Đồng Rúp tuột giá : Trách nhiệm của Putin ?
Một cửa hàng đổi ngoại tệ tại Matxcơva ngày 17/12/2014.REUTERS/Maxim Zmeyev
Quan hệ Cuba – Hoa Kỳ bất ngờ được sưởi ấm, khủng hoảng đồng Rúp tại Nga và dư âm của vụ Taliban sát hại gần 150 người trong một trường học tại Pakistan là những chủ đề thời sự nóng trên các mặt báo Pháp sáng nay 18/12/2014.
Tuy nhiên, tình hình khủng hoảng đồng Rúp vẫn là phần tin thời sự quốc tế nổi cộm nhất trên các nhật báo. Nếu như thế giới có vẻ như hoan hỉ với tin vui cho Cuba, Le Figaro trong bài xã luận đề tựa « Từ Cuba đến Matxcơva » cảnh cáo Châu Âu đừng vì « sự xích lại gần lịch sử » đó mà quên lãng một hồ sơ khác có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của cả khối.
Tờ báo viết, Châu Âu có thể vui mừng cho sự hâm nóng địa chính trị trong khu vực biển Caraibe, nhưng Châu Âu cũng chẳng hưởng được chút lợi ích gì từ sự kiện đó. Bởi vì Nga mới chính là mối bận tâm hàng đầu. Chính tại đây mà thị trường tài chính Châu Âu đang bị chao đảo.
Các lệnh trừng phạt đưa ra nhằm mục đích gây áp lực buộc Matxcơva phải chấm dứt các hành động can thiệp gây hấn vào Ukraina. Trong bối cảnh căng thẳng đó, mỗi bên đều chứng tỏ khả năng gây bất ổn của mình. Nhưng bài xã luận cho rằng giờ cũng không phải là lúc để gia tăng các lệnh trừng phạt như Hoa Kỳ vừa tuyên bố. Cách duy nhất để giúp Nga thoát khỏi bế tắc tại Ukraina và bảo vệ quyền lợi của mình là Châu Âu phải giang tay ra với Matxcơva.
Nếu như Cuba là một thành công ngoại giao của ông Obama, thì Châu Âu đang ở vào giây phút quan trọng trong quan hệ với Nga. Kinh tế Nga sụp đổ hay chế độ bị suy yếu đều đe dọa đến sự ổn định của cả châu lục trong những thập niên sắp tới. Thay vì ngoan ngoãn đi theo đồng minh Hoa Kỳ thông qua các lệnh trừng phạt mới, Châu Âu nên cho thấy hướng đi và cùng Matxcơva tiến đến việc dỡ bỏ lệnh cấm vận.
Đồng Rúp mất giá, trách nhiệm thuộc về Putin
Ngược lại, nhật báo thiên tả Libération trong bài xã luận đề tựa « Sô-vanh » lại cho rằng chính Tổng thống Nga Vladimir Putin phải xem xét lại các đường lối chính sách của mình với các nước láng giềng.
Bài viết chắc chắn rằng nhờ vào uy tín được củng cố mạnh mẽ, như thường lệ trong buổi họp báo hôm nay ông Putin lại sẽ sử dụng chiêu bài « âm mưu quốc tế » đe dọa nước Nga. … Nhưng đồng Rúp mất giá lộ rõ cho thấy sự yếu kém của nền kinh tế Nga, một hệ thống tham nhũng tô tức và bổng lộc, lệ thuộc hoàn toàn vào dầu hỏa.
Cũng như Le Figaro, nhật báo thiên tả cho rằng Châu Âu chẳng có lợi gì khi có một nước Nga thù địch và suy yếu nằm ngay sát cạnh biên giới của mình. Nhưng ông Putin phải đo lường các hệ quả từ những chính sách do ông tiến hành chống lại các nước láng giềng.
Cũng như Le Figaro, nhật báo thiên tả cho rằng Châu Âu chẳng có lợi gì khi có một nước Nga thù địch và suy yếu nằm ngay sát cạnh biên giới của mình. Nhưng ông Putin phải đo lường các hệ quả từ những chính sách do ông tiến hành chống lại các nước láng giềng.
Chính Putin phải xem xem ông thích hòa đồng cùng với các quốc gia khác hay là tiếp tục theo đuổi các cuộc chiến của mình dẫn đến nguy cơ làm sụp đổ đất nước và mất cả quyền lực.
Thị truờng tài chính thế giới mất phương hướng
Về phần mình, Le Monde quan sát thấy « Khởi đầu hoảng loạn tại Matxcơva ». Đồng Rúp đã bị mất giá đến 20% vào ngày thứ Ba (16/12/2014) vừa qua. Người dân Nga đã ồ ạt đi mua sắm và trữ hàng do e sợ giá cả sẽ bị đội lên. Tại các hiệu đổi ngoại tệ, những hàng người dài dằng dặc để đổi lấy đồng đô-la hay euro do có những lúc đồng Rúp tụt giảm mạnh đạt đến mức trần 100 Rúp/đô-la.Các ngân hàng buộc phải giới hạn rút tiền bằng ngoại tệ ở mức 2000 euro/người.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Trung ương Nga đã phải bán ra một số ít ngoại tệ dự trữ nhằm ổn định đồng nội tệ. Nhưng điều Le Monde quan tâm đến là tác động của cuộc khủng hoảng đồng Rúp lên thị trường tài chính thế giới. Trên trang nhất phụ trương kinh tế, nhật báo đưa tít lớn « Bất ổn Nga làm kịch phát nỗi lo sợ của thị trường tài chính ».
Hôm thứ Ba (16/12/2014), thị trường tài chính Châu Âu kết thúc phiên giao dịch với mức tăng. Nhưng sang đến ngày thứ Tư, cũng giống như Châu Á và Mỹ, thị trường lại rớt xuống. Tình hình chính trị chưa rõ ràng tại Hy Lạp, giá dầu sụt giảm cộng thêm với bất ổn đồng Rúp Nga có nguy cơ dẫn đến hiện tượng giảm phát trong khối đồng euro và trì hoãn tăng trưởng của Trung Quốc.
Trong tình hình tài chính tồi tệ này, không một nhà đầu tư nào giữ được « máu lạnh ». Các chỉ số sàn chứng khoán trong những ngày qua rất căng thẳng. Có thể thấy hiện giờ « Các thị trường tài chính đã bị mất phương hướng », đúng như tựa đề nhận định của Le Monde.
Matxcơva săn lùng thủ phạm
Le Figaro trong bài viết có tựa đề « Matxcơva cố dập tắt cơn hoảng loạn tài chính » cho hay, song song với các biện pháp can thiệp, thì cuộc săn lùng thủ phạm cũng đang diễn ra. Đứng đầu danh sách là Ngân hàng Trung ương Nga, do cựu cố vấn kinh tế của Tổng thống Nga, bà Elvira Nabioullina, điều hành. Định chế này bị chỉ trích là đã có những phản ứng quá chậm chạp.
Thủ phạm thứ hai bị Putin chỉ mặt điểm danh là những « kẻ lũng đoạn ». Theo giải thích của vị giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị tại Đại học Tài chính, « Chắc chắn không phải là người dân, mà những cơ chế, những người đại diện cho tầng lớp đặc quyền đặc lợi ở Nga, những người có đủ khả năng sử dụng đồng Rúp trong ngân sách quốc gia để thao túng với lãi suất hấp dẫn ».
Còn trong con mắt người dân Nga, thủ phạm chính là những nhà lãnh đạo đất nước, nhưng ngoại trừ ông Putin.
Một cú sốc chính trị ?
Nhật báo kinh tế Les Echos dự đoán rằng « Đối mặt với đồng Rúp mất giá, Putin rất có thể thử một ‘cú sốc chính trị’ ».
Nhiều tin đồn cho rằng ông Koudrine – cựu Bộ trưởng Tài chính, nổi tiếng nghiêm khắc, sẽ lên lãnh đạo đất nước. Chính lưu ý của ông đăng trên Twitter còn làm thổi phồng thêm các tin đồn : « Đồng Rúp rớt giá không chỉ do tác động của giá dầu thô sụt giảm và các lệnh trừng phạt, mà còn do sự thiếu tin tưởng vào các chính sách kinh tế của chính phủ ». Nếu thế đây quả là một cái tát mạnh dành cho Thủ tướng Medvedev, vốn bị mất uy tín trong giới ủng hộ tự do thị trường.
La Habana và Washington bất ngờ sưởi ấm quan hệ
Trang nhất các báo Pháp phần lớn ưu tiên cho sự kiện La Habana và Washington gần như cùng lúc bất ngờ tuyên bố sẽ bình thường hóa quan hệ ngoại giao, bị cắt đứt hơn nửa thế kỷ nay. Hôm qua (17/12/2014) với câu nói « SOMOS todos americanos » (Chúng ta đều là người Châu Mỹ), Tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Cuba.
Nhà Trắng đưa ra quyết định trên sau khi đã đạt được tự do cho một công dân Mỹ, bị La Habana giam tù từ năm năm qua. Đổi lại phía Washington cũng tuyên bố thả ba người Cuba bị kết án 15 năm tù về tội làm gián điệp. Hoa Kỳ cũng thông báo dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận kinh tế. Từ nay, Cuba chấm dứt thời kỳ cô lập kinh tế của mình.
Như vậy bức tường vô hình ngăn cách đôi bên đã được phá vỡ như hàng tít nhận định trên nhật báo kinh tế Les Echos « Obama nối lại quan hệ với Cuba, thêm một bức tường mới bị sụp đổ ». Nó chấm dứt một giai đoạn chiến tranh lạnh kéo dài hơn nửa thế kỷ nay giữa đảo quốc Cộng sản Cuba với kẻ thù số một là Hoa Kỳ, như hàng tít lớn trên trang nhất của tờ Le Figaro : « Mỹ - Cuba : kết thúc một nửa thế kỷ chiến tranh lạnh ».
