Pháp tăng quyền cho tình báo nhân danh chống khủng bố
Quốc hội Pháp trong một phiên họp đầu tháng 6/2015.REUTERS
Trong bối cảnh vụ bê bối tình báo Mỹ nghe trộm, thu thập thông tin về các Tổng thống và nhiều chính trị gia Pháp, ngày hôm qua, 25/06/2015, Quốc hội Pháp đã thông qua « Luật về tình báo », nhân danh cuộc chiến chống khủng bố, cho phép các cơ quan tình báo, an ninh được nghe lén, thu thập thông tin. Văn bản sẽ có hiệu lực ngay sau khi chính phủ công bố.
Từ năm ngoái, khi được soạn thảo, dự luật về tình báo đã gây nhiều tranh luận. Những người chống đối lo ngại tình trạng theo dõi và nghe lén ồ ạt.
Sau loạt khủng bố hồi đầu tháng Giêng năm nay làm 17 người thiệt mạng, chính phủ cánh tả Pháp muốn sớm có luật về tình báo.
Đạo luật vừa được thông qua quy định các nhiệm vụ của cơ quan tình báo Pháp, từ phòng ngừa khủng bố cho đến ngăn chặn gián điệp kinh tế, đề ra các cơ chế, thủ tục cho phép, kiểm soát các kỹ thuật tình báo, như nghe lén điện thoại, đặt máy quay phim hoặc cài phần mềm gián điệp, tiếp cận với các thông tin kết nối v.v.
Theo Thủ tướng Pháp Manuel Valls, đạo luật tạo khuôn khổ pháp lý và cho phép các cơ quan tình báo, an ninh, hoạt động « có hiệu quả nhất trước mối đe dọa khủng bố nhưng đồng thời đấu tranh chống tội phạm có tổ chức trên quy mô lớn và chống gián điệp kinh tế ».
Tổng thống Pháp François Hollande cho biết sẽ hỏi ý kiến Hội đồng Bảo Hiến để « bảo đảm »là đạo luật « hoàn toàn hợp hiến ». Tuy nhiên, cam kết này cũng không làm dịu các cuộc tranh luận và lo lắng. Khoảng một trăm nghị sĩ không ủng hộ đạo luật cũng sẽ đệ trình văn bản này lên Hội đồng Bảo Hiến. Phe chống đối bao gồm nhiều hiệp hội bảo vệ nhân quyền, các thẩm phán, các cơ quan truyền thông và công đoàn các nhà báo, những đối tác hoạt động trong lĩnh vực tin học.
Theo dân biểu cánh hữu, cựu Bộ trưởng Pierre Lellouche, được AFP trích dẫn, thì luật về tình báo có nguy cơ dẫn đến tình trạng « theo dõi ồ ạt » đe dọa các quyền tự do và đó « không phải là phương tiện tốt nhất để chống khủng bố ».
Ông Frans Timmermans, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Châu Âu, nhận định, trên phương diện quốc tế, đạo luật này gây nhiều lo lắng, đặc biệt tại Hội đồng Châu Âu và Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu. Cụ thể là văn bản « có thể đặt ra nhiều vấn đề về luật pháp », nguy cơ vi phạm Hiến chương Châu Âu về các quyền cơ bản.
Cho đến phút chót, chính phủ đã phải can thiệp, cho rút ra khỏi văn bản dự luật cuối cùng một điều khoản cho phép theo dõi, không cần có kiểm soát, những người nước ngoài chỉ đi qua Pháp. Điều khoản này do một dân biểu đảng Xã hội đưa ra và được kín đáo cài vào dự luật tuần trước.
Có một điều khoản trong đạo luật bị phản đối mạnh mẽ nhất : đó là việc cài đặt các công cụ phân tích tự động trên các mạng viễn thông nhằm phát hiện ra « mối đe dọa khủng bố », trước « một loạt các dữ liệu kết nối đáng nghi ngờ ». Những người phản đối đạo luật coi công cụ này như một loại « hộp đen », giống như cơ quan tình báo Mỹ NSA đã làm, « theo dõi đại trà », ồ ạt, trên diện rộng.
Tối thứ Ba, 23/06, tức là ngay trước khi Quốc hội Pháp thông qua luật về tình báo, WikiLeaks đã cho công bố, thông qua báo Libération và website Médiapart, các tài liệu tình báo Mỹ theo dõi ba Tổng thống Pháp, Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và François Hollande, trong nhiều năm.
Thời điểm tiết lộ các thông tin này không phải là ngẫu nhiên. Báo Liberation và website Médiapart gần như đi đầu trong việc phản đối luật về tình báo. Theo Libéeration, đạo luật cho phép « phân tích tất cả, nghe lén bất kể ai, trong một xã hội bị ám ảnh bởi khủng bố. Đó là trường hợp nước Mỹ hậu 11/09. Và đó sẽ là trường hợp nước Pháp hậu 07/01, với việc triển khai luật về tình báo ».
Nhà báo Edwy Plenel, nguyên trưởng ban biên tập báo Le Monde, người sáng lập website Médiapart, đã từng bị nghe trộm trong những năm 1980. Vào thời đó, những người thân cận của cố Tổng thống thuộc đảng Xã hội François Mittérrand đã thiết lập trái phép, ngay tại Phủ Tổng thống- điện Elysée, một mạng lưới nghe trộm nhiều nhà báo, trí thức, văn nghệ sĩ.
Theo tòa án Pháp, mạng lưới này có mục đích ngăn chặn, giữ kín những thông tin liên quan đến đời tư của ông Mittérrand, đặc biệt là việc ông có con ngoài giá thú, việc ông bị ung thư được phát hiện từ năm 1981 cũng như quá khứ của ông liên quan đến chính quyền Vichy trong đệ nhị thế chiến.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment