Tuesday, June 23, 2015

Thông điệp của Đức giáo hoàng Phanxicô về môi sinh

Thông điệp của Đức giáo hoàng Phanxicô về môi sinh

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-06-23

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Một poster của Đức Thánh Cha Phanxicô với lá thư viết tay nói về thông điệp của ông về biến đổi khí hậu mang tên "Laudato Sii", một bộ sưu tập các nguyên tắc để hướng dẫn giáo huấn Công giáo, đã được trình bày ngày 18 Tháng Sáu 2015 tại hội trường Sinod t
Một poster của Đức Thánh Cha Phanxicô với lá thư viết tay nói về thông điệp của ông về biến đổi khí hậu mang tên "Laudato Sii", một bộ sưu tập các nguyên tắc để hướng dẫn giáo huấn Công giáo, đã được trình bày ngày 18 Tháng Sáu 2015 tại hội trường Sinod tại Vatican.
 AFP

Người đứng đầu giáo hội Công giáo La Mã, giáo hoàng Phan xi cô, vào tuần qua cho công bố thông điệp về môi trường. Đây là văn kiện được giới chuyên gia môi trường quan tâm.
Vậy một số điểm đáng chú ý mà một vị giáo chủ tôn giáo nêu lên về vấn đề môi sinh hiện nay là gì? Giáo hội Công giáo tại Việt Nam đón nhận sứ điệp liên quan đến môi trường sống của con người nói chung và của người giáo dân nói riêng thế nào? Lâu nay đang có những chương trình gì được thực hiện để bảo vệ môi trường do giáo hội Công giáo tại Việt Nam đề ra?
Sứ điệp giáo hoàng
Vatican chính thức công bố thông điệp của giáo hoàng Phan xi cô về môi sinh hôm ngày 18 tháng 6 vừa qua. Đây là thông điệp giáo hoàng đầu tiên bàn về vấn đề môi trường của Trái đất. Thông điệp gồm 6 chương trong đó người đứng đầu giáo hội Công giáo hoàn vũ kêu gọi cần có hành động nhanh chóng để cứu hành tinh Trái Đất khỏi những hủy hoại môi trường. Cần có hành động mang tính quyết định để chặn đứng tình trạng suy thoái môi trường, cũng như hiện tượng ấm nóng toàn cầu mà theo giáo hoàng thì chính giới khoa học chứng minh những tác động bất lợi như thế là do chính con người gây ra. Giới khoa học đồng thuận kết luận khí thải từ các loại nhiên liệu hóa thạch do con người sử dụng khiến Trái đất ấm nóng lên.
Kêu gọi được đưa ra trong thông điệp của giáo hoàng là phải giảm đáng kể các loại khí gây ô nhiễm. Công nghệ dựa trên nhiên liệu hóa thạch phải được thay thế ngay và phát triển những loại năng lượng tái tạo.
Giáo hoàng Phan xi cô thúc giục những vị lãnh đạo thế giới lắng nghe điều mà Ngài gọi là ‘tiếng kêu của Trái đất và tiếng than của người nghèo khổ’.
Giáo hoàng Phan xi cô thúc giục những vị lãnh đạo thế giới lắng nghe điều mà Ngài gọi là ‘tiếng kêu của Trái đất và tiếng than của người nghèo khổ’
Bản thân giáo hoàng Phan xi cô là một vị giáo chủ công giáo đầu tiên đến từ một quốc gia đang phát triển, xứ Argentina ở Nam Mỹ. Ngài cổ xúy việc phải thay đổi lối sống tại những quốc gia giàu có nơi mà con người bị cuốn theo văn hóa tiêu dùng ‘thải bỏ’, cũng như thái độ đặt lợi nhuận kinh doanh trên cả ích lợi chung.
Một biện pháp được giáo hoàng đề nghị là hãy tẩy chay sản phẩm của những doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm nhằm buộc thủ phạm phải biết tôn trọng môi trường.
Giáo hoàng Phan xi cô nói rõ trong thông điệp môi sinh rằng việc bảo vệ hành tinh Trái đất là một yêu cầu đạo đức và luân lý của cả những người có đức tin cũng như mọi người khác.
Người đứng đầu giáo hội Công giáo La Mã bác bỏ lập luận cho rằng công nghệ sẽ giúp giải quyết mọi vấn đề môi trường hiện nay. Một biện pháp được nêu ra lâu nay là mua bán ‘tín chỉ carbon’ cũng bị cho là không hiệu quả. Theo giáo hoàng Phan Xi cô thì chương trình ‘ mua bán tín chỉ carbon’ trông như thể là giải pháp ‘nhanh chóng và dễ dàng’; tuy nhiên thực tế có thể đưa đến một hình thức đầu cơ mới duy trì tình trạng tiêu thụ quá mức, không giúp có được thay đổi căn bản cần phải đạt được.
Theo giáo hoàng cần có một khung pháp lý để bảo vệ môi trường.
Những điểm tập kết rác quá tải vẫn còn xuất hiện nhiều ở huyện ngoại ô Hà nội (minh họa)
Những điểm tập kết rác quá tải vẫn còn xuất hiện nhiều ở huyện ngoại ô Hà nội (Dantri.com/minh họa)
Đón nhận & Phản đối
Thông điệp môi sinh của giáo hoàng Phan xi cô nhận được khen ngợi từ giới khoa học gia, Liên hiệp quốc và những nhà hoạt động vì biến đổi khí hậu.
Một vị nguyên thủ lên tiếng hoan nghênh thông điệp môi trường của giáo hoàng là tổng thống Barack Obama. Ông này cho rằng giáo hoàng đã dùng quyền trong cương vị giáo hoàng nêu vấn đề ra một cách rõ ràng, mạnh mẽ để kêu gọi có hành động đối với tình trạng ấm nóng toàn cầu.
Giám đốc quốc tế của tổ chức Hòa Bình Xanh- Greenpeace, ông Kumi Naidoo, cho rằng mọi người dù có đạo hay không, đều có thể và phải đáp ứng lời kêu gọi cần có hành động khẩn cấp, mạnh mẽ.
Các nhà hoạt động môi trường hy vọng thông điệp mà giáo hoàng Phan xi cô đưa ra sẽ gia tăng áp lực để đạt được những hạn chế bắt buộc tại hội nghị vể biến đổi khí hậu sẽ diễn ra tại Paris vào tháng 12 năm nay.
Chuyên gia biến đổi khí hậu hàng đầu của Liên hiệp quốc, bà Christina Figueres, cho rằng kêu gọi của giáo hoàng sẽ hướng thế giới đến một thỏa thuận khí hậu toàn cầu mạnh mẽ và bền vững hơn.
Từ Việt Nam, linh mục Lê Quốc Thăng, thuộc Ủy ban Công lý- Hòa bình của tổng giáo phận Sài Gòn Việt Nam, sau khi nghe thông điệp môi sinh của giáo hoàng Phan xi cô, cho biết sự đón nhận của giáo hội địa phương:
“ Chúng tôi chờ đợi thông điệp này trong tinh thần phấn khởi, hy vọng. Vì khi Đức Thánh Cha Phan xi cô có ý định ra thông điện này thì Hội đồng Tòa Thánh Công Lý- Hòa bình cũng gửi mail cho chúng tôi đề nghị có những đóng góp nào đó về kinh nghiệm cũng như hiểu biết về vấn đề môi trường để Tòa thánh đúc kết làm những tài liệu, tư liệu để Ngài viết lên thông điện này. Cho nên chúng tôi rất chờ mong và vui mừng khi Đức Thánh Cha ra thông điệp này.
Nhưng thực sự mà nói, mọi người- Giáo hội Việt Nam nói chung chỉ dừng lại ở chỗ đón nhận thông tin; biết Đức Thánh Cha có ra thông điệp này thôi còn sự quan tâm triệt để rồi lắng nghe giáo huấn của Ngài và có những chương trỉnh cụ thể thì đến giờ phút này tôi cũng chưa thấy có gì rõ ràng.”
Chuyên gia biến đổi khí hậu hàng đầu của Liên hiệp quốc, bà Christina Figueres, cho rằng kêu gọi của giáo hoàng sẽ hướng thế giới đến một thỏa thuận khí hậu toàn cầu mạnh mẽ và bền vững hơn