Hầu hết các báo Pháp đều có chung một đánh giá : Đó là một « sự xích lại gần lịch sử ». Nó mở ra « một chương mới » trong quan hệ giữa hai nước. Le Monde trên trang mạng của mình đưa tít lớn « Một sự xích lại gần ngoại giao lịch sử giữa Cuba và Hoa Kỳ ». Tờ báo phát miễn phí Metronews cũng đồng thanh tương ứng cho rằng « Cuba-Mỹ, bước ngoặt lịch sử ».
Cuba : sự biến chuyển ngoạn mục
Nói chính xác hơn đối với « Cuba, sự biến chuyển » như tựa đề bài xã luận đăng trên nhật báo Công giáo La Croix. Nó đặt dấu chấm hết cho một giai đoạn « thù nghịch » giữa hai quốc gia chỉ cách nhau có 150 km giữa eo biển Florida. Một sự đối đầu có từ năm 1962, khi Liên Xô cũ cho thiết lập hệ thống « tên lửa » tại Cuba gây ra cuộc « khủng hoảng tên lửa » giữa hai cường quốc lúc bấy giờ là Hoa Kỳ và Liên Xô. Hậu quả là La Habana phải gánh chịu các lệnh trừng phạt về kinh tế.
Bài xã luận cho rằng sự xích lại gần của đôi bên còn là một tín hiệu mới cho sự tiến triển chính trị tại khu vực Châu Mỹ La-tinh. Châu lục Nam Mỹ đang có những biến đổi về xã hội và chính trị. Tại Colombia, quân du kích FARC theo chủ nghĩa Mac-xít đang thương lượng với chính quyền về hội nhập chính trị. Đâu đó tại Cuba các cuộc thương thuyết cũng đang diễn ra.
Quả thật các lời tuyên bố nối lại quan hệ là thành quả của 18 tháng âm thầm thương lượng giữa Hoa Kỳ và Cuba. Nhưng các báo Pháp cũng không quên nhấn mạnh đến vai trò trung gian của Đức Giáo hoàng Phanxicô và cả Canada.
Thảm sát tại Pakistan: Chính phủ cũng có tội như phe Taliban
Đến với vùng Nam Á, dư âm vụ tấn công khủng bố của phe Taliban vào một trường học làm thiệt mạng gần 150 người, phần đông là trẻ em vẫn chiếm lĩnh các trang báo lớn. Le Monde dành trọn trang 6 mục Geopolitique phác họa lại bản đồ các vùng thường xuyên xảy ra xung đột với phe Taliban. Cuộc tấn công đẫm máu mới đây nhất cũng chỉ là một hồi mới trong « Một cuộc chiến từ 10 năm nay giữa Pakistan và Taliban ». Nhưng « Vụ tàn sát chưa từng có này đang gây chấn động tâm lý cả Pakistan » như tựa đề bài viết trên trang 7.
La Croix trong bài viết « Tại Pakistan, nếp cũ đáng buồn của những vụ tấn công vào trường học» cũng đồng quan điểm với Le Monde. Đây không phải là lần đầu tiên Pakistan hứng chịu những vụ tấn công đẫm máu như thế vào trường học. Theo thống kê từ tổ chức GCPEA (Liên minh thế giới bảo vệ học đường chống lại các vụ tấn công), trong giai đoạn 2009-2012, hơn 838 vụ tấn công đã diễn ra từ phá hủy trường học cho đến sát hại học sinh, thấy cô kể cả bắt cóc tống tiền.
Những lời than khóc giờ dành chỗ cho những lời trách móc. Trách nhiệm thuộc về ai ? Quân khủng bố Taliban là đương nhiên, nhưng phải chăng chính quyền cũng có phần trách nhiệm ? Libération cho biết nhiều nhà quan sát bắt đầu lên tiếng chỉ trích sự yếu kém của cơ quan tình báo đầy quyền lực. Cơ quan đã không dự đoán và lật tẩy được một vụ tấn công có tầm cỡ như vậy.
Chính phủ của ông Nawaz Sharif bị lên án đã hoàn toàn lơ là trong việc đề ra các chiến lược chống khủng bố từ khi lên cầm quyền vào năm 2013. Nhật báo trích lại xã luận trên tờ báo Dawn tại Pakistan cho rằng « Điểm tích cực ban đầu có lẽ là cuối cùng Nhà nước đã chịu nhìn nhận không có một kế hoạch nào để chống khủng bố trên toàn lãnh thổ. Một sự chối bỏ chỉ có thể dẫn đến một hành động bạo tàn khác nữa mà thôi ».
Cuối cùng, Nhật báo le Monde chú ý đến phản ứng của nước láng giềng Afghanistan sau vụ việc. Đương nhiên « Kabul quan sát sít sao hậu Peshawar ». Bởi vì Pakistan là một thành viên không thể thiếu trong tiến trình hòa giải quốc gia tại Afghanistan.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment