Iraq kêu gọi Mỹ giúp đỡ thêm chống IS
- 11 tháng 10 2014
Giới chức Iraq ở tỉnh Anbar thuộc miền Tây kêu gọi chính phủ nước này khẩn cấp tìm sự trợ giúp quân sự của Hoa Kỳ do sợ rằng tỉnh lỵ có thể thất thủ và rơi vào tay các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) trong vòng vài ngày.
Các chiến bình thuộc nhóm phiến quân đã tấn công thủ phủ của tỉnh này là Ramadi, và chiếm giữ căn cứ quân sự ở trong vùng.
Một quan chức Mỹ nói với hãng tin AFP rằng tình hình ở Anbar là "mong manh".
Các chiến binh IS kiểm soát các dải đất lớn thuộc lãnh thổ của Syria và Iraq và đang tấn công để giành quyền kiểm soát thị trấn biên giới Kobane của Syria.
Anbar là một tỉnh có ví trí chiến lược quan trọng và là nơi có đập Haditha - là đập lớn thứ hai ở Iraq.
Chiếm được Anbar sẽ giúp cho quân IS kiểm soát một dải lãnh thổ kéo dài trên hầu khắp Syria và Iraq.
Việc này cũng sẽ cho phép nhóm phiến quân thánh chiến thiết lập được tuyến hậu cần của họ và lấy đó làm bàn đạp tấn công vào thủ đô Baghdad của Iraq.
‘Tính bằng ngày’
Hội đồng tỉnh Anbar đã yêu cầu Chính phủ Iraq cầu viện bộ binh Mỹ giúp đỡ để tỉnh này có thể kháng cự trước các chiến binh IS, theo truyền hình al-Sharqiyah của Iraq.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã nhiều lần bác bỏ sự hiện diện của bộ binh từ bất kỳ quân đội nước ngoài nào ở Iraq.
Quân đội Mỹ đã thực hiện một số cuộc không kích vào quân IS, ngăn cản lực lượng này chiếm giữ đập Haditha.
Tuy nhiên quân IS vẫn tiếp tục 'tiến lên' và tấn công tỉnh lỵ này.
Phó Chủ tịch Hội đồng tỉnh, Faleh al-Issawi, cảnh báo rằng Anbar có thể "thất thủ trong vòng 10 ngày", theo tường trình của tờ The Times.
Cuộc giao chiến ở Kobane, thị trấn của người Kurd trên biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, đã chuyển hướng sự chú ý của quốc tế khỏi các cuộc tấn công của IS tại Anbar, ông al-Issawi nói thêm.
Một quan chức quốc phòng Mỹ, với điều kiện được giấu tên, nói với hãng AFP rằng tình hình ở Anbar là "mong manh".
'Có thể bị thảm sát’
Quân của Nhà nước Hồi giáo tiếp tục bám trụ tại thị trấn biên giới Kobane của Syria.
Các chiến binh đã tràn ngập trụ sở của lực lượng dân quân người Kurd, tiếp tục bao vây thị trấn mặc dù các cuộc không kích của liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu đang tiếp diễn.
Hôm thứ Sáu, đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Syria cảnh báo rằng có tới 700 người bị mắc kẹt trong thị trấn.
Đặc phái viên Staffan de Mistura nói rằng: 'các thường dân sẽ rất có thể bị tàn sát nếu thị trấn thất thủ và lọt vào tay IS'.
Còn các lực lượng người Kurd, bên đang được hậu thuẫn bởi các cuộc không kích của liên minh do Mỹ dẫn đầu chống lại IS, nói rằng họ cần rất nhiều vũ khí và đạn dược để đẩy lui các cuộc tấn công của các chiến binh IS ở thị trấn.
Trong khi đó, cho đến nay nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bác bỏ mọi khả năng mở bất kỳ một chiến dịch bộ binh nào nhắm vào quân IS.
Theo giới quan sát, Thổ Nhĩ Kỳ không muốn tham dự về mặt quân sự, một phần vì nước này e ngại sẽ vũ trang cho các lực lượng người Kurd, bên đang chiến đấu chống lại IS.
Thổ Nhĩ Kỳ từng có một cuộc nội chiến lâu dài với thiểu số người Kurd ở nước này.
IS nói nhóm này có mục đích thành lập một nhà nước do một lãnh đạo chính trị và tôn giáo duy nhất lãnh đạo theo luật Sharia của Hồi giáo.
IS được biết tới với các chiến thuật hành xử tàn bạo, kể cả giết người hàng loạt, bắt cóc các thành viên của nhóm thiểu số tôn giáo và sắc tộc cũng như chặt đầu các binh sĩ và nhà báo bị giam giữ hoặc bắt làm con tin.
No comments:
Post a Comment