Tâm lý chống Trung Quốc tại Madagascar
Thủ tướng Kolo Roger với ban quản lý nhà máy SUCOMA (midi-madagasikara.mg)
Tâm lý chống Trung Quốc, xung đột giữa thợ và chủ dẫn đến bạo động hay âm mưu chính trị ? Tình hình vẫn căng thẳng tại nhà máy đường Sucoma, ở Morondava, phía tây Madagascar, sau vụ bạo loạn, đập phá, đụng độ với hiến binh và các vụ thanh toán, trả thù làm 6 người thiệt mạng.
Ngày 10/12/2014, nhân viên nhà máy đường Sucoma đã biểu tình, phản đối việc bắt giữ hai lãnh đạo công đoàn của họ, sau các vụ đụng độ với hiến binh, hồi tháng 11, làm hai người Trung Quốc bị thương và gây nhiều thiệt hại vật chất.
Cuộc biểu tình lần này lại dẫn đến bạo động dữ dội. Khoảng hai chục lãnh đạo nhà máy, người Trung Quốc, được sơ tán về thủ đô Antananarivo. Nhà cửa, đồ đạc của các nhân viên Trung Quốc bị đập phá, lấy đi. Đụng độ giữa hiến binh và người biểu tình làm 2 người chết và 9 người bị thương.
Trong những ngày sau vụ đụng độ hôm 10/12, một bảo vệ và một quân nhân Madagascar đã bị đâm chết ngay tại nhà máy đường, hai hiến binh đi mô tô, ngăn chặn người biểu tình, cũng đã thiệt mạng vì bị một xe tải đâm thẳng vào.
Nhà máy đường Sucoma là một doanh nghiệp Nhà nước, được giao cho phía Trung Quốc quản lý vào năm 1997, để tránh bị phá sản.
Chán nản vì mức lương quá thấp, khoảng 30 euro mỗi tháng, các nhân viên của nhà máy đường Sucoma đã bày tỏ sự bất bình về những ưu tiên giành cho cán bộ Trung Quốc, những hành động lạm quyền, sách nhiễu và sức ép đối với những người lao động địa phương. Từ nhiều tháng nay, họ đòi tăng lương và doanh nghiệp phải ký các hợp đồng lao động theo đúng pháp luật với những người làm việc tạm thời.
Một đại diện của người lao động nói với AFP : « Chúng tôi không muốn thấy người Trung Quốc. Chúng tôi không muốn làm việc với người Trung Quốc. Trước mặt ông Bộ trưởng Madagascar, họ hứa hẹn cho chúng tôi nhiều quyền lợi hơn, nhưng họ không bao giờ thực hiện lời hứa ».
Ông Bernard Jérôme, một nhân viên của nhà máy Sucoma nói thẳng : « Chúng tôi không muốn làm việc với người Trung Quốc nữa. Chúng tôi đề nghị Nhà nước tìm các đối tác khác. Nếu thay đổi ban quản lý nhà máy, chúng tôi sẵn sàng quay lại làm việc ngay lập tức. Ai cũng được, ngoại trừ người Trung Quốc ».
Nhà máy đường Sucoma sử dụng tới 2000 lao động lúc cao điểm – khoảng 700, lúc ít việc. Mâu thuẫn giữa nhân công địa phương và ban quản lý Trung Quốc đã âm ỉ kéo dài, để rồi bùng nổ thành bạo động.
Sứ quán Trung Quốc tại Antananarivo tỏ ra ngạc nhiên và cho rằng các yêu sách của người lao động Madagascar bất ngờ trở nên phi lý. Tuy nhiên, đại diện của sứ quán Trung Quốc lại tìm cách giảm nhẹ mức độ chống Trung Quốc của cuộc bạo động và cho rằng có những thế lực chính trị thúc đẩy bạo loạn.
Báo Midi Madagascar khẳng định là một quan chức cao cấp thân cận với ông Andry Rajoelina, nguyên là Chủ tịch Cơ quan quyền lực tối cao chuyển tiếp Madagascar (tuơng đương như Tổng thống), đã xúi giục bạo loạn. Chính ông Bernard Jérôme cũng thừa nhận là« có những lãnh đạo chính trị đã khuyến khích những hành động này », nhưng ông không dám nêu tên cụ thể.
Một nhân viên khác của nhà máy đường Sucoma, tố cáo ý đồ chính trị làm suy yếu quyền lực của đương kim Tổng thống Hery Rajaonarimampianina : « Người Madabascar giết hại nhau. Có những kẻ trả tiền cho những người Madabascar này giết hại những người Madagascar kia ».
Một số quan chức Madagascar, xin giấu tên, khẳng định với AFP là vụ bạo loạn nhắm vào Thủ tướng Roger Kolo, người gốc Morondava. Nhiều đối thủ chính trị muốn gạt bỏ nhân vật này.
Chính phủ Madagascar không bình luận gì về những tin đồn ý đồ chính trị và cho mở cuộc điều tra. Tuy nhiên, mức lương quá thấp, nhịp độ lao động căng thẳng, giới chủ ngược đãi nhân viên là cội nguồn của sự bất bình.
Tại nhà máy đường Sucoma, từ tháng Tư đến nay, chính phủ Madagascar đã điều động một số lượng lớn hiến binh, gần như tương đương với số nhân viên Trung Quốc làm việc tại Morondava, thế nhưng, lực lượng an ninh vẫn không ngăn cản được bạo động.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment