Trung Quốc dùng tiền để thực hiện “quyền lực mềm”
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ( trái) và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha tại Bangkok ngày 19/12/2014.REUTERS/Pornchai Kittiwongsakul/Pool
Vào ngày 19/12/2014, trong chuyến viếng thăm Thái Lan trước khi dự hội nghị thượng đỉnh Mekong lần thứ 5 tại Bangkok, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha đã dự lễ ký kết các hiệp định về đường sắt và nông nghiệp, trị giá hơn 10 tỉ đôla.
Hiệp định về nông nghiệp dự trù Trung Quốc sẽ mua 2 triệu tấn gạo và 200 ngàn tấn cao su của Thái Lan. Hiệp định về đường sắt bao gồm dự án xây dựng hai tuyến đường sắt, trong đó một tuyến sau này sẽ là tuyến đường sắt cao tốc, trong khuôn khổ một dự án rộng lớn hơn, nhằm nối liền tỉnh Vân Nam Trung Quốc với Singapore. Hai dự án đường sắt nói trên sẽ được khởi công vào năm 2016 và dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2022.
Từ hơn 20 năm qua, Bắc Kinh vẫn hô hào xây dựng tuyến đường sắt Vân Nam - Singpore, nhằm củng cố ảnh hưởng và gia tăng trao đổi thương mại với các nước Đông Nam Á, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Vân Nam.
Các hiệp định vừa ký với Thái Lan thật ra chỉ là một phần trong những nỗ lực của Thủ tướng Lý Khắc Cường trong tháng này nhằm cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc với các nước ASEAN sau một mùa hè đầy căng thẳng do các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, đặc biệt là do việc Bắc Kinh đưa giàn khoan đến khu vực Hoàng Sa.
Chỉ một ngày sau khi ký các hiệp định với Thái Lan, tại hội nghị thượng đỉnh Mekong, lãnh đạo chính phủ Trung Quốc đã hứa sẽ cấp cho bốn nước Cam Bốt, Lào, Việt Nam và Miến Điện một khoản tín dụng hơn 11,5 tỉ đôla, chủ yếu cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển công nghiệp.
Vào tháng 11 vừa qua, nhân hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Nay Pyi Daw, ông Lý Khắc Cường cũng đã hứa các khoản vay với lãi suất thấp tổng cộng 20 tỉ đôla cho 10 nước Đông Nam Á để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng.
Trong những tháng gần đây Trung Quốc đã đổ rất nhiều tiền của vào vùng Đông Nam Á để cố làm dịu hình ảnh của một cường quốc khu vực hiếu chiến, chỉ biết dùng sức mạnh để lấn át láng giềng, nhất là trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Đây rõ ràng là một sự chuyển hướng trong chính sách ngoại giao của Bắc Kinh. Cụ thể, là Trung Quốc nay đặt ưu tiên ngày càng nhiều cho quan hệ với các nước láng giềng Đông Á và Đông Nam Á, hơn là với Hoa Kỳ và các cường quốc khác, nói chung là với các nước phát triển. Bắc Kinh lại càng cần phải ve vãn các nước Đông Nam Á để đối đầu với chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Hoa Kỳ. Chính sách của họ là thuyết phục các nước láng giềng Đông Nam Á là tất cả mọi người sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Càng củng cố vị thế cường quốc ở châu Á, Trung Quốc lại càng khó chấp nhận các nước Tây phương can thiệp vào khu vực này, nhất là trong vấn đề Biển Đông. Thành ra Bắc Kinh vẫn dứt khoát chống lại việc đưa tranh chấp này ra trước Tòa án Trọng tài Quốc tế.
Và cũng để đối đầu với Hoa Kỳ và đồng minh Nhật Bản, Bắc Kinh cũng đang cố thiết lập một liên minh Âu-Á-Phi, thể hiện qua chuyến viếng thăm gần đây của Thủ tướng Lý Khắc Cường đến Kazakhstan và Serbia, trước khi đến Thái Lan vào tuần trước. Kể từ khi lên cầm quyền vào tháng 03/2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận cũng đã thăm nhiều nước châu Âu và châu Á.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment