Đồng Rúp tuột dốc, liệu Trung Quốc có nên giúp Nga hay không ?
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (P) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong cuộc họp báo, Matxcơva, 13/10/2014.Ảnh : Reuters
Do khủng hoảng Ukraina, Nga bị phương Tây trừng phạt, nền kinh tế nguy khốn. Để đối phó, Matxcơva quay sang tăng cường quan hệ với Bắc Kinh. Trong bối cảnh đồng Rúp mất giá thê thảm, liệu Trung Quốc, nước có dự trữ ngoại tệ khổng lồ, có nên giúp đỡ Nga hay không ?
Theo China Daily, cuối tuần qua, trong cuộc gặp với báo giới, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết, Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ Nga, nhưng Bắc Kinh nghĩ rằng Matxcơva có đủ khả năng giải quyết những vấn đề kinh tế hiện nay.
Theo lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc, thì Nga có đủ sự khôn ngoan, thận trọng cần thiết để vượt qua được những khó khăn. Ông Vương Nghị nói : « Nếu nước Nga có nhu cầu, chúng tôi sẽ cung cấp viện trợ cần thiết trong khả năng của mình » và nhấn mạnh rằng cho đến nay, hai nước vẫn giúp đỡ lẫn nhau.
Đó là những tuyên bố thể hiện thiện chí, nhưng trên thực tế, có những vấn đề mà Trung Quốc phải cân nhắc, trước khi ra tay giúp đỡ, nhất là đối với Nga.
Theo Đa Duy Tân Văn (Duowei News), một tờ báo của cộng đồng người Hoa ở hải ngoại, được báo Đài Loan WantChinaTimes, trích dẫn, thì trước tiên, rất khó ngăn chặn được cuộc khủng hoảng kinh tế của Nga, cho dù Trung Quốc có giúp đỡ : Sự phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu dầu khí, các trừng phạt của phương Tây đối với xuất khẩu của Nga và giá dầu tụt giảm mạnh đã làm viễn cảnh nền kinh tế Nga trở nên u ám.
Mặt khác, dự trữ hối đoái của Nga không đủ, thanh khoản thiếu nghiêm trọng. Cho dù muốn hợp tác trên cơ sở hai bên cùng có lợi, thì Bắc Kinh cũng phải hiểu là họ không thể làm được gì nhiều cho Matxcơva.
Trong cuộc khủng hoảng Ukraina, Trung Quốc không có một nỗ lực công khai nào giúp đỡ Nga trong cuộc đối đầu chính trị với phương Tây. Bắc Kinh chủ trương giữ « lập trường trung lập » và cũng sẽ có thái độ tương tự trong cuộc khủng hoảng tài chính của Nga.
Đa Duy Tân Văn cho rằng Trung Quốc và Nga có những tính toán khác nhau để khẳng định vai trò của mình tại Châu Âu và Châu Á, cũng như trên thế giới.
Cho đến nay, Matxcơva không chính thức đề nghị Bắc Kinh giúp đỡ. Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev đã gặp đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường hai lần trong hai tháng. Lần gần đây nhất là tại cuộc họp Thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, ngày 15/12, nhưng hai bên không thảo luận chính thức về việc đồng Rúp mất giá. Trong khi đó, cũng tại Thượng đỉnh này, ông Medvedev lại gặp Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, để bàn về những vấn đề tài chính của Nga.
Đa Duy Tân Văn nhận định, cho dù Trung Quốc là một trong những đối tác chiến lược quan trọng, Nga vẫn thận trọng trước nguy cơ Bắc Kinh có thể trở thành đối thủ cạnh tranh chính trị trên trường quốc tế. Ngay cả khi rất cần đến sự trợ giúp từ bên ngoài, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.
Vào lúc Matxcơva muốn diễu võ giương oai với phương Tây, thì Nga cũng tìm cách phô trương sức mạnh của mình đối với Trung Quốc, như tiến hành tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông hồi đầu tháng 11, trong thời gian diễn ra Thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh. Đồng thời, Matxcơva cũng đẩy mạnh quan hệ với các nước Châu Á khác, như Ấn Độ, Việt Nam.
Chính vì thế, cho đến nay, ngoài việc đưa ra một tuyên bố sẵn sàng giúp Matxcơva, mang nặng tính chính trị và ngoại giao, Trung Quốc có một mối quan tâm thực dụng hơn. Theo Reuters, trong chín tháng đầu năm 2014, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng 10,5% và nhập khẩu tăng 2,9%, so với cùng thời kỳ này năm ngoái. Tổng trao đổi mậu dịch song phương lên tới 70,78 tỷ đô la. Trước việc đồng Rúp bị mất giá tới 50% trong năm nay, Bộ Thương mại Trung Quốc gợi ý nên tăng cường dùng Nhân dân tệ, thay cho đồng Rúp, trong thanh toán ngoại thương giữa hai nước.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment