Saturday, May 24, 2014

TỪ UKRAINE ĐẾN VIỆT NAM THAM VỌNG CỦA HAI CỰU CƯỜNG QUỐC CỘNG SẢN NGA- TẦU ĐÃ GẶP NHAU ?

TỪ UKRAINE  ĐẾN VIỆT NAM THAM VỌNG CỦA  HAI  CỰU  CƯỜNG  QUỐC CỘNG SẢN NGA- TẦU ĐÃ GẶP NHAU ?
 
Thiện Ý
 
      Từ Ukraine, khoảng hai tháng trước đây,cựu cường quốc cộng sản Nga đã dùng thủ thuật trưng cầu dân ý (16-3) bất hợp pháp,vi phạm luật quốc gia (Hiến pháp Ukraine) và luật quốc tế (Hiến Chương LHQ) đã sát nhập Crimea một bán đảo phía Nam của Ukraine vào nước Nga và đang tiếp tục dùng thủ thuật này để sát nhập hay ít ra tạo thêm nhiều vùng  lãnh thổ phía Đông của Ukraine thành những  vùng đất tự trị lệ thuộc Nga.
    Đến Việt Nam, ngày 1-5-2104, cựu cường quốc cộng sản Tầu, với sự hộ tống của tầu chiến máy bay quân sự đã ngang nhiên kéo giàn khoan mang tên của công ty khai thác dầu khí Hải Dương HD-981 (CNOOC), vào khu vực đặc quyền kinh tế trong thềm lục địa thuộc chủ quyền lãnh hải Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế.(Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Hiến chương LHQ)

    Qua hai sự kiện thực tế trên, phải chăng tham vọng của hai cựu cường quốc cộng sản Nga - Tầu đã gặp nhau?

-       Tham vọng đó là gì?
-       Vì sao Nga –Tầu có và gặp nhau trong tham vọng?
-       Nga-Tầu đã thực hiện tham vọng đó như thế nào?
 
Đó là nội dung bài viết chúng tôi lần lượt trình bầy.
Ông Tập Cận Bình (trái) và ông Vladimir Putin ở Moscow hồi tháng Ba năm 2013
 
I/- THAM VỌNG ĐÓ LÀ GÌ?

      Theo nhận định của chúng tôi một cách tổng quát hai nước có chung ý đồ liên kết tạo thế lực mới (G-2 chẳng hạn) đối trọng và cạnh tranh nghiêng ngửa với thế lực cũ (G-7) trong nên trật tự quốc tế mới. Ý đồ này nhằm thực hiện tham vọng tạo lập uy thế trong nền trật tự quốc tế mới, tức Chiến lược Toàn cầu mới của các cường quốc cực hiện nay (dân chủ hóa toàn cầu về chính trị và thị trường tự do hóa toàn cầu về kinh tế), với uy thế không hơn thì ít ra cũng phải bằng uy thế như trong nền trật tự quốc tế cũ (Chiến tranh ý thức hệ: hình thái chiến tranh lạnh giữa các nước giầu và chiến tranh nóng nơi một số các nước nghèo).Trong chiến lược quốc tế cũ này Nga (liên Xô cũ) và Tầu cộng đã đóng vai trò cường quốc số một và số hai với uy thế tuyệt đối trên khối các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa và vị thế đối trọng  với các cường quốc trong phe tư bản chủ nghĩa (G-7). Uy thế và vị thế này đều đã mất sau khi Liên Xô sụp đổ kéo theo sự tan rã của toàn hệ thống cộng sản quốc tế, dẫn đến sự cáo chung của nền trật tự quốc tế cũ (Chiến tranh ý thức lệ với lưỡng cực Liên Xô – Hoa Kỳ), hình thành nền trật tự quốc tế mới (Chiến lược toàn cầu: chính trị dân chủ hóa, kinh tế thị trường tự do hóa trong một thế giới độc cực đa đầu G-8).
 
II/- VÌ SAO NGA-TẦU CÓ VÀ GẶP NHAU TRONG THAM VỌNG?

      Bởi vì, sau khi cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa coi như kết thúc vào đầu thập niên 1990, cả hai cựu cường quốc cộng sản hàng đầu Nga-Tầu đã cảm thấy như bị thất thế trong nền trật tự quốc tế mới hay chiến lược toàn cầu mới.

     Vì rằng, đối với nước Nga trong nền trật tự quốc tế cũ, vốn được coi là  một siêu cường đứng đầu phe xã hội chủ nghĩa (XHCN) và được các nước trong phe XHCN tôn vinh là “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, đứng ngang hàng với siêu cường Mỹ đứng đầu “phe tư bản chủ nghĩa” và được thế giới vị nể. Nhưng nay trong nền trật tự quốc tế mới, nước Nga mất vị thế siêu cường bị thất thế về mặt cảm quan cũng như thực tế so với vị thế các cường quốc tư bản phát triển hàng đầu trong nhóm G.7 ( Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canda và Nhật), mặc dầu Nga cũng đã được kết nạp vào nhóm G.7 để có được vị thế ngang hàng khi trở thành G.8 (dù nước Nga chưa đạt trình độ một nước phát triển kinh tế hàng đầu, chỉ mạnh về quân sự). Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo hàng đầu nước Nga dường như vẫn cảm thấy uẩn ức vì bị nhóm G-7 đối xử như một đối tượng vẫn cần phải đề phòng và đương đầu dù đã là thành viên của nhóm G-8.Họ không chỉ cảm thấy mà còn bất bình  khi nhìn thấy các hành động thực tế có tính kỳ thị,bao vây, tranh giành ảnh hưởng giành giật thị trường với nước Nga mới (khủng hoảng Ukraine là một điển hình…) khi vẫn duy trì và tăng cường các hoạt động phòng bị của các tổ chức quân sự phòng thủ có từ thời Chiến Tranh Lạnh (Liên Minh Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương- NATO )như  có ý nhằm vào nước Nga và tìm cách lôi kéo các nước cựu XHCN Đông Âu tham gia tổ chức liên minh quân sự này cũng như gia nhập tổ chức liên kết kinh tế vùng Châu Âu (Liên Hiệp Châu Âu). Trong khi các tổ chức liên minh quân sự và kinh tế  tương tự trong vùng do Liên Xô cầm đầu trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh đã giải tán hoàn toàn (như Liên minh quân sự Warsaw, Hội Đồng Tương Trợ Kinh Tế giữa các nước XNCH Đông Âu…).

     Chính cách cư xử này của các cực cường Phương Tây đã thúc đẩy Nga đi đến tham vọng tạo lập một uy thế riêng trong vùng, liên kết với cựu cường quốc cộng sản Tầu tạo thế lực để đương đầu, tranh giành ảnh hưởng với nhóm G-7. Tham vọng này đã hình thành từ lâu, cuộc khủng hoàng Ukraine chỉ là một cơ hội thuân lợi giúp cho Nga thực hiện tham vọng nên không dễ dàng từ bỏ cơ hội này. Chính vì vậy mà hội nghị bốn bên Ukraine (nạn nhân), EU, Mỹ và Nga (những tác nhân của cuộc khủng hoảng) ở Genève hôm 17-4- 2014 vừa qua dù đã đạt được sự đồng thuận về một giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoàng Ukraine song vẫn không thực thi được. Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi sát nhập được Crimea vào nước Nga vẫn tiếp tục ngầm hổ trợ cho các cuộc nổi dậy ở các vùng phía Đông có đông người Ukraine gốc Nga, để nếu không sát nhập được bằng các cuộc trưng cầu dân ý, thì cũng biến thành các khu độc lập tự trị lệ thuộc Nga, chứ không để Liên Hiệp Châu Âu độc chiếm Ukraine mà trước khủng hoảng vốn lệ thuộc Nga đã bị Liên Hiệp Châu Âu phá vỡ.

    Trong khi đó đối với nước Tầu trong nền trật tự quốc tế cũ, vốn được coi là cường quốc cộng sản số hai sau Nga, từng cạnh tranh nghiêng ngửa với Nga trong vai trò bá chủ phe xã hội chủ nghĩa, lôi kéo được một số nước XHCN và một số nước thuộc thế giới thứ ba đi vào quỹ đạo của mình. Bước qua nền trật tự quốc tế mới, lúc đầu do trình độ phát triển về kinh tế chưa đạt tiêu chuẩn mà lại vẫn duy trì chế độ độc đảng, độc tài toàn trị cộng sản, nên nước Tầu đã không được kết nạp vào nhóm G-7 như nước Nga. Nhưng trong vòng hai thập niên qua trong nền trật tự quốc tế mới(1990-2014) nước Tầu cũng đã cố gắng vươn lên bằng chính sách “Mở cửa” làm ăn theo kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa (một yêu cầu chủ yếu của chiến lược toàn cầu mới) dù vẫn không chuyển đổi chế độ chính trị qua chế độ đa đảng dân chủ pháp trị (môt yêu cầu chủ yếu khác của chiến lược toàn cầu), Chính nhờ chính sách và con đường làm ăn kinh tế này, nước Tầu đã tạo được một trình độ phát triển cao, có uy thế trong nền trật tự quốc tế mới và hiện có sức cạnh tranh nghiêng ngửa với các cường quốc tư bản phát triển hàng đầu (G.7).

     Thế nhưng sự cố gắng của một nước Tầu vươn lên trong nền trật tự quốc tế mới để bước vào hàng ngũ các nước phát triển hàng đầu không phải để được kết nạp vào G-8 thành G-9 như một thế lực duy nhất trên thế giới(độc cực đa dầu) để cùng thực hiện chiến lược toàn cầu. Thực ra các thế hệ lãnh đạo nước Tầu từ sau Đặng Tiểu Bình (người khai mở chính sách “Mở cửa” với câu nói thời danh “mèo trắng hay mèo đen không quan trong, miễn là mèo ấy bắt được chuột”) cho đến sau này đã tiếp nối thực hiện tham vọng bá quyền. Một tham vọng đã là bản chất  của một nước Tầu đất rộng (hàng triệu Km2) người đông (nay đã trên 1,3 tỷ người) và đã được thực hiện từ  trong quá khứ lịch sử cho đến thời hiện đại (xâm lăng, nô dịch các nước lân bang).

     Vì tham vọng bá quyền cố hữu nên nước Tầu đã không chấp nhận dưới trướng nước Nga trong nền trật tự quốc tế cũ (Chiến tranh ý thức hệ) và nay cũng không chấp nhận đứng chung hàng ngũ với các nước G-7 trong nền trật tự quốc tế mới (Chiến lược toàn cầu),dù có  ở trong tình trạng thất thế hay không sau Chiến Tranh Lạnh so với các cực cường khác. Tham vọng này của nước Tầu còn bị thúc đẩy phải thực hiện bởi “chính sách xoay trục về Châu Á” của Hoa Kỳ vì coi đó như là sự thách thức tranh giành ảnh hưởng nơi các nước trong vùng, bao vây nước Tầu, mặc dù Hoa Kỳ đã khẳng định nhiều lần không có ý đó.

     Điển hình gần nhất là chuyến đi Châu Á của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama vào cuối tháng 4 vừa qua đến các nước Nhật, Nam Hàn, Philippine, với ý nghĩa chỉ là để tái khẳng định trách nhiệm của Hoa Kỳ trong các hiệp ước anh ninh song phương với các nước đang bị tham vọng của nước Tầu đe dọa. Tổng tống Obama cho rằng sự cam kết bảo vệ Nhật và các nước có hiệp ước an ninh hổ tương với Hoa Kỳ chỉ  là “một vấn đề lịch sử”chứ không phải nhằm gây hấn với Trung Quốc. Ông nói: “Chúng tôi muốn khuyến khích Trung Quốc vươn lên một cách hòa bình.” Các cố vấn của Tổng thống Obama cũng đã nhấn mạnh thêm rằng chuyến công du này cũng như chính sách của Washington đối với Châu Á không phải nhằm để kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc và rằng tổng thống Mỹ  cũng không yêu cầu các nước Châu Á phải chọn giữa Washington hay Bắc Kinh.Thế nhưng các nhà lãnh đạo hàng đầu ở Bắc Kinh vẫn hoài nghi và vẫn coi chuyến đi của Tổng Thống Hoa Kỳ như một thách đố.

   Phải chăng như một trong những đáp trả ngay sau chuyến đi Châu Á của Tổng Thống Mỹ Obama, nên Bắc Kinh đã hành động ngang nhiên đưa giàn khoan HD-981 vào thềm lục địa trong vùng đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền lãnh hải của Việt Nam? Đây là hành động xâm lăng mới nhất nhưng chưa phải là hành động xâm lăng cuối cùng của nhà cầm quyền Tầu cộng đối với Việt Nam nói riêng và các quốc gia trong vùng nằm trong tham vọng xâm lấn của nước Tầu nói chung. Hành động xâm lược trắng trợn này là hành động tiếp theo nhiều hành động xâm lược trắng trợn trước đó của nước Tầu, đi từ xâm lăng các nước láng giềng bằng bản đồ tự vẽ đến hành động xâm chiếm thực địa. Nước Tầu đã xâm lăng bằng bản đồ khi tự vẽ ra vùng biển lịch sử thuộc nước Tầu  với bản đồ chín khúc, hình chữ U hay  lưỡi bò và vùng trên không (Vùng nhận dạng phòng không) bao trùm cả lãnh thổ, lãnh hải và các hải đảo thuộc chủ quyền các nước lân bang (Việt Nam, Philipine, Nhật Bản…) . Nước Tầu đã xâm chiếm thực địa khi từng bước xâm chiếm vùng biên giới phía Bắc Việt Nam giáp ranh nước Tầu sau trân chiến biên giới 1979, xâm chiếm các  hải đảo Hoàng Sa (1974), Trường Sa (1988) bằng bạo lực quân sự cũng như pháp lý (qua các hiệp ước Việt Hoa  1999 về biên giới trên đất liền và 2000 về hải phận trong vịnh Bắc Bộ…).Và âm mưu xâm lược tiềm ẩn bằng chính sách di dân tập trung nơi một số tỉnh thành Việt Nam (Bình Dương, Cao nguyên Trung phần, vùng biên giới phía Bắc Việt Nam…)để rồi khi có thời cơ sẽ như nước Nga dùng thủ thuật trưng cầu dân ý để sát nhập vào nước Tầu hay biến thành vùng độc lập  tự trị lệ thuộc  Tầu chẳng hạn.

      Tựu chung như vậy là từ Ukraine đến Việt Nam tham vọng của hai cựu cường quốc cộng sản hàng đầu Nga-Tầu đã gặp nhau.Dường như hai nước có chung ý đồ liên kết tạo thế lực mới (G-2 chẳng hạn) đối trọng và cạnh tranh nghiêng ngửa với thế lực cũ (G-7) trong nên trật tự quốc tế mới. Liên kết đại để thế nào để thực hiện tham vọng của mình thì chúng ta phải chờ xem sau chuyên đi thăm Tầu khởi sự hôm nay (20-5-2014) của Tổng Thống Nga Putin đã được Chủ tịch Tầu Tập Cân Bình đón tiếp tại Thượng Hải và những hành động hợp đồng tiếp theo sau đó giữa  hai nước.Một điều có thể dự đoán là sau cuộc gặp gỡ cấp cao này thế giới có thể bắt đầu hình thành hai trung tâm quyến lực tạm gọi là G-2 gồm Nga-Tầu với uy thế ngang nhau (Tầu cộng không cần tranh giành ngôi bá chủ với Nga như trước) và G-7 gồm 7 nước công nghiệp hàng đầu vốn có. Hai trung tầm quyền lực này sẽ đối  đầu cạnh tranh trong hòa bình, nhưng không loại trừ biện pháp quân sự khi cần, để lôi kéo các nước đi vào quỹ đạo của mình, tương tự như trong thời kỳ “Chiến Tranh Lạnh”. Tất nhiên vẫn có những ứng xử khác biệt giữa các bên để thích dụng./.
 
Thiện Ý
ngày 15-5-2014

No comments:

Post a Comment