Lý Khắc Cường : "Trung Quốc vẫn vượt qua khó khăn" dù tăng trưởng không đạt 7 %
Thủ tướng Lý Khắc Cường cố gắng trấn an về tình hình kinh tế quốc gia - Reuters /Jason Lee
Hai ngày trước khi khai mạc Đại hội Trung ương 5, phát biểu tại Trường Đảng ở Bắc Kinh, Thủ tướng Lý Khắc Cường cố gắng tỏ ra lạc quan về tình hình kinh tế quốc gia.
Theo hãng thông tấn Pháp, trong buổi nói chuyện vào chiều ngày 24/10/2015 tại Trường Đảng trung ương, ông Lý Khắc Cường nhìn nhận tăng trưởng của nền kinh tế thứ 2 toàn cầu trong năm nay có thể không đạt được 7% như mong đợi.
Dù vậy theo ông, Trung Quốc nhờ vào « những tiềm năng to lớn » vẫn có thể vượt qua những thách thức đang đặt ra. Tuyên bố nói trên nhằm xua tan những lo ngại về thực trạng kinh tế của Trung Quốc sau khi Tổng cục thống kê vào tuần trước công bố tỷ lệ tăng trưởng của quý 3/2015 : Lần đầu tiên từ năm 2009 tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc chỉ đạt 6,9 %.
Phát biểu của Thủ tướng Lý Khắc Cường được đưa ra ngay sau khi phó thống đốc Ngân hàng Trung Quốc Trung Quốc, Dịch Cương (Yi Gang) tuyên bố : GDP của Trung Quốc trong giai đoạn 5 năm sắp tới (2016-2020) tăng trưởng ở khoảng từ 6 đến 7 % một năm.
Đại hội Trung ương 5 mở ra từ ngày 26 đến 29/10/2015 tại Bắc Kinh. Một trong những ưu tiên của kỳ họp này nhằm soạn thảo kế hoạch phát triển cho 5 năm sắp tới. Trung Quốc cần duy trì tỷ lệ tăng trưởng tối thiểu 7 % một năm để đạt được mục tiêu nhân thu nhập đầu người lên gấp đôi vào năm 2020, so với thời điểm của năm 2010.
Trung Quốc chờ thời cơ để gia nhập TPP ?
Tờ báo Study Times được phát hành một tháng đôi lần để phổ biến cho các sinh viên Trường Đảng Trung Quốc trong số ra ngày 25/10/2015 nhận xét Bắc Kinh sẽ tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương vào « thời điểm thuận lợi ».
Tờ báo này không vòng vo : một số lãnh đạo Bắc Kinh coi hiệp định TPP là một « âm mưu » chống Trung Quốc nhằm ngăn chận tham vọng vươn ra thê giới của quốc gia này. Nhưng báo Study Times viết thêm : những mục tiêu TPP hướng tới, cũng là những mục đích được Bắc Kinh theo đuổi. Bắc Kinh sẽ gia nhập TPP « vào thời điểm thích hợp ».
Hiện Bắc Kinh đang thúc đẩy một hiệp định thương mại riêng, có tên gọi là Hiệp định đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP bao gồm 16 quốc gia. Trong đó có 10 thành viên ASEAN và 6 nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. RCEP là một dự án với mục đích là tạo thế đối trọng với TPP.
Cùng chủ đề
No comments:
Post a Comment