọi phương tiện cần thiết để đáp ứng các cam kết của mình trong hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật ».
Bản Thông cáo chung ghi rõ : « Các cam kết liên quan đến tất cả các vùng lãnh thổ dưới quyền quản lý của Nhật Bản, kể cả quần đảo Senkaku… Trong bối cảnh này, Mỹ phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào có mục đích làm suy yếu quyền quản lý quần đảo Senkaku của Nhật Bản ».
Hiện nay, có gần 50.000 lính Mỹ, cùng với đủ loại trang thiết bị tối tân đang đồn trú tại Nhật Bản, đặc biệt là trên đảo Okinawa, miền Nam nước Nhật, gần vùng biển đảo đang bị Trung Quốc tranh chấp.
Theo nhận xét của giới quan sát, tuyên bố của ông Obama và lời lẽ trong bản Thông cáo chung Mỹ-Nhật hoàn toàn không có gì mới hơn so với lập trường vốn có của Hoa Kỳ, tức là sẵn sàng ủng hộ Nhật Bản nếu nước này bị tấn công ở vùng Senkaku, nhưng không có ý kiến trên vấn đề chủ quyền. Và Tokyo cũng không chờ đợi gì hơn, chỉ cần chính Tổng thống Mỹ nói lên quan điểm ủng hộ Nhật trên vấn đề Senkaku là đủ.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, ông Robert Dujarric, một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Nhật giải thích : « Nhật Bản đã đạt được một tuyên bố công khai từ miệng ông Obama liên quan đến Senkaku, và việc quần đảo này được « bảo bọc » bằng Điều 5 của Hiệp ước quốc phòng song phương. Sự kiện này rất tốt cho ông Shinzo Abe, cho dù nó không phải là mới về mặt nội dung, và về cơ bản không làm thay đổi tình hình ».
Còn theo ông Tsuneo Watanabe, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Tokyo Foundation, trả lời hãng tin Mỹ Bloomberg, thì « Chính quyền Mỹ dường như đang cố gắng gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc, chống lại bất kỳ cố gắng nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ».
Kết quả chuyến nghênh tiếp Tổng thống Mỹ như vậy được cho là rất tích cực đối với Nhật Bản trong đối sách trước mắt nhằm chống lại các sức ép đến từ Bắc Kinh trong hồ sơ Senkaku. Phản ứng gay gắt của Bắc Kinh trước các tuyên bố của ông Obama tại Tokyo là dấu hiệu phản ánh thành công của Nhật Bản.
Kết quả này lại càng tốt đẹp hơn khi Tokyo có dấu hiệu kháng lại được áp lực của Washington, muốn Nhật Bản nhượng bộ để Hiệp định thương mại TPP sớm được đúc kết. Chi tiết phản ánh cụ thể « thắng lợi của Tokyo là sự kiện trong bản Thông cáo chung Mỹ Nhật công bố hôm nay không hề ghi lại bất kỳ thỏa thuận cụ thể nào về TPP.
Tóm lại, về phía Mỹ, giới phân tích đều cho là tại Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Obama chỉ đạt được một trong hai mục tiêu của vòng công du Châu Á lần này : Đó là trấn an đồng minh về quyết tâm xoay trục của Mỹ. Còn ông đã tạm thời thất bại trong mục tiêu quan trọng thứ hai là thúc đẩy hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP.
TAGS: CHÂU Á - CHÍNH TRỊ - HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG - TPP - HOA KỲ - NHẬT BẢN - PHÂN TÍCH -QUỐC TẾ

No comments:

Post a Comment