Tuesday, May 6, 2014

Người Nga sợ Trung Quốc "đánh từ sau lưng"

Người Nga sợ Trung Quốc "đánh từ sau lưng"
(Quan hệ quốc tế) - Luôn sẵn sàng đối phó với đòn đánh từ sau lưng của Trung Quốc là ý kiến mà các học giả Nga đưa ra trong bối cảnh quốc tế hiện nay.
Chất xúc tác Ukraine
Cuộc khủng hoảng Ukraine chưa có hồi kết. Sau khi Nga sáp nhập Crimea và Sevastopol, phương Tây không ngừng gia tăng sức ép, trong đó có các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Trong bối cảnh đó, không ít ý kiến cho rằng Moscow sẽ hướng tới thắt chặt hợp tác với các nước Đông Á. Quốc gia đầu tiên được nhắc tới chính là Trung Quốc, một cường quốc hạt nhân, một đối thủ đang cạnh tranh với Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trong tương lai có thể trở thành một trong những siêu cường trên thế giới.
Tuy nhiên, không phải người Nga nào cũng nghĩ như vậy. Tác giả Artem Bit trong bài viết “Trung Quốc – Một đồng minh?” đăng trên tờ “Bình luận quân sự” của Nga mới đây cho rằng tất cả không hề đơn giản như người ta nghĩ. Tác giả Artem Bit dẫn ý kiến chuyên gia dự đoán rằng trong những thập kỉ tới, sự phát triển quá nóng của nền kinh tế sẽ kéo theo sự bùng nổ các vấn đề xã hội to lớn của Trung Quốc. Để kiềm chế những xu hướng tiêu cực, Trung Quốc sẽ cố gắng xoa dịu tâm lý bất mãn của người dân bằng các cuộc xâm lược ra bên ngoài, đồng thời tìm cách chiếm đoạt nguồn tài nguyên ở khu vực Viễn Đông của Nga. Tác giả Artem Bit đặt ra câu hỏi: “Liệu chúng ta có cần một “người bạn” như vậy và nên làm thế nào với họ?”.
Định vị Trung Quốc
Trong bài báo, tác giả Artem Bit đánh giá Trung Quốc là một trong những đối tác chiến lược quan trọng bậc nhất của Nga, và ngược lại, đối với Trung Quốc, Nga là chỗ dựa tin cậy trong chính sách đối ngoại và thương mại. Nhờ quan hệ tốt đẹp mà kim ngạch thương mại giữa hai nước không ngừng tăng lên. Bắc Kinh và Moscow cũng tiếp tục xích lại gần nhau trên lĩnh vực chính trị và sẵn sàng hợp tác để đối đầu với các nước phương Tây.
Mặc dù trong Chiến tranh Lạnh, Nga và Trung Quốc là những đối thủ về ý thức hệ, song trong thế kỷ 21 này, cả hai quốc gia đều ủng hộ đối thoại hòa bình trong chính sách đối ngoại và theo đuổi xây dựng hệ thống quan hệ quốc tế mới về chất, nơi mà lẽ phải không thuộc về kẻ mạnh. Ở đó, mỗi nước đều có thể bảo vệ những lợi ích của mình, không lo sợ bị ngoại bang xâm lược. Moscow và Bắc Kinh có chung quan điểm là không thể có một chiến lược phát triển chung cho tất cả các nước trên thế giới. Mỗi dân tộc đều có quyền lựa chọn con đường lịch sử của riêng mình.
Theo Artem Bit, giọng điệu của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về việc chủ nghĩa tư bản và dân chủ nhất định sẽ chiến thắng không phù hợp với thực tế bởi như chúng ta đã thấy có những nước mà các hình thức quan hệ xã hội đó không tồn tại hàng thế kỷ nay. Để bảo vệ độc lập trước phương Tây, Nga và Trung Quốc cần thiết lập các cơ cấu siêu quốc gia. Điều này trên thực tế đang được tiến hành với các khối như SCO (Tổ chức hợp tác Thượng Hải), BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi)…
Các cơ cấu này cho phép điều phối quan hệ giữa các nước với thái độ hoài nghi đối với phương Tây. Thêm vào đó, Mỹ và châu Âu không thể can dự trực tiếp vào công việc của các tổ chức quốc tế kiểu này và như vậy không thể trực tiếp áp đặt ý chí của mình đối với các quốc gia thành viên của các tổ chức ấy.
Các học giả Nga có cái nhìn khác về
Các học giả Nga có cái nhìn khác về "tuần trăng mật" Nga-Trung
Bên cạnh đó, Nga và Trung Quốc cũng đang giúp đỡ các nước yếu hơn không có khả năng đơn độc đối đầu với phương Tây. Có thể kể ra ở đây là Iran, Syria, Triều Tiên, Venezuela, Ecuador và nhiều quốc gia khác, mặc dù họ đều là những thế lực khu vực. Việc bảo vệ các nước này được thực hiện bằng các biện pháp ngoại giao, mà trước hết là thông qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm đè bẹp các trung tâm “chống Mỹ” đều kết thúc với thất bại dành cho Mỹ: Moscow và Bắc Kinh đều có quyền phủ quyết ở Hội đồng Bảo an nên có thể phong tỏa bất kỳ quyết định bất công nào.
Mặt trái
Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là một đồng minh trên mọi phương diện. Nên nhớ rằng Trung Quốc có các lợi ích chiến lược của mình và chúng chỉ phần nào trùng với các lợi ích của Nga mà thôi.
Theo tác giả Alexandr Khramchikhin của cuốn sách “Rồng thức giấc. Những vấn đề nội tại của Trung Quốc như một nguồn gốc mối đe dọa đối với nước Nga”, Bắc Kinh có thể trở thành kẻ thù của Moscow một khi vấp phải một cuộc khủng hoảng chính trị-xã hội nội bộ nghiêm trọng. Trung Quốc khi đó sẽ cố gắng dập tắt động lực của quần chúng phẫn nộ, đồng thời tìm cách tiếp cận nguồn tài nguyên ở Viễn Đông và Siberia của nga.
Cảnh sát vũ trang Trung Quốc tại Urumqi, Tân Cương sau vụ khủng bố đẫm máu hôm 30/4 vừa qua
Cảnh sát vũ trang Trung Quốc tại Urumqi, Tân Cương sau vụ khủng bố đẫm máu hôm 30/4 vừa qua
Theo Khramchikhin, vấn đề chính của Trung Quốc chính là một nền kinh tế sử dụng quá nhiều tài nguyên trong khi Trung Quốc không có đủ nguồn tài nguyên ấy. Theo số liệu thống kê năm 2010, nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 9,1% nhập khẩu toàn thế giới, trong đó phần lớn là năng lượng và nguyên liệu thô như dầu mỏ, khí đốt, thép, than. Ngoài tiêu thụ quá nhiều các dạng nhiên liệu hóa thạch và tài nguyên, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với vấn đề khác là nạn ô nhiễm môi trường ở khắp nơi.
Alexandr Khramchikhin cũng lo ngại về sự bất công ngày càng gia tăng trong xã hội Trung Quốc giữa kẻ giàu và người nghèo cũng như giữa tầng lớp trung lưu với người dân nông thôn. Thu nhập trung bình của một nông dân Trung Quốc chỉ là 90 USD/tháng, còn của một cư dân thành thị là 300 USD/tháng. Trong khi người dân nông thôn phải chi trả cho 90% chi phí dịch vụ y tế, thì người thành phố chỉ phải chi trả 60%. Rất nhiều nông dân Trung Quốc đang ồ ạt di cư ra thành phố và tạo nên gánh nặng đối với cơ sở hạ tầng và làm gia tăng các bất công xã hội: Gần 10% người Trung Quốc bị coi là lao động nhập cư trên chính đất nước mình và phải sống ở những khu vực tồi tàn.
Sự bất công đó đã trở thành nguyên nhân gây ra căng thẳng xã hội nghiêm trọng. Theo thống kê chính thức của Bộ An ninh Trung Quốc, trong năm 2005, trên toàn Trung Quốc diễn ra 87.000 cuộc biểu tình, tăng gần 9 lần so với một thập kỷ trước đó (1994).
Đồng minh của Nga là Lục quân và Hạm đội
Tác giả bài báo Artem Bit tiếp tục dẫn quan điểm của Alexandr Khramchikhin cho rằng Chính phủ Trung Quốc rõ ràng đã chuẩn bị kế hoạch cho tình huống hàng chục nghìn người nổi dậy chống lại trật tự hiện nay. Một cách đơn giản, Bắc Kinh sẽ đưa họ tham gia vào một cuộc chiến tranh xâm lược mà ngay cả Nga cũng có thể trở thành nạn nhân.
Khramchikhin khẳng định người Trung Quốc về mặt tâm lý luôn sẵn sàng tấn công một quốc gia láng giềng thân thiện. Họ đã được dạy điều đó từ khi còn nhỏ. Ngay khi còn đi học, người Trung Quốc đã được truyền dạy rằng vùng Viễn Đông hay Ngoại Baikal vốn là lãnh thổ của Trung Quốc và cần phải “trả lại”. Tâm lý cấp tiến này được củng cố bằng những hành động thực tế: Đó là việc người Trung Quốc đang ồ ạt di dân sang các vùng Viễn Đông của Nga mà không ai có thể thống kê chính xác số lượng là bao nhiêu.
Một điều đáng chú ý: Hiến pháp Trung Quốc quy định những đứa trẻ lai có bố hoặc mẹ là công dân Trung Quốc thì được coi là người Trung Quốc và được đặt dưới sự bảo vệ của nhà nước Trung Quốc. Vào năm 1979, Trung Quốc đã sử dụng điều này. Liệu Trung Quốc có lặp lại điều này đối với Nga?
Tác giả cũng nhấn mạnh tới việc phải cảnh giác trước sức mạnh ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc. Trung Quốc hiện đang sở hữu một lực lượng đủ mạnh để có thể tiến hành cuộc chiến phòng thủ ở bất kỳ quy mô nào. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tiếp tục tăng cường lực lượng vũ trang. Họ làm vậy nhằm mục đích gì? Trung Quốc đang chuẩn bị chiến đấu với ai ở trên lãnh thổ của người khác?
Hình ảnh được sử dụng minh họa cho bài viết "Trung Quốc - Một đồng minh?" của tác giả Artem Bit
Tất nhiên, Nga cần phải tìm được đối trọng trước phương Tây, nhưng không vì thế mà phải trả giá bằng việc đánh mất Viễn Đông. Nga cần phải chuẩn bị để đối phó với đòn tấn công từ sau lưng của Trung Quốc trong khi dõi theo sự xuất hiện sự bất ổn kinh tế-xã hội trong nội bộ Trung Quốc. Các dấu hiệu báo động hiện đã rõ ràng: Đó là hoạt động tăng cường của các phần tử li khai người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo cực đoan. Tham gia vào sự chuyển động này còn có cả các nhóm khác, các nhóm đang muốn tiêu diệt nhà nước Trung Quốc. Trong nội bộ xã hội Trung Quốc vẫn thường xuyên xảy ra các vụ bùng phạt bạo lực…
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Moscow cũng không được mất cảnh giác trong khi chờ đợi con Rồng Trung Quốc thức giấc. Mối quan hệ đối tác và sự hợp tác để đối đầu với Mỹ tất nhiên là quan trọng, song không vì thế mà hi sinh lợi ích dân tộc và chủ quyền quốc gia.


Đông Triều (Tổng hợp)

No comments:

Post a Comment