Đài Loan sắp xây xong ngọn hải đăng trên đảo Ba Bình, Trường Sa
Đảo Ba Bình có chu vi 2,8 km với diện tích 43,2 hecta, được bao bọc bởi một vòng đá san hô (Google Map)
Trong tuần tới, Đài Loan sẽ hoàn tất việc xây dựng một ngọn hải đăng trên đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa, Biển Đông, nơi có nhiều nguồn dự trữ về năng lượng và hải sản. Sự kiện này sẽ mở ra khả năng Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu tới thăm đảo này trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 05/2016.
Ngày 01/10/2015, một quan chức thuộc Văn phòng Cảng và Hàng Hải, Bộ Giao thông Đài Loan cho hãng tin Kyodo biết, việc xây dựng ngọn hải đăng đầu tiên trên đảo Ba Bình sẽ được hoàn tất vào thứ Tư hoặc thứ Năm tuần tới (tức là ngày 07 hoặc 08/10). Ngọn hải đăng chạy bằng năng lượng mặt trời sẽ sớm đi vào hoạt động.
Trong vùng quần đảo Trường Sa, Ba Bình là hòn đảo lớn nhất, có tên quốc tế là Itu Aba, hiện do Đài Loan quản lý và gọi là đảo Thái Bình. Theo website của Văn phòng Cảng và Hàng hải Đài Loan, việc xây dựng ngọn hải đăng nhằm « tăng cường chủ quyền quốc gia và bảo đảm an toàn giao thông ».
Ngoài ngọn hải đăng, trên đảo Ba Bình, Đài Loan còn đang thực hiện hai dự án khác và cả hai có thể được hoàn tất vào cuối năm nay. Thứ nhất là dự án xây cầu cảng của Cơ quan Tuần duyên Đài Loan, để có thể đón tiếp tàu có trọng tải tới 3000 tấn và các tàu của lực lượng tuần duyên. Thứ hai là dự án nâng cấp phi đạo mà Bộ Quốc phòng Đài Loan đã xây dựng từ năm 2008. Việc kéo dài phi đạo cho phép triển khai các máy bay tiêm kích.
Hồi tháng Sáu năm 2015, Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu cho biết, ông có thể tới thăm đảo Ba Bình để thúc đẩy « Sáng kiến Hòa bình ở Biển Đông », mà ông đưa ra hồi tháng Năm 2015. Trước đây, Tổng thống Đài Loan Trần Thủy Biển đã tới thăm đảo Ba Bình, trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 05/2008. Vào thời điểm đó, ông Trần Thủy Biển đã đưa ra cái gọi là « Sáng kiến Trường Sa » để làm giảm căng thẳng tại các vùng có tranh chấp chủ quyền.
« Sáng kiến Hòa bình ở Biển Đông » của ông Mã An Cửu có nhiều điểm tương đồng với « Sáng kiến Trường Sa », như kêu gọi các bên tự kiềm chế, tránh các hành động khiêu khích, tuân thủ luật pháp quốc tế và tạm xếp vấn đề chủ quyền sang một bên để cùng nhau hợp tác thăm dò, khai thác tài nguyên trong khuôn khổ một kế hoạch chung.
Biển Đông là nơi có nhiều khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc, Đài Loan với một số nước Đông Nam Á, như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment