Nền tư pháp trong bóng tối của Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin trên màn hình Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Pétersbourg 2015 (SPIEF 2015) ngày 09/06/2015.REUTERS/Grigory Dukor
Liên quan đến nước Nga, thông tín viên Le Figaro tại Matxcơva có bài điều tra mang tựa đề « Tư pháp trong bóng tối của Putin ». Bộ máy tư pháp và cảnh sát có thể đứng trên pháp luật, truy lùng ráo riết các nhà đối lập dưới mọi hình thức, dưới sự chỉ đạo của ông chủ điện Kremli.
Bài báo nói đến trường hợp của Dimitri Demouchkin, lãnh tụ phe dân tộc chủ nghĩa, đã bị khám xét nhà 14 lần trong 16 năm qua. Mới đây, khoảng hai chục người đã xông vào nhà ông vào buổi sáng, gồm 12 thành viên nhóm Alfa (lực lượng đặc nhiệm của FSB), ba đại diện ủy ban điều tra, các nhân viên chỉ điểm của Ban bảo vệ chế độ Hiến pháp của FSB, và các nhà báo kênh truyền hình thân Kremli NTV.
Dimitri Demouchkin kể lại : « Việc này kéo dài bảy tiếng đồng hồ. Họ buộc tôi nằm sấp mặt xuống đất, đổ nửa lít nước lên mông để chứng minh trên truyền hình là tôi tiểu ra quần vì sợ. Tôi phản đối, thì bị tặng cho hai cái tát. Họ còn đe dọa sẽ quay lại, bỏ ma túy vào nhà để tống tôi vào tù mười năm ».
Ông cho biết, sở dĩ ông bị trấn áp là vì đã từ chối hợp tác với tình báo trong việc cài cắm vào quân đội Ukraina. Còn theo cảnh sát, đương sự bị nghị ngờ đã « kích động hận thù, sỉ nhục phẩm giá con người qua các dấu hiệu tôn giáo » mang tính chống Hồi giáo.
Những người đại diện cho bộ máy tư pháp và cảnh sát Nga được mệnh danh là « Siloviki », hay những người nắm quyền hành trong tay (sila trong tiếng Nga có nghĩa là quyền lực). Vào thời Liên Xô cũ, chưa kể đến thời kỳ cai trị khủng khiếp của Stalin, các nhà đối lập không bị bắt vì tội tham nhũng hay các tội danh kinh tế, mà bị truy tố vì tội đi lệch đường lối của đảng.
Chỉ có KGB (hay vô số tiền thân như Tchéka, NKVD…) nắm quyền sinh quyền sát theo sự chỉ đạo của đảng Cộng sản. Ban 5 của KGB được thành lập năm 1967 dưới thời Leonid Brejnev, chuyên truy lùng các nhà đối lập, và rốt cuộc họ thường bị tống giam hay cho vào nhà thương điên.
Cảnh báo những « cuộc cách mạng màu »
Ngày nay, KGB được thay thế bằng FSB (Cơ quan an ninh liên bang). Các nhân viên cơ quan này cũng làm việc trong và ngoài phạm vi nước Nga, nhưng những mối đe dọa đã trở nên đa dạng hơn. Giám đốc Alexandre Bortnikov là một người kín đáo, khắc khổ, đầy kinh nghiệm trong ngành an ninh chứ không thuộc băng Saint Petersbourg của Vladimir Putin.
Không chỉ vì sự cảm thông của người cùng trang lứa hay tri thức với người đứng đầu Kremli, mà Cơ quan an ninh liên bang với trên 100.000 nhân viên, tiếp tục ngự trị bộ máy trấn áp. Nhưng xung quanh hành tinh an ninh, là vô số vệ tinh. Nếu các tội phạm cổ trắng nay là mục tiêu thông thường, ưu tiên của bộ máy là ngăn ngừa những « cuộc cách mạng màu » dẫn đến lật đổ chế độ, như ở Ukraina tháng 2/2014.
Trước chu kỳ bầu cử mới, bắt đầu với cuộc bầu cử Quốc hội vào mùa thu 2016, cảnh giác càng tăng cao. Các nhà đối lập dân tộc chủ nghĩa cũng như phái tự do cùng là đích nhắm. Putin mới đây cảnh báo : « Hành động của những kẻ cực đoan ngày càng tinh tế. Chúng ta vấp phải xu hướng sử dụng « những kỹ thuật màu », từ tổ chức biểu tình cho đến tuyên truyền kích động hận thù trên các mạng xã hội ». Trước mối đe dọa này, lời đáp cũng tinh vi hơn. Bộ Nội vụ có riêng ban E, chuyên đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan, được FSB kiểm soát.
Cạnh tranh ngay trong các tổ chức an ninh
Đặc biệt ông chủ Kremli có thể trông cậy vào sự trung thành tuyệt đối của Alexandre Bastrykin, chủ tịch Ủy ban điều tra, từng học chung với Putin ở Đại học Luật Saint Petersbourg. Được thành lập năm 2011, tổ chức này chỉ tuân lệnh của Putin.
Alexander Khinstein, dân biểu thuộc đảng Nước Nga Thống nhất hồi năm 2012 tố cáo : « Bastrykin tự cho phép mình làm mọi thứ : đưa các nhà báo vào rừng rồi đe dọa thủ tiêu họ, lập cơ sở kinh doanh ở nước ngoài… ». Đặc biệt Ủy ban điều tra tập trung cho các vụ án kinh tế nhắm vào đối lập. Hôm 9/6, Ủy ban đã khởi tố hình sự dân biểu Ilia Ponomarev, người từng tham gia biểu tình chống Putin năm 2011, với tội danh « đồng lõa biển thủ ».
Ủy ban điều tra với gần 20.000 nhân viên cũng truy bức Alexei Navalny trong ba vụ án khác nhau, chủ yếu với tội danh lừa đảo. Nhà đối lập số 1 với Vladimir Putin nói rằng ông đã trở thành tội đồ của ủy ban này.
Hai vụ khác nhắm vào Navalny đã dẫn đến các bản án. « Kịch bản sử dụng luôn giống nhau, dựa trên nguyên tắc coi thương mại là lừa đảo. Nếu anh mua một món gì đó với giá ba rúp rồi bán lại năm rúp, có nghĩa là anh đã cướp của người khác hai rúp ». Luật sư của Navalny, ông Vadim Kobzev, từng là nhân viên của Ủy ban điều tra suốt năm năm, giải thích.
Riêng về cáo buộc ông Navalny trộm một bức tranh, thật ra chỉ là một bức vẽ được gỡ khỏi tấm pa-nô trên đường để tặng cho nhà đối lập. Luật sư Kobzev mỉa mai : « Vụ này vốn không cảnh sát viên hay đồn cảnh sát nào thèm để ý, đã được đưa lên cấp liên bang, huy động ít nhất 10 điều tra viên, chưa kể các nhân viên FSB ». Rốt cuộc nhà hoạt động chỉ bị kết án 240 giờ lao động công ích.
Các cơ quan an ninh cũng cạnh tranh lẫn nhau, và chỉ có một người đóng được vai trọng tài, đó là Vladimir Putin. Nhưng về nguồn thu nhập, lương cao nhất của một thanh tra trong Ủy ban điều tra khoảng 1.200 euro và ở tỉnh chỉ phân nửa, không đủ chứng tỏ đẳng cấp. Thế nên các viên chức lãnh đạo sẵn sàng bảo kê cho các chủ doanh nghiệp hay cấp dưới – một thị trường cạnh tranh mà ngược với thời Eltsine, khi các Siloviki do những đại gia khống chế, nay thì ông Putin kiểm soát được.
Trong nhà tù cộng sản Rumani
Nhật báo công giáo La Croix nói về sự khủng khiếp trong nhà tù tại một nước cộng sản cũ khác là Rumani. Tờ báo trích đăng lời kể của Ioan Boila, là bác sĩ đã gia nhập một nhóm chống cộng, thuật lại tám năm tù ngục mà chỉ có đức tin và lời cầu nguyện mới khiến ông có thể cầm cự được.
Buổi sáng ngày đầu năm mới 1956, ông Boila đang đi dạo với một người thân thì bỗng hai chiếc xe màu đen ép sát. Tám người bước xuống, đẩy họ lên xe và tống vào nhà giam. Khoảng bốn chục người tù chen chúc như cá mòi trong buồng giam rộng 5 mét dài 6 mét. Ban đêm, nếu có ai đó trở mình, thì tất cả những người khác đành phải đổi tư thế theo. Luôn có một người không có chỗ ngủ, phải co mình quanh bồn cầu, buổi tối bị những bạn tù tiểu tiện xung quanh.
Ông nhấn mạnh, do chế độ cộng sản luôn rêu rao « Lao động là giá trị cao nhất của xã hội », « Con người là vốn quý nhất », lao động thường được sử dụng không chỉ như một phương thức trừng phạt, bóc lột, mà còn để đày ải các đối thủ chính trị. Tất cả mọi người đều phải làm việc theo cùng chuẩn mực, một sự hành hạ đối với những người có tuổi.
Hy Lạp đang đứng bên bờ vực
Trên lãnh vực kinh tế, mọi cặp mắt đều đổ dồn vào Hy Lạp. Le Figaro chạy tựa trang nhất « Hy Lạp bên bờ vực thắm ». Tương tự, Les Echos nhấn mạnh « Trên đường dẫn đến hỗn loạn ».La Croix cho rằng đây là « Ván bài tẩy của ông Tsipras », Libération dành 6 trang báo cho đề tài này với dòng tựa trang bìa « Cái tát cho các nền dân chủ », còn bài viết trên trang nhất tờ Le Monde mang tựa đề « Hy Lạp : Vũ khí trưng cầu dân ý ».
Theo Le Figaro, Hy Lạp không nên có chỗ trong khu vực đồng euro. Athens trở thành thành viên do sự thiếu phối hợp giữa các định chế châu Âu và các nước lớn, đứng đầu là Pháp và Đức. Một đồng tiền chung đòi hỏi một sự quy tụ tính cạnh tranh của các nền kinh tế tham gia, chấp nhận việc đóng thuế, ý thức và khả năng cân bằng ngân sách.
Với cuộc khủng hoảng tài chính và sự kết thúc tín dụng rẻ, những chiếc mặt nạ đã rơi xuống ở Hy Lạp, và cũng ở Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Tất cả, trừ Hy Lạp, đã chọn lựa việc cải cách để cố duy trì đồng euro. Dù nạn thất nghiệp vẫn cao, nhưng Tây Ban Nha nay đã tìm lại được tăng trưởng.
Câu hỏi còn lại là liệu Hy Lạp có thể giữ được chiếc ghế trong khu vực đồng euro hay không. Không có cách nào khác là tiếp tục các cải cách đầy khó khăn, với hy vọng làm thăng bằng được ngân sách, giảm chi tiêu công, tạo tính cạnh tranh – dấu hiệu của thịnh vượng.
Theo tờ báo, ông Tsipras không tin vào điều đó và đề nghị dân tộc mình nhảy vào khoảng không vô định. Bây giờ đến phiên người dân Hy Lạp phải chọn lựa, và câu trả lời sẽ được đưa ra vào Chủ nhật tới.
Bước nhảy vào chốn vô định
Tương tự, La Croix cũng nhắc đến phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Ireland, Michael Noonan, về cảm giác « nhảy vào nơi vô định » được chia sẻ tại nhiều thủ đô châu Âu sau khi Thủ tướng Hy Lạp loan báo tổ chức trưng cầu dân ý. Trước mắt, Đức và Hà Lan đã yêu cầu các công dân nước mình khi đi nghỉ hè ở Hy Lạp nên thủ sẵn tối đa tiền mặt.
Nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng đây là « chính sách tệ hại ». Thoạt nhìn thì « Grexit » sẽ chỉ làm các nước châu Âu bị mất số tiền đã cho vay, làm tăng nợ công mỗi nước lên một ít. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó, mà trong những cuộc khủng hoảng sắp tới, khu vực đồng euro sẽ phải gánh chịu những trận bão tài chính dữ dội, do tín nhiệm bị lung lay.
Les Echos nhấn mạnh, chưa bao giờ từ 1930 đến nay, sự hèn nhát của các chính phủ lại lộ rõ như thế. Tại Hy Lạp, chính quyền bất lực trong việc duy trì lời hứa tranh cử : vừa từ chối khắc khổ vừa muốn ở lại eurozone. Họ cũng không có khả năng thương lượng với các đối tác châu Âu, và nay muốn trút bỏ trách nhiệm cho người dân. Tờ báo cũng trách móc các chính phủ châu Âu khác đã không nắm con bò rừng Hy Lạp nơi cặp sừng của nó.
Tờ báo kết luận, không chỉ Hy Lạp đang trượt trên bờ dốc đứng, mà toàn thể châu Âu cũng đang có nguy cơ tan rã. Vào lúc mà châu Á, châu Phi và châu Mỹ đang tìm cách khai thác con đường hội nhập.
Khủng bố : Dân chủ chống lại bạo tàn
Bên cạnh vấn đề nợ Hy Lạp, một chủ đề quan trọng khác trên các báo Paris hôm nay là nạn khủng bố, sau ba vụ khủng bố vào cuối tuần trước tại Pháp, Tunisia và Koweit.
Bài xã luận của Le Monde kêu gọi « Đoàn kết chống lại sự man rợ » trước hiện tượng mà tờ báo gọi là « thảm sát không biên giới ». Bọn khủng bố Hồi giáo một lần nữa đã gieo rắc chết chóc, đau thương và hoảng loạn, khi thứ Sáu tuần rồi đã tấn công hầu như đồng loạt trên nhiều lục địa.
Mục tiêu đầu tiên là trải rộng khủng bố ra khắp nơi, tấn công mạnh lên tinh thần qua hiệu ứng hàng loạt, khai thác tác động truyền thông đặc biệt là mạng xã hội. Kế tiếp là đánh vào kẻ thù khác hệ phái như Koweit, vào du khách phương Tây, và cuối cùng là tấn công các nước đã từng bị khủng bố như Pháp để gây xáo trộn xã hội, hay Tunisia, quốc gia đã can đảm làm dấy lên mùa xuân Ả Rập.
Bên cạnh việc hợp tác chống khủng bố, cần kiên quyết, thống nhất và thường xuyên tái khẳng định các giá trị dân chủ mà theo Le Monde, đây là vũ khí hữu hiệu nhất chống lại bạo tàn.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment