Mỹ dự báo trò hiểm độc của Trung Quốc ở Biển Đông
(Tin tức thời sự) - Trung Quốc đào đắp, xây đảo lấn biển là chiến thuật "chơi cờ vây" trên Biển Đông
Từ đầu năm 2014 trở lại đây, Trung Quốc ráo riết lấn biển mở rộng các bãi đá mà họ đã dùng vũ lực đánh chiếm trong cuộc hải chiến năm 1988 ở Trường Sa của Việt Nam (Ga Ven, Huy Gơ, Chữ Thập, Châu Viên, Xu Bi, Gạc Ma) nhằm phục vụ cho mục tiêu xuyên suốt độc chiếm Biển Đông.
Thông tin trên tờ National Interest, ngày 8/12 của Mỹ còn cho biết, Trung Quốc đang xây dựng trên đảo Chữ Thập, diện tích đủ lớn để thiết lập đường băng dài 3.000 mét và những bến tàu đủ để những tàu quân sự cỡ lớn cập cảng.
Tác giả bài báo cho rằng, đây chính là chiến thuật “chơi cờ vây” của Trung Quốc trên Biển Đông.
Dự án lấp biển xây đảo trên bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là một trong số những dự án mà Trung Quốc thực hiện nhiều tháng qua (Ảnh CNES) |
Theo bài viết này, cờ vây là trò chơi cổ truyền của Trung Quốc. Trong cờ vây chỉ hai loại quân cờ trắng- đen dành cho 2 người chơi. Các quân cờ cùng màu hoàn toàn giống nhau, quyền lực của quân cờ và vị thế thắng- thua của người chơi được quyết định bởi vị trí của quân cờ.
Mục tiêu của người chơi là di chuyển những quân cờ, mở rộng và thắt chặt từng bước, tiến tới khống chế toàn bộ bàn cờ.
Tác giả nhận định, trong thời gian tới, nếu Trung Quốc tiếp tục tiến hành các “bước cờ” như vậy ở các vùng khác trên Biển Đông, nước này có khả năng có một hệ thống các căn cứ mạnh và dày trên Biển Đông, càng có tiềm lực khống chế Biển Đông và không loại trừ tiến hành các bước khống chế cả không gian trên biển.
Mỹ yêu cầu Trung Quốc ngừng xây đường băng ở Biển Đông
Washington cho rằng Bắc Kinh, cải tạo mở rộng bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa là một trong số những dự án mà Trung Quốc đang theo đuổi, trước tiên là để có thể xây dựng một đường băng, Trung tá Jeffrey Pool, người phát ngôn quân đội Mỹ, cho biết.
Mỹ muốn Trung Quốc ngừng ngay dự án này.
Theo bài báo trên tạp chí IHS Jane's, trong vòng ba tháng qua, Trung Quốc đã sử dụng các tàu hút bùn để xây dựng một hòn đảo dài khoảng 3.000 m và rộng từ 200 đến 300 m trên bãi đá Chữ Thập, trước đó vốn là một bãi đá ngầm.
Hành động lấn biển mở rộng các bãi ở Trường Sa đang làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với các nước ASEAN năm 2002, đe dọa hòa bình, ổn định và tự do, an ninh an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Hành động này của Trung Quốc đang tạo mối lo ngại đối với các nước trong và ngoài khu vực.
Mưu đồ hiện thực hóa đường chín đoạn
Đánh giá về hành động này của Trung Quốc, chuyên gia Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về các vấn đề Châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cho biết mục tiêu đầu tiên của Trung Quốc là “tạo thực tế mới trên Biển Đông”.
Bà Glaser cho rằng việc Trung Quốc biến các bãi thuộc quần đảo Trường Sa thành các đảo nổi để rồi Bắc Kinh sẽ viện “thực tế mới” này để khẳng định chủ quyền bất hợp pháp và quản lý khu vực “đặc quyền kinh tế” 200 hải lý tính từ đảo nổi mới dựng ra. Theo bà Glaser, mục tiêu thứ hai của Bắc Kinh là xây dựng trên bãi đá Gạc Ma các cơ sở quân sự như đường băng, lắp đặt hệ thống rađa để thu thập thông tin tình báo...
Tạp chí quốc phòng Canada Kanwa Defense Review cảnh báo cơ sở quân sự của Trung Quốc trên đá Gạc Ma sẽ có chức năng theo dõi các hoạt động của hải quân Mỹ và các nước khu vực. Kanwa cho biết có khả năng Trung Quốc đang xây đường băng dài 2.000 m trên đảo mới để lập căn cứ triển khai các máy bay quân sự.
Khi đó, Bắc Kinh sẽ đủ sức tổ chức thực hiện các chiến dịch trên không ở toàn eo biển Malacca, phục vụ chiến lược kiểm soát Biển Đông, điều mà trước đây quốc gia này không thể làm được. Kanwa đánh giá đây không chỉ là mối đe dọa đối với các nước ven Biển Đông mà còn là mối đe dọa trực tiếp tới các lợi ích của Mỹ.
Chuyên gia Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) cũng cho rằng Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trên các bãi ở Trường Sa chủ yếu để hiện thực hóa giấc mơ “đường chín đoạn” và mở rộng hiện diện quân sự tại quần đảo Trường Sa.
Ông Storey nhấn mạnh: “Theo quan điểm của tôi, đây là hành vi gây bất ổn và vi phạm trắng trợn Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký với ASEAN năm 2002”.
Chuyên gia Raul Pedrozo, cựu luật sư thuộc Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cảnh báo việc Trung Quốc xây đảo nổi trên bãi Gạc Ma là nằm trong ý đồ xây một “Vạn lý trường thành” trên Biển Đông nhằm chiếm đoạt hoàn toàn vùng biển này.
Ông Pedrozo khẳng định nghiên cứu kỹ lịch sử khu vực và luật pháp quốc tế cho thấy Trung Quốc không có bất cứ cơ sở gì để đòi chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ông Pedrozo kêu gọi “Xung đột trong khu vực sẽ khiến cả nền kinh tế thế giới bất ổn. Mỹ phải thể hiện rõ ràng và mạnh mẽ phản ứng chống lại Trung Quốc và khuyến khích các nước đồng minh hành động tương tự. Việt Nam nên tiếp bước Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế”.
Về phía Philippine cũng bày tỏ lo ngại: Người ta vẫn nói đến sau cái đó sẽ là cái gì? Một căn cứ hải quân quân sự, một sân bay hay có thể phát triển thành khu kiểm soát hàng không (ADIZ) trên Biển Đông và giành thế chủ động kiểm soát bất hợp pháp toàn bộ vùng biển này?
An An (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment