Sunday, June 28, 2015

"Chủ nghĩa xét lại": Shinzo Abe bị thế giới chỉ trích

"Chủ nghĩa xét lại": Shinzo Abe bị thế giới chỉ trích

mediaThủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) duyệt hàng quân Lực lượng tự vệ. Ảnh chụp ngày 27/10/2013.REUTERS/Issei Kato/Files
Nhật Bản nên nhìn thẳng vào quá khứ lịch sử. Chủ nghĩa Hiếu hòa là nền tảng xây dựng niềm tin với các quốc gia lân cận trong khu vực và thế giới. Đó cũng là điều đã làm nên danh dự cho Nhật Bản trong gần 70 năm qua. Trên đây là lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế nhân dịp gần đến ngày kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh Thái Bình Dương, 15/08/1945. Chủ đề này được nhật báo Le Monde, số ra ngày 27/06/2015 phản ảnh lại qua bài viết « Thế giới chỉ trích chủ nghĩa xét lại của ông Shinzo Abe ».
Nhật báo cho biết, ngày 28/06/2015 sẽ diễn ra phiên họp của Ủy ban về Di sản Thế giới, nhưng các bất đồng giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Triều Tiên (hai miền) đã có nguy cơ nổ ra. Tokyo đề nghị ghi vào Di sản Thế giới 23 địa điểm tượng trưng cho cuộc cách mạng công nghiệp thời Minh Trị Thiên Hoàng (1868-1912). Lời đề xuất đó đã bùng lên những phản đối của các nước xung quanh cho rằng 7 trong số đó từng là địa điểm lao động cưỡng bức, nhất là của hơn 58.000 người Triều Tiên. Cuối cùng Nhật Bản cũng đồng ý đặt những tấm biển nhắc lại nỗi đau khổ của những nạn nhân có liên quan đến những địa điểm này.
Bên cạnh đó, hàng trăm sử gia và chính trị gia Âu - Mỹ, trong một thư ngỏ ủng hộ các sử gia Nhật Bản, kêu gọi chính phủ Shinzo Abe nhìn nhận quá khứ lịch sử, về việc khai thác gần 200.000 « gái giải sầu » Châu Á và một vài người Châu Âu cho quân đội Thiên hoàng. Hay như thảm họa có tên gọi là Đơn vị 731, bộ phận đã cho thực hiện các thí nghiệm vi trùng học trên các tù nhân Trung Quốc tại Cáp Nhĩ Tân trong suốt cuộc chiến.
Ông Akira Yamada, một sử gia trường đại học Nhật hoàng tại Tokyo cho rằng « nhiệm vụ của các nhà sử học là phải chỉ ra những mặt trái, bất hợp pháp và vô đạo đức của cuộc chiến ». Về phần mình, Berlin cũng kêu gọi Nhật Bản hãy tôn trọng quá khứ. Không phải bằng việc tô diểm những trang sử đen, dưới danh nghĩa danh dự quốc gia mà ông Abe có thể cải thiện được hình ảnh đất nước. Theo nước Đức, chính chủ nghĩa chủ hòa có từ gần 70 năm qua chứ không phải là do việc hồi phục lại quá khứ đáng bị lên án đó đã làm nên danh dự cho Nhật Bản.
Dân Nhật ngày càng phản đối dự thảo luật quốc phòng
Còn tại trong nước, Le Monde cho biết « Làn sóng phản đối dự án cải cách chính sách quốc phòng tại Nhật ngày càng gia tăng ». Do bởi Thủ tướng Nhật Bản muốn hiệu chỉnh điều khoản số 9 trong Hiến pháp hòng tăng cường hơn nữa vai trò quân sự của Tokyo trên chính trường quốc tế.
Le Monde nhắc lại điều số 9 trong Hiến pháp Chủ hòa qui định nghiêm cấm Nhật Bản gây chiến bên ngoài, nhưng vẫn cho phép đảo quốc này tham gia vào hệ thống phòng thủ chung. Do đó, chính quyền ông Shinzo Abe, được Mỹ ủng hộ, mong muốn gia tăng hơn nữa vai trò của Nhật Bản trên phương diện quốc phòng. Bởi đây là vấn đề đáp ứng « một môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đã bị thay đổi một cách cơ bản » và nhất là vì lý do « sự tiến triển tương quan lực lượng ».
Thế nhưng, theo Le Monde, dự thảo luật của ông Shinzo Abe ngày càng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều nhà lập hiến, nhiều cựu quan chức văn phòng pháp chế của chính phủ, phe đối lập cũng như là của nhiều nhân sĩ trong nước. Những người này cho rằng dự thảo luật của ông Shinzo Abe đã vi hiến, nhất là điều khoản số 9. Lực lượng tự vệ của Nhật chỉ có thể được tham gia hệ thống phòng thủ chung trong trường hợp đất nước bị đe dọa. Do đó, theo những người phản đối dự thảo luật « trong mọi trường hợp hiện nay, một cuộc khủng hoảng trong khu vực chưa thể đe dọa đến sự tồn tại của Nhật Bản ».
Le Monde nhận định ông Shinzo Abe có lẽ sẽ rất khó mà thuyết phục công luận trong nước. Theo một thăm dò do đài truyền hình Nhật Bản thực hiện, 62,5% số người được hỏi cho biết phản đối dự thảo luật và 63,7% người chống lại việc thông qua đạo luật an ninh. Thăm dò cũng cho thấy độ tín nhiệm của thủ tướng chỉ ở mức có 41,1%, mức thấp nhất kể từ khi ông trở lại cầm quyền vào cuối năm 2012.
Chu Vĩnh Khang - Tập Cận Bình : Sự đối đầu giữa « hổ » và « rồng »
Chu Vĩnh Khang từng là con người đáng gờm nhất tại Trung Quốc. Nhưng cuối cùng thì Chủ tịch Tập Cận Bình, kẻ thù số một của ông đã thắng cuộc và đã thành côngtrong việc kết án tù ông suốt đời. Về chủ đề này, tuần san L’Obs có bài nhận định đề tựa « Tại Bắc Kinh, sự sụp đổ của ông Chu Khủng Khiếp ».
« Sa hoàng an ninh » biệt danh báo chí phương Tây đặt cho Chu Vĩnh Khang, còn cư dân mạng trong nước gọi ông là « Vua âm phủ ». Bởi lẽ khi còn tại quyền, ông Chu điều hành điều mà người ta gọi là « quyền lực thứ tư », một đế chế trấn áp thật sự với hơn 10 triệu nhân viên công lực và với một ngân sách khổng lồ 100 tỉ đô la, cao hơn cả ngân sách dành cho quốc phòng.
Quyền lực đến vậy, mà cái ông Chu Khủng khiếp này lại ngoan ngoãn cuối đầu nhận tội, chấp nhận bản án chung thân do Tòa án Tối cao Trung Quốc tuyên ngày 11/06 vừa qua. Vì sao ? Bởi vì ông đã phạm một sai lầm khủng khiếp đó là làm chao đảo kịch bản chuyển giao quyền lực, kết quả của một quyết định tập thể của đảng Cộng sản Trung Quốc. Bởi vì ông quá tự tin rằng ông có thể đặt lên ngai người của ông và tiếp tục giựt dây điều khiển « đàng sau hậu trường » như cố chủ tịch Giang Trạch Dân từng làm.
Và ông cũng quên rằng ông không xuất thân « hoàng thân quốc thích », thuộc tầng lớp « hoàng tử đỏ » như Tập Cận Bình. Vì là xuất thân từ gia đình nông dân, nên Chu Vĩnh Khang phải nỗ lực rất nhiều để có được danh vọng như ông muốn. Đến mức trở thành một nhân vật không thể thiếu trong guồng máy.
Chính từ lúc này Chu Vĩnh Khang bắt đầu trở thành Chu Khủng khiếp. Bởi lẽ chính ông là người đã ra lệnh trấn áp cuộc nổi dậy tại Lhassa năm 2008 và các cuộc bạo động tại Tân Cương năm 2009. Cũng chính ông ra lệnh đàn áp những người khiếu nại phản đối các vụ cưỡng chế đất đai, những cư dân mạng chỉ trích chính phủ, những sư sãi trung thành với đức Đạt Lai Lạt Ma, các nhân sĩ Duy Ngô Nhĩ dám tố cáo nạn kỳ thị, hay như các nhà đối lập…
Càng được chính phủ đánh giá cao, ông càng bị người dân căm ghét. Và càng nhiều quyền lực, ông càng tự tin rằng mình là trên tất cả. Trong ngần ấy năm cầm quyền, Chu Vĩnh Khang đã thiết lập cho mình một mạng lưới thân tín, một đế chế riêng của mình, giống như là một «Nhà nước trong Nhà nước ». Cho đến khi Bạc Hy Lai, người ông bảo vệ đến cùng bị bắt và bị kết án tù. Và đó cũng là lúc báo hiệu sự khởi đầu cho sự sụp đổ của Chu Khủng Khiếp.
« Khiếp hãi » : Trang nhất các báo Pháp
Các vụ khủng bố tại Pháp, Tunisia và tại Koweit xảy ra cùng trong ngày hôm qua lấn át mọi phần tin khác trên các báo Pháp số ra ngày cuối tuần 27/06/2015. « Thánh chiến tởm lợm », «Kinh hoàng Hồi giáo cực đoan », « Kinh hoàng trên mọi mặt trận » hay « Nước Pháp lại bị tấn công khủng bố » lần lượt là những tít lớn trên trang nhất các nhật báo Libération, Le Figaro, Le Parisien và Le Monde.
Hầu hết các báo Pháp chỉ có cùng một từ ngữ để nói về các vụ khủng bố « Kinh hoàng ». Libération xem ngày hôm qua là « Ngày thứ Sáu đen tối », bởi vì chỉ trong cùng có một ngày có đến ba vụ khủng bố đẫm máu ở ba nơi khác nhau. Một vụ tấn công « có vẻ là khủng bố » tại Saint-Quentin-Fallavier, vùng Isere, trung nam nước Pháp. Một vụ nổ súng thảm sát chết chóc tại Sousse, Tunisia. Và một tấn công tự sát trong một thánh đường ở Koweit.
Về vụ khủng bố ở Pháp, đối với Le Parisien đây là lần đầu tiên nạn nhân khủng bố bị lấy thủ cấp xảy ra ngay trên chính lãnh thổ. Người này cũng là ông chủ của kẻ bị tình nghi tác giả vụ tấn công tại Isere. Nhưng nhật báo nhắc lại rằng nạn nhân Pháp đầu tiên của hành động bạo tàn đó là Hervé Gourdel, bị bắt cóc và hành quyết tại Algeri hồi tháng 9 năm rồi.
Bài xã luận « Đáp trả » của Libération kêu gọi một phản ứng có chừng mực hơn. Một mặt nhật báo thiên tả này nhìn nhận rằng chủ nghĩa cực đoan đang gieo rắc kinh hoàng và xúi giục hành động đáp trả mạnh nhất. Mặt khác, Libération cảnh báo những người thuộc «cánh hữu và cực hữu », những người kêu gọi ban bố « tình trạng khẩn cấp », « hành động tức thì», với hy vọng chính phủ đưa ra những biện pháp đặc biệt. Bởi vì, theo nhật báo, tất cả những điều đó chỉ nhắm khơi dậy một « sự nghi kỵ chung » đối với một cộng đồng thiểu số. « Đó cũng chính là điều quân khủng bố muốn làm », tờ báo khẳng định.
Le Figaro : « Lấy thủ cấp, dấu ấn hãi hùng của quân thánh chiến »
Thế nhưng đối với nhật báo cánh hữu Le Figaro, « Lấy thủ cấp, dấu ấn đáng sợ của Hồi giáo cực đoan ». Tờ báo điểm lai các vụ hành quyết của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, từ các phóng viên như James Foley, Steven Sotloff và Kenji Goto cho đến các thường dân. Tính từ tháng 06/2014 đến nay, « tổng cộng có từ 50-80 vụ hành quyết man rợ do tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS thực hiện », theo như giải thích của ông Hasni Abidi, Trung tâm nghiên cứu về thế giới Ả Rập.
Sự việc lần này cho thấy « hành động lấy thủ cấp » giờ đang trở thành « thương hiệu đáng sợ » của quân thánh chiến. Bởi không những hành động tàn ác này « gây nên một nỗi khiếp hãi cực độ, mà nó còn giúp cho Daesh trở nên khác biệt với các nhóm thánh chiến khác, chứng tỏ khả năng của sự kinh hoàng tệ hại nhất », theo như phân tích của ông Patrick Morvan, giáo sư đại học Pantheon-Assas, chuyên gia về tội phạm học.
Còn đối với ông Antoine Basbous, sáng lập viên Đài quan sát các quốc gia Ả Rập, « Tại Irak và Syria, thông điệp đưa ra rất rõ ràng : hãy phục tùng hay là quý vị sẽ còn tệ hơn cái chết ». Theo Le Figaro, quân thánh chiến đôi khi cố biện minh cho tội ác của mình bằng cách đề cập đến kinh Coran. Trên thực tế, có hai đoạn kinh khuyên là hãy đánh vào cổ của đối thủ, nhưng không có đoạn nào trong kinh Coran đặc biệt có nhắc đến việc lấy thủ cấp.
Pháp cấm chi trả bằng tiền mặt trên 1.000 euro
Trong bối cảnh hiện nay, chính phủ Pháp vừa ban hành một nghị định nghiêm cấm mọi khoản chi trả bằng tiền mặt « trên 1.000 euro » thay vì là 3.000 euro như hiện nay, theo như tiết lộ của Le Parisien. Nghị định này được công bố trên Công báo của Pháp sáng hôm nay 27/06/2015.
Tờ báo nhấn mạnh là biện pháp trên nhằm hạn chế bớt các hoạt động giao dịch tài chính trái phép trong kinh tế để chống lại « hoạt động tài trợ khủng bố » hiệu quả hơn. Biện pháp này lại không áp dụng cho những người không cư ngụ tại Pháp. Nhưng họ phải trình giấy tờ tùy thân cho mọi khoản chi trả bằng tiền mặt trên 1.000 euro.
Cùng chủ đề

No comments:

Post a Comment