Một giáo dân Công giáo tại Hà Nội, cô Thảo Teresa, nói chưa được các giáo sĩ phổ biến thông điệp môi trường của giáo hoàng, nhưng theo cô người đứng đầu giáo hội lên tiếng như thế là điều mà cô rất hoan nghênh:
“ Nếu giáo hoàng, vị lãnh đạo tinh thần mà kêu gọi như vậy thì Ki tô hữu như bản thân chúng tôi cố gắng chuyền tải những thông tin, và cố gắng viện làm của mình làm sao mà thấy tốt cho xã hội, tốt giáo hội thì mình phải ủng hộ và thực hiện. Cố gắng thôi!”
Tuy nhiên thông điệp môi sinh của giáo hoàng Phan xi cô cũng bị một số chỉ trích như của các ứng viên tổng thống cũng như một số vị dân biểu hàng đầu của đảng Cộng hòa tại Hoa Kỳ. Những người này cho rằng giáo hoàng đã lạm bàn sang vấn đề khoa học và chính trị.
Nghị sĩ Jim Inhofe, chủ tịch Ủy ban Môi trường và Công trình Công cộng Thượng viện Mỹ bày tỏ quan ngại thông điệp môi sinh của giáo hoàng Phan xi cô sẽ bị giới cảnh báo ấm nóng toàn cầu sử dụng để ủng hộ các chính sách tăng thuế mà theo ông này sẽ là lớn nhất và đảo ngược nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Về chỉ trích của giáo hoàng đối với chương trình mua bán tín chỉ carbon, Hiệp hội Trao đổi Phát thải Quốc tế, nhóm chuyên vận động cho ngành công nghiệp mua bán tín chỉ carbon, ra thông cáo nói rằng quan điểm của giáo hoàng về vấn đề này là khác biệt hoàn toàn đối với các kinh tế gia và giới phân tích.
Chương trình bảo vệ môi sinh của giáo hội
Giáo hội Công giáo tại Việt Nam lâu nay có những hoạt động gì để bảo vê môi trường trong nước mà nhiều nơi đang ô nhiễm trầm trọng?
Linh mục Lê Quốc Thăng cho biết Tổng giáo phận Sài Gòn lâu nay đã có một số kêu gọi bảo vệ môi trường; tuy nhiên cả giáo hội Việt Nam thì chưa:
“ Chỉ riêng tổng giáo phận Sài Gòn thì đức tổng giám mục Phao lô Ngài quan tâm đến vấn đề này rất nhiều. Đến giờ này thì ngoài việc phổ biến những tài liệu cần thiết về vấn đề môi trường, Đức Tổng cũng chính thức giao trách nhiệm cho Ủy ban Caritas của Tổng giáo phận và có kết hợp với Ủy ban Công lý- Hòa bình để lên những chương trình mục vụ cụ thể, sâu rộng đến tất cả các giáo xứ, đến mọi giáo dân . Thứ nhất để hiểu tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay; thứ hai là có những thói quen, tập tục tốt đối lại với những tập tục như sử dụng túi nylon … để tạo ra tập quán mới nhằm bảo vệ môi trường, làm giảm thiệt hại ô nhiễm môi trường hiện nay.
Chính Ngài cũng mời gọi toàn giáo phận dành một ngày là ngày 13 tháng 3 vừa qua để cầu nguyện, ăn chay cho vấn đề môi trường. Và trên trang web của Tổng giáo phận Sài gòn, Ngài cũng yêu cầu Ban Truyền thông lập ra một chuyên mục về bảo vệ môi trường. Và riêng Ban Công lý- Hòa bình của Tổng giáo phận Sài gòn, trong các tập san phổ biến đến xã hội thì trong hai số này chúng tôi đều tập trung về đề tài môi trường.
Theo tôi được biết thì chưa có một chương trình chung nào ( cho giáo hội Việt Nam). Vào tháng 9 tới đây sẽ có cuộc họp của Hội đồng Giám mục Việt Nam, chắc các Ngài cũng có trao đổi để có một chương trình thống nhất nào đó cho toàn thể giáo hội.
Đó là tình hình hiện nay ở giáo hội Việt Nam.”
Cô Thảo Teresa cho biết tại Hà Nội khi đi dự thánh lễ cô có nghe giảng về chuyện môi trường, nhưng chương trình cụ thể thì chưa có:
“ Tôi đi Nhà thờ Thái Hà thì có nghe các cha giảng về vụ việc vừa rồi Hà Nội cho chặt 6700 cây xanh. Các cha cũng nói gay gắt lắm: đó là sự phá hoại môi trường một cách trầm trọng và các cha lên án. Các cha chỉ nói trên Nhà thờ thôi, và việc làm của chính quyền vừa rồi thì cũng lên án nhiều; nhưng còn chưa có hành động gì đâu!”
Tôi có tham dự một cuộc họp của Liên Hội đồng Giám mục Á châu tại Thái Lan vào cuối năm 2013 bàn về vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, thì các nhà chuyên môn cho thấy Việt Nam là (một trong những) nước chịu tác động nhiều nhất của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu
LM Lê Quốc Thăng
Linh mục Lê Quốc Thăng đưa ra đánh giá về thực tế ô nhiễm môi trường tại Việt Nam:
“ Phải nói chúng tôi rất bi quan về tình hình ô nhiễm môi trường hiện nay tại Việt Nam.
Tôi có tham dự một cuộc họp của Liên Hội đồng Giám mục Á châu tại Thái Lan vào cuối năm 2013 bàn về vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, thì các nhà chuyên môn cho thấy Việt Nam là (một trong những) nước chịu tác động nhiều nhất của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hiện nay ai đến Việt Nam cũng phải thừa nhận đang phải sống trong một tình trạng ô nhiễm rất nặng nề từ hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu mà nguyên nhân sâu xa là do hậu quả của nạn phá rừng, khai thác thủy điện bừa bãi, khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách quá bừa bãi. Nói như Đức Thánh Cha trong thông điệp mới đây thì đó là tình trạng theo từ của Ngài là ‘ăn cướp của thiên nhiên’ một cách khủng khiếp, nặng nề. Ở Việt Nam thì tình trạng đó rất rõ: chúng ta ngược đãi môi trường quá sức. Mới đây ở Hà Nội chúng ta thấy việc chặt phá mà nói là vì dân thay thế 6700 cây xanh mục ruổng; nhưng thực chất không phải mà là một sự tàn phá môi trường, chặt cây khai thác gỗ để tìm lợi ích cho một nhóm nào đó. Đó là những cái trước mắt, còn chúng ta thấy việc xây dựng những khu dân cư mới tại các vùng đất trũng, những vùng đất để tiêu thoát nước khiến gây ra biến đổi môi trường nặng nề. Hà Nội trở thành ‘Hà lội”; thành phố Sài Gòn càng ngày càng ngập lụt, càng bị triều cường. Đó là tác động của việc khai thác thiên nhiên một cách bừa bãi, cạn kiệt. Nên có thể nói hiện nay tại Việt Nam phải chịu tác động của biến đổi khí hậu và hậu quả rất trầm trọng về môi trường.”
Khó có thể tách bạch chuyện đạo và đời cũng như vật chất với ý thức trong cuộc sống của mỗi con người. Loài người sống trong môi trường thiên nhiên cùng với nhiều sinh vật khác; nhưng con người làm mất cân bằng sinh thái qua những hoạt động lâu nay. Tình trạng hủy diệt diễn ra mà không được quan tâm đúng mức nên cảnh báo như của một người có ảnh hưởng là vị chủ chăn giáo hội Công giáo với 1 tỷ 200 triệu tín đồ trên thế giới cũng là một cảnh báo đáng nghe.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới.

No comments:

Post a Comment