Sunday, December 14, 2014

Bầu cử Nhật : Shinzo Abe ngồi trên lưng hổ

Bầu cử Nhật : Shinzo Abe ngồi trên lưng hổ

mediaShinzo Abe, chính sách cải tổ Abenomics đã không mang lại kết quả - REUTERS/Issei Kato
    Nhìn về Châu Á, cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn vào ngày mai 14/12/2014 tại Nhật Bản được báo Pháp soi rọi dưới góc độ khác nhau và nêu bật trong các dòng tựa trang quốc tế. Le Monde nói đến « những mục tiêu bị che giấu của cuộc bầu cử Quốc hội », trong lúc Le Figaro nhìn thấy : « Thế cỡi lưng hổ của ông Shinzo Abe ».
    Nhận định chung là trên hai điểm : Đây thật ra là cuộc trưng cầu dân ý về chính sách kinh tế gọi là "Abenomics" của Thủ tướng Shinzo Abe, và đảng của ông, đảng Tự do Dân chủ PLD sẽ thắng lớn vì phe đối lập không còn hơi sức. 
    Le Figaro nhắc lại trong một hàng tựa đập mắt là chính « Hai năm Abenomics đã đưa (Nhật Bản) đến suy thoái ». Tác giả bài báo, đặc phái viên Le Figaro tại Tokyo, có một giọng điệu mỉa mai và hơi gay gắt, mở đầu bài viết với cảnh mô tả một cuộc vận động của chính Thủ tướng Abe trước hàng ngàn ủng hộ viên tập hợp trong cảnh giá rét của Tokyo. 
    Họ xôn xao hẳn lên khi thấy ông Abe trong chiếc áo khoác trắng bước ra từ chiếc xe vận động đầy loa phóng thanh. Ông lớn tiếng khẳng định « Abenomics là con đường duy nhất có thể đi. Hãy bám vào ! Ưu tiên của tôi là lương bổng của quý vị, là công ăn việc làm. Quý vị sẽ thấy thành quả của chính sách của chúng tôi ». 
    Nhật Bản đã rơi vào suy thoái nhưng "chiếc xe ủi" bảo thủ này vẫn lao về phía trước. Ông Shinzo Abe đã khoác áo nhà hùng biện chinh phục cử tri. Trong mắt tác giả bài viết, ông Abe hành xử táo bạo : Sau hai năm thắng cử vẻ vang, Thủ tướng Nhật lại "giao bóng trở lại". Quyết định của ông Abe đã gây bất ngờ không ít trong đảng PLD. 
    Hành động bất ngờ này là do số liệu tồi tệ về kinh tế, càng làm cho người ta ngờ vực về chiến lược phục hồi kinh tế của Thủ tướng. Bài báo nhắc lại kinh tế Nhật đã co thắt 1,9%, nhưng đối với chàng hiệp sĩ « Samurai » Abe thì không có chuyện đổi hướng, ông phớt lờ chỉ trích của các nhà kinh tế để đã chọn phương thức "tấn công". 
    Bài báo trích dẫn phân tích của giáo sư Đại học Keio, Yorizumi Watanabe, cho rằng « cải tổ của ông Shinzo Abe đã không mang lại kết quả, ông cần có thêm thời gian. » Tính toán của ông Abe cũng không phải quá phiêu lưu vì ông nắm chắc phần thắng. Theo các kết quả thăm dò dư luận, đảng PLD có thể giành được đến 2/3 ghế ở Hạ viện. 
    Trong trường hợp thắng lớn thì ông Abe có thể rảnh tay đến năm 2018 : Bốn năm để tu chính hiến pháp chủ hòa, tạo thêm thế mạnh cho quân đội Nhật, thực hiện cải tổ cơ cấu, vế thứ 3 của chính sách Abenomics của ông. Một cố vấn của ông Abe đã khẳng định với Le Figaro là cần 3 năm để thấy hiệu quả. 
    Nhưng giới kinh tế thì vẫn hoài nghi, thận trọng trước hiện tượng "lửa rơm", vì chính quyền không muốn nhìn vào những vấn đề cơ bản, như việc cần lao động nhập cư chẳng hạn trong khi dân Nhật già đi. Abenomics đối với họ chỉ là một loại thuốc gây tê tạm thời. 
    Le Monde phân tích là ông Abe đã biến cuộc bầu lại quốc hội trước thời hạn ngày mai thành một cuộc trưng cầu dân ý về Abenomics : Cuộc vận động tập trung trên kinh tế, tránh né những vấn đề gây tranh cãi như diễn giải lại hiến pháp, việc khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân, chính sách quốc phòng, hay việc bảo vệ bí mật quốc gia. 
    Theo Le Monde những chủ đề bị phớt lờ đi này có thể sẽ trở lại ngay trên sân khấu sau cuộc bỏ phiếu. Thắng lợi dự kiến sẽ phục hồi uy tín của Thủ tướng, ông sẽ sử dụng uy tín mới này cho những chủ đề mà ông rất thiết tha như quốc phòng và hiến pháp. 
    Từ « thuế », biểu tượng năm 2014 tại Nhật 
    Báo Les Echos nhắc lại là hôm qua, từ thuế đọc là ‘zei’ đã được chọn làm từ biểu tượng cho năm 2014 tại Nhật. Theo tờ báo điều này chứng tỏ người Nhật bị vấn đề thuế ám ảnh sau khi thuế TVA tăng vào tháng 4/2014. Đây là lần đầu tiên TVA tăng kể từ 1997 tại đây, gây khó khăn không ít cho người dân. Thuế tăng đã trở thành mối lo ngại quan trọng nhất đối với người Nhật năm 2014 này. 
    Tờ báo nhìn đến cuộc bầu cử ngày 14/12, với câu hỏi : Nếu có ít người đi bỏ phiếu, chỉ 1 cử tri trên 2 đi bầu thì sao ? Trong trường hợp này thì thắng lợi của đảng PLD không có gì vẻ vang, Hành pháp sẽ chật vật trong việc thực hiện chương trình hoạt đông của mình, chính trị cũng như kinh tế. 
    Hồng Kông giải tán phong trào đối lập của mình  
    Ngoài Nhật Bản, Le Monde hôm này còn chú ý đến Hồng Kông vắng bóng người biểu tình chiếm lĩnh đường phố và chạy tựa : « Hồng Kông giải tán người đối lập của mình ». Nhận định đầu tiên ngay dưới dòng tựa : Giới đòi dân chủ bị trục xuất khỏi trại của họ, nhưng không nản chí.. 
    Tác giả bài báo nhìn lại Hồng Kông sau ngày thứ Năm 11/12, thì dấu vết còn lại của phong trào đấu tranh chỉ là những góc áp phích, những mảnh rubăng màu vàng, biểu tượng phong trào lúc đầu. 
    Bài báo nhận thấy là phong trào bất phục tùng dân sự rộng lớn này, cho dù có nhiều điểm yếu, nhiều cơ hội bỏ lỡ, đang được xem như một khúc quanh, một thời điểm quyết định trong lịch sử chính trị Hồng Kông do phương thức đấu tranh cững như tầm vóc của nó. 
    Thuộc địa cũ Anh, với đặc điểm trong suốt 1 thế kỷ rưỡi, là phi chính trị, đã cho thấy trong mùa thu này là có được một xã hội dân sự đang trong thời kỳ "nở rộ" và càng đầy hứa hẹn với thanh niên có lý tưởng và đầy quyết tâm, nhiệt huyết. Đối với họ cuộc đấu tranh sẽ còn tiếp diễn, chưa chấm dứt. 
    Phong trào đấu tranh trên đường phố được dẹp đi, Hồng Kông trở lại yên tĩnh, nhưng nguời thua thiệt hiện nay, theo tác giả bài báo, lại là chính quyền của đặc khu này : trong dân chúng Hồng Kông nhìn chung, chính quyền mất tính chính đáng, không còn nhiều người tin tưởng, do cách ứng xử, đã không dám gặp sinh viên mà chỉ để tình hình ‘ung thối’ đi mà thôi. 
    Khí hậu : Đàm phán vẫn giậm chân tại chỗ 
    Một thời sự quốc tế rất được chú ý hôm nay là Hội nghị khí hậu COP20 tại Lima, Peru trên nguyên tắc kết thúc hôm qua, 12/12/2014. Le Monde nhìn thấy ‘các cuộc thương lượng dậm chân’. tựa trang Hành Tinh, và nêu lý do : Các cuộc thảo luận vấp trên vấn đề đóng góp của từng quốc gia trong việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. 
    Le Figaro tỏ ra lạc quan hơn một chút, cho là « thương lượng tiến từng bước », một tựa trên trang nhất. Libération chạy một tựa đậm trích lời nhà kinh tế Mỹ Jeffrey Sachs mà tờ báo phỏng vấn tại Lima : Khí hậu : ‘‘Trung Quốc cuối cùng chấp nhận gánh vác vai trò lãnh đạo của mình’’
    Kinh tế gia Mỹ có một cái nhìn tích cực, và nêu nhưng yếu tố có thể khiến người ta lạc quan. Ông đánh giá Hội nghị Lima có những điểm mang tính quyết định : trước tiên tại Hội nghị này người ta không nói về khí hậu với thì tương lai mà nói đến hiện tại. 
    Một yếu tố quan trọng khác cho thấy sự thay đổi đáng kể là thái độ mới của Trung Quốc, đã gởi một thông điệp địa chính trị then chốt: Bắc Kinh đưa ra cam kết cụ thể trên vấn đề khí thải. Trước đây, tại hội nghi Copenhagen, Trung Quốc chỉ đổ lỗi cho người khác. Đây là bước đầu và chắc chắn là sẽ có tiến bộ khác. 
    Ông Jeffrey Sachs cũng tin là Ấn Độ cũng sẽ thay đổi. Ấn Độ đứng hàng thứ tư thế giới thải khí gây hiệu ứng nhà kính, nhưng vẫn từ chối nêu các con số cụ thể. Ông Jeffrey Sachs đã gặp Thủ tướng Ấn Modi nhân cuộc họp G20 tại Úc, lãnh đạo Ấn khẳng định sẽ có vai trò tích cực. Ấn cũng đã tiến nhanh trên con đường phát triển năng lương tái tạo. 
    Một yếu tố nữa khiến nhà kinh tế tin tưởng, là chưa bao giờ Tổng thống Mỹ Obama nói rõ và tỏ ra cương quyết như hiện nay trên hồ sơ khí hậu này. 
    Cho dù đảng Dân Chủ không còn nắm Quốc hội, nhưng Tổng thống Mỹ vẫn tin tưởng vào mục tiêu của mình. Theo Jeffrey Sachs, đảng Cộng Hòa luôn chống đối trên hồ sơ khí hậu và họ dựa trên thái độ của Trung Quốc, nhưng bây giờ thì lý do này không còn vững nữa.
    Cùng chủ đề

    No comments:

    Post a Comment