Đặt tên gì cho sân bay Long Thành?
- 27 tháng 6 2015
Các báo Việt Nam nói sân bay Long Thành sẽ đạt cấp 4F (theo phân cấp của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế - ICAO), nhưng không nói rõ Việt Nam sẽ xin đăng ký tên sân bay này theo mã IATA là gì.
Cùng lúc, báo chí cũng nói chính phủ Việt Nam vẫn còn phải duy trì phi trường Tân Sơn Nhất, thậm chí mở rộng phần cảng hàng không quốc tế để đáp ứng nhu cầu tăng lên.
Mọi người đều nhớ kể từ sau khi chính quyền Việt Nam thống nhất đổi tên thành phố Sài Gòn, thủ đô Việt Nam Cộng Hòa, thành TP Hồ Chí Minh, mã của Tân Sơn Nhất vẫn được giữ và dùng đến ngày nay, là SGN.
Số phận của SGN
SGN hiện ra trên mọi tấm vé máy bay cho hàng triệu người bay ra, bay vào phía Nam Việt Nam, bất kể họ là người Việt Nam hay nước ngoài.
Dù đây là một dấu ấn của quá khứ, nó cũng có lý do tồn tại, tiện lợi cả về mặt kỹ thuật, kinh tế.
Theo quy định của IATA (International Air Transport Association) trong phần xác định địa điểm của sân bay (location identifier), mỗi sân bay chỉ hiện ra với ba chữ.
Hà Nội là HAN, Miami là MIA, Singapore là SIN, Sydney là SYD, London City Airport là LCY.
Tôi không rõ vì sao sau năm 1976 người ta không yêu cầu đổi mã cho Tân Sơn Nhất nhưng có thể hiểu được rằng nếu đổi thành HCM thì không đủ, vì theo tiếng Việt đó là tên riêng của một người.
Mà ghép thêm chữ thành HCMC thì lại quá dài theo tiêu chuẩn IATA.
Hồi đầu thế kỷ 20, mã của sân bay giống mã của trạm thời tiết, nên ta có LA cho Los Angeles, LH cho London Heathrow.
Sau vì với số sân bay ngày càng tăng trên thế giới, thậm chí chỉ quanh một thành phố lớn, hệ thống này trở nên bất cập.
Ví dụ ngay ở cạnh London có thêm Gatwick, Stansted, Luton đều có tiêu chuẩn quốc tế, chưa kể các phi trường tư nhân, nội địa hoặc có sân bay nằm ngay trong London nhưng nhỏ xíu mà vẫn bay đi châu Âu như London City Airport.
Vì thế, người ta tách tên sân bay ra khỏi mã sân bay, và giải quyết tiền lệ bằng cách cho thêm chữ X vào những sân bay đã có.
Từ đó ta có LAX cho Los Angeles (từ 1947), và London Heathrow thành LHX.
Cùng lúc, cả tên của sân bay và địa điểm trở nên dài hơn, ghép lại bởi điểm đáp xuống hoặc cất cánh và đô thị mà sân bay phục vụ, bất kể khoảng cách thực địa giữa hai nơi.
Như tại London có London Stansted Airport (STN), dù Stansted cách London vài chục cây và đây là hai vùng khác hẳn nhau về hành chính ở Anh.
Nhưng sợ nhất là một lần tôi bay đi Thuỵ Điển và mua vé tới sân bay Skavsta, Stockholm.
Ngồi lên máy bay nhìn vào vé mới giật mình vì mã của nó là NYO, cứ ngỡ như mình bay nhầm đi New York bên Mỹ.
Hoá ra, đây là sân bay Nyköping Airport, cách Stockholm tới 100 km, xuống sân bay phải đi bus khá lâu để về thành phố.
Thế nhưng cái tên của nó vẫn là Stockholm Skavsta Airport.
Gọi sân bay mới là gì?
Trở lại chuyện Việt Nam thì tên 'quốc tế' của Tân Sơn Nhất nay là Tan Son Nhat International Airport (SGN) Ho Chi Minh City, Vietnam (VN).
Nó gồm cả điểm đến (đô thị mang tên lãnh tụ cộng sản Hồ Chí Minh), tên riêng của sân bay (do người Pháp xây trong thập niên 1930) và mã là Sài Gòn, một thủ đô cũ.
So với sân bay lớn ở Jakarta là Soekarno-Hatta International (CGK), chỉ gồm tên hai nhà chính trị Indonesia ghép lại, thì Tân Sơn Nhất -SGN phong phú hơn nhiều, phản ánh một lịch sử khó quên.
Nhớ lại hồi năm tháng 12/2004, chiếc Boeing 747-400 là phi cơ hành khách đầu tiên của Hoa Kỳ bay trở lại Sài Gòn từ khi chuyến bay cuối cùng của Pan Am rời thành phố này tháng 4/1975.
Hẳn với tổ bay của chuyến bay UA 869 có cảm giác như 'về lại chốn cũ' vì mọi mã vùng đều không đổi từ 1975.
Trong lịch sử hành không quốc tế, giữ một tên theo mã IATA dù tên đô thị đã đổi không phải là chuyện chưa từng xảy ra.
Sau Sài Gòn thì đến khi Liên Xô sụp đổ, chính quyền Nga đổi Leningrad thành St. Petersburg nhưng vẫn giữ mã LED.
Trên thực tế, toàn bộ tên của sân bay này là Pulkovo Airport (LED) St. Petersburg, Russia (RU).
Câu hỏi tới đây là Việt Nam sẽ xin mã gì cho sân bay Long Thành, dự kiến lớn hơn nhiều so với Tân Sơn Nhất.
Cách làm thực tiễn nhất và tôn trọng lịch sử nhất là vẫn giữ SGN cho Tân Sơn Nhất chứ không lấy nó để đặt cho Long Thành.
Riêng cho sân bay 'khổng lồ' mới này, điều chắc chắn là việc chọn mã cho nó sẽ không hề dễ.
Như đã nói ở trên, dùng tên TPHCM đặt cho nó là không ổn vì chỉ gọi là HCM (như CDG cho sân bay Charles de Gaulle, Pháp), thiếu chữ C cho City thì có thể 'không tôn trọng' với tên cố lãnh tụ, theo cách hiểu của một số người Việt, dài hơn thì không được.
Đặt là LGT, LTH hay LGH cũng không ổn vì đã có các sân bay ở Tây Ban Nha, Hoa Kỳ và Úc chiếm mất mã đó.
Nếu cố ghép Long Thành, Đồng Nai để ra LTD cũng vẫn kẹt vì đã có một sân bay ở Libya dùng mã này.
Tuy thế, Việt Nam còn cả 10 năm để chọn ra tên sân bay thế nào cho phù hợp.
Xét cho cùng chuyện đặt tên cũng không quan trọng bằng việc xây sân bay ra sao cho tốt và vận hành nó thế nào để xứng đáng với những khoản tiền khổng lồ bỏ ra.
No comments:
Post a Comment