Khoa học biển VN: Chỉ sợ trong lòng không có tiếng sóng!
(Quan điểm) - Gần tới ngày Khoa học Việt Nam, xảy ra việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu khí vào biển ta, cùng ngẫm lại ngành nghiên cứu biển của nước nhà.
Sợ rằng trong lòng không có tiếng sóng!
Trao đổi với phóng viên báo Đất Việt chiều ngày 5/5/2014, Kỹ sư đóng tàu hơn 70 tuổi, ông Đỗ Thái Bình , Hội Khoa học Kỹ thuật Biển TP HCM, Thành viên Hội Đóng tàu Mỹ (SNAME) đã có những tâm sự đầy tâm huyết về ngành khoa học nghiên cứu biển của Việt Nam.
“Chúng ta là một quốc gia biển, nhưng khả năng hiểu biển, nghiên cứu biển, và làm chủ biển của Việt Nam còn quá thua kém so với nhiều quốc gia trong khu vực, chưa nhắc tới thế giới.” – Ông Đỗ Thái Bình nhận định.
“Tôi lấy một ví dụ, chúng ta vẫn phải nhắc lại những kinh nghiệm, những chiến công từ thời chống Mỹ như việc rà phá thủy lôi… để lấy đó làm động lực, làm tấm gương thành tựu. Cho đến ngày hôm nay, sau bao nhiêu năm, ngành khoa học biển của ta vốn đã có thời kỳ phát triển mạnh, nhưng đến nay đạt được thành tựu gì?” – Kỹ sư Bình đặt ra câu hỏi.
Một phòng nghiên cứu ngay dưới đáy biển của quốc gia châu Âu |
Nhắc lại một vụ việc vừa xảy ra gần đây hôm 9/4/2014, khi một đoàn khoa học đang làm công tác nghiên cứu trên một chiếc tàu cá thuê của ngư dần thì bất ngờ gặp nạn, chuyến công tác phải kết thúc, may không có thiệt hại về người. Ông Bình nhận xét:
“Việc thuê tàu cá của ngư dân để nghiên cứu khoa học, tôi nhận thấy là rất đáng hoan nghênh, tiết kiệm được ngân sách. Thay vì đóng mới một con tàu rồi một năm thậm chí vài năm mới động đến một lần là rất hoan nghênh. Tuy nhiên, bản thân một viện khoa học đi nghiên cứu về biển nhưng không chuẩn bị sẵn tâm lý, ý thức của một người ra biển.
Đi nghiên cứu biển, nhưng không ai hiểu được mình đang sử dụng phương tiện gì, chất lượng của nó ra sao. Khi gặp sự cố phải ứng cứu thế nào. Trên tàu liệu có ai biết kỹ năng thoát hiểm? Đành rằng đi thuê, nhưng ta phải ý thức được biến con tàu cá ấy thành tàu nghiên cứu khoa học bằng chính kiến thức, kinh nghiệm, sự chuẩn bị của mình. Từ một trường hợp nhỏ ấy để thấy rằng, chúng ta còn quá coi thường biển, không hiểu biển và không có tâm huyết với biển.”
“Hoặc như lĩnh vực khảo cổ trên biển, chúng ta đủ sức nghiên cứu, theo đuổi lĩnh vực này trong vùng biển chủ quyền, nhưng vì sao không làm? Bởi các chuyên gia lịch sử, họ không quen ngồi thuyền ngồi tàu, họ không biết thợ lặn của mình lặn được đến độ sâu bao nhiêu. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng ta chưa có sự liên kết giữa các ngành một cách đúng mực, bản thân chúng ta không hiểu mình có thể làm được gì thì sao có thể phát huy khả năng?”
Giàn khoan HD-981 khổng lồ của Trung Quốc đã vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam |
Ông Đỗ Thái Bình nhấn mạnh: “Điều yếu nhất với nền khoa học Việt Nam, đặc biệt là ngành nghiên cứu biển, đó là những người đang làm công tác mà trong lòng không có tiếng sóng. Nó cũng như lửa trong trái tim người lính xẻ dọc Trường Sơn, như gió trong lòng người thủy thủ lái tàu không số. Nếu không có quyết tâm, đam mê, yêu thích, tôi e rằng sẽ khó mang lại thành tựu gì. Càng đầu tư chỉ khiến phí công tốn của. Rừng vàng biển bạc, chúng ta chưa được hưởng lợi gì nhiều nhưng cũng chẳng còn bao nhiêu.”
Khoa học cần gần với quần chúng
Nói thêm về tiếng sóng lòng hay ngọn lửa nhiệt tình trong tim, ông Đỗ Thái Bình bày tỏ: “Nhìn rộng ra ngành khoa học ứng dụng của chúng ta còn nhiều yếu kém quá. Chúng ta thiên về những nghiên cứu vĩ mô và không thực tế. Để ứng dụng được vào đời sống, kinh tế chẳng có gì đáng kể. Trong khi đó, những người lao động họ đang làm ra nhiều sản phẩm khoa học, sáng chế hơn là các nhà nghiên cứu.”
“Vì sao ông Hòa ở Thái Bình mày mò đóng bằng được chiếc tàu nhỏ có thể lặn nổi, bơi ra bơi vào? Vì sao những người nông dân làm được máy sấy, máy gặt, máy cày, máy tuốt, thuốc sâu, thậm chí là cả máy bay? Trước hết, là họ có đam mê. Đam mê và quyết tâm là những thứ tiên quyết để đạt đến thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào.”
Càng hiểu về biển càng có thể giữ được biển |
Ông Đỗ Thái Bình chia sẻ thêm: “Vừa rồi tôi có tham gia một chương trình đóng tàu cho ngư dân. Khi nhận được con tàu mẫu, những người quanh năm bám biển nói rằng họ không thích, còn rất nhiều điều bất tiện mà con tàu cho là hiện đại ấy không bằng được con tàu gỗ nhỏ của họ thường đi.
Vì sao lại có chuyện đó? Bởi vì đã có anh kỹ sư nào thiết kế cái tàu chịu bám biển dài ngày với ngư dân? Đã có anh kỹ sư nào chịu ăn sóng nói gió? Đó, chúng ta thiếu ở cái tính thực tế. Nghiên cứu, khoa học, đào tạo nặng về lý thuyết quá, và quá thiếu thực tế.”
“Ý tôi không phải bảo tất cả các kỹ sư thiết kế tàu là phải làm ngư dân, tất cả những người bắt tội phạm phải là tội phạm. Nhưng một trường phải có một khoa tâm lý. Vì sao ngành hàng không có khoa tâm lý bay, tâm lý hàng không, trong khi hàng hải không có? Khoa học vị nhân sinh là vì thế, phải gần dân hơn, hiểu tiếng nói của dân hơn, thì khoa học mới phát triển được!” – Kỹ sư Đỗ Thái Bình bày tỏ.
Những năm cuối đời, hưởng tuổi già, kỹ sư Đỗ Thái Bình đã tự buộc cho mình cái trách nhiệm của người làm công tác nghiên cứu lịch sử khoa học biển, lịch sử đóng tàu Việt Nam và thế giới. Cũng từ đó mà ông thấy rằng, ngành khoa học biển của Việt Nam còn rất nhiều điểm yếu, bất cập. Và càng không hiểu về biển, ta càng khó giữ lấy biển
No comments:
Post a Comment