Trung Quốc Việt Nam tiếp tục hàn gắn quan hệ
Học sinh Việt Nam chào mừng lãnh đạo Trung QuốcReuters
Chuyến viếng thăm Việt Nam hiện nay của Chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc Du Chính Thanh cho thấy là Trung Quốc vẫn cố hàn gắn quan hệ với Việt Nam sau một năm đầy căng thẳng do tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Du Chính Thanh là Chủ tịch Uỷ ban Toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp), một cơ quan hoàn toàn mang tính chất hình thức, nhưng dầu sao ông cũng là nhân vật đứng hàng thứ tư trong ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc, và là một trong 7 ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.
Chuyến viếng thăm Việt Nam của ông Du Chính Thanh diễn ra sau những tháng căng thẳng cao độ giữa Hà Nội với Bắc Kinh, do việc Trung Quốc đưa giàn khoan đến khu vực Hoàng Sa, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam, mà một số đã dẫn đến bạo động gây chết người trong tháng 5.
Đến tháng 7, Bắc Kinh đã rút giàn khoan đi, nhờ vậy tình hình đã dịu lạì chút ít. Hai nước có vẻ như đều muốn hàn gắn quan hệ bị sứt mẻ nghiêm trọng. Vào tháng 8, tức là chỉ một tháng sau đó, cựu Bộ trưởng Công an Việt Nam Lê Hồng Anh, với tư cách đặc phái viên của Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, đã đi thăm Trung Quốc. Trong chuyến đi đó, ông Lê Hồng Anh đã kêu gọi hai nước « nghiêm túc thực hiện “Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam- Trung Quốc”, kiểm soát tốt tình hình và giải quyết ổn thoả mọi tranh chấp bất đồng trên biển, duy trì hoà bình, ổn định trên Biển Đông ».
Đến tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã đi thăm Bắc Kinh và gặp đồng nhiệm Trung Quốc Thường Vạn Toàn (Chang Wanquan). Kết quả cuộc gặp gỡ này là hai nước đồng ý nối lại quan hệ quân sự và « xử lý tốt hơn các tranh chấp chủ quyền biển đảo ».
Cũng trong tháng 10, ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã trở lại Việt Nam và lần này cuộc gặp giữa ông với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh diễn ra trong một bầu không khí hòa dịu, khác hẳn với không khí nặng nề của cuộc gặp giữa hai ông vào tháng 6, giữa lúc khủng hoảng giàn khoan lên cao độ.
Nhưng trong tháng này, quan hệ Việt-Trung đã lại nóng lên, sau khi Hà Nội chính thức yêu cầu Tòa án Trọng tài Quốc tế chú ý đến « quyền và lợi ích pháp lý » của Việt Nam khi phân xử vụ kiện của Philippines về bản đồ đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ ra, giành chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông.
Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc gặp gỡ với ông Lê Hồng Anh hôm qua, Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Du Chính Thanh đã tuyên bố là Bắc Kinh muốn quan hệ với Hà Nội đi theo con đường « đúng đắn ». Ông Du Chính Thanh khẳng định là Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy quan hệ song phương với Việt Nam theo một viễn cảnh lâu dài và với một cái nhìn chiến lược.
Nói chung, Bắc Kinh có vẻ như đang tìm cách ngăn chận những vấn đề mà tranh chấp chủ quyển Biển Đông đang gây ra cho quan hệ Việt – Trung, bởi vì điều này sẽ phần nào ảnh hưởng đến trao đổi thương mại giữa hai nước. Tình hình Biển Đông càng căng thẳng thì tâm lý chống Trung Quốc càng tăng mạnh, phong trào tẩy chay hàng Trung Quốc cũng tăng theo. Bắc Kinh cũng không muốn thấy Hà Nội ngả theo Mỹ quá nhiều, cho nên lại càng cố gắng kéo Hà Nội quay trở lại vòng ảnh hưởng của họ.
Nhưng một mặt hàn gắn quan hệ với Việt Nam, mặt khác Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động nhằm áp đặt chủ quyền của họ trên Biển Đông, đặc biệt là qua việc xây một đảo nhân tạo với sân bay trên quần đảo Trường Sa.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment