Thảo luận trực tuyến về sách 'Đèn Cù'
- 10 tháng 10 2014
'Đèn Cù' là một cuốn sách có vị trí 'quan trọng nhất' trong một giai đoạn lịch sử, theo một khách mời tham gia cuộc tọa đàm trực tuyến giữa BBC với các khách mời về cuốn tự truyện của tác giả Trần Đĩnh hôm 09/10/2014.
Trao đổi với tọa đàm của BBC hôm thứ Năm ( http://bit.ly/1v6CmDn), nhà thơ Hoàng Hưng từ Sài Gòn nói về tính 'xác thực', 'chân thực' với sự thực lịch sử của cuốn sách đang thu hút sự chú ý của dư luận Việt Nam trong và ngoài nước:
Ông nói: "Về việc tác giả nói sự thật hay không, tôi nghĩ tác giả cũng đã nói rồi, tác giả nói những sự thật mà tác giả biết, và tác giả cho đó là sự thật và tác giả không bịa đặt."
"Những sự thật này nó chính xác như thế nào về mặt lịch sử thì cái này không bàn, bởi vì tác giả... khi mà bàn những chuyện này, nghe ý kiến của người nọ, người kia nói rằng là sai lịch sử, hay bịa đặt ấy, thì tác giả nói rằng là "thì ai chỉ cho tôi bịa đặt".
"Tác giả nói ngay gần đây có một bức thư của bà (Bảy) Vân, vợ của [cố Tổng bí thư Đảng CSVN] ông Lê Duẩn đưa ra để tố cáo Võ Nguyên Giáp, thì những ý của bà Vân đưa ra như thế thì cái nào là đúng, cái nào là không đúng, cũng rất là khó, cái đó thuộc về vấn đề lịch sử xác minh.
"Thế còn khi tác giả viết ra thì tác giả đều tin tất cả những chuyện đó là sự thật, có thể là qua kể lại, có thể là mắt mình được chứng kiến, hoặc có thể là qua những hiểu biết của tác giả. Cho nên tôi cho rằng... vấn đề sự thực lịch sử thì chúng ta phải nhìn như thế."
Từ Hà Nội, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nói với cuộc thảo luận (http://bit.ly/10PcizT) về bản chất của cuốn sách:
Ông nói: "Cuốn Đèn Cù của nhà báo Trần Đĩnh, mà chúng ta biết vị trí của ông Trần Đĩnh là từ rất sớm đã vào làm ở báo Đảng, báo Sự Thật, sau này là báo Nhân Dân, để được ở kề cận Tổng Bí thư Trường Chinh và có thể có những tiếp xúc với những cán bộ cấp cao và có những nguồn tin có thể tin cậy...
"Tôi có nói tác giả là người có thẩm quyền để nói ra những điều mình biết và những điều mà ông nói ra có thể khiến người ta tin được vì được nói ra bởi một người có thẩm quyền, chứ không phải là quyền uy."
'Sai sót, nhầm lẫn?'
Khi được hỏi liệu cuốn sách có 'khả tín' hay không khi có một số ý kiến cho rằng "Đèn Cù" có thể có một số 'nhầm lẫn' về sự kiện, nhân vật hay dữ kiện lịch sử, nhà phê bình nói:
"Còn khi mà có những sai khác, thì bản thân ông cũng đã xác định là ở đây ông kể "chuyện tôi". "Truyện tôi" tức là được lọc qua ký ức, được lọc qua những trí nhớ và có thể những câu chuyện của bạn bè."
Và ông Nguyên đưa ra so sánh giữa 'Đèn Cù' với 'Bên Thắng Cuộc' một cuốn sách khác được xuất bản trên mạng của nhà báo, blogger Huy Đức:
"Nếu đòi hỏi một cách khách quan, ví dụ chúng ta đặt cuốn 'Đèn Cù' (so sánh) bên cạnh cuốn 'Bên Thắng Cuộc', thì tác giả Huy Đức có thể lại làm công việc của một nhà báo, nhà khảo cứu và có thể có những ghi chép, những số liệu có thể đối chiếu.
"Còn như của Đèn Cù của anh Trần Đĩnh, thì anh chỉ bàn những cái nhớ lại bằng hồi ức của mình mà vừa rồi tôi có đọc một bài của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, thì anh cũng có nói phải có một phụ lục, một 'Index' để chỉ ra những nhân vật, những sự kiện trong này mà có chú thích, thì được thêm một cuốn phụ lục ấy nữa, thì đó là công cuộc của nhà khảo cứu.
"Còn cuốn 'Đèn Cù' là cuốn 'Truyện tôi', tức là chuyện đời được phản ánh qua trí nhớ, qua ký ức, qua hồi tưởng của nhà báo Trần Đĩnh."
Từ Paris, nhà báo tự do Mỹ Dung cho rằng những cuốn sách như Đèn Cù hoặc nhiều cuốn khác từng được xuất bản bằng tiếng Việt ở bên ngoài Việt Nam, trong đó có các cuốn như 'Bên Thắng Cuộc' của Huy Đức, hay 'Trần Đức Thảo - những lời trăn trối' của Tri Vũ - Phan Ngọc Khuê, vẫn là một chủ đề được nhiều bạn đọc người Việt ở hải ngoại nói chung, ở nước Pháp nói riêng, đón đọc.
Cây viết nữ nói: "Tất cả những cuốn sách vừa mới nêu đều có chung một đặc điểm, cho dù nó được thể hiện dưới một hình thức nào, văn học, tự truyện, hồi ký, nghiên cứu lịch sử v.v..., nó đều có một đặc điểm chung là đó đều là những cái nhìn rất độc lập, không bị chi phối bởi hệ tư tưởng chính trị nào, bởi thế lực nào, của người viết về giai đoạn lịch sử nào đó mà họ quan tâm, để mà họ viết ra thành sách.
"Cho nên tất cả những cuốn sách đó dĩ nhiên sẽ được rất nhiều bạn đọc trong cũng như ngoài nước, là bạn đọc Việt Nam, đọc tiếng Việt, trong và ngoài nước, nếu có quan tâm đến lịch sử Việt Nam, đều rất muốn có để mà đọc.
"Đọc để tìm hiểu xem cùng một sự kiện lịch sử đó, thì những góc nhìn độc lập đó họ nhìn nhận những sự kiện lịch sử như thế nào."
'Được đón đọc'
Theo nữ nhà báo này, nếu được dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài mà ở đây là tiếng Pháp, nhiều cuốn sách như Đèn Cù cũng có thể sẽ được bạn đọc ngoại quốc 'đón đọc nồng nhiệt' như với các tác phẩm của nữ văn sỹ Dương Thu Hương.
Mỹ Dung nói: "Còn nếu hỏi là người Pháp đọc lịch sử Việt Nam bằng những cách kể chuyện khác nhau như thế, thì rất tiếc cho tới nay chỉ có tất cả những tác phẩm của bà Dương Thu Hương là được dịch ra tiếng Pháp".
"Còn những cuốn khác... không có tiếng Pháp, nên tôi không biết người Pháp sẽ đón nhận như thế nào".
"Riêng về cuốn sách của bà Dương Thu Hương, đến nay, bà viết về lịch sử Việt Nam, tuy rằng với giọng văn là tiểu thuyết đi nữa, nhưng vẫn được người Pháp, độc giả Pháp tiếp nhận rất là nhiều và người ta rất hoan nghênh.
"Và theo cảm nhận chủ quan của tôi, thì những cuốn sách được nêu, nếu được dịch ra tiếng Pháp và được giới thiệu ra với bạn đọc Pháp, thì chắc chắn sẽ được bạn đọc Pháp đón nhận một cách nồng nhiệt không kém."
'Tự vấn thành công'
Từ London, nhà báo Nguyễn Giang, Trưởng Ban Việt ngữ của BBC nêu quan điểm:
"Nếu nói về mặt văn học, nhiều nhân vật được mô tả rất sinh động, sống trong những bối cảnh đó, thế nhưng nếu nói đây là những chứng cứ, hay chứng liệu lịch sử, thì tôi thấy rất khó bàn ở chỗ là ngày tháng nào, gặp nhau ở đâu, ai nói gì, những cái đấy chúng ta không biết và chúng ta hoàn toàn tin tưởng là tác giả viết theo đúng những gì mà ông ấy nêu ra,
"Nhưng mà đây không phải là một cuốn sách khảo cứu cho nên giá trị văn chương nhiều hơn, tôi nghĩ, là giá trị mà chúng ta gọi là tư liệu lịch sử."
Vẫn theo nhà báo Nguyễn Giang, tác giả Trần Đĩnh đã đạt được sự thành công nhất định qua tác phẩm ở một khía cạnh được gọi là 'tự vấn' về thân phận đất nước, dân tộc, đặc biệt bắt đầu từ cuộc tiếp xúc bước ngoặt giữa Việt Minh, chính quyền của họ với chủ nghĩa Mao.
Nguyễn Giang nói: "Ông Trần Đĩnh đã rất thành công trong việc ông ấy tự vấn, ông ấy tự phản tỉnh, ông ấy tự đặt câu hỏi tại sao dân tộc của chúng ta lại có cuộc tiếp xúc rất lớn với chủ nghĩa Mao giai đoạn Việt Minh, để rồi có một hệ thống như thế và bắt đầu đi tiếp một cuộc chiến nữa."
Vẫn theo Nguyễn Giang, cuộc chiến Việt Nam vẫn 'tiếp tục' được các giới và dư luận quốc tế biết đến, và do đó rất có thể sẽ tiếp tục xuất hiện trong tương lai các cuốn sách như Đèn Cù của Trần Đĩnh.
"Người ta vẫn tiếp tục viết về cuộc chiến này ở trên thế giới bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, đủ những thứ tiếng khác nhau, người Trung Quốc người ta cũng vẫn đang viết, thì người Việt Nam tại sao lại không thể viết ở trong nước và xuất bản trong nước bình thường được," Nguyễn Giang đặt vấn đề.
Cuộc hội luận được phát trực tuyến trên kênh Google Hangout và YouTube của BBC Việt ngữ từ lúc 19h30 - 20h00 giờ Việt Nam hôm thứ Năm, 09/10/2014 với khách mời là nhà phê bình văn học, các nhà báo và người viết tự do từ Việt Nam và hải ngoại.
Các quý vị có thể theo dõi toàn bộ cuộc thảo luận tại đường dẫn sau đâyhttp://bit.ly/10PcizT hoặc trên trang nhà của chúng tôi ở địa chỉbbcvietnamese.com
Các ý kiến về cuốn sách, xin vui lòng gửi cho chúng tôi về địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk.
No comments:
Post a Comment